VƯỢT KHỎI TRÍ THỨC LÀ TRẠNG THÁI CỦA ĐƠN GIẢN

DILGO KHYENTSE RINPOCHE

Trích: Kho tàng tâm của các bậc giác ngộ – Sự thực hành cái thấy, thiền định và hành động. Một bài giảng tốt đẹp trong lúc bắt đầu, lúc giữa và kết thúc; Dịch từ tiếng Tây Tạng bởi nhóm dịch thuật Padmakare; Việt dịch: An Phong và Đương Đạo; Thiện Tri Thức, 2000

 

Bằng cách khảo sát chân lý tương đối, hãy an lập chân lý tuyệt đối;
Ở trong chân lý tuyệt đối, hãy thấy chân lý tương đối khởi lên như thế nào.
Nơi cả hai chân lý không tách lìa, vượt khỏi trí thức, là trạng thái của đơn giản;
Trong cái thấy thoát khỏi mọi tạo tác, hãy trì tụng thần chú sáu âm.

 

 

Trong chân lý quy ước, tương đối, chúng ta có thể chấp nhận rằng thế giới hiện tượng có thể bị phá vỡ thành những phần tử không còn có thể phân chia; nhưng luận lý của Trung Đạo chứng tỏ rằng những phần tử đó không bao giờ có một hiện hữu độc lập và thường hằng nào. Như thế, làm sao chúng ta có thể nói rằng những đối tượng vật chất là thực sự hiện hữu? Tương tự, dù chúng ta cố gắng chia chẻ tâm thức thành những khoảnh khắc của thức không còn có thể phân chia, chúng ta thấy rằng những cái này rốt ráo cũng không có một hiện hữu cụ thể có thể sờ nắm nào cả.

Nhận biết sự tương tục và toàn khắp của bản tánh trống không này, sự vô tự tánh này, là nhận biết chân lý tuyệt đối. Đây là trạng thái tự nhiên vốn như thế của tâm thức, không bị chạm nhiễm bởi bất kỳ che chướng nào, trong đó tất cả hiện tượng được thấy như Phật thấy chúng, như mộng hay như ảo ảnh huyễn thuật. Ở đây, những tư tưởng không làm sanh ra những cảm xúc tiêu cực hay tích tập nghiệp, những hoàn cảnh thuận lợi không tạo ra kiêu hãnh hay luyến chấp, và những hoàn cảnh trái nghịch nhanh chóng được chuyển hóa thành con đường của giác ngộ – ví dụ, một sự gặp gỡ với người nào chọc giận các bạn, thay vì khởi nóng giận, nó lại giúp các bạn phát sanh lòng bi và trở thành một dịp may để nhận biết chân lý tuyệt đối không tách lìa với Bồ đề tâm. Nếu các bạn không thể bỏ đi sự luyến chấp vào những sự vật, đấy chỉ vì các bạn không nhận biết bản tánh Không của chúng. Một khi các bạn đã chứng ngộ bản tánh Không này, các bạn không còn cảm thấy kiêu hãnh vì thành công như mộng hay thất vọng bởi thất bại như mộng nữa.

Một số người thấy mình được bao bọc bởi sắc đẹp, tiện nghi, dư dả tự nhiên và an toàn, trong khi những người khác có thể phải sống trong khó nhọc, cằn cỗi, nghèo túng và những môi trường nguy hiểm. Bây giờ, đấy không phải là kết quả của may mắn hay của sắp xếp ngẫu hứng nào. Được sanh ra trong một nơi dễ chịu là kết quả của sự rộng lượng, hay giúp đỡ và đức hạnh trong những đời trước; trong khi những hoàn cảnh sống thù nghịch là hậu quả của sự làm hại những người khác trong những đời trước bằng cách tấn công họ, bỏ tù họ v.v… Những hiện tượng không phải là công việc của một đấng sáng tạo; chúng chỉ là cái biểu lộ ra như kết quả phối hợp của nhiều nhân và duyên. Như là kết quả của ánh sáng mặt trời chiếu qua một màn mưa, một cầu vồng xuất hiện trên bầu trời, cũng thế, như là kết quả của một số lớn những hành động trong những đời quá khứ của các bạn, trong đời này các bạn hoặc là hạnh phúc, khỏe mạnh, giàu có và được mọi người yêu mến hay bất hạnh, nghèo khó, bệnh tật bao vây và bị khinh thường. Thật vậy, mỗi chi tiết của vũ trụ và chúng sanh chứa đựng không gì khác hơn kết quả của nhiều yếu tố liên lập hội họp nhau trong chốc lát; đấy là tại sao tất cả hiện tượng quá đỗi vô thường và chịu sự biến dịch thường hằng đến thế.

Thế nên khi các bạn khảo sát sự vật gì một cách sâu xa, các bạn luôn luôn đi đến tánh Không và chỉ có tánh Không; tánh Không là bản chất tuyệt đối của mọi sự. Là những người sơ học, chúng ta có thể đang ở trên con đường tích tập hay con đường kết hợp, những chúng sanh bình thường chúng ta chưa có sự chứng ngộ thật sự tánh Không. Chúng ta biết rằng khói chỉ ra sự hiện diện của lửa nhưng nó không chính là lửa; tuy nhiên, bằng cách theo khói chúng ta có thể tìm thấy lửa. Tương tự, quan trọng là hiểu rằng cái thấy về tánh Không là không cùng một thứ với kinh nghiệm thực sự về tánh Không; nhưng bằng cách theo cái thấy và trở nên quen thuộc với nó, chúng ta sẽ đến chỗ chứng ngộ thực sự bản thân tánh Không, thoát khỏi mọi ý niệm hay lý thuyết. Đây là cái hiểu tối hậu của Trung Đạo, sự không tách lìa hai thứ chân lý, sự hợp nhất của những hình tướng và tánh Không.

Bản tánh Không của tất cả hiện tượng là chân lý tuyệt đối, và cách thức chúng xuất hiện là chân lý tương đối. Bằng cách khảo sát chân lý tương đối các bạn sẽ đến chỗ chứng ngộ chân lý tuyệt đối, bởi vì chân lý tuyệt đối là bản tánh tối hậu của mọi sự. Nếu toàn thể thế giới – tất cả châu lục, núi rừng của nó – bị tiêu hoại và hoàn toàn biến mất, chỉ có hư không toàn khắp còn lại. Một cái gì rất tương tự xảy ra khi các bạn thực sự chứng ngộ những hiện tượng tương đối là gì, rằng chúng không hiện hữu như những thực thể cứng đặc: không có gì còn lại ngoài tánh Không toàn khắp. Nhưng chừng nào các bạn còn tin vào sự hiện hữu cứng đặc, hữu hình của chân lý tương đối, các bạn sẽ không bao giờ có thể chứng ngộ chân lý tuyệt đối. Một khi các bạn chứng ngộ chân lý tuyệt đối, các bạn sẽ thấy cái gì xuất hiện trong nó – trò chơi vô tận, toàn thể của những hiện tượng tương đối – như không gì khác hơn một ảo tưởng hay một giấc mộng, mà các bạn sẽ chẳng cảm thấy chút gì luyến bám. Chứng ngộ rằng hình tướng và tánh Không là một chính là điều gọi là đơn giản, hay sự giải thoát khỏi mọi giới hạn ý niệm, giải thoát khỏi mọi tạo tác.

 

 

Hai chân lý không phải là hai thực thể phân biệt, như những cái sừng của một con bò; chúng chỉ là những phương diện “xuất hiện’ và “trống không” của trạng thái bổn nhiên. Trước tiên đã hiểu cái thấy một cách trí thức, hãy khai triển kinh nghiệm đầu tay và tin vào tính nhất như của hình tướng và tánh Không. Sự chứng ngộ về tính bất khả phân của hai chân lý là một kinh nghiệm sâu xa, hoàn toàn vượt khỏi mọi ý niệm trí thức. Đây là yoga của tính đơn giản. Duy trì cái thấy này, hãy trì tụng thần chú sáu âm.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. LÒNG SÙNG MỘ VỚI MỘT VỊ THẦY
  2. THỰC HÀNH GURU YOGA – VIÊN NGỌC NHƯ Ý
  3. SỰ QUÁN TƯỞNG – NƠI CHỐN NHƯ MỘT CÕI PHẬT

Bài viết mới

  1. ĐI QUA ĐỪNG CÓ ĐỐT CẦU, ĐỂ NGÀY CẦN ĐẾN CÓ CẦU MÀ ĐI
  2. BỔN PHẬN
  3. ĐỔ LỖI CHO AI ?