TRẦN THỊ THÙY TRANG
Trích: Tìm Đường Tuổi 20s; NXB. Lao động – Xã hội; Công ty CP Sách Alpha, 2017
Về tác giả
Trần Thị Thùy Trang sinh năm 1990, là người sáng lập và CEO của Domino Education. Trang thường xuyên tham gia giảng dạy các khóa học MOOC (Massive Open Online Course) tại ĐSQ Hoa Kỳ, giúp các bạn trẻ tiếp cận với nguồn tri thức từ các trường Đại học hàng đầu thế giới.
Trang từng giành được học bổng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, sau đó được lựa chọn là gương mặt trẻ tiêu biểu gặp gỡ Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, được mời làm nhân vật quay video phỏng vấn bởi Ngài Đại sứ Ted Osius…
—– ?☘️? —–
Tôi đã rất tích cực tham gia các hoạt động của Hanoikids. Tuy nhiên, việc được chọn làm chủ tịch câu lạc bộ sau một năm hoạt động vẫn hoàn toàn nằm ngoài dự kiến của bản thân.
Đó là thời điểm tháng tám khi tôi chuẩn bị bước vào năm thứ ba đại học. Ban lãnh đạo cũ quyết định đây là thời điểm chuyển đổi đội ngũ đứng đầu câu lạc bộ. Ngày bầu cử diễn ra, tôi đến dự với tâm trạng hồi hộp chờ mong xem ai sẽ là nhân vật được lựa chọn cho vị trí sáng giá nhưng đầy trách nhiệm này. Tôi hoàn toàn không nghĩ gì đến việc mình sẽ được bầu vào vị trí đó. Tuy nhiên, điều khiến tôi bất ngờ nhất là trong khi đại đa số mọi người đều muốn tôi làm chủ tịch thì ông anh cực kỳ thân thiết với tôi lại kịch liệt phản đối.
Anh là người thân thiết và hiểu tôi, nên những gì anh nói khiến tôi phải đắn đo, suy nghĩ rất nhiều. Bản thân anh đã chứng kiến những lúc tôi yếu đuối, những lúc tôi tủi thân nhất. Tôi vốn nhạy cảm, dễ vui dễ khóc, lại bé nhất trong ban lãnh đạo ngày ấy. Khá dễ hiểu khi anh nghĩ tôi còn quá non nớt, không đủ mạnh mẽ và chín chắn để làm chủ tịch một câu lạc bộ đến cả trăm thành viên.
Tôi đã phải đấu tranh rất nhiều để vượt lên những định kiến của anh về khả năng lãnh đạo của tôi, và quan trọng hơn cả là định kiến tự tôi đặt ra về năng lực của mình. Ngày ấy tôi vẫn nghĩ mình yếu đuối, non nớt lắm, tôi vẫn nghĩ nhạy cảm là một nhược điểm khi làm lãnh đạo.
Buổi sáng hôm đó tôi nhận lời làm chủ tịch, phần nào cũng vì chị quản lý cũ của tôi có nói: “Trang là người sẵn sàng đón nhận các thử thách mới, sẵn sàng tạo ra sự khác biệt. Và Hanoikids thời điểm này cần một lãnh đạo như thế.”
Về nhà tôi mới chột dạ, thấy sợ lắm. Thời điểm đấy tôi đang làm trưởng ban training, quản lý chưa đến 10 người. Đã bao giờ tôi quản lý đến cả trăm thành viên đâu. Tôi lại là người sẽ quyết định ban điều hành mới, là người sẽ quyết định cách thức vận hành và bộ máy của tổ chức. Hanoikids ngày ấy vẫn chưa được quy củ cho lắm, mà số lượng thành viên lại đông. lôi toát mồ hôi vì sợ và lo.
Thời điểm bắt đầu làm chủ tịch, tôi tự cảm nhận trong câu lạc bộ, ngoài ông anh tôi chơi thân, một số người khác cũng không đồng tình, không tin tôi có thể làm tốt, phần nào vì tôi còn ít tuổi. Đã nhiều người hoài nghi về năng lực của tôi, nếu bản thân tôi cũng hoài nghi thì chắc chắn không còn gì tệ hại bằng.
Người lãnh đạo vừa thiếu niềm tin vào bản thân lại không có được sự tín nhiệm của những người đồng hành sẽ chẳng đưa tổ chức đi được đến đâu.
Tôi cảm thấy bế tắc, không biết phải bắt đầu thế nào. Tôi quyết định chủ động hẹn gặp chị quản lý cũ, người đã tin tưởng rằng tôi thích hợp với vị trí chủ tịch câu lạc bộ.
Khi cảm thấy bế tắc, hãy đọc một cuốn sách, tham khảo các bài viết, bài giảng online chuyên sâu về vấn đề mình gặp phải, hoặc đi gặp một “tiền bối” có nhiều kinh nghiệm hơn mình. Những cuộc gặp đó có thể không giúp mình có câu trả lời chính xác, không giúp mình có được giải pháp ngay tức thì. Đôi khi chỉ cần có người đi trước trấn an rắng họ cũng từng ở hoàn cảnh như vậy, cho mình niềm tin vào bản thân, thế đã là quá đủ. Chỉ cần mình thoát ra được cái cảm giác nghi ngờ, thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực, việc đi tìm câu trả lời hay giải pháp sẽ không còn quá khó khăn.
Trong buối hẹn gặp, chị không nói nhiều về giải pháp hay hướng đi cho câu lạc bộ. Nhưng chị giúp tôi nhận ra những thế mạnh của mình đã được bộc lộ ra sao từ quá trình làm việc trước đó, và tôi cần lấy đó làm nền móng cho niềm tin vào năng lực của bản thân.
Về nhà, tôi ghi chép lại những điều tích cực về mình. Để mỗi lần sự nghi ngờ bản thân trỗi dậy, tôi sẽ mở ra đọc để cân bằng lại.
Thường khi chúng ta bị rơi vào những cảm xúc tiêu cực, nhất là khi đang hoài nghi chính mình, ta sẽ dễ bị những nhược điểm; những điều không hay, những trải nghiệm thất bại trong quá khứ lấn át, áp đảo và quên đi những ưu điểm mình có. Để thoát ra được; ta cần lấy lại sự cân bắng. Những bằng chứng về thế mạnh của bản thân và những thành công ta đạt được trong quá khứ sẽ giúp bản thân có được sự cân bằng đó.
Lấy lại được niềm tin vào bản thân, tôi bắt đầu tập trung hơn vào hành động và giải pháp. Tôi không thể chứng minh bằng lời nói, chỉ có thể bằng hành động. Tôi không thuộc về những người sẽ tổ chức một cuộc họp toàn câu lạc bộ và hô hào “Hãy tin tôi.” Với tôi, chỉ nghe thế thôi đã thấy lố bịch, nực cười. Nếu tôi muốn mọi người không còn hoài nghi về năng lực, khả năng của mình, tôi phải giúp Hanoikids phát triển lớn mạnh, phải tiến được thật xa, phải tạo được sự khác biệt.
Thi thoảng đâu đó trong tôi vẫn còn cảm giác lo lắng, bất an về vai trò của mình và tương lai của Hanoikids. Tuy vậy, trong hồi hộp lo lắng, cũng có một điều gì tươi mới và hy vọng trong tôi.
Cả hai cảm xúc ấy cùng tồn tại, nhưng có lẽ trong cuộc sống thực tế, chúng ta phải lựa chọn: Sống với nỗi Ío âu về những điều không chắc đã xảy ra, hay tập trung vào thực tại để giải quyết vấn đề. Và rõ ràng, giải pháp và hành động sẽ không thể xuất hiện nếu ta chỉ mải Ìo âu.
Để giúp Hanoikids phát triển, tôi không thể làm điều đó một mình. Tôi chủ động liên lạc với những người tiềm năng cho ban lãnh đạo của câu lạc bộ để hẹn gặp riêng và lắng nghe suy nghĩ của từng người về hướng đi cho Hanoikids.
Ngày trước tôi cứ nghĩ việc mình quá nhạy cảm là nhược điểm lớn khi làm lãnh đạo. Sau tôi mới hiểu rằng chính điều đó khiến tôi luôn có sự chuẩn bị tốt, có khả năng lắng nghe và đặt mình vào vị trí người khác để thấu hiểu và cảm thông. Tôi không có lối đao to búa lớn, hùng dũng, hoành tráng. Nhưng tôi có sức mạnh mềm giúp tạo dựng niềm tin, giúp kết nối một cách sâu sắc với đồng nghiệp, giúp mọi người gạt đi cái tôi riêng biệt để hướng đến cùng một mục tiêu cao nhất cho tổ chức: phát triển Hanoikids.
Và đó thực sự là một “team” điều hành tuyệt vời.
Sau khi đã ổn định bộ máy, thiết lập các quy trình làm việc, vận hành tố chức ổn định, quản lý được hơn 200 thành viên, tôi bắt đầu nghĩ đến việc làm sao để phát triển Hanoikids lên một tầm mới. Cô bé sinh viên 20 tuổi ngày ấy đã mơ đến việc mang Hanoikids ra thế giới. Tôi nộp hồ sơ để được đi giới thiệu Hanoikids tại các hội thảo quốc tế và được khá nhiều nơi mời thuyết trình. Có điều là, tôi phải tự lo vé máy bay. Ngày ấy câu lạc bộ còn nghèo, bản thân tôi cũng chẳng có đủ tiền để chi cho những khoản đó, nên đành tiếc hùi hụi những cơ hội như vậy.
Nhưng tôi vẫn không bỏ cuộc. Tôi đã quyết tâm sẽ giúp Hanoikids có bước tiến thật xa. Tôi sẽ phải làm được. Không cách này thì cách khác.
Sau khi làm thực tập sinh tại Đại sứ quán Mỹ một thời gian, tôi bắt đầu nhận thấy một cơ hội rất hay cho câu lạc bộ. Các đại sứ quán là nơi đón tiếp các vị khách VIP, các chính khách từ quốc gia của họ. Nếu xây dựng được uy tín của Hanoikids với các đại sứ quán, và giúp Hanoikids có được cơ hội dẫn tour cho các chính khách, câu lạc bộ sẽ phát triển lên một tầm mới.
Thời còn làm MC tiếng Anh cho các chương trình văn hóa của Hanoikids, tôi có quen một bác người Mỹ khá thú vị. Tôi vẫn còn nhớ ngày gặp bác ở một quán cà phê gần Đại học Ngoại thương, tôi đã choáng ngợp trước rất nhiều các hoạt động cộng đồng mà bác đã làm. Bác bảo điều bác thích nhất ở tôi là sự nhiệt huyết và hết mình với những việc mình làm.
Qua những câu chuyện trao đổi, tôi còn biết bác có nhiều hoạt động với các đại sứ quán. Tôi biết đây chính là “contact” Hanoikids cần để được dẫn tour cho chính khách.
Người ta thường bảo rằng, thời nay những mối quan hệ quyết định một phần quan trọng cho thành công. Người ta cũng thường bảo rằng những người trầm tính, nhạy cảm, không quảng giao sôi động sẽ đánh mất những cơ hội khi giao tiếp xã hội. Đúng là họ sẽ gặp phải những hạn chế nhất định. Tuy nhiên chính sự nhạy cảm, biết lắng nghe lại giúp họ tạo ra được niềm tin và sự thoải mái ở người khác – những quan hệ xã hội của họ có thể không rộng lớn, nhưng sâu sắc; và trên hết là thật lòng.
Ngày tôi biết tin Thủ tướng Úc sắp sang Việt Nam, tôi đã dũng cảm đề nghị bác giới thiệu với Đại sứ quán Úc để Hanoikids được dẫn tour cho nhân vật đặc biệt này.
Bác nhìn tôi cười cười: “Có chắc là Hanoikids làm được không?”
Tôi thấy hơi ngượng chút nhưng vẫn cười toe gật đầu.
Vài ngày sau tôi nhận được điện thoại từ Đại sứ quán Úc. Hanoikids đã được lựa chọn dẫn tour cho Thủ tướng Úc trong chuyến thăm của bà sang Việt Nam!
Sự kiện Hanoikids dẫn tour cho Thủ tướng Úc đã đưa hình ảnh Hanoikids lên một tầm mới. Sau sự kiện đó, báo chí, truyền hình liên tục đưa bài về câu lạc bộ. Các đại sứ quán cũng liên hệ mỗi khi có chính khách sang thăm, muốn được trải nghiệm đi tour cùng các cô cậu sinh viên đầy năng lượng, nhiệt huyết.
Vì vướng lịch du học nên tôi chỉ làm chủ tịch Hanoikids trong 10 tháng. Nhưng đó là 10 tháng đẹp nhất trong đời sinh viên của tôi. Đẹp nhất vì nó giúp tôi luôn phải nỗ lực vượt qua giới hạn mà mình ngỡ là không thể vượt qua, để từ một cô bé rụt rè, tự ti, nhút nhát, một bản sao mờ nhạt, chẳng ai tin có thể làm nên điều gì nổi bật, trở thành một cô gái tự tin, dũng cảm tiến về phía trước, chinh phục những dấu mốc mới trên con đường tuổi trẻ của mình.