XÃ HỘI AN VUI

NGUYỄN THẾ ĐĂNG

Trong kinh tế, một doanh nghiệp cho đến một quốc gia muốn hoạt động tốt phải có nguồn vốn như là cái căn bản làm nền tảng cho sự hoạt động tốt và phát triển. Trong xã hội, cũng phải có vốn xã hội (social capital), tài nguyên xã hội, để nuôi dưỡng và phát triển xã hội.

Vốn xã hội là một thuật ngữ mà L. J. Hanifan đưa ra lần đầu tiên vào năm 1916 và từ sau nửa thế kỷ 20 thuật ngữ này đã được các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách kinh tế, chính trị, xã hội quan tâm nhiều và trở nên phổ biến. Hanifan đã định nghĩa như sau:

“Vốn xã hội là cái trong đời sống làm cho những vật chất có giá trị hơn trong đời sống hàng ngày của con người như thiện ý, sự đoàn kết, sự đồng cảm, quan hệ xã hội giữa các cá nhân và các gia đình, tạo nên một xã hội. Nếu một người nối kết với những người chung quanh, và những người này với những người chung quanh khác, sẽ có được một tích lũy vốn xã hội, việc này sẽ đáp ứng ngay những nhu cầu xã hội của anh ta và có thể mang một tiềm năng xã hội đủ để đến một tiến bộ về chất của những hoàn cảnh sống của toàn thể cộng đồng. Cộng đồng như một toàn thể sẽ được lợi ích bởi sự cộng tác của tất cả những thành phần của nó, trong khi cá nhân sẽ tìm thấy trong sự hợp tác của nó như những lợi ích về giúp đỡ, sự thông cảm và tình bè bạn với những người chung quanh” (Wikipedia).

Theo Từ điển Oxford thì, “Vốn xã hội là một mạng tương quan giữa những con người sống và làm việc trong một xã hội, khiến cho xã hội đó vận hành hiệu quả”.

Tóm lại vốn xã hội là một dạng tài nguyên tái tạo đặc biệt, được tạo ra bằng lao động chân tay và trí óc, khả năng quản lý xã hội, tập quán, tôn giáo của các cộng đồng người. Vốn xã hội là những giá trị phi vật thể, những giá trị tinh thần khó nhìn thấy làm nền tảng cho sự phát triển bền vững và ý nghĩa cho xã hội, nghĩa là ý nghĩa cho cuộc sống con người.

Chỉ phác họa sơ như thế, chúng ta tự hỏi để có một xã hội an vui và hướng đến sự hoàn thiện của nó, thì đâu là vốn xã hội, tài nguyên xã hội của nó? Đâu là vốn xã hội của người Việt chúng ta?

— ✨✨✨ —

 

Chúng ta liệt kê ra một số điều đã từng là nguồn vốn xã hội cho người Việt, và chắc chúng sẽ còn phát triển vì đó là những giá trị của nhân loại.

1/ Luật vàng của những tương quan xã hội.

Luật vàng này nằm trong nhiều nền văn hóa và tôn giáo. Đó là “Điều mình không muốn, chớ làm cho người. Điều mình mong muốn, hãy làm cho người”.

Phật giáo còn củng cố lời khuyên, lời kêu gọi đạo đức này bằng định luật nhân quả. Chính định luật nhân quả này làm lời kêu gọi đạo đức ở trên thành một mệnh lệnh tất yếu. Người nào muốn sống hạnh phúc, an vui thì phải làm và sống theo đó. Xã hội nào muốn có hạnh phúc, an vui thì phải làm và sống theo đó.

Trong truyền thống văn hóa Việt Nam điều này đã được ghi trong nhiều ca dao, tục ngữ.

Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ.

 

Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu.

 

Ai ơi hãy ở cho lành

Kiếp này chẳng gặp để dành kiếp sau.

Để có một xã hội tốt đẹp, chúng ta phải phổ biến Luật vàng này vào trong mọi lãnh vực của xã hội. Bởi vì ngay cả trong khoa học vẫn dựa trên định luật nhân quả: Có quả thì phải có nhân; có nhân thì phải có quả; nhân nào quả ấy.

2/ Mục đích và ý nghĩa đời sống.

Mục đích và ý nghĩa đời sống là tự hoàn thiện mình, nâng cấp cuộc đời của mình và hoàn thiện cho người khác, nâng cấp cho cuộc đời người khác. Khi nhiều người được hoàn thiện thì xã hội sẽ hoàn thiện. Chúng ta thấy có những xã hội rất giàu có, phát triển mạnh về kinh tế, nhưng lại sản xuất ra nhiều tội phạm, nhiều kẻ hư hỏng, sa xuống thay vì đi lên. Sở dĩ như thế bởi vì chỉ chú trọng một vài mặt của con người, không chú trọng đến tất cả mọi phương diện của con người, nhất là những phương diện căn bản để con người phát triển hướng thượng. Tự hoàn thiện là hoàn thiện về tất cả mọi mặt của con người, tức là mặt thân thể, mặt ý thức và mặt tâm linh.

Con người không phải sinh ra đời này để chỉ đứng một chỗ, cần phải tiến bộ để trở thành người hoàn thiện hơn, cao cấp hơn.

Hoàn thiện (to perfect), huấn luyện (to train), mà chữ dùng từ xưa đến bây giờ là “tu tập”.

Thứ nhất là tu tại gia

Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa.

 

Lênh đênh qua cửa thần phù

Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.

 

Ra đi gặp vịt thì lùa

Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu.

3/ Phát triển tình thương yêu.

Như những định nghĩa ở trên, vốn xã hội được tạo ra và phát triển bằng những mối tương quan, nối kết giữa người và người. Cái quyết định cho những tương quan, nối kết ấy là tình thương yêu giữa người và người. Từ tình thương yêu ấy mà có những đức tính khác như khoan dung, tha thứ, nhẫn chịu, nhường nhịn… và tình thương yêu là động lực chính trong việc muốn làm điều tốt cho người khác.

Ngược lại, nếu từ một gia đình cho đến một xã hội chỉ có thù ghét, tranh giành, đối đầu, sợ hãi… thì đó là một gia đình và một xã hội tan rã, vì mất những tương quan, nối kết lành mạnh.

Tục ngữ ca dao của chúng ta có rất nhiều câu nói về tình thương yêu.

Thương người như thể thương thân.

 

 Anh em như thể tay chân.

 

Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Dẫu xây chín bậc phù đồ

Không bằng làm phúc cứu cho một người.

Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

4/ Phát triển trí huệ.

Trí huệ là cái rất cần trong đời sống hàng ngày. Nó biết phân biệt đúng sai, cái gì nên làm cái gì không nên làm. Cùng với tình yêu thương, nó biết phân biệt cái gì lợi cho mình nhưng hại cho người, cái gì làm cho cả hai đều được lợi lạc, về cả mặt vật chất lẫn tinh thần…

Trong đời sống xã hội, trí huệ là biết những tương quan, nối kết không phải là một chiều, hai chiều mà rất nhiều chiều. Một con người sống tức là sống cùng, sống với những người khác. Nó không độc lập mà liên lập (interdependent), nó sống khi nương dựa, nhờ cậy vào mọi người khác. Không thể có sự sống của một con người nếu không có sự sống của những người khác và những sự vật khác.

Một cái thấy có trí huệ như vậy sẽ mở rộng đời sống của một cá nhân khiến nó có thể thoát ra khỏi cuộc sống của một ‘cái tôi và cái của tôi’ nhỏ hẹp. Tình thương yêu cũng nhờ cái thấy ‘liên lập’ này mà càng mở rộng đến tất cả người và vật, vì tất cả đều chung sống với nhau trong sự liên lập.

Với trí huệ và tình thương, chúng ta có một cái tôi mở rộng để thành một cái tôi nối kết xã hội, một cái tôi thế giới, một cái tôi vũ trụ. Cái tôi vũ trụ này có ngay nơi con người; khi con người phát triển trọn vẹn.

Phật tại tâm

“Phật tại tâm” này trong đạo Phật thường tượng trưng bằng hoa sen, như kinh Diệu Pháp Liên Hoa, và trong đời sống Việt Nam, hoa sen được trồng khắp nơi và tượng trưng cho sự thanh tịnh, vươn cao, sự trọn vẹn, đầy đủ cả hoa và hạt (sen), đầy đủ cả nhân và quả. Trong ca dao có rất nhiều câu ca ngợi hoa sen. Chẳng hạn:

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Xã hội an vui lý tưởng là khi mỗi người phát triển toàn bộ thân khẩu tâm của mình như một hoa sen vượt khỏi bùn, vươn lên khỏi nước để nở hoa trong ánh sáng. Khi ấy mối tương quan, nối kết xã hội là sự tương tác hài hòa, vui sống giữa những con người – hoa sen:

Trần trần sát sát Như Lai

Chúng sanh mỗi người mỗi có hoa sen

Hoa là bản tánh trạm viên

Bao hàm thiên địa dưới trên cùng bằng

(Chân Nguyên Tuệ Đăng)

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHÚNG TA ĐẾN TRẦN GIAN NÀY ĐỂ LÀM GÌ ?
  2. ĐỂ SỐNG ĐỜI SỐNG CÓ Ý NGHĨA
  3. HẬU QUẢ TẤT YẾU CỦA MỘT XÃ HỘI ĐÁNH MẤT “THÀNH TÍN” LÀ GÌ?

Bài viết khác của tác giả

  1. BỒ TÁT HẠNH PHẬT HÓA THẾ GIAN
  2. TU QUÁN
  3. ĐỜI SỐNG XÃ HỘI: CƠ HỘI TẠO DỰNG HẠNH PHÚC

Bài viết mới

  1. HÀO PHÓNG – VẼ LẠI NHỮNG LẰN RANH
  2. NHỮNG KẺ ĐỊCH THÂN CẬN
  3. KHẢ NĂNG TRUYỀN CẢM HỨNG