XỬ LÝ CẢM GIÁC

HEINZ HILBRECHT

Trích: Thiền và não bộ; Ngụy Hữu Tâm dịch Việt; NXB Thời Đại, 2012

 

Sợ hãi là một trải nghiệm chủ yếu, ai cũng biết. Có người sợ hãi nhiều, có người sợ hãi ít. Cơ bản chỉ là những phản ứng hãi hùng vô thức như thế và mau qua. Thân xác bị xô vào trạng thái báo nguy, nó phản ứng hoàn toàn tự động. Vậy nên nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sợ hãi với phản xạ tương ứng là thoát ra ngoài ý thức. Đã có thể chứng minh được là chỉ có những cơ bắp nhất định đáp lại kích thích gây sợ hãi theo một cách hoàn toàn xác định. Điện áp ở các cơ bắp ấy thậm chí là thước đo mức độ sợ hãi của con người, Willi Zeidler (2007) đã từng xử lý cặn kẽ chủ đề này và trích dẫn nhiều công trình của những nhà khoa học khác.

Lúc sợ hãi thì hạch hạnh nhân trong não bộ nắm vai trò chủ chốt. Hạch hạnh nhân vốn có nhiều liên hệ thẳng và nhanh với các giác quan. Thông thường, các sợi thần kinh của mắt chẳng hạn vẫn truyền tín hiệu đến các nơi có thẩm quyền trong não bộ, để các nơi này xóa các lỗi hình, nhận màu sắc, nắm bắt hình khối rồi tiếp theo mấy bước nữa, lấy tin ra từ hình ảnh. Hạch hạnh nhân vốn đã trực tiếp nhận được hình ảnh, không màu sắc, cũng không có những kết quả xử lý trên kia (Roth 2003). Nó chỉ phải phân biệt về cơ bản: có hay không có nguy cơ. Nếu như có cái gì đó với tốc độ cao lao vút tới trước mặt ta não sẽ báo đó là thứ nguy hiểm: hai mắt tức thì nhắm nghiền, đầu nghiêng ngay sang bên, hai bàn tay giơ cao. Phản ứng ấy vô thức, bởi lúc đó các cấp có thẩm quyền kia ở trong não bộ hãy còn đang bận xử lý những kích thích giác quan đã nhận. Thế là ý thức cũng chẳng có tấm hình nào (theo đúng nghĩa) của cái vật đang bay tới. Phản xạ sợ hãi thậm chí được kích hoạt ngay cả khi kích thích hãy còn quá ngắn ngủi để có thể có được ý thức tiếp nhận trọn vẹn.

 

Các tế bào thuộc vùng PVT vươn sâu vào vùng hạch hạnh nhân của bộ não (khu vực được đánh dấu màu đỏ), có ảnh hưởng then chốt đến việc nhận biết và ghi nhớ sự sợ hãi của chủ thể. Ảnh: Corbis

 

Giới chuyên môn đã thấy một việc thật phi thường: sau một tiếng nổ lớn, Paul Ekman và Robert Levenson lại chẳng hề đo được chút phản xạ sợ hãi nào ở một nhà sư Tây Tạng (Goleman 2005). Kết quả ấy đã được nhiều nhà nghiên cứu khác xác minh, một thành quả “không thể tin được” của những thiền sư. Willi Zeidler từng khảo sát những thiền sư với thời gian thực hành dài ngắn khác nhau: Ông nhận thấy phản xạ sợ hãi chỉ sau bốn tuần thiền định đã bắt đầu biến mất. Thiền định càng lâu thì càng vững, sau vài năm thì hầu như không còn đo được cảm giác sợ hãi ở những thiền sinh ấy.

Đằng sau các quá trình đó rõ ràng phải có những thay đổi rất nhanh ở bên trong hạch hạnh nhân. Holzel và đồng sự (2009) từng khảo sát về những người đã trải qua rèn luyện để dẹp căng thẳng trên cái nền của phép thiền chú tâm. Hết đợt tập dượt, mức độ căng thẳng, nhiều ít khác nhau, của những người đó có giảm. Có mối quan hệ giữa các thành quả luyện tập với sự thay đổi gia tăng tại một vùng, nhỏ thôi nhưng ranh giới rạch ròi, của hạch hạnh nhân trong bán cầu não phải. Chỉ có nội trong tám tuần, giải phẫu học của cái “trung tâm sợ sệt và kinh hãi” ấy đã khác hẳn. Kết quả này thật sự đáng được lưu ý, vì lẽ hạch hạnh nhân trong não bộ vốn vẫn là một tiếu quan rất bảo thủ, dễ gì nó lại để cho “chương trình hiện hữu” của nó đổi dạng thay hình. Đặc biệt ngay cả họ nữa, những người đã từng khổ vì sợ và lắm khi phải mất nhiều năm liệu pháp mới khống chế được cái sợ, cũng biết điều ấy. Rõ ràng thiền định là một phương tiện hiệu nghiệm để vỗ yên hạch hạnh nhân, có khi thậm chí chỉ sau một thời gian ngắn đáng kinh ngạc.

Điều làm rúng động giới nghiên cứu nhưng lại chẳng làm cho những thiền sinh định thấy lạ. Ngay từ buổi đầu, họ đã phải học cách làm sao để khỏi mất định tâm vì tiếng ồn bên ngoài. Đã ngồi thiền là phải tập trung vào những cái khác chứ không phải những tác động đa dạng thường không ngừng phát sinh từ bên ngoài, kể cả khi ở trong môi trường tĩnh. Thiền sinh không được phép lạc hướng.

Khi đó không phải là thiền sinh không còn cảm nhận được tác động. Đúng hơn, thiền sinh học cách không để tâm đến tác động, đơn giản là “cho qua” tác động. Thường vẫn có hai cách phát sinh sợ hãi. Một là phát sinh đột ngột, tức là ngoài các trông đợi khi đó. Lúc thiền, các ý niệm được lắng đọng lại, sức chú ý không còn nhắm đến các đối tượng cụ thể. Vẫn cũng là lúc không trông đợi gì và như thế cũng chẳng có gì có thể làm sợ hãi. Hai là cũng hay sinh khiếp sợ do những nỗi lo “có thể xảy ra cái gì đó”. Dần dần thiền sinh thay thế những nỗi lo sợ đó bằng cảm nhận “điều gì đang có”. Nhưng thường thì cái đó hoàn toàn vô hại, khiếp sợ vậy là thừa. Quan trọng là ở chỗ, cảm nhận quả thật được nhiều hơn và não bộ cũng làm việc ráo riết hơn. Chẳng là một khi tư duy đã dịu đi, các giác quan khác mở trước tiên, trước khi đến cả chúng cũng được làm cho nguôi đi trong quá trình thực hành. Tôi lại nhớ đến một lần đi dạo trong rừng, tôi đã làm cho tư duy diệu bớt. Lúc ấy tôi đã phải ngắt quãng: tiếng chim hót có vẻ như lớn quá, khiến tôi thấy nhức trong tai.

Ở thiền sinh, tất cả việc xử lý cảm giác trong não bộ có khác đi (Lutz và đồng sự, 2008). Đáng ngạc nhiên là các vùng miền tương ứng trong não bộ chẳng làm việc ít đi mà còn hăng hái hơn. Đặc biệt là với các cảm giác tiêu cực, như khi thấy những hình ảnh buồn hay khi nghe thấy tiếng rên rĩ, thì não bộ bị kích động, lại càng có thêm đà hăm hở. Chúng xử lý những trải nghiệm tiêu cực với nhiều công sức hơn so với người không hành thiền. Nhưng cùng lúc với cảm nhận ấy, thiền sinh lại thấy mình tĩnh tại hơn, vẫn tự chủ được và thêm nữa còn có một phong thái tích cực; tức là não bộ đã làm việc nhiều hơn và kết quả là cảm giác ổn định hơn.

 

Càng thực hành nhiều, thiền sinh càng xa những kích thích của các giác quan.

 

Trong quá trình thực hành, thiền định can thiệp ngày càng sâu hơn vào việc xử lý cảm giác trong vô thức. Bởi lẽ thư giãn tăng, giác quan dịu lại thì phát sinh phản hồi tích cực. Thiền sinh phản ứng lại càng dịu thì cảm giác và kích thích từ bên ngoài càng ít nhiễu, buổi tham thiền càng dễ chịu, càng kết quả; những phần não bộ “liên quan đến sợ hãi” rồi cũng có thể gửi gắm “niềm tin” cho thực hành. Thiền định tác động vào các quá trình vô thức trong thân xác mạnh tới đâu? Lazar và đồng sự (2000) đã từng đo thử. Rõ ràng là lúc ngồi thiền: hơi thở, nhịp tim rồi cả chất lượng hơi thở đều khác. Khi ấy hạch hạnh nhân, “trung tâm sợ hãi”, cũng hoạt động nhiều hơn lúc nghỉ. Vẻ như não bộ làm việc càng nhiều thì thành quả càng dịu, càng “có cân nhắc” hơn.

Càng thực hành nhiều, thiền sinh càng xa những kích thích của các giác quan. Khoảng từ bậc 3 tĩnh lự trở đi sẽ phát sinh một trạng thái mới: có vẻ như não bộ đã dứt hẳn với mọi kích thích giác quan, tựa như ở trong một căn phòng tối im ắng. Thế rồi ở trong cái “trường nguyên sơ” ấy sẽ phát sinh ảo ảnh, tức là những hình ảnh phỉnh phờ của giác quan mà xuất xứ vẫn chính là não bộ. Các hiện tượng như vậy mọi người đều biết. Ai có lần đã ngồi một thời gian nào đó ở trong một căn phòng tối như hũ nút cũng từng được thấy thình lình bừng lên những màu sắc rực rỡ, rồi những dải sáng, rồi những lóe sáng. Gặp trường hợp thái quá, thậm chí họ còn thấy cả hình người, hình đồ vật hiển hiện ngay trước mắt. Hiệu ứng ấy là bình thường, nó cũng biến đi tức thì, ngay khi trong phòng lại có ánh sáng.

Từ lâu người ta đã biết đến ảo giác trong cái “trường nguyên sơ” của thiền định và xem nó như thể một phần bình thường của quá trình phát triển ở thiền sinh. Các bậc thầy đời xưa từng khuyên chẳng nên để tâm đến và cũng đừng gán cho nó một ý nghĩa nào hết. Đó chỉ là những trò lừa của giác quan, không có ý nghĩa. Song vào thời kỳ đó, người tu thiền lại học được điều này: phải rất tự giác, ra sức duy trì trạng thái tập trung và vô nhiễm ở nơi mình. Bởi lẽ, chỉ mới chợt để tâm đến những hình phỉnh phờ ấy hoặc giả chỉ mới chợt cảm thấy, là cái “trường nguyên sơ” kia đã tức khắc sụp đỗ, rồi hình ảnh cũng biến mất cả. Song lại cũng chính ở trong, thời kỳ này, lần đầu tiên thiền sinh được gặp cõi vô thức của mình, rõ nét, thấy được bằng hình ảnh sống động. Thật đến nỗi cứ mở to mắt ra mà nhìn, nhưng chỉ là ở các kỳ sâu của thiền định thôi.

Thường thì các hình ảnh ấy vô nghĩa, chẳng bõ bèn để xử lý tiếp. Lại khó nhớ nữa, bởi hễ cứ để ý đến nội dung là dễ làm cho chúng mất tăm. Song thảng hoặc vẫn thấy xuất hiện những gương mặt quái đản, về nguyên tắc không màu sắc, chỉ có đen trắng. Đó là những gương mặt biểu thị những tình cảm thái quá, chẳng hạn như thù hận, hung hãn, ham hố. Cho dù có là tình cảm lành mạnh đi nữa, nó cũng bị bóp méo qua dạng cực đoan, chẳng hạn tươi cười lại thành ra quỷ dữ. Đến đây thì có thể tạo được bất kỳ vẻ mặt nào mà các gương mặt thật có thể tạo ra.

Tôi cho rằng những gương mặt này chẳng qua là sản phẩm của hạch hạnh nhân. Petrovic và đồng sự (2008) từng chỉ ra rằng “nội dung tình cảm” của các gương mặt lúc được nhận ra vốn vẫn có sự tham gia rất mạnh của hạch hạnh nhân. Ảo giác bình thường trong cái “trường nguyên sơ” của thiền định về nguyên tác đều có màu sắc cả, có hậu cảnh và tiền cảnh, có tác động thật tuyệt đối. Có xử lý, xử lý có thể lâu vài phút nhưng không để cho cảm giác ập đến. Ngược lại, những gương mặt này lại xuất hiện đơn lẻ và không màu sắc. Hạch hạnh nhân trực tiếp nhận hình ảnh của chúng từ mắt, không có tác động thêm từ thị giác. Tức là hạch hạnh nhân làm việc với những hình ảnh không màu; chúng là hiện thân của “cái ác nguyên bản”, một vực thẩm đích thị trong vô thức. Mấy tháng đầu những gương mặt này chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian rất ngắn, đến thiền sinh có kinh nghiệm cũng khó thoát những cảm giác mà chúng phát tới, làm cho “trường nguyên sơ” sập đổ.

Với thời gian những gương mặt này lại trở thành thân quen, bởi chúng là những hằng số, hằng lượng trong cái chương trình liên tục thất thường của nhận thức. Chúng không còn cái vẻ đe dọa nữa, mặc dù trong thân xác, những cảm giác đi kèm vẫn còn được cảm thấy rõ. Như con trượt ở nhạc cụ có thể điều chỉnh cường độ âm thanh, qua biến dạng cũng có thể điều chỉnh cho những gương mặt này trở về với cảm giác phù hợp. Vậy là nụ cười của quỷ Satan trở về nụ cười hiền lành rồi cuối cùng là một nụ cười thân tình. Gương mặt méo mó vì đau đớn trở thành khuôn mặt chỉ còn khó chịu và cuối cùng là gương mặt không rõ nét. Tất cả chúng trở thành mảnh đất thực nghiệm cho thiền sinh, hấp dẫn nhưng cũng nhọc nhằn.

Tính thường kỳ không đổi của gương mặt trong cái chương trình không giới hạn của ảo giác thật đáng được lưu ý. Có thể đó là những khuôn khổ mà não hiển thị trong trường nguyên sơ để cho ý thức thấy được bằng hình ảnh. Tôi hình dung: thế thì có thể đo tình cảm trên những gương mặt của người khác được lắm, nhanh và chắc. Khuôn khổ bao giờ cũng bắt đầu bằng một nét thể hiện cực kỳ tiêu cực, khi ấy độ biến dạng sẽ cho một giá trị minh bạch của trạng thái tình cảm trên cái gương mặt thực tế đang được quan sát, tương tự như Petrovic và đồng sự (2008) từng đề xuất. Hạch hạnh nhân có thể giải thích những gương mặt người khác bằng cách ấy rất nhanh.

Khi lập chương trình cho các cỗ máy tính, nhằm tăng tốc cho các chương trình, người ta cũng sử dụng những kĩ thuật tương tự. Người lập chương trình thường cần một trị số phụ thuộc vào một biến số, về cơ bản người lập chương trình có thể để cho máy tính từ một phương trình tính ra cái trị số ấy bao giờ cũng mới. Tuy nhiên, các chương trình phức tạp và những phép tính nào đó lại đòi hỏi nhiều thời gian. Chương trình máy tính sẽ chạy nhanh hơn, một khi các biến số và các trị số tính được đã sẵn có trong một bảng kê và cũng ở trong khoảng được chờ đợi. Chương trình chỉ còn mỗi việc đọc bảng, tìm trị số thích hợp rồi lại làm việc tiếp. Có thể hiểu các gương mặt cũng như một thứ “bảng kê tình cảm”; não bộ có thể đọc, lướt thật nhanh để hành động cho thật nhanh, những khi có chuyện gấp gáp.

Làm hình ảnh biến dạng không mất mấy công. Lúc xử lý hình ảnh bằng điện tử thì từng chấm trên ảnh chẳng hạn được xê dịch đi một đoạn theo một phương nhất định. Đoạn ấy và phương ấy được thể hiện bằng mũi tên, một vectơ. Lại không nhất thiết phải xử lý tất cả các chấm trên ảnh. Bởi lẽ, camera phát ra chỉ ít cũng phải là vài triệu chấm, tính hàng triệu phép tính như thế rất tốn thời gian. Đơn giản hơn, hãy chọn trước các điểm trội và chỉ xê dịch các điểm ấy, rồi sẽ có một tấm bản đồ của một số ít vectơ trong ảnh, cứ chiếu theo qui tắc của chúng mà tính là sẽ ra độ xê dịch của các chấm khác.

Não bộ thực sự tính bằng vectơ. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng vài ba tế bào thần kinh có thể được thể hiện bằng một vectơ chính xác và chắc chắn. Chẳng hạn, họ đã thử lái lệch đi những tín hiệu điện tử của các tế bào thần kinh đang điều khiển một bàn tay chuyển động trong không gian. Vốn dĩ lúc ấy mỗi tế bào thần kinh chịu trách nhiệm về một phương hoàn toàn nhất định. Phương được nhằm tới càng khớp với “phương của nó” bao nhiêu thì những tín hiệu điện mà tế bào phát vào các sợi dây thần kinh càng mạnh bấy nhiêu. Phương của chuyển động lúc ấy bằng tổng tất cả các vectơ của các tế bào thần kinh, xác định qua cường độ của các tín hiệu điện của chúng. Từ những phép đo điện, nhà nghiên cứu có thể tách ra chuyển động cho cả sau lúc đó. Kĩ thuật này của não bộ thậm chí là đặc biệt chắc chắn. Vì được xác định bởi những tín hiệu của nhiều tế bào, chuyển động ắt là vẫn còn được điều khiển đủ chính xác, ngay cả như vào lúc ấy ở trong tập hợp chẳng may lại có những tế bào không chịu hoạt động.

Lúc nhận thức căng lên, não chỉ làm việc với các điểm trội, không làm việc với cả tấm hình. Có thể thử nghiệm lại trong phòng tối. Người thử chỉ được chấm dấu sáng ở mấy khớp chủ chốt. Dù thiếu thông tin, người quan sát sẽ lập tức nhận ra ngay người cử động đó là nam hay nữ, định di chuyển đi đâu và vừa làm cái gì. Cũng giống như vậy, đối với não, chỉ có một số ít chấm thực sự là quan trọng. Dựa vào vị trí giữa chúng với nhau não nhận ra ngay gương mặt, không thể nhầm. Chúng cho thông tin về vẻ mặt, tức là về cả tình cảm và ý định. Tuy nhiên, thông tin ấy phải được đánh giá cũng với kiểu kĩ thuật quen thuộc của não bộ, cho hình ảnh quan sát được chồng lên một khuôn mặt. Biến dạng của khuôn ở những chấm trội cho một số ít vectơ, với các vectơ ấy có thể đo vẻ mặt kia nhanh chóng và chắc chắn. Về nguyên tắc, kết quả sẽ là một trị số chính xác của thứ tình cảm có thể nhận ra ở chính gương mặt đó.

Nhưng vì đâu mà não bộ lại bắt đầu với bộ mặt gớm ghiếc của quỷ Satan chứ không phải với một gương mặt thân thiện? Chỗ này cho thấy thái độ đầu tiên của não bộ, cái thái độ rõ ràng là vì chính sự sống còn mà nó đã phải khai triển, cái thành trở ngại mà thiền sinh cứ vấp đi vấp lại: cái ác và xấu đến trước. Muốn sống còn thì trước tiên phải lường được mức độ hung hãn và lấn lướt của kẻ khác. Cuộc sống và sức khỏe được quyết định có khi chỉ trong tích tắc. Vậy nên não bộ mới đi từ những ác ý trước. Bảng đối chiếu phải bắt đầu từ phía phủ định trước. Một nụ cười thân thiện đâu có gì nguy hiểm. Vậy nên cũng không buộc phải xử lí cực nhanh ở chỗ này. Ngược lại: cứ từ tốn và hãy dành chút thời gian cho người khác; thế mới là phản ứng thích đáng trước một khuôn mặt thân thiện.

Các trải nghiệm như thế là mảnh đất vô hạn để thiền sinh định lấy đó làm nơi tập dượt xử lí tình cảm của chính mình. Não bộ tiếp nhận các kinh nghiệm của cuộc sống mỗi ngày thế nào thì cũng tiếp nhận những từng trải của thiền định như thế. Chỉ có điều thường ngày thì khó lắm, vì cùng lúc nó phải đảm đương biết bao công việc và lại còn bị truy nã dồn dập bởi các cảm giác. Ý nghĩa gán cho những tín hiệu nào đó trong đời thường, thậm chí còn bị chi phối bởi ngẫu nhiên. Chẳng hạn tôi bắt gặp một khuôn mặt tươi cười, đúng vào lúc tôi mới vừa thoát được một cuộc trao đổi rất nặng nề. Thời tiết thì âm u. Não bộ của tôi bây giờ phán quyết thế nào đây, để cho tôi có cơ sở để xử lý những cảm nhận của mình? Trong thiền định, mọi thứ đều đơn giản hơn, dễ bao quát hơn, do thiền sinh ngồi ở chỗ yên tĩnh, không chấp nhận bất kỳ điều rầy rà nào. Ở đây não bộ được tự do tập luyện, không hề bị bức bách và lúc này có thể thẩm định lại, đổi mới các vấn đề cơ bản. Chẳng hạn như: “dè dặt đến mức nào, sợ sệt đến mức nào, hoài vọng đến mức nào là đủ?”

 

Nhà sư Matthieu Ricard, một tăng sĩ của Phật giáo Tây Tạng, được các nhà khoa học chứng minh là người hạnh phúc nhất thế giới, đã chia sẻ rằng thiền là một trong những bí quyết giúp ông trở thành người hạnh phúc nhất thế giới

 

Tính cách của một con người vốn do các ước mơ của người ấy xác định, vận hành nơi đây dễ là những cái khuôn, những cái bảng vô ý thức; chúng dẫn dắt đến những quyết định, những hành động còn trước cả tư duy có ý thức. Trên mặt bằng như thế, con người chỉ như một người máy, hễ sợ là vội vã giơ cao hai cánh tay hoặc giả cứ gặp người khác là ngờ vực, ngay lúc tư duy có ý thức còn chưa vào cuộc. Rồi người khác lại cũng sẽ xử sự với anh ta hoặc đánh giá về anh ta tương ứng. Thêm nữa, một người nhìn chung sẽ nhận thức ra điều gì, sẽ được trải nghiệm cái gì và sẽ nảy sinh tình cảm ra sao. Vì đâu lại thế, chương tới đây sẽ bàn.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THIỀN LÀM THAY ĐỔI NÃO BỘ THEO HƯỚNG TÍCH CỰC
  2. ĐẠO LÝ CỔ XƯA VÀ KHOA HỌC HIỆN ĐẠI

Bài viết mới

  1. BIỂU LỘ CHÍNH MÌNH MỘT CÁCH TRỌN VẸN
  2. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  3. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN