THIỀN LÀM THAY ĐỔI NÃO BỘ THEO HƯỚNG TÍCH CỰC

HEINZ HILBRECHT

Thiền làm thay đổi não bộ. Tin này từ giới nghiên cứu lúc đầu có thể khiến người ta sợ hãi. Cả một thời gian dài não bộ được coi như là hình khối không thay đổi sau thời thơ ấu, nhiều nhất cũng chỉ đánh mất hiệu suất của nó do các tế bào thần kinh bị chết. Phía đằng sau đó thậm chí có vẻ như ẩn giấu kinh nghiệm cổ xưa: hiển nhiên là người trẻ học nhanh hơn người già. Nhưng như vậy thì làm sao điều đó lại phù hợp với bức tranh: các cụ về hưu, vào những ngày cuối đời vẫn đến trường đại học để học và kết thúc bằng luận án tiến sĩ?

Não bộ phát triển thế nào và trong tiến triển của cuộc đời, nó có thể thay đổi đến mức nào? Kinh nghiệm cổ xưa và nghiên cứu hiện đại cung cấp những nhận thức đáng kinh ngạc về việc đó. Chẳng hạn cuốn sách của Gerhard Roth (2003) cung cấp một bài tổng quan phong phú về sự phát triển của não bộ người trẻ, còn Gene D. Cohen (2006) mô tả sự phát triển của não bộ khỏe mạnh kể từ tuổi trung niên.

Kể từ khi sinh ra đến khoảng 25 tuổi, não bộ phát triển theo những bước khá xác định. Những bước phát triển này đã được biết từ khởi đầu của loài người. Nhưng đến bây giờ nghiên cứu hiện đại mới phát hiện ra điều gì xảy ra khi đó trong não. Chẳng hạn, các bé đi nhà trẻ hầu như chưa có ý thức gì về chính mình. Cảm xúc của chúng định hướng trước hết theo những phản ứng của cha mẹ và những người qui chiếu thân cận nhất. Chỉ mãi đến “thời kỳ bướng bỉnh” đầu tiên ở khoảng 3 tuổi thì chúng mới xóa bỏ mối quan hệ này. “Con có thể tự làm” và “Không, con chẳng muốn” thể hiện sự phát triển của nhân cách cá nhân. Chính xác là khi đủ 3 tuổi, trẻ được đến lớp mẫu giáo. Những bước kế tiếp trong sự phát triển của não bộ thực hiện vào khoảng 6 tuổi; giữa 12 đến 14 tuổi; vào khoảng 16 tuổi và vào 18 tuổi. Chỉ đến khoảng 25 tuổi, não bộ mới phát triển hoàn toàn về mặt sinh học.

Các bước phát triển của não bộ được phản ánh trong truyền thống của nhiều dân tộc. Quan sát điều đó dễ dàng ở những bộ tộc vốn được gọi là “cổ sơ”, nhưng nó cũng có ở cả xã hội công nghiệp. Ở các “bộ tộc cổ sơ”, người cha nhận vai trò tích cực trong việc giáo dục con cái khi chúng đủ 6 tuổi; còn ở xã hội công nghiệp, người cha đưa chúng đến trường. Khi trẻ 12 tuổi, nhà thờ Thiên Chúa giáo mời chúng tới dự lễ chịu thánh thể; cùng tuổi đó ở thời Trung cổ, những đứa con của các hiệp sĩ bắt buộc phải trở thành “chàng quí tộc trẻ” và đến học ở một người hiệp sĩ khác. Ở tuổi 14, bọn trẻ đủ tuổi để chịu trách nhiệm trước pháp luật; còn thời trước đó thì ở tuổi này, sau 8 năm đến trường, chúng bắt đầu học nghề, nhà thờ đạo Tin Lành mời chúng tới dự lễ kiên tín. Ở thời kỳ đầu tuổi dậy thì, khi 12 đến 14 tuổi, là lúc phát triển của chính những trung tâm não bộ mà “thiện/ác”, “đúng/sai” đóng đô ở đó. Trang bị các giá trị và cảm xúc như thế còn được từng bước mở rộng cho đến khoảng tuổi 18 để hình thành người trưởng thành. Tùy thuộc một xã hội cần tới trang bị nào cho não bộ mà con gái hay con trai tới 14 hay mãi tới 16 tuổi mới được phép cưới xin, tới 16 hay mãi tới 18 tuổi mới được phép làm lính, lái xe hơi, tới 18 hay tới 21 tuổi mới hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Giữa lúc kết thúc tuổi dậy thì cho đến tuổi khoảng giữa 20 và 30, não bộ phát triển toàn bộ hiệu suất làm việc của mình. Trên nguyên tắc, bây giờ các dữ liệu cơ bản đã được lưu trữ, các tế bào thần kinh đã được kết nối; đã tìm thấy sự cân bằng giữa các chất thông tin hóa học vào lúc kết thúc tuổi dậy thì. Lúc này vấn đề xoay quanh tốc độ sử dụng những dữ liệu này. Muốn vậy, nhiều tuyến thần kinh được một lớp mỡ mỏng bao bọc (myelin hóa), nó được dùng làm chất cách điện để ngăn tách các tín hiệu điện. Do sự myelin hóa mà những tín hiệu như thế chuyển động nhanh hơn qua các tế bào thần kinh và tương ứng thì não bộ cũng suy nghĩ nhanh hơn. Bởi vậy, ở nhiều nền văn hóa, chỉ những người trên 25 tuổi mới được tiếp nhận các chức vụ có quyền quyết định, chẳng hạn vua chúa hay nghị sĩ. Những người mang chức vụ như thế phải nhanh chóng đi đến những quyết định phức tạp. Về mặt này, thì não bộ tuổi 18 chịu thua các não bộ đã hoàn toàn myelin hóa của những người mang trọng trách nhiều tuổi hơn; đơn giản là những người nhiều tuổi hơn có thể suy nghĩ nhanh hơn.

Các bước phát triển tiếp theo của não bộ bây giờ xảy ra chậm hơn, nhưng lại cẩn trọng hơn. Giờ đây bắt đầu thời kỳ “não bộ dẻo” để nó thích nghi với cuộc sống. Khẩu hiệu của thời kỳ này là “dùng hay mất”. Khi đó, não bộ không khác biệt gì với phần còn lại của cơ thể: cái gì không cần tới thì cơ thể hủy ngay, cái gì cần thì được gìn giữ hay thậm chí phát triển. Động cơ cho sự phát triển trong não bộ là việc học tập. Khi đó, não bộ có thể phát triển thậm chí đến tuổi rất cao hay tự tổ chức mới. Khi chúng ta học điều gì mới, chẳng hạn một ngoại ngữ, điều đó tạo ra sự tăng trưởng ở những khu vực tương ứng của não bộ. Cả ở người thiền cũng đã chứng minh được sự gia tăng trong não bộ, khi đó những người thí nghiệm già nhất đã 71 tuổi (Lazar và đồng sự 2005; Luders và đồng sự 2009). Nghiên cứu hiện đại cho thấy não bộ không phải là đĩa cứng như ở máy tính, mà nó mềm dẻo hơn rất nhiều. Cái “đĩa cứng sinh học” này có thể phình ra hay co lại trong suốt cả cuộc đời, thay đổi kết nối của mình, nghĩa là cũng có thể thích nghi với cấu trúc của việc lưu trữ dữ liệu. Bởi thế, các nhà sinh học thần kinh mới nói tới “não bộ dẻo”.

Thực vậy, ý tưởng cổ điển về “não bộ hoàn thiện” mâu thuẫn với kinh nghiệm cuộc sống. Dựa vào các kết quả nghiên cứu, Cohen (2006) cho thấy những giai đoạn phát triển của người trưởng thành cho đến tuổi cao mà chúng đồng hành với thích nghi và thay đổi của não bộ.

Ở tuổi giữa 40 và 50, não bộ trải qua một cuộc cải tổ triệt để. Cho đến tuổi này, trước hết não bộ trẻ đã học được sự kiện, liên tục hấp thụ những cái mới và xếp lại như là sự hồi tưởng. Não bộ trẻ thường chỉ sử dụng một nửa não bộ cho việc giải vấn đề, trong đó có những “trung tâm não bộ” giới hạn rất rõ ràng. Vào giữa cuộc đời, các sự kiện đã học được sắp xếp theo một mối liên quan lớn hơn. Kiến thức ngày càng kết nối mạnh hơn. Những hồi tưởng riêng lẻ khi đó mất đi ý nghĩa. Cuộc sống cho đến nay cũng được xét hỏi cặn kẽ nguyên do và, nếu cần, sẽ được tạo những bước ngoặt mới. Bây giờ não bộ đưa các quá trình suy nghĩ của nó vào ngày càng nhiều và càng lớn hơn. Bên cạnh đó, các khía cạnh xã hội và cảm xúc cũng được đưa mạnh mẽ hơn vào hoạt động của não bộ. Qua việc kết nối các mối liên quan, người ta có tầm nhìn xa hơn nhiều, một khi phải rọi chiếu các vấn đề từ những khía cạnh khác nhau.

Đến 50 hay 60 tuổi, bắt đầu những “năm tháng tuyệt nhất”. Phần lớn các Tổng thống, Thủ tướng và nghị sĩ hoạt động ở giai đoạn này của cuộc đời, lúc họ được bầu vào các chức vụ đó. Rõ ràng những người đi bầu biết rằng những ứng viên đã bước qua nửa cuộc đời sẽ là những nhân vật ổn định và lường trước được lâu dài. Bây giờ não bộ đã kết nối nhiều sự kiện với nhau, tạo ra những mối liên quan to lớn, sinh ra những “kinh nghiệm cuộc sống”. Qua đó, với tư cách là “bộ lưu trữ sự kiện”, một số phần của não bộ trở nên thừa. Não bộ bởi vậy sẽ bị cắt giảm và qua đó cũng sẽ teo dần. Sự cắt giảm này không phải là sự thoái hóa, mà thể hiện sự tối ưu hóa. Nếu như không thể tối ưu hóa các phần của não bộ qua việc kết nối kiến thức, chẳng hạn điều khiển bàn tay, thì ở người già, các phần này của não cũng sẽ bảo toàn hoàn toàn độ lớn của chúng (Kalisch và đồng sự, 2008).

Suy nghĩ trong các mối liên quan, với kiến thức đã được kết nối, là biểu hiện của sự thông thái. Thuộc về đó còn có những cảm xúc ôn hòa, tầm nhìn xa trông rộng và sự khoan dung. Nhiều nền văn hóa quy các tính chất này cho người già, coi như đó là bức tranh lý tưởng của ông bà. Trong các truyền thống thiền, sự thông thái được xem là bậc phát triển cao nhất của tinh thần. Thực vậy, các phép đo của Brefczynski-Lewis và đồng sự (2007) cho thấy, một não bộ đang thiền sẽ phát triển cùng với thời gian theo hướng này. Đầu tiên, hoạt động chung trong não bộ sẽ gia tăng. Não ngày càng làm việc mãnh liệt hơn và liên tục học thêm.

Ở những người thiền rất có kinh nghiệm thì cuối cùng hoạt động này lại giảm đi, dẫu cho năng suất hoạt động luôn tiếp tục cải thiện. Rõ ràng là những não bộ này đã đạt một chất lượng mới, ở đó hoạt động thuần túy đã được thay thế bằng những cơ chế khác. Brefczynski-Lewis và đồng sự (2007) tin rằng những não bộ như thế tận dụng các khả năng của mình tốt hơn và bởi vậy chẳng cần phải tích cực quá mức nữa.

Nghiên cứu hiện đại về não bộ đã tìm thấy nhiều minh chứng về tính có thể thay đổi được cho đến tuổi rất cao của não bộ. Bức tranh về người già bị phó mặc cho suy vong, không thể tiếp tục đúng nữa đối với não bộ. Những não bộ già thậm chí vẫn có thể đạt tới những thành tích tột bực. Cụ thể là, nếu não bộ không thể thay đổi được thì sau một cú đột quỵ, các bệnh nhân già không bao giờ có thể hồi phục lại được. Ở bệnh đột quỵ, tuần hoàn máu thất bại ở các phần của não bộ và khi không có oxy thì chỉ cần vài phút là những tế bào não bị ảnh hưởng sẽ chết ngay. Trong những trường hợp nặng, các bệnh nhân đột quỵ không còn nói được nữa, thân thể bại liệt hay mất nhiều khả năng khác. Ở não bộ “hoàn chỉnh” không thể thay đổi được thì lẽ ra những khuyết tật này sẽ là vĩnh viễn, nhưng điều đó lại không đúng. Chính các phần khỏe mạnh lại có thể tiếp quản những chức năng đã ngừng hoạt động, một phần hay tái tạo lại toàn bộ. Não bộ có thể thậm chí tự mình phục hồi bằng cách xây dựng những tế bào thần kinh mới. Như vậy, não bộ già tỏ ra giống hệt như não bộ trẻ, tức là có khả năng thích nghi đáng ngạc nhiên và có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Ở bệnh đột quỵ hay ở vết thương, khác biệt cơ bản giữa các não bộ thể hiện thậm chí hết sức rõ rệt trước và sau tuổi trung niên. Những tổn thương ở người già lại ít bi đát hơn nếu so với người trẻ (Roth 2003). Ở não bộ già, những điều đã học được lưu trữ theo những mối liên quan lớn hơn và bằng cách này được phân bố trên những phần lớn hơn của não bộ (Kalisch và đồng sự, 2008). Bởi thế, sự thiếu hụt những phần nhỏ ít gây mất mát hơn, trong khi những người trẻ thường phải chịu những thiếu hụt bi đát.

Trong khoa học xuất hiện bức tranh “não bộ dẻo” cả đời thích nghi, tiếp nhận những nhiệm vụ mới và vẫn có thể tự biến đổi ở tư cách là một bộ phận cơ thể. Mỗi khi học, những khu vực có liên quan trong não bộ đều phát triển. Những nghiên cứu trên người thiền cho thấy những phần nhất định trong não bộ của họ to hơn những người đối chứng. Chúng phát triển theo các năm hoạt động thiền cho đến tuổi cao (Lazar và đồng sự, 2005; Luders và đồng sự, 2009; Vestergaard-Poulsen và đồng sự, 2009). Vậy là luyện tập đem lại năng suất hoạt động bằng cách khởi động một sự thích nghi. Điều đó cũng tương ứng với kinh nghiệm của nhiều người già và các nhà liệu pháp học. Người nào biết cách giữ cho mình luôn tỉnh táo tinh thần, luôn đặt chính mình trước những thách thức mới, tìm cách tiếp xúc những người khác, thì họ hầu như không bao giờ cam chịu những thiếu hụt ở não bộ của mình. Nếu như vẫn có rất nhiều người già bị suy giảm về tinh thần thì nguyên nhân lại nằm ở lối sống đơn điệu và sự thoái lui khi gặp những thách thức về tinh thần. Các khảo cứu cho thấy là ngay cả những người trẻ cũng làm suy giảm trí tuệ của mình nếu họ chuyển qua một lối sống ít có thách thức hơn về mặt tinh thần. Những thách thức về mặt tinh thần luyện tập cho não bộ và qua đó gia tăng năng suất hoạt động của nó. Bởi vậy, những người già thiền đặc biệt có năng suất cao, vì trong sự phát triển của não bộ không hề có giới hạn về tuổi tác. Ngay cả người già cũng vẫn có thể bắt đầu với việc thiền và phát triển, cải thiện năng suất hoạt động tinh thần của mình cho đến tận cuối đời.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. HAI PHÚT THIỀN ĐỊNH MỌI LÚC, MỌI NƠI
  2. VÌ SAO PHẢI QUAN TÂM ĐẾN THIỀN

Bài viết khác của tác giả

  1. XỬ LÝ CẢM GIÁC
  2. ĐẠO LÝ CỔ XƯA VÀ KHOA HỌC HIỆN ĐẠI

Bài viết mới

  1. KHỔ ĐAU VÀ HẠNH PHÚC CHỈ LÀ CẢM NHẬN CHỦ QUAN
  2. VƯỢT QUA SỢ HÃI
  3. TÍNH NÔN NÓNG