HẠNH PHÚC PHẢI CHĂNG LÀ MỤC ĐÍCH CUỘC ĐỜI?

MATTHIEU RICARD

Trích: Bàn Về Hạnh Phúc; Tác Giả: Matthieu Ricard; Lê Việt Liên dịch; NXB Lao Động.

Matthieu Ricard là một trí thức người Pháp, học trò của Francois Jacob. Ông nhận bằng tiến sĩ về di truyền học phân tử từ Viện Pasteur năm 1972. Sau đó ông quyết định từ bỏ sự nghiệp khoa học của mình và thay vào đó thực hành Phật giáo Tây Tạng, sống chủ yếu ở dãy Himalaya hơn ba mươi năm nay bên những vị thầy tâm linh lớn. Ông là phiên dịch viên tiếng Pháp của Đức Dalai Lama, dịch và xuất bản kinh sách.

Ngoài ra, Ricard còn là thành viên hội đồng quản trị của Viện Tâm và Đời sống và đã nhận được Huân chương khen thưởng quốc gia Pháp cho công việc nhân đạo của ông ở phương Đông.

Hạnh phúc không tự nhiên đến, đó không phải là một ân sủng mà một số phận sung sướng có thể ban phát cho chúng ta hoặc một nỗi bất hạnh có thể tước đi của chúng ta; nó chỉ phụ thuộc vào chính chúng ta mà thôi. Người ta không trở nên hạnh phúc  trong một đêm mà phải trả giá bằng sự lao động cần mẫn, ngày này qua ngày khác. Hạnh phúc phải được xây dựng, điều đó đòi hỏi khổ công và thời gian. Để trở nên hạnh phúc, người ta cần phải biết cách thay đổi chính bản thân mình.” – Luca và Francesco Cavalli

Hạnh phúc phải chăng là mục đích của cuộc đời?

Cần phải suy ngẫm về điều mang lại hạnh phúc, bởi vì có nó, chúng ta có tất cả; còn thiếu nó, chúng ta phải làm mọi cách để có được nó. – Epictète

Có ai mong muốn khổ đau? Mỗi sáng thức dậy, có ai lại ao ước: “Giá mà mình bị khó chịu suốt ngày nhỉ!” Dù vô ý hay cố ý, dù khôn khéo hay vụng về, tất cả chúng ta đều khát khao được “sung sướng”, dẫu bằng công việc hay sự nhàn hạ, bằng những đam mê hay sự bình yên, bằng phiêu lưu hay sự đơn điệu của cuộc sống thường nhật.

Mỗi ngày trong cuộc đời mình, chúng ta hối hả tiến hành vô số hoạt động để sống, kết nối những quan hệ bạn bè, tình yêu, thám hiểm, khám phá, sáng tạo, xây dựng, làm phong phú cuộc sống của mình, che chở những người thân và tự phòng vệ trước những kẻ muốn làm hại chúng ta. Chúng ta dành thời gian và sức lực của mình cho những nhiệm vụ đó, với suy nghĩ là chúng sẽ mang lại sự thỏa mãn, “an lạc hơn” cho mình và cho người. Mong muốn điều ngược lại mới là phi lý.

Bất kể cách thức tìm kiếm hạnh phúc của chúng ta, bất kể nó được gọi là niềm vui sống hay bổn phận, hoặc đam mê hay sự hài lòng, hạnh phúc chẳng phải là mục đích của mọi mục đích hay sao? Đó là ý kiến của Aristote, theo ông “hạnh phúc là mục đích duy nhất mà chúng ta bao giờ cũng lựa chọn vì chính nó, chứ không phải vì mục đích nào khác. Bất kể ai tuyên bố mong ước một điều gì khác thì người đó không thực sự biết là mình muốn gì: người đó có thể đang đi tìm hạnh phúc dưới một tên gọi khác.

Trả lời những người hỏi mình có hạnh phúc không, Xavier Emmanuelli người sáng lập ra dịch vụ cấp cứu y tế xã hội của Pháp – đáp: “Điều đó không có trong chương trình! Đối với tôi, chương trình là hành động. Tôi phải lập ra các dự án, thực thi chúng và phải đạt được thành công. Điều quan trọng là những gì có ý nghĩa hạnh phúc đó là ý nghĩa […] Hạnh phúc, đó là ý nghĩa, là Tình yêu. Hạnh phúc không có trong chương trình, nhưng người ta vẫn nói tới nó như thường!

Trong cùng một dòng suy nghĩ như vậy Steven Kosslyn – một người bạn nghiên cứu về hình ảnh ghi lại trong não bộ của trường Đại học Harvard nói với tôi rằng, khi bắt đầu một ngày vào buổi sáng, anh không nghĩ tới chuyện ước ao được hạnh phúc, mà chỉ suy nghĩ về bổn phận, ý thức về trách nhiệm đối với gia đình và tập thể mà anh phụ trách và về công việc của mình. Anh nhấn mạnh rằng hạnh phúc không nằm trong mối quan tâm của anh. Tuy thế, nếu chúng ta suy xét cho kỹ thì sẽ thấy rằng một số khía cạnh của niềm hạnh phúc thực sự đương nhiên có mặt trong sự mãn nguyện khi hoàn thành đều cần phải làm, bằng cái giá của sự nỗ lực lâu dài để vượt qua những khó khăn trong khả năng thích hợp của bản thân. Trong khi người đàn ông này làm “bổn phận” của mình, ngay cả khi anh ta cho rằng “khổ đau và gian khó sẽ tôi luyện tính cách”, tất nhiên anh ta không có mục đích đem lại khổ đau cho chính mình, cũng như cho mọi người.

Ở đây, chính là ý thức trách nhiệm, chứ không phải là thứ bổn phận làm tê liệt, phá hủy tự do nội tâm, do những trói buộc, những nghĩa vụ mà những người thân và xã hội nhồi nhét vào đầu chúng ta: cần phải “làm cái này, thực hiện cái nọ” hoặc phải hoàn hảo để được chấp nhận và được yêu mến. “Bổn phận” chỉ có ý nghĩa khi nó là kết quả của một sự lựa chọn và là nguồn gốc của một niềm phúc lạc lớn hơn.

Bi kịch là ở chỗ chúng ta thường nhầm lẫn cách thức để thực hiện điều tốt lành đó. Vô minh (ngu si) làm biến chất niềm khát vọng được sống tốt hơn của chúng ta. Như đại sư Tây Tạng Chogyam Trungpa giải thích: Khi chúng ta nói về vô minh thì điều đó không hề là sự ngu muội. Về một nghĩa nào đó, ngu muội lại rất thông minh, song đó là cái thông minh hoàn toàn diễn ra một chiều. Có nghĩa là con người cứ phản ứng đối với những phòng chiếu của tư duy của chính mình, trong khi lẽ ra chỉ cần đơn giản nhìn nhận điều đang xảy ra mà thôi”.

Theo tuệ giác của đạo Phật, như vậy vô minh là không hiểu bản chất thật sự của vạn vật, không hiểu biết quy luật nhân quả chi phối hạnh phúc và khổ đau. Những kẻ chủ xướng tiêu diệt các dân tộc rêu rao là muốn xây dựng một thế giới tốt nhất trong mọi thế giới, và một số dường như tin tưởng sâu sắc vào tính xác đáng của điều tồi tệ ấy. Cho dù điều đó có tỏ ra phi lý và nguy hại đi nữa thì những kẻ chỉ biết thỏa mãn những xung năng ích kỷ của chúng bằng cách gieo rắc quanh mình sự chết chóc và buồn thảm vẫn trông mong được khen thêm về những hành động đó. Ấy thế mà không bao giờ thái độ nhẫn tâm, mù quáng, khinh miệt và hung hăng lại có thể là những phương tiện đưa tới hạnh phúc. Những kẻ ác tâm, bám chấp, kiêu ngạo và hợm hĩnh cũng theo đuổi hạnh phúc, nhưng thực chất chúng đang dần cách xa, tới mức không bao giờ có được nó. Cũng như vậy, kẻ tự vẫn cắt đứt mối tuyệt vọng không thể chịu đựng nổi của mình cũng hướng về hạnh phúc một cách vô vọng.

Từ phân tích đến chiêm nghiệm

Xỏa bỏ căn bản vô mình bằng cách nào? Cách duy nhất là nhìn vào bên trong môt cách sáng suốt và thành thật. Ta có thể tiến hành bằng hai cách: phân tích hoặc chiêm nghiệm. Phân tích là đánh giá trung thực đầu đuôi những khổ đau của chúng ta, cũng như những nỗi khổ niềm đau mà ta gây ra cho người khác. Điều đó đòi hỏi phải hiểu được những suy nghĩ nào, những câu nói và những hành động nào đã tất yếu gây ra đau khổ và những suy nghĩ, lời nói, hành động nào góp phần làm cuộc sống tốt đẹp hơn. Trước khi tiến hành được việc này, tất nhiên phải ý thức được rằng có điều gì đó không ổn trong cách ứng xử và hành động của chúng ta. Sau đó là phải có khát vọng thực sự đổi thay.

Thái độ chiêm nghiệm tỏ ra chủ quan hơn. Đó là sự buông bỏ trong chốc lát những suy nghĩ quay cuồng trong tâm trí để bình thản nhìn sâu vào nội tâm, như thể ta chiêm ngưỡng phong cảnh bên trong, để có khả năng phát hiện ra điều biểu hiện cho khát vọng thiết tha nhất của mình. Đối với một số người, điều đó có thể là sống gấp gáp trong từng giây phút, thưởng thức muôn ngàn hương vị của khoái cảm. Hoặc có thể là đạt được những mục tiêu của mình như có một gia đình, thành đạt trong xã hội, có những lúc thảnh thơi, nhàn rỗi hoặc đơn giản là không bị đau khổ lắm trong cuộc đời. Song, những cách đó chỉ là một phần mà thôi. Nếu chúng ta đi sâu hơn nữa vào nội tâm của chính mình, chẳng lẽ chúng ta không nhận thấy rằng khát vọng đầu tiên, cái bao hàm mọi thứ khác, là ham muốn được toại nguyện đủ để nuôi dưỡng tình yêu cuộc sống hay sao? Đó là lời ước: Cầu mong cho mỗi khoảnh khắc của cuộc đời tôi và cuộc đời mọi người là một khoảnh khắc vui tươi và an lạc trong tâm hồn!

Thích khổ đau ư?

Một số người cho rằng thi thoảng cũng cần phải nếm trãi cảm giác khó chịu, cầm phải trải qua “những ngày vô bổ” trong cuộc đời thì mới đánh giá hết được tính chất phong phú của những khoảnh khắc hạnh phúc và “tận hưởng cái thú vị của điều ngược lại”. Nhưng những người có ý chán chường hạnh phúc lâu dài liệu có thành thực hay không? Họ nói về kiểu hạnh phúc gì vậy? Về trạng thái ngất ngây chuyển sang buồn chán, hay về những thú vui nhục dục bị yếu đi, hoặc những lạc thú trở thành nhạt nhẽo? Pascal Bruckner còn viết thêm: “Vì quá yêu cuộc sống nên tôi chỉ muốn được hạnh phúc.” Cũng theo tư tưởng đó, một thiếu niện người Paris tâm sự với tôi: “Cứ hệt như nghiện ma túy ấy: nếu không bị khủng hoảng giữa hai lần hút thì sẽ khó thấy được sự khác nhau. Cháu chấp nhận những khoảng thời gian khó khăn để có được những lúc sảng khoái. Vì không biết thoát khỏi khổ đau bằng cách nào nên cháu đâm ra lại thích nó. Ý tưởng xây dựng hạnh phúc nội tâm khiến cháu chán nản, bởi vì nó quá khó khăn và đòi hỏi một thời gian quá dài. Cần đến hàng năm trời và có vẻ chẳng hay ho gì. Cuộc sống thì gian nan, còn cháu đâu phải Chúa Jesus! Cháu thích được hạnh phúc ngay lập tức hơn, ngay cả khi nó không thật, và thậm chí, khi nó không bằng được lần đầu, do sự lặp đi lặp lại”. Từ đó con người đa phần thích những cảm giác và những thú vui tức thời hơn, và cho rằng kiếm tìm sự thanh thản sâu sắc và lâu dài chỉ là ảo tưởng. Mà nói cho cùng thì dù những khoảnh khắc “vô bổ” hoặc khổ đau có giúp chúng ta nhìn cuộc đời rõ hơn thì con người cũng có bao giờ chủ động đi tìm kiếm những khoảnh khắc ấy để trải nghiệm đâu; chẳng qua chỉ vì đối lập với hạnh phúc mà chúng khiến con người hi vọng một sự đổi thay mà thôi.

Thái độ hai mặt đó đối với khổ đau cũng cho thấy ảnh hưởng dai dẳng của mặc cảm tội lỗi gắn với tội lỗi khởi thủy trong nền văn minh Do Thái Cơ đốc. Nếu Chúa yêu thương ta, muốn lấy khổ đau để thử thách ta thì ta phải yêu thích sự khổ đau ấy. Mặc cảm đó thậm chí còn được đề cập một cách ghê gớm hơn nữa: đối với nhà văn Dominique Noguez, bất hạnh có lẽ còn hay hơn cả hạnh phúc, bởi vì “nó có sự đổ vỡ gây ra một cường độ cực kỳ quyến rũ, ma quái. Nó có lợi thế đặc biệt […] là không phải mục đích của chính nó, mà luôn luôn để lại một điều gì cho con người mong đợi (điều đó chính là hạnh phúc!). Hãy đau khổ đi! Một chút đau khổ nữa thôi và rồi hạnh phúc sẽ tới! Những tâm trạng kiểu như vậy có thể gợi lên hình ảnh một người mất trí liên tục tự giáng búa vào đầu để cảm thấy nhẹ nhõm đầu óc khi dừng tay lại. Người ta thích những sự trái ngược kia vì nó mang lại những thăng trầm và tô điểm cho cuộc đời, song có ai lại muốn đánh đổi những khoảnh khắc an lạc để chuốc lấy khổ đau?

Ngược lại, dùng khổ đau như một công cụ để chuyển hóa, để mở rộng lòng cảm thông với những người cũng đau khổ như mình, thậm chí hơn mình, có lẽ sẽ thông minh hơn, nếu không muốn nói là trí tuệ hơn. Chính theo nghĩa ấy và chỉ theo nghĩa ấy mà thôi, chúng ta mới hiểu được Sénèque khi ông khẳng định: “Đau khổ làm cho tồi tệ, nhưng nó không phải là xấu”. Nó không phải là xấu, là tai họa khi do không thể tránh được nó, ta lợi dụng luôn đau khổ để học hỏi và tự thay đổi chính mình, dù vẫn biết rằng tự nó không khi nào là tốt cả.

Ngược lại, như thánh Augustin đã viết: “Mong muốn được hạnh phúc là cơ bản đối với con người; nó là động cơ của mọi hành động của chúng ta. Điều đáng được kính trọng nhất trên đời, điều mà ai cũng đồng thuận hơn cả, điều rõ ràng nhất, liên tục nhất, đó là con người không chỉ muốn được hạnh phúc, mà còn chỉ muốn có nó mà thôi. Chính vì hạnh phúc mà người ta nỗ lực vượt lên chính bản thân mình”. Ước vọng đó là nguồn cảm hứng quá đỗi tự nhiên của từng hành động, từng lời nói và từng suy nghĩ của chúng ta, đến mức thậm chí ta cũng không nhận ra điều đó, như khí oxy ta hít thở suốt cả cuộc đời mà đâu có để ý đến nó. Điều ấy là hiển nhiên, thậm chí là điều quá bình thường, như nhà văn André Comte-Sponville viết: “Bởi vì thuộc tính của hạnh phúc chính là mối quan tâm của tất cả mọi người”. Nhưng có thể không phải của tất cả mọi người, bởi vì Pascal Bruckner lại cho rằng: “Không phải là tất cả chúng ta cùng tìm kiếm hạnh phúc – một giá trị của phương Tây đã có bề dày lịch sử. Có thể còn có nhiều giá trị khác được quan tâm hơn như tự do, công lý, tình yêu, tình bạn”. Hệt như ông Jourdain nhà văn xuôi mà không biết rằng mình làm văn xuôi, người có niềm tin vào những giá trị trên đã không ý thức được rằng chính chúng là những mặt khác nhau của hạnh phúc và là những con đường khác nhau để đạt được nó. Khi hạnh phúc không được gọi tên, nó bị lẫn vào một mớ những thứ na ná như nó, ví dụ như thú vui, trò giải trí, ngất ngây, khoái lạc hay những ảo tưởng phù du, nhất thời. Mỗi người tự do đi tìm hạnh phúc với một cái tên khác nhau, song bắn các mũi tên hú họa về mọi hướng thì không đủ. Có thể một vài mũi trúng đích mà ta không hiểu tại sao, song đa số bay lạc vào không gian, khiến ta cảm thấy cụt hứng, hoang mang.

Có tất cả mới hạnh phúc được hay sao?

Cho hạnh phúc là sự cụ thể hóa toàn bộ ham muốn và đam mê của chúng ta, và nhất là xem hạnh phúc như là duy nhất cho mình, là đã lẫn lộn giữa ước vọng chính đáng được an lạc với ảo tưởng, và vì thế chắc chắn sẽ dẫn tới thất vọng. Với việc khẳng định rằng “hạnh phúc là sự thỏa mãn mọi mong muốn của chúng ta”, xét cả trên các khía cạnh “đa dạng”, “cường độ” và “thời gian”, triết gia Kant đã xếp hạnh phúc vào lĩnh vực không thực hiện được. Khi ông khẳng định rằng hạnh phúc là trạng thái của một người “muốn gì được nấy trong suốt cuộc đời”, chúng ta phải tự hỏi rằng phép màu nhiệm nào mà mọi thứ lại “tới” theo ước vọng và ý muốn của mình. Điều này làm tôi nhớ tới đoạn thoại trong một bộ phim:

“Tớ muốn thứ thuộc về tớ.

Thế thứ ấy là gì vậy?

Là thế giới, Chico ạ. Và mọi thứ có trong đó…”

Ở đây cũng vậy, ta lại thấy ý muốn mù quán của một cái tôi, luôn mong muốn rằng thế giới phải phản ánh những ham muốn của nó. Thậm chí ngay cả khi ta có thể thỏa mãn được một cách lý tưởng những khuynh hướng của mình, sự thỏa mãn đó cũng không đưa tới hạnh phúc, mà làm nảy sinh những ham muốn mới, hoặc thái độ thờ ơ, chán chường, thậm chí suy sụp. Tại sao lại suy sụp? Bởi vì nếu ta tưởng rằng khi thỏa mãn được tất cả những khuynh hướng của mình, chúng ta sẽ hạnh phúc thì khi thất bại, chúng ta sẽ sinh ra nghi ngờ ngay cả sự tồn tại của khái niệm hạnh phúc. Nếu mình “đã có tất cả để hạnh phúc” mà vẫn không hạnh phúc, vậy thì hạnh phúc là điều không thể. Điều đó chứng minh rõ ràng rằng người ta có thể có ảo vọng đến mức nào về những nguyên nhân của hạnh phúc. Thực sự là nếu không có an lạc nội tâm và không có trí tuệ thì con người không có gì để mà hạnh phúc hết. Sống trong hi vọng lẫn nghi ngờ, kích động lẫn buồn tủi, ham muốn lẫn chán chường, người ta dễ phung phí cuộc đời từng chặn từng chặn một mà thậm chí không nhận ra, chạy bổ đi tứ phía mà chẳng đến được đích nào. Hạnh phúc là một trạng thái được thực hiện trong nội tâm, không phải là sự thỏa mãn những ham muốn vô hạn hướng ra bên ngoài.

Mặt trời ẩn đằng sau những đám mây

Khi chúng ta làm nảy sinh một hạnh phúc đích thực – trạng thái an lạc, về thực chất, chúng ta đã làm phát lộ ra, hoặc đánh thức dậy, một tiềm năng luôn có ở trong mình. Đó là cái mà đạo Phật gọi là “Phật tính”, đã có sẵn trong mỗi con người. Công việc “xây dựng” hoặc “phát triển” của chúng ta không là gì khác ngoài việc loại bỏ dần dần tất cả những gì che lấp tiềm năng đó, làm cản trở trí tuệ và niềm vui sống tỏa sáng. Ánh sáng mặt trời không bao giờ bị các đám mây làm cho tối đi và che khuất trong con mắt của chúng ta. Chúng ta sẽ thấy rằng sự loại bỏ dần dần kia nằm gột sạch đầu óc khỏi mọi độc tố của tâm thức, những thứ đầu độc tư tưởng chúng ta như lòng thù hận, tham lam và vô minh.

Hạnh phúc của chúng ta là hạnh phúc của tha nhân

Hạnh phúc cho bản thân thôi ư? Có thể được chăng khi không thèm đoái hoài gì tới hạnh phúc của người, hoặc tệ hại hơn, khi cố tìm cách xây dựng nó trên nỗi bất hạnh của người? Thứ hạnh phúc được thiết lập trên vương quốc của thói ích kỷ chỉ có thể là giả tạo, phù du và mong manh như một lâu đài dựng trên mặt hồ đóng băng sẵn sàng chìm ngay khi tuyết vừa tan. Trong số những phương pháp vụng về, mù quáng hoặc quá khích mà con người tiến hành để xây dựng hạnh phúc, một trong những phương pháp vô bổ nhất chính là thói quy ngã (cho mình là trung tâm). Nhà văn Pháp Romain Rolland đã viết: “Khi hạnh phúc ích kỷ là mục đích duy nhất của cuộc đời thì cuộc đời sắp sửa không còn mục đích nữa”. Ngay cả khi tỏ ra hạnh phúc về mọi mặt, người ta cũng không thực sự hạnh phúc khi không đoái hoài gì tới hạnh phúc của tha nhân.

Tịch Thiên (Shantideva) một triết gia Phật giáo Ấn Độ ở thế kỷ thứ VII, tự hỏi: “Bởi vì ai trong chúng ta cũng đều có nhu cầu hạnh phúc như nhau, vì thứ ưu tiên gì tôi lại có thể là đối tượng duy nhất của những nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc?”. Tôi chỉ là một, còn những người khác là số đông không thể tính được. Tuy thế, trong con mắt mình, tôi lại hơn tất cả những người khác. Đó là bài toán lạ lùng của sự thiếu hiểu biết (vô minh). Làm sao có thể hạnh phúc nếu tất cả những người sống quanh mình bị khổ đau kia chứ? Còn nếu họ hạnh phúc, phải chăng khổ đau dằn vặt của mình cũng nhẹ đi hơn? Ngài Tịch Thiên kết luận: “Mặc dù có các phần khác nhau, thân thể vẫn được che chở như một khối duy nhất: đối với thế gian này cũng vậy, ở đó các dạng chúng sinh – dù họ đang đau khổ hay vui sướng đều thiết tha được hạnh phúc như tôi”.

Điều này không hề có nghĩa là chúng ta cần phải coi nhẹ hạnh phúc của chính mình. Niềm khát khao hạnh phúc của chúng ta cũng chính đáng như khát vọng của bất kỳ ai. Và để yêu thương được người khác, cần phải biết yêu thương chính mình. Điều này không khiến chúng ta tự mãn về màu mắt của mình, về dáng dấp hay về một số nét thuộc về cá tính của bản thân, mà làm cho chúng ta nhìn nhận đúng đắn giá trị khát vọng được sống trong từng giây phút của cuộc đời như một khoảnh khắc an lạc. Yêu thương mình tức là yêu mến cuộc sống. Điều cốt yếu là phải hiểu được rằng mình cũng được hạnh phúc khi mang lại hạnh phúc cho tha nhân, như khi gieo hạt lúa trên đồng, mục đích chính của ta là gặt lúa, song đồng thời, không khó nhọc gì hơn, ta cũng thu hoạch luôn cả rạ và cám nữa.

Tóm lại, mục đích cuộc đời chính là trạng thái an lạc từng phút giây kèm theo tình yêu thương đồng loại, chứ không phải tình yêu vị kỷ mà xã hội hiện nay liên tục nhồi nhét vào đầu chúng ta. Hạnh phúc thực sự bắt nguồn từ lòng nhân từ cốt lõi, mong muốn chân thành cho ai cũng tìm được ý nghĩa của cuộc của cuộc đời mình. Đó là một tình yêu thương luôn sẵn đó, không phô trương, không tính toán. Là sự giản dị trước sau như một của một tấm lòng nhân hậu.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. LÒNG VỊ THA VÀ TRẠNG THÁI HẠNH PHÚC

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC “NĂNG LỰC LÀM NGƯỜI”
  2. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN
  3. NGƯỜI NÀO PHÔ TRƯƠNG, KẺ ĐÓ TỰ TI