CHRISTOPHE ANDRE
MATTHIEU RICARD
Trích: Bàn về cách sống, Đối thoại giữa triết gia, bác sĩ và nhà sư;
Việt dịch: Thiên Nga
NXB. Hà Nội; Công ty CP Sách Thái Hà; 2018
MATTHIEU: Trong đạo Phật có một ý niệm nền tảng mà ta bắt gặp trong tâm lý học tích cực: vắng mặt các trạng thái tinh thần tiêu cực thì không nhất thiết kéo theo sự hiện diện của các trạng thái tinh thần tích cực. Nói cách khác, niềm vui không chỉ là vắng mặt nỗi buồn, từ tâm không phải là vắng ác tâm. Khi chỉ chữa các trạng thái tiêu cực, ta đạt đến một trạng thái trung hòa, nhưng không phải các trạng thái tích cực đóng góp vào cảm giác viên mãn.
CHRISTOPHE: Để bổ sung cho điều anh nói, trong khuôn khổ trị liệu, khi chúng tôi chữa cho ai đó bị trầm cảm, mục đích không phải là để họ trong trạng thái trung hòa, mà trong một trạng thái họ có thể lại cảm thấy những cảm xúc tích cực. Các cảm xúc dễ chịu này sẽ do những sự tình cờ trong đời sống, do người khác, đem đến cho họ, nhưng nếu chúng tôi không chỉ cho họ cách đón nhận chúng tốt hơn hay tự xây dựng chúng thì như vậy vẫn chưa đủ.
MATTHIEU: Trong tâm lý học tích cực, người ta nói rằng việc vắng bóng trạng thái bệnh lý không nhất thiết là một trạng thái tối ưu, đó chỉ là một trạng thái “bình thường”, trong khi đó trạng thái tối ưu cần được vun trồng trong chính mình. Nói cách khác, trạng thái bình thường chỉ cho phép vận hành bình thường, nhưng để sống theo kiểu tối ưu, hay thực hiện đầy đủ tiềm năng của mình, ta cần vun trồng các giá trị khác nữa, ví dụ nhân từ và từ bi, đồng thời giải phóng tâm trí mình khỏi ảnh hưởng của những ý nghĩ nhiễu loạn.
CHRISTOPHE: Tôi tin vào một sự lan tỏa tình thương, lòng nhân từ, dịu dàng và trí thông minh. Mỗi lần ta có một hành động dịu dàng, cảm mến, yêu thương, mỗi lần ta khai sáng cho ai đó bằng cách khuyên bảo, ta cải biến một chút tương lai của nhân loại theo chiều hướng tốt. Còn mỗi lần ta nói một điều độc địa, ta làm một điều hung ác, và ta lặp lại, ta làm mất thời gian của sự tiến bộ nhân loại. Do vậy, việc mỗi người vun trồng nhiều nhất có thể được những tình cảm và hành vi tích cực là vấn đề sống còn cho tất cả mọi người.
MATHIEU : Để vun trồng lòng nhân từ, cần bắt đầu từ chuyện ý thức rằng, một cách nền tảng, chúng ta rất sợ khổ và khát khao được hạnh phúc. Giai đoạn này đặc biệt quan trọng đối với những người có hình ảnh tiêu cực về mình, hay người đã chịu đựng quá nhiều và cho rằng mình sinh ra không phải để được hạnh phúc. Những người ấy trước hết cần học cách bao dung và nhân từ với chính mình.
Khi ta đã nhận ra cái khát vọng hạnh phúc này rồi, quan trọng là biết điều đó là như nhau với tất cả mọi người. Lúc đó ta sẽ cảm thấy gần với người khác hơn, ta quý trọng nguyện vọng của họ và quan tâm đến số phận của họ.
Cuối cùng, ta cần tập có lòng nhân từ. Mới đầu, sẽ dễ dàng hơn khi nghĩ về ai đó ta yêu quý. Ta để cho mình ngập tràn một tình yêu và lòng nhân từ vô điều kiện với người đó, ta ở lại trong trạng thái này vài giây. Tiếp đó ta mở rộng lòng nhân này ra cho người khác mà ta ít quen hơn. Họ cũng muốn được hạnh phúc. Rồi ta còn đi xa hơn nữa. Ta ôm trọn trong lòng nhân của mình cả những người không phải với ta, và những kẻ làm hại tất cả mọi người. Ta không mong họ làm được những hành vi có hại, mà ta mong họ được giải thoát khỏi lòng hận thù, tham lam, tàn ác hay dửng dưng, và mong họ lo cho lợi lạc của người khác. Ta nhìn họ như một bác sĩ nhìn bệnh nhân ốm nặng nhất. Cuối cùng, ta sẽ bao trọn toàn thể nhân loại trong một tình cảm yêu thương không biên giới.
—
Trích: Bàn về cách sống, Đối thoại giữa triết gia, bác sĩ và nhà sư;
Việt dịch: Thiên Nga
NXB. Hà Nội; Công ty CP Sách Thái Hà; 2018