CÁC TÔN GIÁO CÙNG CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH THẾ GIỚI

SƯU TẦM

Nguồn: https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=3B5240

Vào ngày 22-11, tại Nihondaira, Shizuoka, Nhật Bản đã diễn ra buổi lễ cầu nguyện cho hòa bình thế giới với sự tham gia của nhiều thành viên thuộc các tôn giáo khác nhau, gồm: Thần đạo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, và Phật giáo.

Riêng Phật giáo, có nhiều tông phái khác nhau tham dự, đặc biệt là sự tham dự của Đức Dalai Lama và chư Tăng Tây Tạng.

Nhat-ban 4.jpg

Đức Dalai Lama phát biểu tại buổi lễ

 

Trong buổi lễ cầu nguyện, mỗi nhóm tôn giáo đều thực hiện nghi thức cầu nguyện theo phong cách riêng của mình.
Lễ cầu nguyện đa tôn giáo này xuất phát từ sự ảnh hưởng bởi một câu châm ngôn của Hoàng tử Shotoku, một nhà truyền bá đạo Phật thời sơ khai của Phật giáo tại Nhật Bản. Hoàng tử đã phát biểu rằng: “Sự hòa hợp được đánh giá cao; việc tránh sự chống đối tùy tiện là đáng được vinh danh”.

Tại buổi lễ cầu nguyện, Đức Dalai Lama đã có bài phát biểu ngắn. Ngài nói: Ở đây, trước núi Phú Sĩ thiêng liêng, chúng ta, những thành viên của các truyền thống tôn giáo khác nhau đã tập trung về đây để cầu nguyện cho niềm hạnh phúc bền lâu của tất cả chúng sinh trên trái đất này. Chúng ta cũng cầu nguyện cho sự phát triển của nền hòa bình, một điều kiện căn bản để có được hạnh phúc bền lâu. Tất cả những truyền thống tôn giáo chính của thế giới đều chuyển tải một thông điệp tương tự nhau về tình thương yêu, lòng bi mẫn, khoan dung và khắc kỷ. Vì thế, vấn đề quan trọng là, dù có những phương thức tiếp cận khác nhau, nhưng các truyền thống tôn giáo khác nhau này sống chung hòa hợp với nhau.

Trong lịch sử, có những thời điểm xung đột bạo lực nổ ra vì vấn đề tôn giáo. Đây là điều đáng buồn, bởi vì các tôn giáo đều có điểm chung là trau dồi tình yêu thương, lòng bi mẫn và tha thứ, đây chính là những giá trị cần thiết cho xã hội mà chúng ta đang sống.

Ngài chia sẻ thêm, với tư cách là một tu sĩ Phật giáo, ngài đã gặp, tham gia các cuộc thảo luận và các buổi lễ cầu nguyện với những người thuộc nhiều truyền thống tôn giáo khác nhau. Tất cả những người ấy đều phục vụ tín đồ của họ bằng cách dạy cho các tín đồ con đường đạo đức, mà về cơ bản là hướng đến điều thiện. Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo, Phật giáo và Kỳ Na giáo đều có chung mục đích là nuôi lớn tình yêu và lòng bi mẫn nơi con người. Dù các tôn giáo trình bày những quan điểm triết học khác nhau, bởi vì các tôn giáo đã phát sinh ở những vùng khác nhau, thời điểm khác nhau, nơi những người có khuynh hướng tinh thần khác nhau, nhưng mục đích của các tôn giáo thì vẫn giữ nguyên. Vì vậy, điều quan trọng là sự hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau giữa các tôn giáo cần được phát huy.

Ngài nói, trong thế giới ngày nay, có nhiều vấn đề xảy ra với thế giới loài người vì chúng ta thiếu những chuẩn mực đạo đức, thậm chí thiếu cả sự trung thực đơn giản nhất. Vì vậy, chúng ta cần phải thúc đẩy các giá trị đó trong cộng đồng. Và trong bối cảnh như thế, những hành giả của các tôn giáo nên là những ví dụ điển hình cho việc tạo ra tâm bình an. Để chứng minh những phẩm chất ấy đối với người khác thì trước hết bạn phải có được sự bình an bên trong bản thân mình. Nếu không có sự bình an trong bản thân mình thì làm sao bạn có thể đem đến cho người khác?

Là một người đệ tử Phật, đây là những gì tôi cố gắng làm với tất cả khả năng của mình, và tôi kêu gọi chư huynh đệ ở đây cũng cố gắng thực hiện điều này.

Sau buổi lễ cầu nguyện, mọi người đã cùng nhau dự bữa cơm trưa, cùng nhau thưởng thức những món ăn truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc của Nhật Bản.

Nhat-ban 1.jpg

Đức Dalai Lama và chư Tăng Tây Tạng cầu nguyện

Nhat-ban 2.jpg

Các tông phái Phật giáo tại Nhật Bản thực hiện nghi thức cầu nguyện

Nhat-ban 3.jpg

Tín đồ Thiên Chúa giáo hát Thánh ca cầu nguyện

Nhat-ban 5.jpg

Tín đồ Hồi giáo thực hiện nghi thức nguyện cầu

Nhat-ban 6.jpg

Tín nữ của Thần đạo cầu nguyện theo truyền thống của mình

Minh Nguyên (Theo Dalailama.com)

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. GIÁO DỤC TÔN GIÁO NHƯ THẾ NÀO LÀ ĐÚNG? (*)
  2. BÀI HỌC QUA LỜI DẠY CỦA PHẬT VỀ SÁU PHÉP HÒA HỢP
  3. MẸ TERESA VÀ GIẢI NOBEL HÒA BÌNH 1979

Bài viết khác của tác giả

  1. SỨC MẠNH CỦA NHÂN LÀNH – SỨC MẠNH CỦA THIỆN PHÁP – SỨC MẠNH CỦA BỐ THÍ
  2. CON CHỒN CỦA HÒA THƯỢNG HƯ VÂN
  3. 5 CÁCH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU THIÊN NHIÊN Ở CON TRẺ

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ