GIÁO DỤC TÔN GIÁO NHƯ THẾ NÀO LÀ ĐÚNG? (*)

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Giáo Dục và Ý Nghĩa Cuộc Sống; Biên dịch: Đinh Hồng Phúc; NXB. Hồng Đức; Công ty VH Sáng tạo Trí Việt - First News; 2017

Những người theo tôn giáo thường cố áp đặt lên đứa trẻ những đức tin, niềm hy vọng và nỗi sợ mà họ đã tiếp nhận từ cha mẹ họ; và những người vô thần cũng muốn gây ảnh hưởng lên đứa trẻ, bắt chúng phải chấp nhận lối nghĩ riêng của họ. Tất cả chúng ta đều muốn con cái phải chấp nhận hình thức sùng bái của mình và nhập tâm ý thức hệ mà ta đã chọn. Còn gì dễ dàng hơn việc buông mình vào những hình ảnh và công thức sẵn có, dẫu đó là do chính chúng ta tạo ra hay do người khác tạo ra, và vì vậy ta cần phải hết sức tỉnh táo và cảnh giác.

Cái chúng ta gọi là tôn giáo thực chất chỉ là đức tin, cùng với các tín điều, nghi lễ, những điều huyền bí và cuồng tín của nó. Mỗi tôn giáo đều có kinh sách riêng, người sáng lập, các giáo sĩ và các phương cách đe dọa, chi phối mọi người. Hầu hết chúng ta đều bị định đặt bởi những thứ ấy, và đó là những gì mà người ta gọi là giáo dục tôn giáo; nhưng sự quy định này đặt con người vào thế chống lại nhau, gây ra sự đối kháng không chỉ giữa các tín đồ với nhau, mà còn giữa tín đồ tôn giáo này với tín đồ tôn giáo kia. Dù tất cả các tôn giáo đều khẳng định rằng họ thờ Thượng đế và nói rằng chúng ta phải yêu thương lẫn nhau, nhưng chính họ lại gieo rắc nỗi sợ bằng các giáo lý về sự thưởng phạt; và qua các tín điều cạnh tranh, họ truyền lưu mối hoài nghi và sự đối kháng.

Các giáo điều, các câu chuyện huyền bí và các nghi lễ – tất cả những thứ này không dẫn đến đời sống tâm linh. Giáo dục tôn giáo theo đúng nghĩa của từ này là khuyến khích đứa trẻ hiểu mối tương quan giữa bản thân với người khác, với mọi vật và với thiên nhiên. Không có sự tồn tại nào nếu không có mối tương quan; và nếu không có sự nhận biết chính mình thì mọi mối tương quan, với một người hay với nhiều người, đều trở thành nguyên nhân của xung đột và đau khổ. Đương nhiên, giải thích hết điều này cho một đứa trẻ là điều bất khả; song nếu nhà giáo dục và cha mẹ nắm bắt đầy đủ ý nghĩa của mối tương quan – qua thái độ, cách ứng xử và lời nói – chắc chắn họ có thể chuyển tải được cho đứa trẻ, mà không cần phải nói và giải thích nhiều, về ý nghĩa của đời sống tâm linh.

Cách dạy dỗ của tôn giáo không khuyến khích đặt câu hỏi và hoài nghi, chỉ khi nào chúng ta truy vấn ý nghĩa của các giá trị mà xã hội và tôn giáo đã đặt ra quanh chúng ta thì chúng ta mới bắt đầu biết đâu là chân lý. Vai trò của nhà giáo dục là nghiên cứu cho thật kỹ càng những tư tưởng, tình cảm của chính mình và gạt sang một bên các giá trị đã mang lại cho anh ta sự an nhàn và thoải mái, chỉ khi ấy anh ta mới có thể giúp học trò mình ý thức về bản thân chúng và hiểu được sự thôi thúc và nỗi sợ hãi của chính chúng.

Giáo dục tôn giáo đích thực phải giúp trẻ nhận thức sáng suốt về chính mình, biết phân định rõ đâu là cái giả tạm và đâu là sự thật và biết tiếp cận cuộc sống một cách vô vị lợi.

Thời gian thuận lợi cho sự phát triển là khi người ta còn trẻ; còn những người lớn tuổi, nếu có sự thông hiểu, sẽ giúp những người trẻ tự giải thoát mình khỏi những trở ngại mà xã hội đã áp đặt lên các em, cũng như khỏi những gì mà chính các em đang phóng chiếu lên bản thân. Nếu đầu óc và con tim của đứa trẻ chưa bị nhào nặn bởi các ý niệm có sẵn của tôn giáo và các tiên kiến thì đứa trẻ sẽ tự do phát hiện ra, qua việc nhận biết chính mình, cái gì đang ở bên trên và vượt lên khỏi bản thân.

Tôn giáo đích thực không phải là tập hợp các đức tin và nghi lễ, hy vọng và sợ hãi; nếu chúng ta tạo điều kiện cho đứa trẻ lớn lên mà không dính mắc vào những tác động cản trở này thì có lẽ khi trưởng thành, trẻ sẽ bắt đầu tự truy vấn về bản tính của thực tại, của Thượng đế. Đó là lý do tại sao, trong việc giáo dục cho trẻ, minh kiến sâu sắc và sự thông hiểu là cần thiết.

Hầu hết những người có xu hướng tôn giáo thường nói về Thượng đế và sự bất tử, về niềm tin cơ bản là không tồn tại sự tự do và sự hợp nhất toàn diện; thế nhưng tôn giáo đích thực chính là sự vun bồi tự do trong việc tìm cầu chân lý. Không thể có sự thỏa hiệp đối với tự do. Tự do một phần không phải là tự do. Việc bị quy định, dưới bất kỳ hình thức nào, không phải là tự do và nó sẽ chẳng bao giờ mang lại sự bình yên.

Tôn giáo không phải là một hình thức định đặt hay khuôn định. Nó là một trạng thái tĩnh lặng trong đó chứa đựng thực tại, Thượng đế; nhưng trạng thái sáng tạo ấy chỉ xuất hiện khi có sự nhận biết chính mình và sự tự do. Tự do mang lại đức hạnh, và nếu không có đức hạnh thì không thể có sự tĩnh lặng. Tâm trí tĩnh tại không phải là tâm trí bị quy định, nó không thể bị kỷ luật hay chịu sự huấn luyện. Sự tĩnh tại chỉ xuất hiện khi tâm trí hiểu được các diễn trình của chính nó, tức là các diễn trình của bản ngã, của cái tôi.

Tôn giáo là tư tưởng đã bị đóng băng của con người, từ đó họ xây dựng đền đài, chùa chiền và nhà thờ; nó trở thành nơi giúp giải tỏa nỗi sợ hãi, một liều thuốc phiện cho những ai đang sầu khổ. Nhưng Thượng đế hay chân lý lại ở phía bên kia của những tư tưởng và những đòi hỏi đầy cảm xúc. Cha mẹ và người thầy, tức những người biết rõ các diễn trình tâm lý đã gây ra nỗi sợ và đau khổ, phải giúp trẻ học cách quan sát, hiểu được các xung đột và những gì đang thách thức các em.

Nếu chúng ta, những người lớn, không giúp trẻ lớn lên qua việc học cách tư duy rõ ràng và không bị quấy nhiễu bởi những ham muốn, học cách thương yêu và không nuôi lòng thù hận, thì chúng ta còn làm gì khác nữa? Nếu chúng ta thường xuyên quấy nhiễu người khác, nếu chúng ta không thể mang lại trật tự và hòa bình cho thế giới bằng việc thay đổi bản thân một cách sâu sắc, thì những cuốn thánh kinh kia phỏng có ích gì?

Giáo dục tôn giáo đích thực phải giúp trẻ nhận thức sáng suốt về chính mình, biết phân định rõ đâu là cái giả tạm và đâu là sự thật và biết tiếp cận cuộc sống một cách vô vị lợi; và chẳng phải là sẽ có ý nghĩa hơn khi bắt đầu một ngày ở nhà hay ở trường với sự chiêm nghiệm nghiêm túc, hay với việc đọc những cuốn sách có ý nghĩa sâu sắc và thực sự có ích, so với việc cứ mãi nhai đi nhai lại những ngôn từ sáo rỗng hay sao?

Các thế hệ trong quá khứ, với những tham vọng, truyền thống và lý tưởng của họ, đã gây ra cảnh khốn cùng và suy đồi cho thế gian này; có lẽ các thế hệ tiếp tới, với loại hình giáo dục đúng đắn, có thể chấm dứt tình trạng hỗn loạn này và tái thiết một trật tự xã hội hạnh phúc hơn. Nếu những người trẻ trang bị cho mình tinh thần không ngừng chất vấn, nếu họ vẫn liên tục tìm kiếm sự thật trong mọi điều – chính trị và tôn giáo, cá nhân và môi trường – thì tuổi trẻ mới có ý nghĩa quan trọng và chúng ta có thể hy vọng vào một thế giới tốt đẹp hơn.

Hầu hết trẻ nhỏ đều có tính hiếu kỳ, chúng tò mò muốn biết về mọi sự; nhưng sự háo hức truy vấn của chúng lại bị dập tắt bởi những lời khẳng quyết cố chấp, sự thiếu kiên nhẫn đầy trịch thượng của người lớn chúng ta và việc ta hờ hững gạt tính hiếu kỳ của chúng sang một bên. Chúng ta không khuyến khích các em truy vấn, vì chúng ta khá e dè với việc bị chất vấn; chúng ta không cổ vũ cho việc bày tỏ thái độ không thỏa nguyện của các em, vì chính chúng ta không còn khả năng hoài nghi nữa.

Hầu hết các bậc cha mẹ và người thầy đều e sợ thái độ bất mãn vì nó làm xáo trộn mọi hình thức an toàn, do đó họ khuyến khích thanh niên vượt qua sự bất mãn ấy bằng những công việc ổn định, sự thừa kế gia sản, hôn nhân và sự an ủi của các giáo điều. Những người lớn tuổi, quá tỏ tường với bao cách thức làm mụ mị trí óc và con tim, tiến hành việc biến đứa trẻ thành kẻ ngờ nghệch y như họ bằng cách áp đặt lên em các uy quyền, truyền thống và các đức tin mà họ đã chấp nhận.

Chỉ bằng cách khuyến khích đứa trẻ biết đặt câu hỏi về tất cả những gì chúng đọc, biết truy vấn tính hiệu lực của các giá trị, truyền thống, đức tin, v.v… đang tồn tại trong xã hội thì nhà giáo dục và cha mẹ mới có thể hy vọng đánh thức, đồng thời duy trì ý thức phản biện và năng lực nhận thức ở trẻ.

—– —–

Bài viết này nằm trong loạt bài viết trình bày quan điểm về loại hình giáo dục đúng đắn của J. Krishnamurti, được trích từ tác phẩm Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống (Chương II – Loại hình giáo dục đúng đắn).

Quý đọc giả có thể theo dõi các bài viết trong cùng chủ đề này theo các liên kết dưới đây:

—– —–

Chú thích

(*) Tựa bài viết do Ban biên tập đặt

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. VAI TRÒ ĐÚNG ĐẮN CỦA GIÁO DỤC (*)
  2. NHỮNG QUAN NIỆM VÀ HÀNH XỬ SAI LẦM (*)
  3. KỶ LUẬT CÓ PHẢI LÀ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN?(*)

Bài viết khác của tác giả

  1. KRISHNAMURTI VỀ Ý NGHĨ
  2. TÔI KHÔNG BIẾT
  3. BÀI CA VỀ CÁI THÂN YÊU

Bài viết mới

  1. NHỮNG VÍ DỤ VỀ BUÔNG BỎ
  2. KRISHNAMURTI VỀ Ý NGHĨ
  3. TẠI SAO CON NGƯỜI CẦN HÀNH ĐỘNG CHÍNH TRỰC?