NHỮNG QUAN NIỆM VÀ HÀNH XỬ SAI LẦM (*)

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Giáo Dục và Ý Nghĩa Cuộc Sống; Biên dịch: Đinh Hồng Phúc; NXB. Hồng Đức; Công ty VH Sáng tạo Trí Việt - First News; 2017

Những người trẻ đều tràn đầy hy vọng và không có tinh thần cam chịu, an phận; họ phải như vậy, nếu không thì họ đã là những người già cỗi và sống mòn. Người già là những con người xưa kia từng không cam chịu, nhưng họ đã thành công trong việc dập tắt ngọn lửa ấy bằng cách tìm kiếm sự an toàn và an nhàn theo nhiều cách khác nhau. Họ thèm khát sự ổn định lâu dài cho bản thân và cho gia đình họ, họ mong mỏi có sự chắc chắn trong tư tưởng, trong mối tương quan, trong của cải; cho nên lúc cảm thấy bất mãn, họ vùi mình vào trách nhiệm, vào công việc hay vào bất cứ thứ gì khác để trốn tránh cảm giác bất mãn đang gây xáo trộn bản thân họ.

Giai đoạn chúng ta còn trẻ là quãng thời gian chúng ta bất mãn không những với chính mình mà còn với mọi thứ xung quanh. Chúng ta nên học cách suy nghĩ rõ ràng và không định kiến để không còn bị lệ thuộc và sợ hãi trong nội tâm. Độc lập không phải là thứ dành cho những phần được tô màu trên tấm bản đồ mà ta gọi là đất nước. Độc lập là một trạng thái thuộc về chúng ta, những cá thể có tri giác. Mặc dù ở bên ngoài chúng ta phụ thuộc lẫn nhau, nhưng sự phụ thuộc này sẽ không trở nên thô bạo hay áp bức nếu nội tâm chúng ta được giải phóng khỏi sự thèm khát quyền lực, chức vụ và ưu thế.

Chúng ta phải hiểu thấu bản chất của sự bất mãn, điều mà hầu hết chúng ta đều sợ. Sự bất mãn có thể dẫn đến điều gì đó có vẻ như mất trật tự, nhưng nếu nó mở ra sự nhận thức về chính mình và sự quên mình thì nó sẽ tạo ra một trật tự xã hội mới và vun đắp nền hòa bình lâu dài. Cùng với sự quên mình là niềm hân hoan vô bờ.

Ngạc nhiên thay, sự bất mãn lại là phương tiện dẫn đến sự tự do, nhưng để truy vấn một cách không định kiến, ta không được phung phí cảm xúc của mình như thường xảy ra trong những buổi hội họp hô vang các khẩu hiệu. Sự phung phí này làm mê muội trí óc và con tim, khiến cho chúng ta không thể thấu triệt, do đó dễ dàng bị rập khuôn theo hoàn cảnh và nỗi sợ hãi. Chính nỗi khát khao muốn truy hỏi, chứ không phải sự rập khuôn theo đám đông, mới mang lại hiểu biết mới về các phương cách của cuộc sống. 

Người trẻ rất dễ bị thuyết phục phải suy nghĩ theo một lối nào đó; nhưng loại hình giáo dục đúng đắn sẽ giúp họ trở nên cẩn trọng với những tác động này sao cho không lặp lại những khẩu hiệu như con vẹt hay rơi vào bất cứ cạm bẫy tham lam đầy ranh mãnh nào. Chúng ta không được để cho uy quyền khống chế trí óc và con tim mình. Đi theo một người khác, dù họ vĩ đại đến cỡ nào, hay trung thành mù quáng với một ý thức hệ, sẽ chẳng hề mang lại một thế giới hòa bình.

Khi vừa rời khỏi ghế nhà trường, nhiều người trong chúng ta đã vứt ngay sách vở sang một bên và cảm thấy chúng ta đã hoàn thành xong nhiệm vụ học hành; bên cạnh đó cũng có nhiều người cảm thấy hứng thú và muốn mở rộng tư tưởng của mình hơn nữa, họ tiếp tục đọc sách, say sưa với những gì người khác nói, và trở nên nghiện ngập đống kiến thức. Chừng nào chúng ta vẫn còn sùng bái kiến thức hay kỹ thuật như là phương tiện cho sự thành công và thống trị, thì chừng ấy thế giới này vẫn còn đầy rẫy sự cạnh tranh khốc liệt, sự chống đối và những cuộc chiến giành giật miếng ăn bất tận.

Tất cả chúng ta đều muốn leo lên đỉnh thành công, và nỗi ham muốn này gây ra sự xung đột thường xuyên trong nội tâm ta và xung đột với những người bên cạnh; nó dẫn tới sự cạnh tranh, ganh ghét, thù địch và cuối cùng là chiến tranh.

Chừng nào sự thành công còn là mục tiêu của chúng ta thì chừng ấy chúng ta vẫn chưa thể vượt qua nỗi sợ hãi, vì sự ham muốn thành công tất yếu sẽ dẫn đến trạng thái sợ thất bại. Đó là lý do vì sao chúng ta không nên dạy cho trẻ em sùng bái sự thành công. Hầu hết mọi người theo đuổi sự thành công dưới dạng này hay dạng khác, dù đó là trên sân quần vợt, trong thế giới kinh doanh, hay trong chính trường. Tất cả chúng ta đều muốn leo lên đỉnh thành công, và nỗi ham muốn này gây ra sự xung đột thường xuyên trong nội tâm ta và xung đột với những người bên cạnh; nó dẫn tới sự cạnh tranh, ganh ghét, thù địch và cuối cùng là chiến tranh.

Giống như các thế hệ tiền bối, thế hệ trẻ cũng tìm kiếm sự thành công và cảm giác an toàn; dẫu cho lúc đầu họ đầy tinh thần phản kháng, chẳng mấy chốc họ bắt đầu trở nên kính trọng và sợ phải từ chối xã hội. Các bức tường ham muốn bắt đầu vây hãm họ, họ nằm trong vòng kiềm tỏa và chấp nhận sự thống trị của uy quyền. Sự bất mãn của họ – ngọn đèn soi tỏ cho họ trên hành trình truy vấn, tìm kiếm và thấu hiểu – mỗi lúc một leo lét rồi lụi tàn, và thay vào đó là ước muốn có một công việc tốt hơn, cưới được người giàu có, có một sự nghiệp xán lạn, tất cả những thứ ấy đều là mong ước thủ đắc sự an toàn ngày càng chắc chắn hơn.

Không có sự khác biệt cơ bản nào giữa người già và người trẻ, vì cả hai đều là nô lệ cho những ham muốn và thỏa mãn của chính họ. Độ chín chắn không liên quan gì đến tuổi tác, nó đi cùng với sự hiểu biết. Tinh thần truy vấn một cách háo hức có lẽ dễ dàng nảy sinh hơn đối với người trẻ, vì những người già đã bị cuộc sống làm cho bầm dập, các cuộc xung đột đã làm họ kiệt sức, và cái chết dưới nhiều hình thức khác nhau đang chờ đợi họ. Điều này không có nghĩa là họ không còn đủ sức truy vấn có mục đích, mà chỉ là đối với họ, việc đó sẽ khó khăn hơn mà thôi.

Nhiều người trưởng thành về mặt tuổi tác lại thiếu chín chắn và khá ngây ngô, đây là nguyên nhân góp phần làm cho thế giới trở nên hỗn loạn và đau khổ. Chính người lớn phải chịu trách nhiệm cho sự khủng hoảng kinh tế và suy đồi đạo đức đang lan tràn; một trong những yếu kém, thiếu may mắn của chúng ta đó là chúng ta trông chờ có ai đó hành động thay mình và làm thay đổi diễn trình đời sống của chúng ta. Chúng ta mong đợi người khác nổi dậy xây dựng một thế giới mới, thế nhưng chính mình thì vẫn thụ động, chưa chắc chắn về kết quả.

Điều mà phần lớn mọi người theo đuổi chính là sự an toàn và thành công; và một tâm trí mãi bận tâm tìm kiếm sự an toàn, thèm khát sự thành công không phải là một tâm trí khôn ngoan, vì thế mà không thể hành động một cách toàn diện. Hành động toàn diện chỉ có thể xảy ra khi người ta ý thức về tình trạng bị định đặt của chính mình, và các thành kiến chủng tộc, dân tộc, chính trị và tôn giáo của mình; nghĩa là chỉ khi nào người ta nhận ra rằng các phương cách tồn tại của bản ngã mãi mãi tách biệt nhau.

Cuộc sống là một nguồn nước sâu. Người ta có thể đến với nó với những cái xô nhỏ và chỉ múc được một ít nước, hoặc người ta có thể đến với nó với những cái thùng lớn, múc nhiều nước để sinh hoạt và dự trữ. Thời trẻ là quãng thời gian lý tưởng để người ta tìm tòi và trải nghiệm mọi thứ. Nhà trường nên giúp học sinh phát hiện ra những thiên hướng và trách nhiệm của mình, chứ không chỉ đơn thuần nhồi nhét các dữ kiện và kiến thức kỹ thuật vào đầu các em; nhà trường nên là mảnh đất để học sinh có thể trưởng thành một cách hạnh phúc, toàn diện và không có bóng dáng của nỗi sợ hãi.

—– —–

Bài viết này nằm trong loạt bài viết trình bày quan điểm về loại hình giáo dục đúng đắn của J. Krishnamurti, được trích từ tác phẩm Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống (Chương II – Loại hình giáo dục đúng đắn).

Quý đọc giả có thể theo dõi các bài viết trong cùng chủ đề này theo các liên kết dưới đây:

—– —–

Chú thích

(*) Tựa bài viết do Ban biên tập đặt

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. VAI TRÒ ĐÚNG ĐẮN CỦA GIÁO DỤC (*)
  2. GIÁO DỤC TÔN GIÁO NHƯ THẾ NÀO LÀ ĐÚNG? (*)
  3. KỶ LUẬT CÓ PHẢI LÀ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN?(*)

Bài viết khác của tác giả

  1. KRISHNAMURTI VỀ Ý NGHĨ
  2. TÔI KHÔNG BIẾT
  3. BÀI CA VỀ CÁI THÂN YÊU

Bài viết mới

  1. NHỮNG VÍ DỤ VỀ BUÔNG BỎ
  2. KRISHNAMURTI VỀ Ý NGHĨ
  3. TẠI SAO CON NGƯỜI CẦN HÀNH ĐỘNG CHÍNH TRỰC?