VAI TRÒ ĐÚNG ĐẮN CỦA GIÁO DỤC (*)

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Giáo Dục và Ý Nghĩa Cuộc Sống; Biên dịch: Đinh Hồng Phúc; NXB. Hồng Đức; Công ty VH Sáng tạo Trí Việt - First News; 2017

Giáo dục một đứa trẻ là giúp đỡ em hiểu rõ sự tự do và sự hợp nhất toàn diện. Muốn có tự do phải có trật tự, cái trật tự mà chỉ đức hạnh mới có thể mang lại; còn sự hợp nhất chỉ có thể xảy ra khi có sự tối giản. Từ vô vàn những cái phức tạp, ta phải phát triển lên thành sự đơn giản; ta phải trở nên đơn giản trong cuộc sống nội tâm và trong những nhu cầu bên ngoài.

Hiện nay, nền giáo dục chú trọng đến tính hiệu quả bên ngoài và nó hoàn toàn không chú ý đến, hay cố tình xuyên tạc, cái bản tính tự nhiên bên trong; nó chỉ phát triển một phần của con người và bỏ mặc phần còn lại. Sự xáo trộn, đối kháng và nỗi sợ hãi trong nội tâm chúng ta luôn thắng thế cấu trúc xã hội ở bên ngoài, dù cái cấu trúc ấy được đề cao đến đâu và được xây dựng khôn ngoan đến mức nào. Khi nền giáo dục được xây dựng trên những cơ sở sai lầm, chúng ta sẽ hủy hoại lẫn nhau, và sự an toàn về thân thể cho mỗi cá nhân sẽ bị loại bỏ. Giáo dục học sinh một cách đúng đắn là giúp học sinh hiểu được toàn bộ diễn trình của chính mình; vì chỉ khi nào có sự hợp nhất giữa trí óc và con tim trong hành động hàng ngày thì mới có trí tuệ và sự chuyển hóa nội tâm.

Từ vô vàn những cái phức tạp, ta phải phát triển lên thành sự đơn giản; ta phải trở nên đơn giản trong cuộc sống nội tâm và trong những nhu cầu bên ngoài.

Trong khi cung cấp thông tin và chương trình đào tạo về kỹ thuật, nền giáo dục trước hết nên khuyến khích học sinh có cái nhìn toàn diện về cuộc sống. Giáo dục nên giúp đỡ học sinh biết cách nhận ra và tháo gỡ trong em mọi sự phân biệt và thành kiến xã hội, không nên cổ súy em chạy theo quyền lực và sự thống trị theo kiểu hám lợi. Giáo dục nên khuyến khích học sinh biết cách quan sát bản thân một cách đúng đắn và trải nghiệm cuộc sống trong tính toàn vẹn của nó, điều đó không có nghĩa là đề cao cái bộ phận, tức cái “tôi” hay cái “của tôi”, mà là giúp cho tâm trí vượt lên trên và vượt ra khỏi chính nó để phát hiện ra cái thực chất.

Sự tự do chỉ nảy sinh thông qua hiểu biết về chính mình trong các hoạt động thường ngày, nghĩa là trong mối tương giao với người khác, với các sự vật hay sự việc, với các tư tưởng và với tự nhiên. Nếu nhà giáo dục đang thực sự giúp học sinh trở thành con người toàn diện thì không thể nào có chuyện coi trọng một phương diện nào đó của cuộc sống một cách cuồng tín và phi lý. Chính sự thông hiểu về toàn bộ diễn trình của đời sống là cái tạo nên sự hợp nhất toàn diện. Khi chúng ta hiểu biết chính mình thì sức mạnh đã tạo ra các ảo tưởng sẽ không tồn tại, và chỉ khi đó thực tại hay Thượng đế mới hiển lộ.

Con người phải trở nên toàn diện nếu họ muốn thoát khỏi bất cứ sự khủng hoảng nào, nhất là cuộc khủng hoảng của thế giới hiện nay, mà không bị đổ vỡ; vì thế, đối với cha mẹ và người thầy, vốn là những người thực sự quan tâm đến giáo dục, vấn đề trọng yếu là làm thế nào để phát triển một cá thể toàn diện. Để làm được vậy, bản thân nhà giáo dục đương nhiên phải là người toàn diện; cho nên loại hình giáo dục đúng đắn là điều hết sức quan trọng, không chỉ cho thế hệ trẻ mà còn cho cả thế hệ ông bà, cha mẹ nếu họ sẵn lòng học hỏi và không quá cứng nhắc. Những gì chúng ta có bên trong mình quan trọng hơn bội phần so với câu hỏi truyền thống là phải dạy cho trẻ cái gì, và nếu chúng ta yêu thương con cái thì chúng ta sẽ nhận ra một điều rằng chúng cần có những người thầy tốt.

Dạy học không nên trở thành một nghề của những chuyên gia. Nếu nó trở thành một nghề, và thực tế thường là vậy, thì tình thương sẽ chóng phai tàn; trong khi đó tình thương lại là yếu tố cốt lõi của quá trình phát triển toàn diện. Để trở nên toàn diện, ta phải thoát khỏi nỗi sợ hãi. Sống không sợ hãi là sống trong tinh thần độc lập mà không khắt khe, không coi thường người khác, và đây là nhân tố quan trọng nhất trong cuộc sống. Nếu không có tình thương, chúng ta không thể hóa giải nhiều mối xung đột; nếu không có tình thương thì việc sở đắc kiến thức chỉ làm tăng thêm tình trạng nhiễu nhương và dẫn tới sự tự hủy diệt mà thôi.

Con người toàn diện sẽ tiếp cận kỹ thuật/phương thức bằng trải nghiệm, vì động lực sáng tạo xây dựng cho nó một kỹ thuật riêng – và đấy là nghệ thuật tuyệt vời nhất. Khi đứa trẻ cảm nhận được sự thôi thúc tự thân phải vẽ tranh, em sẽ vẽ và không bận tâm đến kỹ thuật. Tương tự thế, những người đang trải nghiệm, đang giảng dạy, là những người thầy đúng nghĩa, họ cũng sẽ tạo ra kỹ thuật/phương thức riêng cho mình.

Điều này nghe có vẻ rất đơn giản, nhưng thực ra đó là một cuộc cách mạng sâu sắc. Nếu nghiêm túc suy ngẫm, chúng ta có thể nhận thấy nó sẽ có tác động rất lớn đến xã hội. Ở thời điểm hiện nay, hầu hết chúng ta đều phờ phạc, rũ rượi ở độ tuổi bốn mươi hay năm mươi do lối sống nô lệ cho lề thói thường ngày của mình; vì thỏa hiệp, sợ hãi và cam chịu, đời chúng ta coi như đã xong, dẫu chúng ta vẫn ngày ngày vật lộn trong một xã hội chẳng còn mấy ý nghĩa, ngoại trừ đối với những kẻ đang thống trị xã hội và sống trong sự an toàn. Nếu người thầy nhận chân ra điều này và bản thân anh ta thực sự đang trải nghiệm, thì cho dù tính tình và năng lực của anh ta ra sao, việc giảng dạy của anh ta sẽ không vấp phải vấn đề lề thói mà sẽ trở thành một công cụ hữu ích.

Nếu không có tình thương, chúng ta không thể hóa giải nhiều mối xung đột; nếu không có tình thương thì việc sở đắc kiến thức chỉ làm tăng thêm tình trạng nhiễu nhương và dẫn tới sự tự hủy diệt mà thôi.

Để hiểu một đứa trẻ, chúng ta phải quan sát em chơi đùa, tìm hiểu em qua những biểu hiện khác nhau về tính tình; chúng ta không nên phóng chiếu lên em các thành kiến của chính mình, hay cố nhào nặn em sao cho hợp với hình mẫu ham muốn của ta. Nếu chúng ta lúc nào cũng xét đoán đứa trẻ dựa trên những ý thích hay không thích của mình, chúng ta không tránh khỏi việc dựng lên những rào cản ngăn cách quan hệ giữa ta với em và trong quan hệ giữa em với thế giới. Khổ nỗi, hầu hết chúng ta đều muốn nhào nặn đứa trẻ theo cách sao cho thỏa mãn những thói hão huyền và khí chất riêng của mình; chúng ta tìm thấy nhiều mức độ thoải mái và thỏa mãn khác nhau chỉ trong mỗi việc sở hữu và thống trị mà thôi.

Chắc chắn quá trình này không phải là mối tương quan mà chỉ là sự áp đặt, và do đó chúng ta cần phải hiểu nỗi khó khăn và tính chất phức tạp của ham muốn thống trị. Nó tồn tại dưới nhiều hình thức tinh vi; và ở phương diện mà nó tự cho là đúng đắn, nó rất cố chấp. Mong muốn “phụng sự” với nỗi ao ước vô thức về việc làm sao để thống trị người khác là điều ta khó lòng hiểu được. Liệu có thể tồn tại tình thương ở một người có ham muốn sở hữu? Liệu chúng ta có thể sống hòa hợp với những người mà ta luôn tìm cách kiểm soát họ? Thống trị một người là sử dụng người đó cho sự thỏa mãn cá nhân của mình, và ở đâu có tình trạng lạm dụng người khác thì ở đó không có tình thương.

Khi có tình thương thì mới có sự tôn trọng người khác, không chỉ đối với trẻ em mà còn với hết thảy mọi người. Trừ khi bị vấn đề này đụng chạm đến một cách sâu sắc, không thì chúng ta sẽ không bao giờ tìm ra phương cách giáo dục đúng đắn. Đào tạo kỹ thuật thuần túy chắc chắn chỉ làm nảy sinh sự tàn nhẫn, và muốn giáo dục con cái, chúng ta phải tinh nhạy với toàn bộ sự vận động của đời sống. Những gì chúng ta nghĩ, chúng ta làm, chúng ta nói đều vô cùng quan trọng, bởi lẽ chúng tạo ra môi trường và môi trường này hoặc là hỗ trợ đứa trẻ hoặc là cản trở các em.

Thế thì rõ ràng là những ai quan tâm sâu sắc đến vấn đề này đều phải bắt đầu hiểu biết về chính mình và qua đó góp phần làm thay đổi xã hội. Chúng ta sẽ biến nó thành trách nhiệm trực tiếp của mình trong việc xác lập cách tiếp cận mới cho giáo dục. Nếu chúng ta thương yêu con cái, liệu chúng ta sẽ không tìm ra cách thức chấm dứt chiến tranh? Nhưng nếu chúng ta chỉ sử dụng từ “yêu thương” mà không có nội hàm thực chất, thì tình trạng khốn khổ của con người vẫn còn. Cách thoát ra khỏi vấn đề này nằm trong tay chúng ta. Chúng ta bắt đầu tìm hiểu mối tương quan giữa chúng ta với đồng loại, với tự nhiên, với các tư tưởng và với sự vật, vì nếu không có sự thông hiểu ấy, chúng ta sẽ không có hy vọng, không có cách nào thoát ra khỏi xung đột và đau khổ.

Nuôi nấng một đứa trẻ đòi hỏi phải có sự quan sát tinh tường và chăm sóc chu đáo. Các chuyên gia và kiến thức của họ không bao giờ có thể thay thế tình yêu thương của cha mẹ, nhưng hầu hết các bậc cha mẹ lại hủy hoại đi thứ tình yêu ấy bởi nỗi sợ hãi và tham vọng của chính họ, vốn là những thứ khuôn định và làm lệch lạc cái nhìn của đứa trẻ. Cho nên chẳng mấy ai trong chúng ta thực sự quan tâm tới tình yêu mà chúng ta lại bị thu hút bởi cái có vẻ là tình yêu.

Cấu trúc xã hội và nền giáo dục hiện nay không giúp cá thể hướng tới sự tự do và sự phát triển toàn diện. Nếu các bậc làm cha làm mẹ có thái độ nghiêm túc và thực sự muốn con trẻ phát triển với năng lực toàn diện nhất, họ phải bắt đầu thay đổi cách ảnh hưởng của gia đình và góp phần lập ra các trường học với những người thầy đích thực.

Sự ảnh hưởng của gia đình và nhà trường không tương phản nhau, cho nên cả cha mẹ lẫn người thầy phải giáo dục lại chính mình. Sự tương phản thường tồn tại trong đời sống riêng tư của cá nhân và trong cuộc sống của anh ta với tư cách là thành viên trong nhóm gây ra những cuộc đấu tranh bất tận trong chính bản thân và trong các mối quan hệ giữa anh ta với người khác.

Sự xung đột này được khuyến khích và duy trì qua lối giáo dục sai lầm, các hệ thống chuyên quyền đã góp phần làm cho cuộc sống càng nhiễu nhương thêm bằng các học thuyết tương phản của họ. Trẻ em bị phân loại ngay từ đầu, chính điều đó dẫn tới những tai họa cho cá nhân và xã hội.

Những ai yêu thương con cái của mình và thấy được tính cấp bách của vấn đề này sẽ đặt hết tâm trí vào đây, dù ít ỏi nhưng qua sự giáo dục đúng đắn và môi trường đầy hiểu biết của gia đình, chúng ta có thể góp phần xây dựng những con người toàn diện; nhưng nếu, cũng như bao người khác, chúng ta nhét đầy con tim mình bằng những trò ranh mãnh của lý trí, thì chúng ta sẽ tiếp tục nhìn thấy con cái mình bị hủy diệt trong chiến tranh, đói rách và bởi chính những cuộc xung đột tâm lý nội tại của chúng.

Nền giáo dục đúng đắn khởi đầu với sự chuyển hóa của bản thân. Chúng ta phải giáo dục lại chính mình không phải để hãm hại người khác vì bất cứ nguyên nhân nào, dù là nguyên nhân chính đáng, vì bất cứ ý thức hệ nào, dù nó có hứa hẹn ra sao đối với hạnh phúc tương lai của thế giới. Chúng ta phải học trở thành người có lòng trắc ẩn, biết bằng lòng với cái tối thiểu và tìm kiếm cái Tối cao, vì chỉ khi đó nhân loại mới thực sự được cứu rỗi.

—– —–

Bài viết này nằm trong loạt bài viết trình bày quan điểm về loại hình giáo dục đúng đắn của J. Krishnamurti, được trích từ tác phẩm Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống (Chương II – Loại hình giáo dục đúng đắn).

Quý đọc giả có thể theo dõi các bài viết trong cùng chủ đề này theo các liên kết dưới đây:

—– —–

Chú thích

(*) Tựa bài viết do Ban biên tập đặt

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NHỮNG QUAN NIỆM VÀ HÀNH XỬ SAI LẦM (*)
  2. GIÁO DỤC TÔN GIÁO NHƯ THẾ NÀO LÀ ĐÚNG? (*)
  3. KỶ LUẬT CÓ PHẢI LÀ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN?(*)

Bài viết khác của tác giả

  1. TÔI KHÔNG BIẾT
  2. BÀI CA VỀ CÁI THÂN YÊU
  3. TÌNH YÊU LÀ THỰC TẠI

Bài viết mới

  1. XÂY DỰNG LÒNG TIN QUA TÍNH CHÍNH TRỰC VÀ SỰ GƯƠNG MẪU
  2. SỨC MẠNH CỦA LÒNG TỪ
  3. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG