BẠN SẼ TRỞ THÀNH NHỮNG GÌ BẠN ĂN

HIROMI SHINYA

Trích: Nhân Tố Enzyme, Phương Thức Sống Lành Mạnh; Việt dịch: Như Nữ; NXB. Thế Giới; Công ty CP Sách Thái Hà; 2019

Chắc các bạn cũng hiểu được, nếu muốn sống lâu và khỏe mạnh thì không được chọn đồ ăn chỉ vì ngon hay thích…

Về cơ bản, mỗi ngày bạn chọn ăn món gì? Cơ thể chúng ta được nuôi dưỡng bằng những món ăn hàng ngày. Nói cách khác, khỏe mạnh hay ốm đau đều là kết quả tích lũy của thói quen ăn uống mỗi ngày. Năm 1996 tại Nhật Bản, Bộ Y tế và phúc lợi (nay là Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi) đã quyết định đổi tên các căn bệnh vốn được gọi là “bệnh người lớn” như: ung thư, tim mạch, gan, tiểu đường, bệnh mạch máu não, cao huyết áp, mỡ máu… thành “bệnh liên quan đến lối sống sinh hoạt”. Nguyên nhân là nhờ có việc xem xét lại mối quan hệ giữa ăn uống và bệnh tật mà đi đầu là “báo cáo McGovern”, mọi người đã nhận ra rằng các bệnh này không bắt nguồn từ “tuổi tác” mà bắt nguồn từ “lối sống sinh hoạt”. Ngày nay, chúng ta đang sống trong vô vàn các loại thực phẩm đa dạng, phong phú. Và tình trạng sức khỏe của bạn sẽ được quyết định dựa vào việc bạn chọn gì để ăn mỗi ngày từ vô vàn các loại thực phẩm đó. Chắc các bạn cũng hiểu được, nếu muốn sống lâu và khỏe mạnh thì không được chọn đồ ăn chỉ vì ngon hay thích…

 

Tuy nhiên, trong y học phương Tây hiện đại ngày nay, các bác sĩ hầu như không tìm hiểu “thói quen, quá trình ăn uống” của bệnh nhân. Theo tôi đây cũng là nguyên nhân hiện nay thế giới xếp các bệnh như: bệnh viêm loét đại tràng, bệnh crohn, bệnh mô liên kết, bệnh máu trắng… vào nhóm “bệnh nan y không rõ nguyên nhân”. Nếu các nghiên cứu về mối quan hệ giữa quá trình ăn uống với bệnh tật được đẩy mạnh hơn nữa, chắc chắn số bệnh “không rõ nguyên nhân” này sẽ giảm xuống.

Bất cứ ai, nếu lúc trẻ hút thuốc lá, uống rượu mỗi ngày, chỉ ăn thịt, hầu như không ăn rau củ quả, thường uống sữa hay ăn các sản phẩm từ sữa như sữa chua, bơ… chắc chắn đến khoảng 60 tuổi, người đó sẽ mắc các bệnh liên quan đến lối sống sinh hoạt. Xét về mặt di truyền, những người có hệ thống động mạch yếu dễ mắc các bệnh như cao huyết áp, xơ cứng động mạch, bệnh tim… những người có tuyến tụy yếu có khả năng mắc bệnh tiểu đường. Ở phụ nữ, từ các bệnh u xơ tử cung, u nang buồng trứng, các bệnh tuyến vú có thể phát triển thành ung thư. Ở nam giới cũng có nguy cơ mắc phải các bệnh như tăng sinh tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư gan, ung thư đại tràng, viêm xương khớp. Bản thân bị mắc bệnh nào còn tùy thuộc vào các yếu tố di truyền, yếu tố môi trường xung quanh người đó nên không thể nói chắc chắn được, Tuy nhiên, nếu có các thói quen kể trên, người đó chắc chắn sẽ bị mắc một số loại bệnh.

Tôi bắt đầu hỏi bệnh nhân về thói quen ăn uống vào khoảng hai năm sau khi có thể sử dụng kính nội soi để trực tiếp khám dạ dày, đường ruột cho bệnh nhân. Và lần đầu tiên tôi hỏi han, tìm hiểu kỹ càng về thói quen ăn uống của bệnh nhân là với một bệnh nhân ung thư. Thông thường, trong những lần khám sức khỏe hay khám bệnh ở bệnh viện, các bệnh nhân cũng được hỏi về thói quen sinh hoạt. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp, các bác sĩ chỉ chú ý đến thời điểm “hiện tại”, mà việc này lại chẳng có ý nghĩa gì cả. Để biết được tại sao bệnh nhân lại mắc bệnh, cần phải biết được thói quen ăn uống của người đó, tức là người đó ăn thức ăn gì vào lúc nào, ăn với tần suất bao nhiêu… Tất nhiên, trong số các bệnh nhân, có không ít người không nhớ rõ các vấn đề này hoặc thêm bớt vào câu trả lời của mình, nhưng nếu bạn kiên nhẫn lắng nghe, bạn sẽ nghe ra được khá nhiều vấn đề. Ví dụ, kể cả những người có thói quen mỗi ngày uống một cốc sữa, tùy thuộc vào việc ngay từ khi sinh ra họ đã bắt đầu uống sữa bột, hay lớn lên mới bắt đầu thói quen này mà cho ra kết quả khác nhau.

Khi tìm hiểu thói quen ăn uống của bệnh nhân ung thư, tôi nhận ra rằng họ phần lớn là theo chế độ ăn thịt (thịt, cá, trứng sữa…). Ngoài ra, người bệnh càng trẻ tuổi thì họ càng bắt đầu ăn chế độ ăn này càng sớm (đặc biệt là thịt và các sản phẩm từ sữa). Mặc dù có nhiều loại bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi… nhưng xu hướng phát bệnh này lại giống nhau. Dù bị mắc bệnh ung thư nào thì đường ruột của người bệnh cũng đều rất xấu. Vì vậy, tôi hay nói với các bệnh nhân bị ung thư ở một bộ phận nào đó trong cơ thể là họ có khả năng cao sẽ bị bệnh polyp đại tràng hoặc ung thư đại tràng, nên cần phải kiểm tra nội soi đại tràng nữa. Có rất nhiều bệnh nhân ung thư đến chỗ tôi đồng ý kiểm tra đại tràng và kết quả đúng như tôi dự đoán. Trong số họ, nếu là nữ thì có người bị ung thư vú, nếu là nam thì có người bị ung thư tuyến tiền liệt. Kết quả lâm sàng cho thấy, tỉ lệ phát hiện bất thường trong đại tràng của những người này rất cao. Sau khi nhận thấy các kết quả này, hiện nay ở Mỹ, phần lớn những người bị ung thư vú hay ung thư tuyến tiền liệt đều đi kiểm tra đại tràng.

Nếu trong số bạn đọc, bạn nào bị các bệnh ung thư kể trên, các bạn hãy nhanh chóng đi kiểm tra đại tràng càng sớm càng tốt. Với các bệnh có nguyên nhân từ ăn uống, không phải cứ ăn vào là sẽ phát bệnh ngay. Tuy nhiên, thói quen ăn uống từ trước đến nay đang tích lũy dần trong cơ thể bạn. Dù hiện tại chúng không biểu hiện thành bệnh cũng không có nghĩa là bạn có thể yên tâm.

Vì sao phương pháp ăn uống Shinya sẽ ngăn ngừa tái phát ung thư?

Khi các tế bào tăng lên một cách bất thường, các cơ quan bị cứng lại thành một khối, người ta gọi đấy là khối u. Trong số các khối u, loại nào không xâm lấn, không di căn sang vùng khác, có giới hạn phát triển nhất định được gọi là “u lành tính”, nếu không phải như vậy gọi là u ác tính. Các khối u ác tính này gọi là ung thư. Và người ta thường lấy tên của cơ quan, bộ phận đầu tiên phát hiện khối u để đặt tên bệnh, ví dụ như ung thư đại tràng, ung thư phổi, ung thư gan, ung thư vú… Khi bị chuẩn đoán ung thư, trước hết mọi người đều sẽ lo lắng không biết nó có di căn hay không. Nếu ung thư đã di căn thì việc phẫu thuật để lấy toàn bộ bộ phận bị lây bệnh cũng như để điều trị hoàn toàn là rất khó. Di căn tức là ung thư xuất hiện tại một bộ phận khác với bộ phận ban đầu bị bệnh, về việc tại sao ung thư lại di căn, người ta thường cho rằng tế bào ung thư theo tuyến bạch huyết và mạch máu, được vận chuyển đến các cơ quan khác và phát triển ở đó. Tuy nhiên, tôi lại có cách nhìn khác. Tôi không cho rằng các tế bào ung thư đang trong quá trình phát triển tại cơ quan nhiễm bệnh đầu tiên lại lan sang các cơ quan khác.

Thông thường, ung thư được phát hiện khi khối u trong đó đã phát triển và đạt đường kính ít nhất là lcm. Khối u trong ung thư chỉ là một tế bào ung thư có thể tăng sinh. Mặc dù khối u chỉ có lcm, nhưng để hình thành nên nó cần đến hàng trăm triệu tế bào khác. Chính vì vậy, để có thể phát triển đến mức như thế cần một khoảng thời gian không hề ngắn. Ung thư là một loại bệnh liên quan đến lối sống sinh hoạt, và ung thư phát sinh ở một bộ phận nào đó có nghĩa là các tế bào ung thư đang được sản sinh trong khắp cơ thể, mặc dù chưa phát triển đến mức hình thành khối u. Thật nguy hiểm nếu nói không nhìn thấy bằng mắt tức là không bị ung thư.

Các độc tố tích tụ trong cơ thể chúng ta theo thói quen sinh hoạt hàng ngày sẽ bám lên các tế bào trên toàn cơ thể như một trái bom hẹn giờ. Trong vô vàn các trái bom đó, trái nào phát nổ trước còn tùy thuộc vào nguyên nhân di truyền, môi trường sinh hoạt của từng người. Với những người thường xuyên ăn các thực phẩm được vun trồng bằng các thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia… Có lẽ trái bom phát nổ đầu tiên chính là trái bám trên gan, cơ quan giải độc của cơ thể. Với những người có thời gian ăn uống không cố định, thường xuyên uống trà hay thuốc dạ dày, có lẽ trái bom ở dạ dày sẽ bộc phát đầu tiên. Dù môi trường sống giống nhau nhưng nếu yếu tố di truyền khác nhau thì vị trí phát bệnh cũng khác nhau. Nói tóm lại, ung thư không phải là “bệnh tổn thương cục bộ” – chỉ một bộ phận bị tế bào ung thư xâm lấn, mà là “bệnh tổn thương toàn thân” – toàn bộ cơ thể đều bị xâm lấn. Bệnh trạng “tái phát” bệnh ở một bộ phận nào đấy trên cơ thể mà chúng ta thường thấy chính là các trái bom hẹn giờ trong toàn cơ thể đang bộc phát tại thời điểm khác nhau.

Theo cách suy luận như vậy, tôi bắt đầu nghi ngờ liệu cách phẫu thuật thông thường, cắt bỏ bộ phận đang phát bệnh trong một phạm vi lớn, bao gồm cả tuyến bạch huyết và mạch máu, có đúng hay không. Bệnh ung thư được coi là bệnh nguy hiểm vì nếu cắt bỏ bộ phận phát bệnh mà bỏ qua phần di căn thì tế bào ung thư ở bộ phận di căn sẽ bắt đầu phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu nghĩ theo hướng bệnh ung thư là “bệnh tổn thương toàn thân” thì đây là một điều hết sức hiển nhiên. Thậm chí, nếu cắt bỏ các cơ quan, từ cơ thịt đến tế bào bạch huyết, mạch máu thì khả năng miễn dịch của cơ thể còn giảm mạnh hơn nữa. Vì vậy, trong trường hợp bệnh nhân bị ung thư đại tràng, tôi không cho cắt mạc treo ruột để phòng tránh ung thư di căn đến tuyến bạch huyết hoặc tế bào ung thư không nhìn thấy phát triển trong diện rộng như thông thường. Bởi so với việc vẫn còn tế bào ung thư trong cơ thể thì việc không có tuyến bạch huyết còn gây ra tổn thương cho cơ thể lớn hơn rất nhiều. Theo Y học hiện đại ngày nay, nếu không cắt bỏ tế bào ung thư, cơ thể không thể hồi phục lại được. Tuy nhiên, tôi lại nghĩ theo hướng khác.

Theo Y học hiện đại ngày nay, nếu không cắt bỏ tế bào ung thư, cơ thể không thể hồi phục lại được. Tuy nhiên, tôi lại nghĩ theo hướng khác: Bản thân con người có khả năng miễn dịch, khả năng phục hồi tự nhiên rất mạnh mẽ

Bản thân con người có khả năng miễn dịch, khả năng phục hồi tự nhiên rất mạnh mẽ. Các bệnh nhân của tôi, mặc dù trong cơ thể vẫn còn các tế bào ung thư ở tuyến bạch huyết, nhưng nhờ thực hiện phương pháp ăn uống lành mạnh mà bệnh không tái phát, sức khỏe ổn định, đó chính là minh chứng rõ ràng nhất.

Khi bạn cải thiện chế độ ăn uống theo phương pháp ăn uống Shinya, các “enzyme diệu kỳ”, nguồn năng lượng sống của con người chúng ta, sẽ được bổ sung một lượng lớn. Mặt khác, nếu bạn bỏ được các thói quen khiến cơ thể tiêu tốn các enzyme diệu kỳ này, hiệu quả còn tăng lên gấp bội. Tôi cho rằng khi lượng enzyme diệu kỳ được khôi phục đầy đủ sẽ giúp khả năng miễn dịch của cơ thể được nâng cao vào có thể ức chế các tế bào ung thư trong cơ thể. Tuy nhiên việc phục hồi này cũng có giới hạn của nó. Nếu bạn để ung thư tiến vào giai đoạn cuối mới cải thiện chế độ ăn uống, sinh hoạt… thì dù bạn có cải thiện như thế nào, có uống nhiều thực phẩm chức năng hỗ trợ hệ miễn dịch đến đâu cũng rất khó để phục hồi cơ thể hoàn toàn. Nguyên nhân là các enzyme diệu kỳ trong cơ thể bạn đã cạn kiệt mất rồi. Trong các nghiên cứu lâm sàng của tôi, có trường hợp người bệnh bị ung thư lan đến hai phần ba đại tràng.

Sau khi phẫu thuật cắt bỏ bộ phận bị ung thư, người bệnh này đã thực hiện chế độ ăn uống hợp ]ý và không sử dụng thuốc chống ung thư. Có vẻ như các enzyme diệu kỳ trong cơ thể bệnh nhân này đã hoạt động rất tốt vì các tế bào ung thư không di căn, bệnh ung thư cũng không tái phát và người bệnh đã khỏe trở lại. Phần lớn các bệnh nhân đến chỗ tôi chỉ để kiểm tra xem có bệnh hay không, thế nên tôi cũng ít thấy các trường hợp bị ung thư nặng. Tuy nhiên, trong số những người đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u và sau đó thực hiện theo phương pháp ăn uống Shinya, không một ai bị tái phát hay bị di căn. Đây là con số đáng để tham khảo. Ngoài ra, chưa có một bệnh nhân nào của tôi qua đời vì ung thư khi đang trong quá trình điều trị, và đó cũng là lý do tôi chưa một lần viết “giấy chứng tử” cho bệnh nhân. Đây cũng là niềm tự hào với một bác sĩ như tôi.

Trích: Nhân Tố Enzyme,
Phương Thức Sống Lành Mạnh;
Việt dịch: Như Nữ; NXB. Thế Giới;
Công ty CP Sách Thái Hà; 2019

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NHỮNG QUAN NIỆM PHỔ BIẾN VỀ SỨC KHỎE ĐỀU SAI LẦM
  2. THÂN THỂ LÀ ĐỀN THỜ TÂM LINH
  3. THẾ NÀO LÀ SỨC KHỎE VÀ THẾ NÀO LÀ BỆNH TẬT?

Bài viết khác của tác giả

  1. “TÌNH YÊU” GIÚP TĂNG CƯỜNG SỨC ĐỀ KHÁNG
  2. NẾU KHÔNG LẮNG NGHE CƠ THỂ THÌ KHÔNG HIỂU ĐƯỢC
  3. MỖI SINH MỆNH ĐỀU CÓ MỘT CƠ CHẾ GIÚP ĐẠT ĐẾN TUỔI THỌ TỰ NHIÊN

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP