CÁI “TÔI” ĐƯỢC TẠO RA DO MÊ MỜ

ECKHART TOLLE

Trích: Thức Tỉnh Mục Đích Sống; Biên dịch: Đỗ Tâm Tuy; NXB Trẻ.

 

Tùy theo cách dùng mà đại từ “Tôi” có thể tượng trưng cho một sai lầm lớn nhất hoặc có thể nói lên được chân lý sâu sắc nhất. Trong cách dùng thông thường, không những đó là một từ được dùng nhiều nhất trong ngôn ngữ (và dùng chung với những từ khác như: “của tôi” và “chính tôi”) mà còn là một trong những từ dễ gây ra lầm lỗi nhất. Theo cách dùng thường ngày, từ “Tôi” là biểu tượng của một sai lầm từ gốc rễ, là cảm nhận sai lầm về bản chất chân thật của bạn, là sự đồng hóa một cách mê mờ về chính mình. Đây chính là bản ngã. Cảm giác sai lầm về “cái Tôi” này là những gì mà Einstein – người đã hiểu sâu, không những bản chất thực của không gian và thời gian, mà cả về bản chất của con người – đã từng đề cập đến. Einstein nhìn nhận sai lầm trong nhận thức đó như là “một ảo tưởng về thị giác của nhận thức”. Và “cái Tôi” sai lầm đó lại làm cơ sở cho mọi suy diễn sai lạc sau này của chúng ta về thực tại, về những cách suy tư, về các mối quan hệ và giao tiếp của bạn. Thực tại, lúc đó, chỉ còn là sự phản ảnh của sai lầm căn bản này.

Điều đáng mừng là nếu bạn nhận thức rằng đó chỉ là sự mê mờ thì tự nó sẽ tan biến ngay. Khi bạn nhận thức được sự mê mờ thì đó cũng là điểm kết thúc của sự vô minh ấy. Sở dĩ vô minh còn tồn tại được chỉ vì bạn đã tưởng lầm vô minh là thực tại. Khi nhận chân được mình không phải là điều đó thì tự thân bản chất chân thực của bạn được phơi bày. Điều này sẽ xảy ra với bạn khi bạn đọc chậm rãi và kỹ càng chương này và những chương kế tiếp, khi tôi nói rõ về cơ chế hoạt động của “cái Tôi giả dối” mà ta thường gọi là bản ngã. Vậy thì bản chất của bản ngã là gì?

Thông thường, khi bạn dùng từ “Tôi” thì “cái Tôi” mà bạn muốn nói đó không phải là bản chất chân thực của bạn. Vì chỉ qua một thao tác rút gọn sai lạc mà chiều sâu vô hạn của bản chất chân thật của bạn đã bị nhầm lẫn với một âm thanh do thanh quản của bạn phát ra, hay với một ý niệm “Tôi” trong óc bạn và tất thảy những gì mà “cái Tôi” đồng hóa với nó. Vậy thì chữ “Tôi”, “của Tôi”, … muốn nói là gì?

Khi một đứa bé biết được âm thanh do bố mẹ phát ra là tên của nó thì đứa bé ấy đã bắt đầu tự đồng nhất nó với một danh từ, dưới dạng một ý niệm ở trong đầu, với bản chất chân thật của nó. Ở giai đoạn đó, đứa bé tự liên hệ với mình khi nói: “Ôi, Johnny đói bụng quá”. Sau đó, chúng học được đại từ “Tôi”, và ghép từ này với tên mình, cái tên chúng lầm lẫn với bản chất chân thật của chúng. Sau đó những ý-nghĩ-có-dính-líu-đến-Tôi (I-thoughts) ban đầu này được bổ sung bởi những ý nghĩ khác. Bước tiếp theo là những ý nghĩ về “Tôi” và “của Tôi” để nói về những thứ có vẻ như là một phần của “Tôi”. Đây chính là trạng thái tự đồng nhất mình với đồ vật. Tức là tìm thấy ở “đồ vật” (mà thực ra trong chiều sâu, đó là những ý niệm tượng trưng cho đồ vật đó) một cảm nhận về bản thân mình, và cũng từ cảm nhận đó mà chúng ta tạo ra một nhân cách về bản thân dựa trên những đồ vật đó. Do đó, khi một món đồ “của Tôi” bị hư hoặc mất đi thì “Tôi” cảm thấy rất đau khổ. Đây không phải là sự mất mát thuộc về giá trị nội tại của món đồ vì đứa trẻ sẽ rất chóng quên và thay vào đó bằng những món đồ khác, nhưng sự mất mát này có dính đến ý nghĩ, như thể một cái gì đó “của tôi” vừa bị mất đi. Món đồ chơi đã trở thành một phần của cảm nhận về một cái Tôi đang được phát triển ở trong đứa bé.

Và khi lớn lên, cách suy nghĩ có-liên-hệ-về-Tôi ngày càng được bổ sung thêm bằng những thứ khác “của Tôi” như: giới tính, nghề nghiệp, tài sản, thân thể, dòng giống, quốc tịch, tôn giáo… Thêm vào đó là các vai trò khác mà “cái Tôi” cũng thường dễ đồng hóa theo như vai trò làm mẹ, làm cha, làm vợ, làm chồng… những kiến thức hay ý tưởng đã được tích lũy qua ngày tháng, những sở thích hay những điều không thích, và cả những gì đã xảy ra “cho Tôi” trong quá khứ mà ký ức về nó chính là những ý niệm giúp bạn định nghĩa thêm cảm nhận về bản thân, như là “Tôi và những câu chuyện của “Tôi”. Nhưng đây chỉ là những thứ mà người ta căn cứ vào đó để có được cảm nhận về giá trị của con người họ. Chung quy những thứ này cũng chỉ là tập hợp của những ý niệm góp nhặt lại một cách không vững bền, vì tất cả đều chỉ để mang lại một cảm nhận về cái Tôi. Vì khi nói “Tôi” thì thường ta muốn ngụ ý về cấu trúc có tính chất đầy suy tư và lý luận này. Nói chính xác hơn là trong hầu hết các trường hợp, khi bạn nói “Tôi” thì không phải là bản thân bạn đang nói mà chính là một khía cạnh của cấu trúc trí năng này, là “cái Tôi” bản ngã của bạn đang nói. Khi bạn đã tỉnh thức, bạn vẫn dùng chữ “Tôi”, nhưng những điều bạn nói phát xuất từ một chỗ rộng thoáng, sâu xa ở trong bạn.

Hầu hết mọi người vẫn còn hoàn toàn tự đồng nhất mình với thói quen suy nghĩ không ngừng, của lối suy tưởng bó buộc, không có chủ đích và thường lặp đi lặp lại ở trong đầu. Trong tâm thức họ, không có chút không gian rộng thoáng nào giữa cái “Tôi” chật hẹp và thói quen hay suy nghĩ lung tung hoặc những cảm xúc lo sợ vẩn vơ thường phát sinh ở trong lòng. Nên khi bạn bảo rằng trong đầu họ luôn có một tiếng nói vang vang, không bao giờ ngừng nghĩ, họ sẽ hỏi lại bạn “tiếng nói gì?”, hoặc họ trở nên giận dữ, phủ nhận điều bạn nói. Dĩ nhiên phản ứng này của họ xuất phát từ tiếng nói của bản ngã luôn vang vọng, là dòng suy nghĩ miên man mà họ không thể dừng lại được, là phần trí năng của họ chưa được họ nhận biết. Có thể nói rằng thực thể này đã khống chế họ.

Một số người không thể nào quên được kinh nghiệm lần đầu tiên khi họ tách ly tâm thức của mình ra khỏi những suy nghĩ miên man ở trong đầu và cảm nhận được, dù chỉ trong chốc lát, một sự chuyển hóa lớn trong cách họ cảm nhận về chính mình, tức là từ chỗ thường tự đồng nhất mình một cách sai lầm với những gì mình đang suy nghĩ, sang một vị trí mới: Làm một chứng nhân đứng đằng sau những suy tư đó, và im lặng quan sát tất cả những gì đang xảy ra. Đối với những người khác thì điều này đã xảy đến với họ một cách rất mơ hồ, khó nhận ra được có cái gì quan trọng vừa xảy ra, cùng lắm thì họ chỉ cảm nhận được có một niềm vui tràn ngập và một sự an bình ở nội tâm mà họ không biết tại vì sao.

 

 

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. GẠT ĐI CÁI TÔI TỰ ÁI ĐỂ VƯƠN LÊN
  2. ĐỂ KHÁM PHÁ RA CHÂN NGÃ CỦA BẠN, “CÁI TÔI” PHẢI CHẾT

Bài viết khác của tác giả

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. NIỀM VUI TỰ TẠI
  3. QUÁ KHỨ KHÔNG THỂ “SỐNG DẬY” KHI BẠN THỰC SỰ CẢM NHẬN ĐƯỢC HIỆN TẠI

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH