CÙNG VUN VÉN CHO TÌNH YÊU VỚI CON CÁI

SARA IMAS

Trích: Vô Cùng Tàn Nhẫn, Vô Cùng Yêu Thương; NXB Dân Trí & Alphabook phát hành

Có phụ huynh nói: “Nguyên tắc có làm có hưởng liệu có phá hoại tình cảm giữa tôi và các con? Đó phải chăng là lợi bất cập hại!”
Ý kiến này cho thấy phụ huynh chưa hiểu được tinh hoa của nguyên tắc có làm có hưởng trong giáo dục gia đình của người Do Thái. Các bà mẹ Do Thái cho trẻ làm việc nhà, rồi chú trọng bồi dưỡng kỹ năng quản lý tài sản, phát huy kỹ năng sinh tồn, nhóm lên lý tưởng và ước mơ cho con em mình từ khi chúng còn nhỏ không có nghĩa họ là những bà mẹ tàn nhẫn. Bởi vì, bậc làm cha làm mẹ thật sự hiểu biết, thông suốt sẽ khiến con trẻ dần dần cảm nhận được “cha mẹ làm vậy vì tương lai của mình”, hiểu được tình thương giản dị và sâu sắc của cha, tình yêu lâu bền và ân cần của mẹ. Khi con cái có những bước lột xác nhờ vào tình yêu giống như hình ngọn lửa của cha mẹ, tình cảm máu mủ ruột rà chẳng những không phai nhạt mà càng ngày càng trở nên sâu đậm theo độ tuổi tăng dần của trẻ, con trẻ cũng càng cảm kích sự dụng tâm của cha mẹ, càng khâm phục tầm nhìn xa trông rộng của cha mẹ hơn. Cho nên bài học quan trọng nhất của nguyên tắc có làm có hưởng là vun vén tình yêu giữa bạn và con cái. Phụ huynh cất đi phân nửa trái tim của mình, không có nghĩa là vứt bỏ phân nửa tình yêu thương ấy, họ càng khiến con trẻ hiểu rõ đâu mới là thứ thật sự giá trị, đó là người thân, niềm vui, tình yêu. Phụ huynh Do Thái không làm máy in tiền, không làm nô lệ của con, nhưng vẫn có thể khiến tâm hồn của trẻ cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của tuổi ấu thơ.

Hồi còn nhỏ, tôi cũng được tiếp cận phương pháp giáo dục này từ người cha của mình. Một mặt, cha dạy tôi không được làm “công chúa Hạt Đậu”, phải làm cô gái chăm chỉ chịu khó; mặt khác, cuối tuần ông đưa tôi tham gia các buổi tụ tập cùng bạn bè của ông hoặc đi uống trà chiều. Tôi nhớ có lần ông xoa đầu tôi, nhẹ nhàng nói: “Sara, mục đích làm việc của người Do Thái là làm cho cuộc sống hạnh phúc hơn, đừng vì kế sinh nhai mà xem nhẹ hưởng thụ cuộc sống, nó sẽ khiến con mất đi những thứ quý giá hơn rất nhiều.”

Những lúc cùng cha uống trà, ăn điểm tâm là khoảnh khắc đẹp nhất, vô tư nhất trong ký ức thời thơ ấu của tôi. Đến nay, trong đầu tôi vẫn nhớ như in dáng vẻ cha thư thả tựa lưng vào ghế, vừa nghe tiếng nhạc dịu êm, vừa kể cho tôi nghe những câu chuyện thần tiên.

Đến khi làm mẹ, tôi cũng thường xuyên đưa con gái đi uống trà chiều giống như trước đây cha tôi từng đưa tôi đi. Hồi Muội Muội còn nhỏ, kinh tế nhà tôi vừa mới qua cơn bĩ cực, tuy vẫn chưa gánh nổi những khoản chi phí xa xỉ đắt đỏ, nhưng mỗi ngày cuối tuần, tôi đều đưa con gái ra ngoài, tạo cho nó một cuộc hẹn đặc biệt và thú vị. Tôi hy vọng, hai mẹ con tôi cùng có những khoảng thời gian ý nghĩa bên nhau, để con bé cảm nhận được sự lãng mạn và tuyệt vời của dòng chảy thời gian, chứ không phải kể lại những chuyện vụn vặt trong gia đình làm con người ta phân tâm.

Kể từ lần đầu tiên tôi và Muội Muội cùng uống trà ở Princess Teahouse, hai mẹ con tôi đã có những phút giây tuyệt vời, không sao nói hết. Đôi khi chúng tôi dùng một ít trà hoa hồng hoặc là bánh xốp đậu phộng. Con gái tôi ngồi ăn bánh xốp với dáng vẻ lịch sự, từ tốn, sau khi cắn mỗi miếng bánh, nó lại nhẹ nhàng lau phô mai và mứt hoa quả dính trên miệng. Con bé còn thích chế mứt hoa quả loãng màu xanh vào trà đen, tạo ra một hương vị mới. Bầu không khí trong Princess Teahouse khá tao nhã, nhạc cổ điển réo rắt bên tai, còn các cô phục vụ khoác lên mình những bộ trang phục thướt tha uyển chuyển giống như quần áo của các cô thiếu nữ đúng mực thời nữ hoàng Victoria. Trong không khí thân mật ấy, tôi thả lỏng người, tựa lưng vào ghế, kiên nhẫn trả lời các loại câu hỏi cổ quái của con gái. Đôi khi, tôi cùng con gái lắng tai nghe tiếng nhạc đang phát, trong lòng thầm gõ nhịp theo, vừa nghe vừa học giai điệu.

Tôi và Muội Muội đều mong chờ những buổi hẹn cuối tuần ở Princess Teahouse. Dần dà, thời gian uống trà giúp con gái tôi tu dưỡng bản thân, có khí chất bao dung, tao nhã. Cách đây không lâu, tôi cùng một vài người bạn Thượng Hải tới Israel tham quan, họ rủ con gái tôi cùng đi dạo phố, con bé nhiệt tình làm phiên dịch cho họ, giúp họ chọn mua các món quà chuẩn bị mang về nước. Sau khi trở về Thượng Hải, các bạn của tôi đều không ngớt lời khen ngợi Muội Muội: Con gái bà dịu dàng nhỏ nhẹ, không khoa trương, nói năng từ tốn, lúc ăn thịt bò bít tết cả người con bé toát lên vẻ thanh lịch. Bạn tôi còn chân thành mời con gái tôi tới nhà họ chơi, vì con bé tạo cho người khác cảm giác ấm áp, thoải mái như được tắm mình trong gió xuân.

Nghĩ lại khoảng thời gian tôi và con gái cùng uống trà, quả là không trôi qua một cách vô nghĩa. Tình cảm của hai mẹ con tôi thêm phần gắn bó, hơn nữa con gái tôi cũng trở thành một cô gái thanh lịch, hiểu biết về cuộc sống và có phong thái. Chúng ta đừng nên cho rằng giáo dục gia đình của người Do Thái chú trọng bồi dưỡng kỹ năng quản lý tài sản cho con từ nhỏ là vô cùng vụ lợi, khi tiếp cận giáo dục gia đình của người Do Thái, bạn mới có thể nhận ra, các bậc cha mẹ Do Thái chưa bao giờ coi nhẹ cuộc sống tình cảm giữa những người thân trong gia đình, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng gắn bó khăng khít như người Trung Quốc vậy!

Ngoài những lúc hẹn con gái đi uống trà chiều, tôi còn cùng các con làm những chuyến “du hành thời gian”, mẹ con tôi thường cùng nhau tán gẫu, hồi tưởng lại một số chuyện ý nghĩa đã qua, làm tăng thêm sự liên kết của cả nhà. Sau bữa ăn tối là thời gian tốt nhất để nhà tôi “du hành thời gian”, tôi thong thả kể lại những chuyện thú vị của chúng hồi nhỏ. Bọn trẻ rất thích nghe chuyện hồi nhỏ, chúng muốn biết những bí mật liên quan tới mình, như: Con sinh ra như thế nào, khi mới chào đời trông con ra sao, con lớn dần từng chút một… Các bà mẹ đừng ngại viết lại những chi tiết sau khi sinh con, hãy ghi chép về những lần đầu tiên của con như, lần đầu tiên con ăn dặm là khi nào, lần đầu tiên con cáu gắt là khi nào, lần đầu tiên con mỉm cười là khi nào, lần đầu tiên con biết cầm đồ vật là khi nào. Đương nhiên chúng ta không cần ghi lần đầu tiên con khóc là khi nào, vì khóc là một bản năng của con người, ngay từ khi chào đời, trẻ đã biết cất tiếng khóc. Lấy Dĩ Hoa làm ví dụ, hồi nhỏ thằng bé rất đẹp trai, mỗi lần đưa nó ra ngoài, mọi người đều xúm lại véo má nó, trầm trồ khen ngợi. Khi trò chuyện, tôi nói cho nó biết, hồi đó nó cười như thế nào. Còn có lần đầu tiên Dĩ Hoa biết tiêu tiền, nó tiêu nhoằng một cái hết ba hào mua trứng luộc trong nước trà. Vì vậy, tôi đặt tên mụ cho nó là “Ba Hào’’. Vừa kể những chuyện này, tôi vừa châm chọc Dĩ Hoa khi đó đã lớn: “Dĩ Hoa, mặt con trắng trẻo thế kia chẳng giống trứng luộc trong nước trà tí nào.”

Qua những chuyến “du hành thời gian”, các con tôi hiểu rằng, từ khi chúng đến với thế giới này, tôi vẫn luôn ở bên chúng, bất cứ khi nào, dù tôi có còn sống hay đã qua đời, tình yêu thương của tôi sẽ mãi mãi ở bên các con. Bọn trẻ cảm nhận được sự an toàn, ấm cúng, đồng thời cũng cảm động vì tinh thần trách nhiệm của mẹ. Trong chuyến “du hành thời gian”, cả nhà tôi cùng tận hưởng niềm vui và những điều bí mật, diệu huyền từ quá trình trưởng thành của con người, cùng vun vén tình cảm huyết thống.

Sau khi nghe những câu chuyện “cổ tích” vào buổi tối, Dĩ Hoa và Huy Huy đều muốn ngủ cùng tôi, làm sao đây? Tôi nằm giữa, Dĩ Hoa và Huy Huy mỗi đứa ôm một chân của tôi, nằm lăn lóc một góc. Nhưng vì hai đứa nó mỗi đứa ôm một chân của tôi nên tôi không thể trở mình. Trước khi trở mình, tôi đành phải xin hai đứa nó. Tôi xin hai đứa trẻ như thế nào? Tôi nói với chân trái trước: “Xin lỗi, chân trái cử động một chút”, sau đó tôi lại nói với chân phải: “Tôi sắp cựa quậy, chân phải hãy tránh ra một chút nhé.”

Guồng máy gia đình không thể vận hành trơn tru, nếu nó chuyển động tùy ý theo hướng bất kỳ, vì vậy chúng ta cần phải vun vén cho gia đình mình. Tôi thường nói “yêu” không chỉ là một danh từ, nó còn là một động từ, cho nên các bậc làm cha làm mẹ cũng cần vun vén tình yêu thương dành cho con cái.

Yêu Cũng Cần Tâm Đầu Ý Hợp

Khi cha mẹ không chú ý vun vén cho tình yêu, con cái sẽ phản kháng.
Thời gian đầu mới về Israel, có một dạo, tôi thường xuyên xào bắp cải cho các con ăn, làm bọn chúng phát ngán. Một buổi tối, như thường lệ tôi bưng đĩa rau xào lên bàn, nhưng hai cậu con trai của tôi bắt đầu kháng nghị: “Mẹ ơi, món này ăn không ngon, chúng con không muốn ăn nữa.” Cô con gái bé bỏng nhất nhà cũng được thể nói theo: “Đồ ăn không ngon, con cũng không ăn”

Ba đứa con của tôi cùng nhau lên kế hoạch chống đối mẹ từ trước, mục đích của chúng là muốn tôi cải thiện bữa ăn. Lúc này, tôi mới sực tỉnh, ý thức được vì áp lực cuộc sống nên tôi đã sơ ý coi nhẹ chuyện ăn uống của bọn trẻ. (Chú thích: Lúc đó tôi vẫn là bà mẹ nồi cơm điện hoạt động hai tư giờ một ngày)

Trời đã tối, chợ thực phẩm đã đóng cửa, trong nhà cũng không có thứ gì ngon hơn. Bà mẹ thông minh sẽ làm thế nào? Tôi lập tức chạy xuống tầng, vào cửa hàng tạp hóa mua ít thịt dăm bông, rồi về nhà lấy đỗ xanh trong tủ lạnh ra, đập thêm ba quả trứng gà, làm một nồi cơm rang Dương Châu đủ màu sắc cho bọn trẻ. Tôi vừa bưng cơm ra bàn, ba đứa liền xúm vào, vui vẻ ăn ngay lập tức. Thật ra, tôi vẫn dùng bắp cải, chỉ là tôi biến hóa một chút thành món cơm rang Dương Châu, vừa có màu sắc bắt mắt vừa có mùi vị thơm ngon.

Con cái không ăn cơm mình nấu là sự đả kích lớn nhất đối với người mẹ. Với các bà mẹ nước ngoài, đặc biệt là các bà mẹ Do Thái, khi trẻ không ngoan ngoãn ăn cơm, quá bữa, họ sẽ không cho trẻ ăn nữa. Nhưng lần này, bọn trẻ bỏ bữa hoàn toàn là do tôi lơ là chuyện đổi món cho chúng, nên tôi phải vội vàng chữa cháy. Nếu bạn muốn xây dựng quyền uy của đấng sinh thành, thì trước hết bạn phải tôn trọng ý kiến hợp lý của con trẻ. Tuy điều kiện kinh tế gia đình tôi lúc ấy cũng chỉ thường thường bậc trung, không thể ngày nào cũng ăn bốn món thịt một món canh, nhưng kể từ lần đó, tôi đặc biệt chú ý đến vấn đề đổi món cho bọn trẻ. Vào cuối tuần tôi bảo các con: “Lại đây nào các con, chúng ta cùng làm sủi cảo!” Nhân sủi cảo do bọn trẻ tự chọn, mỗi đứa ôm một cái chậu nhỏ, nào là nhân thịt bò, hành tây, cà rốt thịt dê và còn có cả nhân chay, chúng vô cùng hào hứng xắn tay cùng làm với tôi. Khéo vun vén cho tình yêu, cả nhà sẽ tâm đầu ý hợp.

Nói đến đây, nước mắt tôi tự nhiên lại chực trào. Khi các con đang chơi đá bóng ở dưới tầng, trông thấy tôi đi mua thức ăn về, chúng sẽ chạy ùa ra, đón lấy túi, xách lên tầng. Những lúc ăn thịt gà, đáng lẽ đùi gà, cánh gà và ức gà đều là phần thưởng cho bọn trẻ, nhưng chúng lại tranh nhau nói: “Mẹ ơi, con muốn ăn cổ gà, mẹ gắp cổ gà cho con.” Tôi tưởng rằng chúng thích ăn cổ gà, liền lấy cổ gà chia cho ba đứa, song cũng chính lúc đó tôi mới phát hiện ra những phần ngon nhất của con gà đều nằm gọn trong bát của tôi. Mỗi lần các con tôi bóc quýt ăn, ăn đến quả nào ngọt chúng đều để lại phần tôi. Khi tôi bước vào phòng, cả ba anh em nó cùng đưa quýt mời tôi, rối rít nói: “Mẹ, mẹ ăn quýt của con, quýt của con ngọt hơn!”

Có một năm, mùa đông cũng trùng vào mùa mưa của Israel, tôi lạnh đến phát sốt, vội vàng thu dọn cửa hàng bán nem rán, đi viện khám bệnh, mua thuốc. Lúc về, vì tiếc tiền đi taxi, nên tôi vịn tường đi bộ về nhà, bình thường tôi chỉ đi hết quãng đường từ bệnh viện về nhà trong vòng mười lăm phút, không ngờ hôm đó, tôi phải mất hơn bốn mươi phút mới về được đến nhà. Vào phòng, tôi nằm bẹp trên giường. Ba đứa đi học về, vừa trông thấy tôi bị ốm đã vội vàng đi lấy gạo nấu cháo để tôi ăn cháo và uống thuốc trước rồi ngủ. Nửa đêm, đột nhiên các con lay tôi dậy, Huy Huy một tay cầm cốc nước, một tay cầm thuốc, nhắc tôi: “Mẹ ơi, mẹ uống thuốc đi.” Về sau tôi mới biết, thì ra hai anh em nó tìm hiểu đơn thuốc của tôi, thấy trên giấy viết cứ sáu tiếng phải uống thuốc một lần, nên chúng tự phân công nhau, Dĩ Hoa trông ba tiếng trước, Huy Huy trông ba tiếng sau. Nghĩ hai cậu con trai ôm túi chườm nóng cho tôi, chăm chăm nhìn tôi uống thuốc trong đêm đông lạnh giá, tôi uống thuốc mà mắt ướt đẫm niềm vui.

Bây giờ ba đứa đều đã khôn lớn, chúng không thể ngồi sát đầu gối, vây quanh người tôi giống như trước đây nữa, nhưng vào mỗi ngày nghỉ chúng đều đến thăm tôi. Có hôm, gần sáu giờ tối, Dĩ Hoa gọi điện bảo sắp đến, lòng tôi khấp khởi vui mừng. Tôi định xào cải thìa cho Dĩ Hoa, đó là món nó thích ăn nhất. Dĩ Hoa biết lưng tôi không khỏe, không nên tự thái rau, nhưng cũng biết không lay chuyển được tôi, nên nói: “Vậy mẹ để con tẩm quất cho mẹ trước nhé.”

Hoa Mộc Lan” Cảm Nhận Cuộc Sống Trong Quân Ngũ.

Lúc đang chuẩn bị thái rau thì điện thoại trong phòng khách đổ chuông. Dĩ Hoa ra nghe điện thoại, mới đi được hai bước nó đã quay đầu lại nhắc tôi: “Mẹ, cẩn thận tay mẹ đấy.” Trong lúc con trai ở ngoài nghe điện thoại, nước mắt tôi lại chảy ra. Ở đây, tôi muốn nói với những người mang phận làm con trên thế gian rằng, thứ người mẹ thật sự cần là rất ít, đôi khi một câu nói quan tâm ân cần hay chỉ cần trong lòng con có mẹ cũng đủ làm người mẹ cảm thấy vui vẻ và thỏa mãn vô hạn. Dĩ Hoa gác máy rất nhanh, trước khi nó chạy vào bếp, tôi đã kịp lau vội nước mắt, không để con trai trông thấy giọt nước mắt hạnh phúc của mình. Lời dặn dò chu đáo của Dĩ Hoa luôn ở mãi trong lòng tôi, không bao giờ quên. Mỗi khi tâm sự cùng bạn bè, nói đến chuyện này, tôi vẫn không sao diễn tả hết cảm xúc của mình.
Đoạn trước chúng tôi nói, giáo dục gia đình của người Do Thái cũng giống như gia huấn cổ của Trung Quốc, đều nhấn mạnh đến sự kết hợp giữa yêu và dạy: “Không lo cha mẹ không yêu con, chỉ lo biết yêu mà không biết dạy.” Dù vậy, yêu và dạy cũng cần có chừng mực, nếu chúng ta chỉ đẩy mạnh khía cạnh dạy dỗ, con trẻ sẽ trở thành tấm bia giáo dục, không cảm nhận được tình yêu thương cha mẹ dành cho mình, tình cảm giữa cha mẹ và con cái đi vào bế tắc.

Có người bạn từng đến nhà tôi chơi, được biết con trai mua tặng tôi căn biệt thự ở Thượng Hải, bà ấy nói: “Tôi ngưỡng mộ bà nhất ở điểm bà có cậu con trai tuyệt vời. Người ta nói nuôi con phòng lúc tuổi già, bà thật sự làm được rồi.”

Bà ấy nói đúng. Tôi có đòi hỏi con cái phải báo đáp tình yêu thương của mình không? Có, mà cũng không. Yêu cầu được báo đáp chỉ là hình thức bề ngoài, còn dạy các con biết cảm nhận và truyền tải tình yêu, khơi thông tình cảm giữa hai bên và biết cảm ơn, đó mới là mục đích sau cùng của tôi. Khi con trẻ cố ý thể hiện tình yêu thương đối với cha mẹ, phụ huynh hãy cho chúng biết rằng: Mẹ cảm nhận được tình yêu con dành cho mẹ, mẹ cảm thấy rất vui. Cha mẹ phản hồi về niềm vui khôn tả con cái mang lại cho mình cũng sẽ làm bọn trẻ vui lây.

Nói đến đây, tôi muốn chia sẻ với các bạn một câu chuyện trong ngày sinh nhật của Huy Huy. Đó là vào một sáng đẹp trời ngày 8 tháng 10, trời vừa sáng, tôi đã tỉnh giấc, nhưng vẫn nằm nán lại trên giường suy nghĩ xem buổi tối nên làm tiệc sinh nhật cho Huy Huy như thế nào. Bỗng thấy Huy Huy gõ cửa, chạy vào phòng tôi. Nó đến bên giường, thủ thỉ gọi tôi. “Mẹ ơi, con cảm ơn mẹ!” Huy Huy đột nhiên nói chuyện với tôi bằng tiếng Hebrew.

“Con cảm ơn mẹ đã thai nghén con, mang con đến thế giới này để cho con nhìn thấy ánh mặt trời và cảm nhận cuộc sống tươi đẹp!

Thấy Huy Huy nói mấy lời văn vẻ này, lắp ba lắp bắp, tôi mới phát hiện ra trong lòng bàn tay nó có một mảnh giấy nhỏ. Huy Huy vừa liếc nhìn mảnh giấy nhỏ vừa nói với tôi bằng thứ tiếng Hebrew chưa sõi.
“Bây giờ con còn nhỏ nhưng con sẽ chăm chỉ học tập thật tốt, mẹ đợi sau này con lớn lên, con sẽ cho mẹ một cuộc sống tốt đẹp.”
Thằng bé còn nhỏ tuổi, vốn từ vựng tiếng Hebrew của nó cũng không nhiều, đều là tự tra từ điển từng câu một rồi viết ra giấy, lấy keo dán vào lòng bàn tay. Vào ngày sinh nhật của con trai, người làm mẹ lại nghe được lời cảm ơn xuất phát từ đáy lòng của con, thật vô cùng hạnh phúc. Yêu thương giống như một cái túi lớn, đựng vào thì có cảm giác thỏa mãn, lấy ra lại là cảm giác thành tựu và hạnh phúc.

Phương Pháp Bồi Dưỡng Lòng Biết Ơn Cho Con

Biết ơn là một thứ tình cảm cao thượng, và cũng là tài sản quý giá của con người. Khi thăng hoa, nó có thể kinh thiên động địa, tuôn chảy không ngừng, phát huy sức mạnh phi thường. Các bậc phụ huynh có thể bồi dưỡng lòng biết ơn của con em mình từ những phương diện sau đây:

1. Dạy con biết chia sẻ. Chia sẻ không chỉ là một nghi thức giao tiếp, quan trọng hơn nó còn thể hiện một tâm hồn lành mạnh. Trong các gia đình Do Thái, tình yêu giữa cha mẹ và con cái không phải là một chiều, mà có sự trao đổi qua lại giữa hai bên, con trẻ không những tiếp nhận tình yêu thương của cha mẹ, chúng còn biết đáp lại tình cảm ấy.

2. Đừng coi thường vai trò làm gương cho con cái của cha mẹ. Trong cuộc sống, cha và mẹ đều có trách nhiệm và nghĩa vụ riêng của mình đối với gánh nặng gia đình, nhưng hai người cũng nên cùng nhau chia sẻ những lợi ích của gia đình. Cha mẹ cần quan tâm đến từng thành viên trong gia đình, quan tâm đến nhu cầu và tôn trọng quyền lợi của người kia. Từng lời nói cử chỉ của cha mẹ đều ảnh hưởng sâu sắc tới con trẻ, chúng sẽ dung nạp được tư tưởng biết ơn trong quá trình mô phỏng lối sống của cha mẹ.

3. Theo người Do Thái, muốn dạy con trẻ biết cảm ơn người khác, trước hết phải dạy chúng biết cảm ơn cha mẹ mình. Phụ huynh cần cho con em mình hiểu rõ, không dễ gì cha mẹ mới nuôi chúng lớn bằng ngần này, chúng nên báo đáp công ơn nuôi dạy của cha mẹ. Người Do Thái thường kể cho trẻ nghe câu chuyện động vật cảm ơn: Sau này con quạ lớn lên, nó quay trở về cho cha mẹ ăn, giống như ngày trước cha mẹ nó từng đi kiếm thức ăn ở bên ngoài về cho nó ăn. Loài chim còn làm được như vậy, huống hồ là con người?

4. Hãy để “quan niệm chia sẻ” bám rễ trong lòng trẻ. Hầu hết các gia đình có một con đều rất nuông chiều, coi con trẻ là “tiểu hoàng đế” trong nhà, muốn gì được nấy, hiển nhiên chúng sẽ có tư tưởng độc chiếm. Khi ăn cơm, có gia đình đều dành hết thức ăn ngon cho con; khi xem ti vi, con giữ điều khiển từ xa; khi có đứa trẻ khác tới nhà chơi, con không cho mẹ chia quà vặt cho bạn. Cứ tiếp diễn như vậy, “quan niệm chia sẻ” và “lòng biết ơn” khó mà bám rễ trong con trẻ.

5. Người Do Thái thường xuyên cho con trẻ nói ra tên người hay sự việc mà chúng cần cảm ơn, dạy chúng biết mỉm cười khen ngợi người tốt. Họ tin rằng, chỉ khi biết cảm ơn, trẻ mới biết giúp đỡ người khác, quan tâm đến người khác và làm việc gì cũng không lấy mình là trung tâm, không ăn hiếp bạn bè. Như vậy mối quan hệ giữa trẻ và mọi người xung quanh sẽ ngày càng hài hòa, tốt đẹp.

6. Cho trẻ tiếp xúc nhiều hơn với thế giới tự nhiên. Nếu lúc nào con trẻ cũng nhìn thế giới bằng ánh mắt biết ơn, thì chúng sẽ nhận ra vẻ đẹp của thế giới này, đó là tiếng chim hót véo von, ánh nắng chan hòa, hoa cỏ ngát hương. Những điều giản dị đó sẽ làm tâm hồn con trẻ ngập tràn niềm vui.

7. Cảm ơn phải thể hiện được sự chân thành, xuất phát từ sự cảm kích tận đáy lòng, chứ không phải vì mục đích nào đó như muốn lấy lòng người khác. Những người Do Thái kiệt xuất đều là những người hiểu được tầm quan trọng của lời cảm ơn.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BIẾT ƠN VÀ LÒNG TRẮC ẨN: ĐỘNG LỰC ĐỂ GIÚP ĐỠ NGƯỜI KHÁC
  2. CHA MẸ ĐỪNG LÀM GƯƠNG MỜ TRONG NHÀ
  3. TÌNH THƯƠNG TỰ NHIÊN

Bài viết khác của tác giả

  1. PHƯƠNG PHÁP DẠY CON CỦA NGƯỜI DO THÁI: TÌNH YÊU HÌNH NGỌN LỬA VÀ TÌNH YÊU HÌNH TỬ CUNG

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP