KHÁM PHÁ CUỘC SỐNG SAU KHI THỨC TỈNH

ADYASHANTI

Trích: Sự Thật Về Giác Ngộ; Việt dịch: Phạm Hải Anh; NXB. Văn hóa văn nghệ, 2018

☘️?☘️

Có một hiện tượng đang xảy ra trong thế giới ngày nay. Ngày càng nhiều người đang bừng tỉnh – chợt thoáng có cái nhìn chân thực, nguyên sơ vào thực tại. Ý tôi là người ta dường như có những khoảnh khắc bừng tỉnh khỏi những nhận thức quen thuộc của họ về bản thân và thế giới để cảm nhận một thực tại vĩ đại hơn nhiều – một cái gì đó vượt xa mọi thứ họ từng biết đến.

Những trải nghiệm thức tỉnh này ở mỗi người mỗi khác. Với một số người, sự thức tỉnh được duy trì khá lâu, trong khi với những người khác thì nó như một cái nhìn thoáng qua – có thể chỉ kéo dài nửa giây. Nhưng trong khoảnh khắc đó, toàn bộ ý thức về “cái tôi” sẽ tan biến. Cách mọi người nhận thức thế giới đột nhiên thay đổi, và họ thấy mình không hề có cảm giác chia cắt giữa bản thân với phần còn lại của thế giới. Có thể so sánh nó với trải nghiệm tỉnh dậy từ một giấc mơ – một giấc mơ mà bạn thậm chí không biết là mình mơ cho đến khi choàng tỉnh khỏi nó.

Hồi tôi bắt đầu giảng dạy, đa số những người đến với tôi đều tìm kiếm các chứng ngộ sâu sắc về tâm linh. Họ đang tìm cách thức tỉnh khỏi những nhận thức hạn hẹp và cô lập về cái tôi mà họ tưởng là mình. Chính khao khát này đã thôi thúc mọi tìm kiếm tâm linh: khám phá cho bản thân điều mà trực giác ta mách bảo là đúng – rằng đời sống phong phú hơn những gì ta biết rất nhiều.

Nhưng về sau, ngày càng nhiều người đến với tôi đã thoáng thấy được thực tại lớn lao hơn. Vì họ mà tôi viết ra quyển sách này.

? Bình minh của sự Thức Tỉnh

Sự khám phá mà tôi nói ở đây vốn thường được nhắc tới như là sự thức tỉnh tâm linh, bởi vì người ta thức dậy từ giấc mơ chia rẽ do tâm trí cá nhân tạo ra. Chúng ta nhận ra – thường là khá đột ngột – rằng ý thức về bản ngã, được hình thành, bồi đắp từ những ý tưởng, niềm tin và tưởng tượng của ta, thật sự không phải là ta. Nó không định nghĩa được ta; nó không có cốt lõi.

Cái tôi có thể tồn tại như một chuỗi những suy nghĩ, niềm tin, hành động và phản ứng, nhưng tự bản thân nó không có nhận diện riêng. Cuối cùng, tất cả những hình dung của chúng ta về bản thân và thế giới hóa ra không gì khác hơn là sự phản kháng với mọi thứ đang diễn ra. Cái mà chúng ta gọi là tôi đơn giản chỉ là cơ chế mà tâm trí chúng ta sử dụng để chống lại cuộc sống như nó vốn thế. Theo cách đó, bản ngã không phải là một thứ hay một hành động. Đó là sự kháng cự với cái gì đó đang diễn ra, đẩy ra hoặc lôi kéo. Động thái bám lấy hay kháng cự này hình thành nhận thức về tôi là một cái gì đó khác biệt hoặc tách rời khỏi thế giới xung quanh ta.

Với ánh bình minh của sự thức tỉnh, thế giới bên ngoài này bắt đầu sụp đổ. Một khi vứt bỏ ý thức về cái tôi, dường như chúng ta cũng xóa sổ luôn cả thế giới mà ta từng biết. Vào khoảnh khắc đó – cho dù nó chỉ là nhìn thoáng qua hay bền vững hơn – chúng ta đột nhiên nhận ra rằng bản ngã chân thực của ta không hề bị giới hạn trong cái tôi nhỏ bé mà chúng ta đã ngỡ là mình.

Ngộ ra chân lý hay thực tại là điều rất khó nói vì nó vượt lên mọi ngôn từ. Tuy nhiên, một vài chỉ dẫn vẫn có thể hữu ích. Nói một cách đơn giản nhất, nhận biết trải nghiệm thức tỉnh là thay đổi trong nhận thức của con người. Đây là cốt lõi của sự thức tỉnh. Có một sự thay đổi trong nhận thức, từ chỗ thấy bản thân như một cá thể cô lập đến chỗ thấy chính mình (nếu chúng ta còn cảm giác về cái tôi sau sự thay đổi này) hợp nhất với vũ trụ, cùng lúc ta là mọi thứ, mọi người và hiện diện khắp nơi.

Sự thay đổi này không mang tính cách mạng; nó giống như soi gương buổi sáng và trực giác mách bảo rằng khuôn mặt bạn đang nhìn kia là của bạn. Nó không phải là một trải nghiệm huyền bí; nó đơn giản. Khi soi gương, bạn thấy một xác nhận đơn giản “Ồ, đó là mình”. Khi sự thay đổi nhận thức được gọi là thức tỉnh xảy ra, ý thức chúng ta tiếp xúc với bất kỳ cái gì cũng đều có trải nghiệm đây chính là mình. Như thể chúng ta nghĩ về mọi thứ mình gặp là “Ồ, đó là tôi”. Chúng ta không trải nghiệm bản thân mình từ góc nhìn của cái tôi, một con người hay một thực thể riêng biệt. Đây là cảm giác của tạo hóa nhận ra chính mình, hoặc Tâm Linh vũ trụ nhận ra chính nó.

Thức tỉnh tâm linh là nhớ ra. Chứ không phải trở thành một thứ gì đó không phải là mình. Cũng không phải là “lột xác” bản thân. Nó không phải là thay đổi chính mình. Đó là nhớ ra mình là ai, như thể ta đã biết từ lâu rồi mà đơn giản là quên mất. Vào khoảnh khắc nhớ ra này, nếu đúng là nhớ thật, thì nó không được coi là một điều cá nhân. Thực sự không có chuyện một “cá nhân” thức tỉnh, bởi vì “cá nhân” có nghĩa là chia rẽ. “Cá nhân” có nghĩa rằng đó là “tôi” hay bản ngã đang thức tỉnh hoặc trở nên giác ngộ.

Khi thức tỉnh thật sự thì sẽ nhận ra rất rõ ràng rằng ngay cả sự thức tỉnh cũng không mang tính cá nhân. Nó là Tâm Linh hay ý thức tự thức dậy. Thay vì “tôi” thức dậy, chúng ta tỉnh dậy khỏi cái “tôi”. Chúng ta choàng tỉnh khỏi vai trò người tìm kiếm. Chúng ta tỉnh dậy khỏi hành động tìm kiếm.

Vấn đề với việc định nghĩa thức tỉnh là mỗi khi nghe mô tả, tâm trí lại tạo ra một hình ảnh khác, một ý tưởng khác về sự thật cuối cùng hay thực tại cuối cùng này. Ngay khi những hình ảnh này được tạo ra, nhận thức của ta bị méo mó một lần nữa. Bằng cách này, thật sự không thể mô tả bản chất của thực tại, ngoại trừ nói rằng đó không phải là điều chúng ta nghĩ hay đã được dạy. Thật ra, chúng ta không có khả năng hình dung bản chất ta là gì. Bản chất tự nhiên của chúng ta thực sự vượt quá mọi tưởng tượng. Chúng ta là cái đang quan sát – là chính cái ý thức đang quan sát ta sắm vai một cá nhân riêng biệt. Bản chất chân thật của chúng ta liên tục tham gia mọi trải nghiệm, luôn tỉnh thức trong hiện tại, từng khoảnh khắc và mọi khoảnh khắc.

Khi thức tỉnh, chúng ta thấy hóa ra mình không phải là một thứ, một người, hay thậm chí một thực thể. Ta là cái biểu hiện thành mọi thứ, mọi kinh nghiệm, mọi tính cách. Ta là cái mơ cả thế giới vào hiện hữu. Sự thức tỉnh tâm linh tiết lộ rằng thực sự chúng ta là thứ không thể mô tả và không thể giải thích được.

?Thức tỉnh vĩnh viễn và thức tỉnh tạm thời

Như tôi đã nói, trải nghiệm thức tỉnh này có thể chỉ là một cái nhìn thoáng qua, hoặc có thể duy trì theo thời gian. Một số người cho rằng thức tỉnh tạm thời không phải là thức tỉnh thực sự. Có người tin rằng nếu thức tỉnh thực sự, nhận thức của bạn mở ra thấy bản chất thực sự của vạn vật thì không bao giờ đóng lại nữa. Tôi có thể hiểu quan điểm này, vì cuối cùng thì toàn bộ hành trình tâm linh dẫn chúng ta đến một sự thức tỉnh trọn vẹn. Thức tỉnh hoàn toàn là luôn luôn nhận thức từ quan điểm của Tâm Linh – từ cái nhìn nhất thể.

Từ quan điểm thức tỉnh này, không có bất kỳ sự chia rẽ nào – trên thế giới, trong vũ trụ, ở mọi vũ trụ hay bất kỳ đâu. Sự thật ở bất cứ nơi nào và ở khắp nơi, vào mọi lúc, trên mọi phương diện, cho tất cả chúng sinh. Đó là chân lý, là nguồn gốc của mọi thứ được trải nghiệm – trong cuộc sống, sau khi sống, trong chiều không gian này hoặc bất kỳ chiều nào khác.

Từ quan điểm của cái tối hậu, theo nghĩa đen “ tất cả mọi thứ” ở tầng cao hơn hay thấp hơn, ở đây hay kia, quá khứ, hiện tại hay tương lai, mọi thứ chỉ là sự biểu hiện của Tâm Linh. Chính là Tâm Linh tỉnh dậy. Vì vậy, cuối cùng, quỹ đạo mà mỗi sinh vật đang đi, cho dù bản thân có biết hay không, là một quỹ đạo hướng tới sự tỉnh thức toàn vẹn – hướng tới nhận thức trải nghiệm trọn vẹn bản chất mình là gì, tới sự thống nhất, tới sự nhất thể.

Khoảnh khắc thức tỉnh có thể hoặc không thể mang lại kết quả là nhận thức vĩnh cửu. Như tôi đã nói, một số người cho rằng sự thức tỉnh nếu không vĩnh viễn thì không phải là thực. Khi giảng dạy, tôi nhận thấy người nhìn thoáng qua tấm màng nhị nguyên và người có chứng ngộ thường hằng (vĩnh viễn) đều thấy và trải nghiệm cùng một điều. Một người trải nghiệm nó trong giây lát; người kia trải nghiệm nó liên tục. Nhưng những gì được trải nghiệm, nếu đấy là thức tỉnh thực sự, đều như nhau: vạn vật nhất thể; chúng ta không phải là một cái gì hoặc ai đó cụ thể, có thể đặt trong một không gian cụ thể; chúng ta đồng thời vừa chẳng là gì, vừa là tất cả mọi thứ.

Vì vậy, theo tôi thì việc nó là thức tỉnh tạm thời hay vĩnh viễn không thực sự quan trọng. Nó chỉ có ý nghĩa rằng có một quỹ đạo như thế – cái tâm vô ngã vẫn hoàn toàn trọn vẹn chừng nào còn tiếp tục nhận thức từ quan điểm của sự thật – còn điều được thấy chính là thức tỉnh, cho dù nó được duy trì hay không.

Cái nhìn thức tỉnh thoáng qua, mà tôi gọi là thức tỉnh tạm thời, ngày càng trở nên phổ biến. Nó diễn trong một khoảnh khắc, một buổi chiều, một ngày, một tuần – có khi dài tới một hay hai tháng. Nhận thức mở ra, ý thức về cái tôi chia rẽ biến mất – và rồi, như khẩu độ trên ống kính camera, nhận thức đóng lại. Đột nhiên, người đã từng nhận thức được chân lý nhất nguyên, sự nhất thể thực sự, lạ lùng sao lại trở về nhận thức trong “trạng thái mê” nhị nguyên. Trong trạng thái mê này, chúng ta trở lại với ý thức bị lập trình về cái tôi – trong một nhận thức sống bị giới hạn, cô lập.

Tin vui là một khi đã có khoảnh khắc chứng ngộ rõ ràng này, khẩu độ của nhận thức chúng ta không bao giờ hoàn toàn đóng lại nữa. Có vẻ như nó đã khép chặt lại, nhưng sự thật không phải thế. Trong phần sâu thẳm của mình, bạn không bao giờ quên. Ngay cả khi bạn chỉ thoáng thấy sự thật trong một khoảnh khắc, có gì đó trong bạn đã thay đổi mãi mãi.

Thực tại là hạt nhân; nó cực kỳ mạnh mẽ. Nó có tiềm năng không thể tưởng tượng nổi. Người ta có thể trải nghiệm một tia sáng chân lý leo lên trong thời gian một cái búng tay, nhưng năng lượng và sức mạnh tràn vào bên trong họ đã đủ để thay đổi cả cuộc sống.

Chỉ một khoảnh khắc thức tỉnh là ý thức sai lầm về cái tôi đã bắt đầu tan rã và kéo theo đó đó là sự tan rã toàn bộ nhận thức về thế giới.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TƯ TƯỞNG GIÁC NGỘ
  2. THỨC TỈNH MỤC ĐÍCH SỐNG
  3. ÁNH TRĂNG HUYỀN ẢO CỦA SỰ GIÁC NGỘ

Bài viết khác của tác giả

  1. HIỂU VỀ NỖI ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TA
  2. BẢN NGÃ KHÔNG LÀ GÌ KHÁC NGOÀI TRẠNG THÁI Ý THỨC
  3. TRẠNG THÁI TỰ NHIÊN – HÀNH TRÌNH GIÁC NGỘ

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH