TÔN KÍNH NGƯỜI GIÀ – TRUYỆN CỔ PHẬT GIÁO

DIỆU HẠNH GIAO TRINH

NGUYỄN MINH TIẾN

Trích: Truyện Cổ Phật Giáo; Diệu Hạnh Giao Trinh sưu tầm và soạn dịch; Nguyễn Minh Tiến hiệu đính và giới thiệu; NXB. Tôn Giáo, 2009

Ngày xửa ngày xưa, nước Ba La Nại có một phong tục rất tàn nhẫn. Dân chúng nước ấy cho rằng những người già chỉ sống bám vào xã hội, rằng họ sống trên đời là vô ích vì chỉ biết tiêu xài lãng phí chứ không thể làm việc. Họ nghĩ, những người như thế thì có ích lợi gì trên thế gian này đâu? Xét lại, nếu lấy lương thực dùng để nuôi người già đem nuôi một đứa bé, không phải là hợp lý hơn sao?

Vì thế, ở nước Ba La Nại có một điều luật quái dị rằng: “Không ai được nuôi dưỡng người già trong nhà, nếu trái luật thì cả nhà sẽ bị xử tử hình.”

Một phần là để tôn trọng luật pháp, một phần cũng vì vấn đề sinh kế gia đình nên nhà nào cũng như nhà nấy, nói đúng hơn là cả nước đều coi thường người già. Hễ trong nhà cha mẹ bắt đầu lớn tuổi là con cái liền đem bỏ giữa núi sâu, làm mồi cho hổ beo hay dã thú.

Điều luật vô nhân đạo như thế về lâu về dài đã trở thành một tập quán, một phong tục. Tuy nhiên thiên tính của nhân loại không thể hoàn toàn bị tiêu diệt, nên có một số người không tán đồng chút nào cách xử sự ấy. Nhưng họ sợ bị trừng phạt, không dám phản kháng nên chỉ biết cam chịu, khổ tâm đem cha mẹ già lên núi sâu làm mồi cho dã thú.

Lúc ấy trong nước có một vị trưởng giả hạ sinh được một đứa con trai, cha hiền con hiếu, gia đình rất hòa thuận êm ấm. Những ngày vui trôi mau, vị trưởng giả từ từ tóc đã điểm sương. Đứa con trai không thể nào nhẫn tâm tuân theo điều luật vô lương tâm như thế, nên cả nhà cùng nhau tìm ra một giải pháp. Đứa con lén đào một cái hầm trong nhà, che mắt quan quân địa phương và hàng xóm, đưa cha mẹ già xuống dưới hầm ở, và mỗi ngày đưa thức ăn vật dụng xuống cho cha mẹ dùng.

Ngày lại ngày từ từ trôi qua, người con luôn luôn cẩn thận giữ gìn nên không ai phát giác được bí mật của chàng. Vị trưởng giả lớn tuổi sống dưới hầm, suốt ngày tụng kinh niệm Phật cho qua thì giờ.

Không lâu sau, một biến cố xảy ra trong nước làm cho nhà vua và nhân dân lo lắng bất an. Số là các nước láng giềng thấy Ba La Nại là một nước không mấy gì có thực lực, trên phương diện chính trị và quân sự không có gì vững chắc, nên mới có ý định đem quân xâm chiếm nước này.

Cho đến nay, sự giao hảo giữa Ba La Nại và các nước láng giềng rất tốt đẹp, họ đã từng hợp tác liên minh, không ai xâm lấn ai. Nhưng lần này họ trở mặt, mà nguyên nhân lớn nhất là họ không chấp nhận được cái điều luật phế bỏ người già của nước Ba La Nại. Vì thế họ nghĩ ra một cách, trước hết họ gởi một bản chiến thư, trong đó đặt bốn câu hỏi. Nếu không ai trả lời được bốn câu hỏi ấy, thì các nước sẽ khởi binh khai chiến với nước Ba La Nại.

Khi nhà vua nhận được bản chiến thư ấy, trong lòng rất lấy làm lo lắng vì cả một triều đình văn võ đại thần không ai trả lời được bốn câu hỏi này. Cuối cùng chỉ còn cách chép lại bốn câu hỏi, dán khắp các nẻo đường, hy vọng có người học sĩ nào trong nước giải đáp được. Nếu có người nào giải đáp được bốn câu hỏi ấy thì sẽ được vua trọng thưởng vô cùng hậu hĩ. Bốn câu hỏi ấy là:

❓ Trên thế gian này, điều gì đáng trân quý nhất?

❓ Trên thế gian này, việc gì làm cho con người sung sướng nhất?

❓ Trên thế gian này, hương vị nào tuyệt diệu nhất?

❓ Trên thế gian này, mạng sống nào kéo dài nhất?

Bản câu hỏi được dán khắp nơi, nhưng một ngày, hai ngày trôi qua rồi mà chưa có ai giải đáp được. Qua tới ngày thứ ba, bỗng có một chàng thanh niên trẻ tuổi đến trình diện, nói là mình biết câu trả lời. Sau đó, trước mặt công chúng, chàng cầm bút viết:

? Thứ nhất, lòng tin là điều trân quý nhất.

? Thứ hai, chánh pháp làm cho con người sung sướng nhất.

? Thứ ba, lời nói thật có hương vị tuyệt diệu nhất.

? Thứ tư, trí huệ có mạng sống dài lâu nhất.

Viết xong, những người đang đứng xem tại chỗ nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng. Những vị quan sứ đang đứng canh gác ở đấy lập tức đem các câu trả lời này trình lên vua. Vua xem rồi lấy làm vui mừng, xuống chỉ cho vời người thanh niên trẻ tuổi ấy vào cung.

Vua hỏi ai dạy cho chàng các câu trả lời ấy, chàng thanh niên đáp:

– Chính cha của hạ thần đã dạy cho hạ thần.

Vua ngạc nhiên hỏi:

– Cha của khanh hiện giờ ở đâu?

– Xin bệ hạ xá tội cho hạ thần trước, hạ thần mới dám tâu lên.

Vua liền chuẩn y lời cầu xin, hứa sẽ không bắt tội chàng vì bất cứ chuyện gì. Khi ấy, chàng thanh niên mới nói:

– Tâu bệ hạ! Cha của hạ thần tuổi đã cao, nhưng hạ thần không nhẫn tâm đem cha già vứt trên núi hoang. Bốn câu trả lời mới được trình lên bệ hạ là do cha của hạ thần dạy cho, hiện thời cụ đang sống dưới hầm nhà của hạ thần.

Nghe những lời nói thành thật của người thanh niên, nhà vua suy nghĩ một lúc và tỏ vẻ hối hận mà nói:

– Ta bậy quá! Ta bậy quá! Mau truyền lệnh cho toàn dân không ai được đem người già bỏ lên núi nữa, đó là một hành động không hợp ý trời! Lương tri ta ám độn nên đã hại không biết bao nhiêu người có trí huệ rồi!

Từ đó trở đi, dân chúng nước Ba La Nại trở nên những người hiếu thảo bậc nhất, biết hết lòng tôn kính những người lớn tuổi già nua.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. XÂY ĐẮP MỘT XÃ HỘI HIẾU HẠNH
  2. VU LAN NÓI VỀ HIẾU NGHĨA

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ