SƯU TẦM
Trích: Hỏi đáp và thực hành thiền tâm linh – Nha Trang 5.2018; Nguồn: Trong Suốt
Đạo Phật nói một cách rất mạnh về Nhân quả, nhưng có một cách hiểu khác đơn giản hơn mà không cần phải hiểu đạo Phật – Nhân quả chính là định luật cân bằng của vũ trụ.
- Nhân quả là cách vũ trụ tự cân bằng
Hỏi: Em muốn hỏi có ai tạo ra luật nhân quả không ạ? Phải có nguyên nhân thì mới tạo ra quy luật đó chứ ạ?
Thầy Trong Suốt: Luật nhân quả không do ai tạo ra hết mà nó đúng ở phổ quát, đúng ở khắp mọi nơi, không do một thánh thần hay Phật nào tạo ra. Giống như em cầm cái bánh em thả, nó rơi xuống đất. Ai tạo ra cái luật này? Thánh nào, thần nào tạo ra luật thả bánh thì rơi xuống đất? Chẳng ai hết, luật của tự nhiên. Nhân quả cũng thế thôi. Nhân quả là gì? Là một nhân, một hành động ấy, sẽ tạo ra quả. Và ngược lại, không có quả nào lại không đến từ một nhân. Gieo nhân nào, gặt quả đấy. Chỉ đơn giản thế thôi! Nhân quả là luật rất căn bản. Có kết quả thì phải có nguyên nhân, có nguyên nhân thì phải có kết quả.
Đấy, chứ nó không phải là luật kiểu trừng phạt người xấu. Không phải! Chúng ta phải cẩn thận không lại hiểu nhân quả theo kiểu nhân quả là trừng phạt người xấu. Không phải! Ông gieo một cái nhân thì sẽ có cái quả. Ông gieo nhân giết người, thì sẽ có quả của việc giết người đấy.
Một cách khác, luật Nhân quả là luật cân bằng của vũ trụ. Nó làm cho cả vũ trụ này cân bằng. Không ai có thể sướng mãi, không ai có thể khổ mãi. Không ai có thể tàn phá, giết hại người khác mà lại sướng được mãi. Không ai có thể làm điều tốt mà lại khổ mãi. Luật cân bằng của vũ trụ. Đấy! Nhân quả chỉ thế thôi.
Nhân quả là cách mà vũ trụ tự cân bằng. Chúng ta phá rừng nhiều thì ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm môi trường thì sức khỏe chúng ta bị hại, chúng ta chết, thế là không phá rừng được nữa. Đấy! Nhân quả nó tự cân bằng thế thôi. Chúng ta đi lừa dối người khác thì chúng ta sẽ bị lừa dối và đau khổ, làm chúng ta không lừa dối mãi được nữa. Thế là nó làm cho cả vũ trụ này cân bằng.
Nhân quả đơn giản thế thôi, gọi là định luật cân bằng của vũ trụ. Chúng ta học vật lý có cân bằng của năng lượng. Nhân quả là cân bằng cả năng lượng và tinh thần luôn. Định luật cân bằng toàn vũ trụ bao gồm cả vật chất lẫn tinh thần. Suy nghĩ xấu sẽ tạo ra một hậu quả xấu cho chính người đấy. Những quy luật về vật lý thì không liên quan đến suy nghĩ, nhưng nhân quả bao gồm cả suy nghĩ.
Ông có một suy nghĩ xấu, mong muốn hại người hay ghen tị, thì ông sẽ gặt một cái suy nghĩ xấu khác, của người khác với mình, thế là cả vũ trụ nó cân bằng. Và không ai tạo ra nó hết. Cho nên nhờ luật đấy mà mọi thứ cân bằng, nếu không có luật đấy thì không cân bằng. Nếu không, tất cả những loài mạnh sẽ mạnh mãi, đúng không? Nhưng mà rõ ràng, ông giết người thì sẽ bị người giết, nên là không mạnh mãi được, sẽ có ngày nào đó bị sụp đổ.
Chúng ta xem lịch sử bao nhiêu đế chế rồi? Thành Cát Tư Hãn, Alexander Đại Đế, phát xít Đức, có cái nào tồn tại mãi đâu? Sụp đổ hết. Vì không ai có thể mạnh mãi. Vì ông giết người, thì sẽ bị người giết. Đấy! Đơn giản thế thôi. Nó làm cho cả vũ trụ cân bằng. Không ai mạnh mãi được, không ai yếu mãi. Thế là cân bằng toàn vũ trụ. Nên chúng ta gọi là luật Nhân quả. Nhưng chúng ta hiểu sâu xa nữa là cách vũ trụ này cân bằng, vì thế chẳng ai tạo ra nó cả.
Đơn giản hiểu Nhân quả thế cũng được, hiểu Nhân quả mà không cần phải hiểu Đạo Phật. Vì Đạo Phật nói một cách rất mạnh về Nhân quả, nhưng Ấn Độ giáo có trước Đạo Phật 5000 năm cũng nói Nhân quả chẳng khác Đạo Phật. Như vậy, Nhân quả không phải là tác phẩm của Đạo Phật vì Ấn Độ giáo có trước Đạo Phật mà còn nói về Nhân quả. Vì tất cả những người Giác ngộ, khi quan sát thế giới đều hiểu về Nhân quả, hiểu rằng nó vận hành như vậy, rồi phát biểu ra mà thôi. Họ ở tôn giáo nào thì phát biểu theo kiểu của tôn giáo đấy. Nên có thể chúng ta không gọi là Nhân quả nhưng mà nó vẫn là luật đấy thôi. Nó có mặt ở khắp nơi.
- Quan trọng là khi nhân quả trổ ra, ta ở trạng thái nào?
Chúng ta phải hiểu bằng trí tuệ là: Khi đã gieo một nhân xấu thì không ai xá tội cho chúng ta được! Không bất kỳ ai! Phật cũng không xá tội cho chúng ta được. Phật không thể xá tội cho ai được vì nhân quả quyết định hết mọi chuyện. Không phải là do Chúa, hay Phật, ai quyết định tội chúng ta mà nhân quả quyết định. Như vậy cách duy nhất để sống là gì? Là chúng ta đừng gây nhân xấu nữa, thế thôi. Còn nhân đã gieo rồi thì chúng ta phải tu hành cho đúng, để khi quả đến, nó đến trong một trạng thái giác ngộ, chúng ta không còn đau khổ nữa.
Đức Phật ngày xưa đang ngồi tự nhiên đau đầu dữ dội, học trò hỏi: “Tại sao thầy là Phật rồi thầy còn đau đầu?”. Thầy bảo: “Vì đời trước ta là một chú bé sống ở gần dòng sông, bộ tộc của ta sống bằng nghề chài lưới. Tuy rằng lúc bé ta chưa đi bắt cá, nhưng mà khi người ta đánh cá về thì có một hôm ta bắt cá sống và xiên người nó nướng trên lửa. Đấy, dù ta đã giác ngộ thành Phật, thì nhân quả việc đấy nó vẫn đến lại, và nó gây nên cơn đau đầu dữ dội này”.
Hay một lần Đức Phật đang đi thì bị vấp vào một cây gai chảy máu. Học trò lại hỏi: “Tại sao thầy thành Phật rồi mà thầy còn chảy máu?”. Phật lại nói: “Ta đã từng giết một thuyền trưởng. Trên thuyền có 500 vị thương gia, họ đang định căng buồm đi buôn. Ông thuyền trưởng muốn cướp tất cả tài sản, nên ông quyết định đánh đắm tàu để cho thương gia chết hết rồi lấy tài sản. Trong lúc quá gấp ta đã cầm gươm giết ông thuyền trưởng đấy để cứu 500 người. Thì nhân quả của việc giết ông thuyền trưởng ngày hôm đấy là hôm nay chân ta chảy máu”.
Như vậy Phật cũng không tránh được nhân quả, không ai trong luân hồi này tránh được nhân quả. Chỉ là, khi nhân quả trổ ra, chúng ta ở trạng thái nào? Trạng thái người giác ngộ thì chẳng có gì khổ, đến thì đến, đi thì đi. Còn trạng thái của không giác ngộ thì sẽ khổ.
Đấy, vấn đề không phải là làm thế nào để hết bị nhân quả, mà làm thế nào chúng ta tự do với nhân quả, đến thoải mái, đi thoải mái, trong lòng chúng ta vẫn không có đau khổ, vẫn hạnh phúc vô điều kiện. Đấy là con đường tu hành, tìm ra sự thật, sống không còn đau khổ, hạnh phúc thực sự.