THIỀN ĐỊNH – KHAI THÔNG SỨC MẠNH CỦA TÂM THỨC

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: Tâm Điểm Của Thiền Định, Khám Phá Thể Dạng Tỉnh Thức Sâu Xa Nhất; Chuyển ngữ: Hoàng Phong

Thiền định là một phép luyện tập thật cần thiết giúp phát huy tối đa các phẩm tính tinh thần như tình thương yêu, lòng từ bi và lòng vị tha. Từ bao lâu nay, tâm thức chúng ta bị phân tán quá mức, khiến nó không phát lộ toàn vẹn được sức mạnh của nó. Tương tự như một dòng nước được khai thông, nếu tâm thức được khai mở thì nó sẽ trở nên cực kỳ mạnh mẽ. Thể loại thiền định thứ nhất mà tôi sẽ trình bày với quý vị nhằm mang lại cho mình một sự an bình bao la bên trong nội tâm, thể loại thứ hai là phát huy một sự quán thấy chuyên biệt giúp mình tìm hiểu bản chất của hiện thực. Vậy trước hết chúng ta hãy bắt đầu với thể loại thứ nhất.

Nếu không thể tạo được một sự tập trung đúng mức giúp tâm thức trở nên vững vàng, trong sáng và không xao động, thì khả năng trí tuệ cũng sẽ không thể nào nhận biết được các đối tượng của nó một cách trung thực, đúng là như thế, với tất cả sự tinh tế của nó. Vì thế [trước hết] cần phải tạo cho mình một khả năng tập trung thật mạnh. Hai yếu tố bất thuận lợi chính yếu nhất ngăn chận việc luyện tập sự tập trung là sự đờ đẫn và bồn chồn. Liều thuốc hóa giải [sự đờ đẫn và bồn chồn] là sự chú tâm đúng đắn và thể dạng nội quán (nhìn vào tâm thức mình).

Vậy chúng ta hãy nêu lên thật ngắn gọn cách phát động sự tập trung đó. Muốn thiền định thì trước hết chúng ta cần chọn một đối tượng để quán xét, đối tượng đó có thể thuộc vào môi trường bên ngoài, hoặc cũng có thể là tâm thức của chính mình. Trong trường hợp đối tượng quan sát là tâm thức thì việc luyện tập sẽ sâu sắc hơn.

Đối với tư thế thì phải tréo cả hai chân hoặc một nửa (bán già, một chân gập lại gác lên chân kia). Dùng một chiếc gối để ngồi nhằm nâng cao bàn tọa, giúp tránh mỏi mệt khi phải ngồi lâu. Giữ cột xương sống thật thẳng như một mũi tên. Gáy hơi nghiêng về phía trước, tầm mắt hướng từ đầu mũi ra phía trước. Lưỡi dán vào nóc vọng. Môi và răng ở vị trí bình thường. Hai cánh tay hơi tách ra khỏi thân mình, không nên dán vào thân mình. Vị thế hai bàn tay biểu lộ sự bình đẳng trong phép thiền định: bàn tay phải đặt lên bàn tai trái, hai đầu ngón cái chạm nhẹ vào nhau. Đó là cách mà các bạn tạo ra một hình tam giác, cạnh bên dưới của hình tam giác nằm dưới rốn khoảng bốn chiều ngang của đốt ngón tay.

Nếu các sự thèm muốn hay hận thù đang khuấy động tâm thức mình thì các bạn nên sử dụng phương pháp sau đây để làm cho các sự bấn loạn ấy phải lắng xuống. Đó là phương pháp thiền định dựa vào hơi thở, hãy hít vào và thở ra hai mươi mốt lần thì sẽ hóa giải được sự bấn loạn trên đây, phương pháp này rất hiệu nghiệm. Vì tâm thức không thể thực thi hai sự nhận thức khác nhau trong cùng một lúc, do đó phép thiền định trên đây sẽ khiến cho sự bấn loạn trước đây phải tan biến (vừa chú tâm vừa đếm từng hơi thở vào ra sẽ khiến mình “quên” đi các chuyện khác). Dầu sao thì cũng cần phải tạo cho mình một động cơ thúc đẩy lành mạnh, tốt nhất là lòng từ bi, lòng vị tha và ước vọng giúp đỡ kẻ khác.

Nhằm giúp tập trung vào tâm thức mình, các bạn không nên nghĩ ngợi gì về những chuyện xảy ra với mình trong quá khứ, cũng không đuổi bắt những gì có thể sẽ xảy đến với mình trong tương lai. Tốt nhất nên giữ tâm thức thật tỉnh táo, không tìm cách tạo dựng ra một thứ gì cả, chỉ cần cảm nhận nó là như thế. Khi đã an trú trong thể dạng ấy thì các bạn sẽ nhận thấy tâm thức mình cũng sẽ tương tự như một tấm gương soi, tất cả mọi vật thể và khái niệm đều có thể hiện lên bên trong nó, kể cả trong một số trường hợp các vật thể và khái niệm ấy có thể hiện ra [thật trung thực] tương tự như hình ảnh phản chiếu [từ một tấm gương soi], chẳng qua vì thực chất của tâm thức mang bản thể trong sáng tinh khiết, một khả năng nhận thức tinh khiết và một sự cảm nhận tinh khiết.

Theo sự hiểu biết căn bản bằng trực giác của Phật giáo thì tâm thức nhất thiết mang bản chất rạng ngời và khả năng nhận biết. Do đó các sự vướng mắc gây ra bởi xúc cảm không thể tồn tại bên trong thể chất tinh túy của tâm thức được. Vì thế các cung cách hành xử kém xây dựng cũng chỉ mang tính cách tạm thời, hời hợt và có thể loại bỏ được. Nếu như các xúc cảm tàn phá, chẳng hạn như sự giận dữ, thuộc vào bản chất [tự nhiên] của tâm thức thì ngay từ khởi thủy lúc nào tâm thức cũng phải ở trong tình trạng giận dữ. Thật hiển nhiên là điều đó không đúng. Sở dĩ chúng ta nổi nóng là vì một số các cảnh huống nào đó xảy ra với mình, do đó nếu các cảnh huống ấy không xảy ra thì cơn giận dữ cũng sẽ không bùng lên.

Vậy những cảnh huống nào sẽ dễ đưa đến sự giận dữ và hận thù? Mỗi khi chúng ta nổi giận thì đối tượng của sự nổi giận đó có vẻ thật đáng ghét, thế nhưng bình thường thì nó không đến nỗi đáng ghét đến như thế. Sở dĩ chúng ta nổi nóng là vì có một người nào đó làm một điều gì sai trái, gây ra tai hại cho mình hay một người bạn của mình.

Vậy thì cái tôi nào đang bị người khác gây ra tai hại cho nó?

[Nêu lên thắc mắc trên đây] là cách cho thấy là mình vừa cảm nhận được chủ thể của sự giận dữ tức là tôi và đối tượng của nó tức là kẻ thù, cả hai đều hiện ra rất thật và hoàn toàn độc lập với nhau. Chẳng qua vì chúng ta cho rằng các sự hiển hiện đó mang bản chất tự tại, thế nhưng thật ra thì đấy cũng chỉ là hậu quả phát sinh từ cơn giận dữ mà thôi. Do đó, khi cơn giận vừa mới chớm loé lên thì chúng ta nên sử dụng ngay cách lý luận trên đây để tự hỏi:

Cái tôi ấy là ai? Ai là người bị kẻ khác làm thương tổn? Kẻ thù là ai? Có phải là thân xác [của kẻ ấy]? Hay là tâm thức [của kẻ ấy là kẻ thù của mình]?

[Sau khi tự hỏi như thế] thì các bạn cũng sẽ khám phá ra rằng kẻ thù có vẻ hiện hữu rất thật mà trước đây mình tạo dựng ra nó để làm đối tượng cho sự giận dữ của mình, dường như tự biến mất, và cả cái tôi của mình cũng vậy, do mình tạo dựng ra nó và xem nó như là có thật một cách tự tại để gánh chịu sự thương tổn [do kẻ thù của mình gây ra] cũng theo đó mà biến mất.

Hãy suy nghĩ về những điều trên đây. Sở dĩ chúng ta nổi giận đối với một người nào đó là vì người này ngăn cản các sự thèm muốn của mình. Sự giận dữ đó được kích động bởi các ý niệm sai lầm đối với đối tượng [của sự giận dữ] và cả cái tôi của mình, với tư cách là kẻ thù và nạn nhân, đúng là như thế và tự tại là như thế. [Thế nhưng] hận thù không phải là thành phần căn bản của tâm thức, mà đơn giản chỉ là một cung cách hành xử không dựa vào một nền tảng vững chắc nào cả.

Tình thuơng yêu trái lại được xây dựng trên sự thực. Từ muôn thuở, một thái độ hành xử xây dựng trên một nền móng vững chắc, khi phải đối đầu với một thái độ thiếu hẳn nền móng đó, thì tất nó sẽ thắng thế. Do đó, các phẩm tính thuộc tâm thức có thể thăng tiến bất tận, đồng thời sức mạnh của các liều thuốc hóa giải càng lúc càng gia tăng, và các xúc cảm tàn phá càng lúc càng yếu dần và sau cùng sẽ tan biến hết. Vì tâm thức nhất thiết mang bản chất rạng ngời và khả năng hiểu biết nên tất cả chúng ta đều được trang bị một nền tảng thiết yếu giúp mình đạt được Giác Ngộ.

Nhận biết tâm thức mình

Cách nay khoảng hai mươi năm, tại Lhadakh Ấn Độ, tôi thực thi một loạt các buổi thiền định, và trước khi hành thiền tôi đặt một pho tượng Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trước mặt – và cho đến nay tôi cũng luôn làm như thế. Lớp giấy vàng lát ở [vị trí] tim của pho tượng bị mòn và biến thành màu nâu. Tôi nhìn vào [vị trí] tim của pho tượng mang màu sắc không đẹp đẽ gì, rồi [sau đó] lại nhìn vào tâm thức tôi, tư duy của tôi bỗng dừng lại đó. Trong một khoảnh khắc thật ngắn, tôi vụt cảm nhận được “bản chất rạng ngời và khả năng hiểu biết” của tâm thức tôi. Sau này cứ mỗi khi nhớ lại sự kiện đó thì sự cảm nhận ấy cũng hiện lên trở lại với tôi.

Hằng ngày trong khi luyện tập, nếu có thể nhận biết được bản chất đó của tâm thức và tập trung sự chú tâm vào đấy thì thật hết sức tốt. Dầu sao thì cũng phải công nhận là rất khó nhận biết được tâm thức khi nó còn bị che lấp bên dưới các thứ tư duy tản mạn của mình. Tôi xin đưa ra phương pháp sau đây giúp các bạn nhận biết được bản chất căn bản đó của tâm thức mình. Trước hết các bạn nên dừng lại không hồi tưởng những gì từng xảy ra với mình trong quá khứ, và sau đó cũng dừng lại không nghĩ đến những gì có thể xảy đến trong tương lai. Cứ để cho tâm thức dao động tự nhiên, không phủ lên nó bất cứ một tư duy nào cả. Cứ để tâm thức nghỉ ngơi trong thể dạng tự nhiên của nó và cứ tiếp tục quan sát nó.

Trong khi đó nếu các bạn vụt nghe thấy một tiếng động chẳng hạn, thì trong khoảnh khắc xảy ra giữa lúc mà các bạn bất chợt nghe thấy tiếng động và lúc mà các bạn nhận biết được nguồn gốc làm phát sinh ra tiếng động ấy, các bạn sẽ cảm nhận được tâm thức mình trong thể dạng phi tư duy. Thể dạng đó không phải là tình trạng đang ngủ mà đúng hơn là tình trạng mà đối tượng nhận biết sẽ là hình ảnh phản chiếu (reflection) của “sự trong sáng và khả năng nhận biết” của tâm thức. Đúng vào thời điểm đó người ta có thể nắm bắt được bản chất căn bản của tâm thức mình. Lúc mới bắt đầu, khi chưa quen với việc luyện tập này thì quả khó thực hiện [được thể dạng căn bản đó của tâm thức], thế nhưng với thời gian, dần dần tâm thức sẽ trở nên tương tự như nước trong vắt. Hãy cố gắng an trú trong thể dạng đó, không nên để mình bị xao lãng bởi các tư duy mang tính cách khái niệm. Hãy tập cho quen dần với phép luyện tập ấy.

Nên thực thi việc luyện tập thiền định này vào lúc sáng sớm, lúc tâm thức vừa tỉnh, tức là khi nó còn trong sáng, các giác quan chưa vận hành tối đa. Không nên ăn cơm tối quá no, cũng không nên ngủ quá nhiều, thì việc luyện tập vào sáng hôm sau sẽ được dễ dàng hơn. Sau một giấc ngủ êm ái, sáng hôm sau tâm thức theo đó cũng sẽ nhẹ nhàng và bén nhạy hơn. Nếu ăn quá nhiều thì giấc ngủ sẽ nặng nề, như vác cả một gánh nặng, khiến mình có cảm giác như là sắp chết. Hằng ngày tôi ăn sáng và ăn trưa đầy đủ, nhưng buổi chiều thì ăn rất ít, chỉ vài miếng bánh quy mặn. Tôi ngủ sớm và thức dậy vào ba giờ rưỡi sáng để thiền định.

Vào lúc sáng sớm nếu biết quan sát và chú tâm vào bản thể của tâm thức, thì trong ngày tâm thức sẽ bén nhạy hơn, và tất nhiên tư duy cũng sẽ bình lặng hơn.

Nếu có thể luyện tập thiền định mỗi ngày một chút và loại bỏ được các tư duy tản mạn thì khả năng trí nhớ của các bạn cũng nhờ đó sẽ được cải thiện hơn. Tâm thức khái niệm thường trong tình trạng đuổi bắt các tư duy, tốt cũng như xấu, sẽ tìm được dịp nghỉ ngơi. Hạn chế được thói quen áp đặt khái niệm vào các tư duy sẽ mang lại cho các bạn những phút an bình thật êm ả.

✨ Không nên nghĩ đến những chuyện trong quá khứ hoặc có thể xảy đến trong tương lai

✨ Cứ để cho tâm thức dao động (thăng trầm) tự nhiên theo nhịp độ của nó, không suy
nghĩ gì cả.

✨ Hãy quan sát thể dạng trong sáng và rạng ngời của tâm thức mình.

✨ An trú bên trong cảm nhận ấy trong một khoảng thời gian nào đó.

Các bạn có thể luyện tập theo cách trên đây khi còn trên giường vào buổi sáng. Tâm thức lúc đó đã bắt đầu tỉnh, nhưng các cơ quan giác cảm thì chưa vận hành tối đa.

Khi nào xác định được bản thể tâm thức qua sự trong sáng và khả năng nhận thức dưới thể dạng tinh khiết của nó thì hãy dùng phép nội quán và chú tâm mạnh mẽ để an trú bên trong nó.

Trên đây là quá trình hành thiền về sự tập trung dựa vào phương pháp xem tâm thức là đối tượng của sự quán xét. Thế nhưng các bạn cũng có thể chọn bất cứ một chủ đề nào khác để thiền định thay vì là tâm thức, chẳng hạn như thân thể một vị Phật hay Manjuhri/Văn-thù Sư-lợi thánh nhân của trí tuệ. Hãy quan sát thật kỹ lưỡng biểu tượng [bên ngoài] mang các phẩm tính tốt lành đó, và sau đấy thì hình dung ra biểu tượng ấy bên trong tâm thần mình và biến nó trở thành một hình ảnh thuộc hẳn vào tâm thức mình. Dù đối tượng quan sát thuộc bên trong chẳng hạn như tâm thức, hay bên ngoài chẳng hạn như thân thể của một vị Phật, thế nhưng một khi đã hình dung ra được biểu tượng đó trong tâm thần, thì hãy cứ giữ nó bên trong tâm thức mình bằng một sự tập trung thật vững chắc.

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết liên quan

  1. THIỀN ĐỊNH – KHAI THÔNG SỨC MẠNH CỦA TÂM THỨC
  2. THIỀN TẬP VỀ THƯƠNG YÊU
  3. THIỀN ĐỊNH VỀ CHÂN TÁNH CỦA TÂM

Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH YÊU THƯƠNG GIỐNG NHƯ MỘT VIÊN NGỌC QUÝ
  2. MỘT ĐẦU ÓC UYỂN CHUYỂN
  3. KHÁM PHÁ NHỮNG GÓC NHÌN MỚI

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ