THIỀN TẬP VỀ THƯƠNG YÊU

SHARON SALZBERG

Trích: Thiền Tập Về Thương Yêu - Nghệ Thuật Sống Hạnh Phúc; Người Dịch: Nguyễn Duy Nhiên; NXB: Phương Đông, Năm 2018

Bước đầu tiên để phát triển một tâm bi là biết cởi mở và nhận diện được sự có mặt của khổ đau trong cuộc đời. Ở tất cả mọi nơi, bất cứ ở đâu, bằng cách này hay cách khác, mọi loài đang khổ đau. Có những khổ đau to lớn và bi đát, có những khổ đau nhỏ nhoi và thinh lặng.

“Về chuyện khổ đau họ chưa bao giờ sai,
Những vị thầy ngàn xưa, đã hiểu quá rõ;
Là số phận con người; nó xảy ra như thế nào
Trong khi một người đang ăn, khi đang mở cánh cửa sổ, hay khi bước đi lang thang…”
— W. H. Auden

Mặc dù cuộc đời không phải chỉ có toàn khổ đau thôi, nhưng nếu muốn phát triển một tâm bi, ta cần phải biết nhận diện được sự có mặt của chúng.

Chỉ cần nhìn lại kinh nghiệm của chính mình, chúng ta chắc cũng không ai lạ gì về vấn đề khổ đau. Chúng ta ai cũng có những thăng trầm, những được thua, những mất mát, đau đớn, và muộn phiền. Có lúc ta không đạt được những gì mình muốn, hoặc có nhưng rồi lại mất đi, hoặc cuối cùng khám phá rằng đó không phải là những gì mình muốn. Trong chúng ta, ai mà lại không từng trải qua những kinh nghiệm ấy! Nhưng thật ra, chấp nhận sự có mặt của chúng sẽ mang lại cho ta ít khổ đau hơn là tìm cách để lẩn tránh chúng.

Chúng ta lớn lên với một quan niệm cho rằng khổ đau là sai, là bậy, và ta phải tránh né chúng. Ta nghĩ khổ đau như một cái gì ghê gớm lắm, không nên đối diện. Và rồi, chúng ta cùng nhau xây dựng lên một xã hội mà có thể cung ứng cho ta cái nhu cầu che đậy được hết những dấu vết của khổ đau. Chúng ta tiêu thụ thật nhiều, và dùng mọi thứ thuốc gây mê, để tránh khổ đau. Chúng ta đem nhốt bỏ những ai khác biệt với mình, những người có vấn đề, những người già, những người hấp hối, vào những viện riêng, để ta khỏi phải nhìn thấy họ. Mặc dù chúng ta đều cùng chia sẻ chung những hình thái khổ đau này. Nhưng dường như trong cái già, cái bệnh, và cái chết, có tàng chứa sự gì nhục nhã, xấu hổ, khiến ta muốn che giấu nỗi đau của riêng mình.

Một câu chuyện trong trường thi anh hùng ca của Ấn Độ giáo, Mahabharata, minh họa được cái động lực chối bỏ này của loài người. Khi Yudhistara được hỏi: “Trên thế giới này có điều gì là kỳ diệu nhất?”. Ông trả lời, “Điều kỳ diệu nhất trên cuộc đời này là chung quanh ta mọi người ai rồi cũng sẽ chết, nhưng ta sẽ không bao giờ tin rằng điều ấy sẽ xảy đến cho mình”. Chúng ta sống như là cuối cùng cái chết sẽ “đột nhiên” xảy đến mà ta không ngờ trước được. Có nhiều lần tôi đi chợ siêu thị, trong khi đứng sắp hàng trả tiền, tôi đọc những tờ báo lá cải chuyên đăng tin giật gân, với những bản tin như Elvis Presley vẫn còn sống, có người gặp anh ở nơi này hoặc nơi nọ. “Elvis xuất hiện ở Florida!”. Có khi là ở California, và có lần tôi đọc là ở trên sao Hỏa nữa. Tại sao Elvis không thể chết? Con người ai cũng chết. Tại sao người ta lại không chấp nhận được sự thật ấy chứ!

Mỗi khi chúng ta chối bỏ kinh nghiệm của mình, là ta đang buông bỏ một cái thật, để nắm bắt cái giả tạo. Và sống theo những gì không thật, ảo tưởng, bao giờ cũng sẽ chỉ gây hại cho ta mà thôi. Chân lý có lẽ khó có thể chấp nhận, nhưng nó sẽ không bao giờ mang lại sự thiệt thòi cho ta. Nếu chúng ta có thể thật sự cởi mở và thẳng thắn nói rằng: “Khổ đau có mặt trên cuộc đời này”. Mọi việc sẽ được phô bày ra trước mặt. Không có sự giả vờ, không trốn tránh, không đùa chơi. Chấp nhận được sự thật về khổ đau sẽ giúp ta cảm thấy đồng nhất với kẻ khác. Mục đích của sự tu tập là để hiểu, để thấy được chân tánh của sự sống, thấy được những gì đang thực sự xảy ra. Và khả năng thấy và hiểu này là bước đầu tiên của sự phát triển tâm bi.

Nhưng nhận thấy được nỗi đau cũng còn là việc dễ, cởi mở ra được với nó mới là khó hơn. Và đây là bước thứ nhì của sự phát triển tâm bi: cởi mở ra với nỗi đau và thiết lập mối tương quan với nó. Chuyện ấy không phải dễ. Đôi khi muốn thật sự cởi mở ra với cơn đau, ta cần phải tiến từng bước nhỏ. Còn nếu như sự cởi mở của ta chỉ là một sự dối trá, hoặc bị bó buộc, thì mục đích tu tập của ta sẽ trở thành vô nghĩa, nó sẽ tan biến thành mây khói.

Đôi khi, lúc mới bắt đầu cởi mở ra với khổ đau, ta lại có cảm tưởng như mình có thể kiểm soát nó được, như là khổ đau có thể mở lên và tắt xuống được vậy. Có lẽ điều này giải thích được lý do vì sao người ta hay tìm đọc những chuyện bạo động, tang thương trên báo chí, hoặc xem tivi và phim ảnh. Chúng ta xem những khổ đau xảy ra với hi vọng rằng mình có thể điều khiển chúng dễ dàng, chỉ bằng cách đổi tần số hoặc là tắt máy đi mà thôi.

Và khi chúng ta cảm thấy mình không làm chủ được khổ đau, ta đâm ra tức giận, sợ hãi, hoặc là buồn chán. Tâm lý học Phật giáo gọi đó là những kẻ “cận thù” của tâm bi, vì chúng có thể dễ dàng hóa trang giả thành tâm bi. Kẻ thù xa của tâm bi là sự tàn bạo, nó chỉ có thể ở xa mà thôi vì bị nhận diện quá dễ dàng. Còn như sự bất mãn, ta khó có thể phân biệt nó hơn. Ta có thể cảm thấy tức giận trước những bất công, hoặc cảm thấy bất mãn khi nghe tin về những tệ đoan trong gia đình, ngoài xã hội hay trên chính trường. Chúng ta có thể cảm thấy sợ hãi khi đối diện với những nỗi sợ của kẻ khác. Chúng ta có thể cảm thấy nản lòng trước những mất mát và khổ đau của kẻ khác. Tất cả những cảm xúc ấy rất gần gũi với tâm bi, vì chúng cũng là những “rúng động của con tim” vậy! Nhưng thật ra tâm bi lại là hoàn toàn khác. Nó không phải là sự tức giận, sợ hãi hay là phiền muộn. Vì những trạng thái này có thể làm cho ta mệt mỏi, và đôi khi còn tiêu hủy luôn cả mình nữa. Thật ra tôi không nói những cảm xúc này là sai. Nhưng chúng ta phải có khả năng nhìn thẳng vào chúng một cách thành thật, và thấy được những phản ứng của cũng như hậu quả của chúng.

Có một lần, tôi chia sẻ về sự khác biệt giữa thái độ bất mãn và tâm bi. Sau đó có một người đến gặp tôi, anh ta có vẻ rất bực tức. Anh ta kể cho tôi nghe về người chị của anh bị chấn thương não bộ rất nặng, phải sống trong một viện dưỡng bệnh của người già, và mức độ chăm sóc ở nơi này lại rất thấp. Anh ta nhấn mạnh rằng nhờ có sự can thiệp mạnh bạo và nhiều lần của anh, mà bà ta mới vẫn còn có thể sống trong nơi ấy. Khi kể chuyện cho tôi nghe, cả người anh giận run lên. Sau một hồi, tôi hỏi anh: “Anh bây giờ đang cảm thấy như thế nào?”. Anh đáp: “Tôi đang chết trong lòng đây. Cơn giận này đang hành hạ và giết tôi!”. Lẽ dĩ nhiên, trên cuộc đời này sẽ có những sự bất công cần phải được lên tiếng, những hoàn cảnh khó khăn cần phải được thay đổi. Nhưng liệu chúng ta có thể nào thực hiện được những việc ấy, mà không cần phải tiêu hoại luôn chính mình không, vì sợ hãi, vì tức giận?

Trạng thái của tâm bi, một sự rúng động của con tim, bao giờ cũng có mặt cùng với sự tĩnh lặng. Bạn có thể tưởng tượng được một tâm không có sự thù hằn, không bực tức, không phê phán và trách cứ ta hay người khác không? Tâm thức này không nhìn cuộc đời qua những sự đối đãi như là đúng và sai, tốt và xấu, thiện và ác. Nó chỉ thấy có một điều và mỗi một điều mà thôi, đó là “khổ đau và sự chấm dứt của khổ đau”. Chúng ta cũng có thể nhìn lại đời mình bằng một ánh mắt không phê phán ấy. Ta sẽ thấy có những việc mang lại khổ đau và có những việc đem đến hạnh phúc, nhưng không có một sự sợ hãi, một mặc cảm tội lỗi, hay là một sự chối bỏ nào. Khi chúng ta có thể nhìn thấy chỉ có khổ đau và sự chấm dứt khổ đau, tâm bi sẽ có mặt. Và chừng ấy, ta có thể hành động bằng hết nghị lực và sự cương quyết của mình, nhưng vẫn không bị hao mòn và tiêu hủy bởi năng lượng của phiền giận.

Ta có thể hành động rất cương quyết mà không cần đến sự thù hằn hoặc bất mãn. Khi chúng ta nhìn thấy một em bé đang vói tay lên một nồi nước sôi ở trên bếp, ta lập tức ra tay ngay! Hành động của ta phát sinh từ một lòng bi: Ta phóng tới để kéo em bé ra khỏi sự nguy hiểm. Ta đâu cần có một sự bất mãn hay ghét bỏ nào đâu

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TÌNH THƯƠNG CỦA ĐỨC PHẬT
  2. TÍNH THIỆN LUÔN HIỆN HỮU NƠI MỖI NGƯỜI

Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH THƯƠNG CỦA ĐỨC PHẬT
  2. ĐEM TÌNH THƯƠNG VÀO CUỘC ĐỜI
  3. LÀM SAO GIỮ TÂM QUÂN BÌNH VÀ TĨNH LẶNG

Bài viết mới

  1. THEO BẠN ĐAM MÊ LÀ GÌ?
  2. KHÔNG LÀM HẠI
  3. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG