DẠY TƯ DUY VÀ TRANH LUẬN Ở PHÁP

SƯU TẦM

Đọc bài “Học sinh Việt Nam thiếu tranh luận” đăng trên báo Tuổi Trẻ gần đây, tôi xin chia sẻ vài suy nghĩ về sự khác biệt giữa người Việt Nam và người Pháp trong vấn đề tư duy và tranh luận.

Tôi may mắn được học ĐH cả ở Việt Nam và Pháp nên có thể nhìn thấy những khác biệt rất lớn giữa Việt Nam, Pháp trong cách dạy.

? Thảo luận nếu không muốn điểm kém

Nhìn chung, tôi thấy ở Việt Nam chương trình học chưa thực sự đề cao kỹ năng tư duy và trình bày suy nghĩ một cách rõ ràng, logic, hợp lý. Trong khi ở Pháp, đây là hai yếu tố chính quyết định kết quả học tập của sinh viên. Hai ví dụ cụ thể sau đây có thể giúp chúng ta hình dung ra sự khác biệt này.

Thứ nhất, phương pháp giảng dạy buộc sinh viên phải tham gia thảo luận nếu không muốn bị điểm kém. Theo đó, có hai loại bài giảng khác nhau. Ngoài bài giảng chính của giảng viên tại giảng đường lớn còn có giờ hướng dẫn. Nội dung bài giảng ở giảng đường sẽ được chia ra thành các chủ đề nhỏ để sinh viên thảo luận tại giờ hướng dẫn.

Nội dung thảo luận – cũng như danh sách tài liệu tham khảo – được phát cho sinh viên trước ít nhất một tuần để sinh viên tự nghiên cứu. Tại giờ hướng dẫn, mỗi phát biểu thảo luận của sinh viên sẽ được giáo viên tính điểm. Vì thế, sinh viên nào không tham gia thảo luận sẽ nhận điểm 0 vào cuối kỳ. Và điểm này sẽ được tính vào tổng điểm học kỳ cùng điểm thi viết.

Thứ hai, trường học ở Pháp đặc biệt chú trọng khả năng tư duy độc lập và trình bày lập luận của sinh viên. Có thể nói, một sinh viên đạt kết quả tốt ở Pháp không phải là sinh viên “thuộc bài” nhất mà là sinh viên biết phân tích, vận dụng và đánh giá những kiến thức được học.

Ở Pháp có nhiều loại bài kiểm tra khác nhau như bình luận, phân tích hay bài luận. Bài luận thường dễ nhất vì chỉ cần có kỹ năng tổng hợp kiến thức đã được học chứ không đòi hỏi nhiều năng lực đánh giá và phân tích của sinh viên.

? Thể hiện suy nghĩ độc lập

Tuy nhiên, kiểu thi này thường chỉ để dùng cho các môn phụ. Các môn chính sẽ được thi dưới dạng bình luận hoặc phân tích. Yêu cầu để đạt chuẩn của dạng bài thi này rất cao.

Ví dụ, đối với một bài bình luận sinh viên phải tuân thủ hai quy tắc cơ bản. Nguyên tắc thứ nhất là về cách trình bày: phải theo mẫu nhất định, gồm giới thiệu, hai phần cân xứng và kết luận.

Để có điểm tốt, bài thi phải tuân thủ hàng loạt quy tắc lớn nhỏ về cách trình bày: từ quy tắc lớn như mỗi phần phải là một ý chính mà sinh viên nêu lên, các phần phải được trình bày một cách cân đối (không được một phần quá dài, phần quá ngắn), đến quy tắc nhỏ như bắt buộc phải có vài câu “chuyển tiếp” khi chuyển từ phần nọ sang phần kia.

Nội dung kiến thức phải được thể hiện một cách hợp lý, rõ ràng, ý tưởng nhất quán. Cuối cùng, phần kết luận phải tóm lại vấn đề, đồng thời mở ra một câu hỏi khác liên quan.

Không chỉ thế, sinh viên buộc phải tuân thủ nguyên tắc thứ hai liên quan đến nội dung. Cụ thể, ngoài những kiến thức đã học mang ra để bình luận vấn đề, sinh viên buộc phải thể hiện trong bài những suy nghĩ độc lập của cá nhân.

Không có các suy nghĩ độc lập này, dù sinh viên trình bày được mọi kiến thức cần thiết, điểm cao nhất chỉ là trung bình mà thôi. Chỉ với những lập luận logic, hợp lý, vận dụng kiến thức đã học để đưa ra các suy nghĩ mới mẻ mới đảm bảo bài thi đạt điểm cao.

Nhờ vào cách rèn luyện này, sinh viên Pháp được thúc đẩy cách suy nghĩ độc lập, tự do, không bị ràng buộc trong khuôn khổ cứng nhắc bài giảng của giảng viên. Các quy tắc liên quan đến phương pháp làm bài bình luận, phân tích hay bài luận, sinh viên Pháp đều được học từ những năm đầu ĐH và được rèn luyện suốt các năm dài trên giảng đường.

? Không khí lớp học sôi nổi

Hiện nay, một số trường ở Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm phương pháp giảng dạy mới, khuyến khích học sinh thảo luận nhưng còn chưa thực sự phổ biến.

Từ một người được tiếp cận hai hệ thống khác nhau, tôi nhận thấy cách làm ở Pháp đặc biệt hiệu quả khi buộc học sinh phải tự suy nghĩ, tìm tòi và chủ động thảo luận một chủ đề chuyên môn. Thường các giờ học này ở Pháp không khí trong lớp rất sôi nổi, vì sinh viên nào cũng muốn tham gia tranh luận để được điểm cao.

Đây có thể là một kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học tập để học sinh, sinh viên người Việt không còn e dè “né tránh” tranh luận như nhiều người nước ngoài nhận xét.

? Thúc đẩy tư duy phản biện

Hai ví dụ nêu trên chỉ là hai điểm rất nhỏ trong cả một hệ thống giáo dục của Pháp. Mục tiêu là tập trung trang bị kiến thức đồng thời thúc đẩy tư duy phản biện của học sinh, sinh viên. Hai điểm nhỏ nhưng rõ ràng tác dụng không hề nhỏ đến năng lực làm việc của người Pháp. Đây có thể là một kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học tập để học sinh, sinh viên người Việt không còn e dè “né tránh” tranh luận như người nước ngoài nhận xét.

THIÊN HƯƠNG (từ Pháp)
Trích “BÁO TUỔI TRẺ” Thứ 2, 27-11-2017.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. SỨC MẠNH CỦA NHÂN LÀNH – SỨC MẠNH CỦA THIỆN PHÁP – SỨC MẠNH CỦA BỐ THÍ
  2. CON CHỒN CỦA HÒA THƯỢNG HƯ VÂN
  3. 5 CÁCH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU THIÊN NHIÊN Ở CON TRẺ

Bài viết mới

  1. ĐỂ MỖI BUỔI SÁNG LÀ MÓN QUÀ VÔ GIÁ DÀNH CHO BẠN
  2. TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU BÌNH ĐẲNG
  3. THIỀN CẦU NGUYỆN