NI SƯ AYYA KHEMA
Phiền não đôi khi dấy khởi là do thân tứ đại bất ổn, nhưng phần lớn là do tâm. Tâm tạo ra bao đau khổ cho ta, nên ta cần phải biết điều phục tâm.
Chính tâm khiến ta cảm thấy hạnh phúc hay đau khổ – chứ không do nguyên nhân nào khác. Ta thường phản ứng theo bản năng trong mọi hoàn cảnh, vì thế ta cần theo dõi tâm từng giờ từng phút.
Môi trường tốt nhất để làm điều đó là lúc hành thiền. Trong thiền, có hai trạng thái: thiền định (samatha) và thiền quán (vipassana). Nếu ta có thể đạt được thiền định, dù chỉ trong một thời gian ngắn, điều đó chứng tỏ việc tọa thiền của ta có nhiều tiến bộ. Nhưng nếu tâm định đó không được dùng để thiền quán, thì cũng chỉ làm lãng phí thời gian. Nếu tâm ta được định, hỉ lạc sẽ phát triển, nhưng ta nên nhớ rằng niềm hỉ lạc đó chỉ thoáng qua. Chỉ có thiền quán thì không thay đổi. Khi định càng sâu, ta càng có thể chịu đựng được bao phiền não, chướng ngại. Lúc ban đầu bất cứ tiếng động, sự khó chịu hay vọng tưởng nào cũng có thể làm ta bị lôi cuốn, nhất là khi tâm đã không được an định suốt trong ngày.
Lúc nào ta cũng cần nhớ rõ về tính vô thường (anicca) của vạn pháp, không chỉ trong lúc tọa thiền. Chánh niệm là trung tâm điểm trong lúc tọa thiền, để đi vào thiền định. Chúng ta chỉ có thể dành một ít thời gian cho việc tọa thiền, nhưng ta có thể dành tất cả thời gian còn lại để quán sát tâm mình. Đó là nơi khiến mọi việc trên thế gian này xảy đến cho ta. Không có gì có thể hiện hữu ngoài tâm.
Càng quán sát tâm và thấy được những gì tâm có thể mang đến cho ta, ta càng cần phải chăm chút cho nó hơn. Một sai lầm lớn nhất của chúng ta là coi thường tâm. Không biết rằng tâm có khả năng mang đến niềm vui hay phiền não cho ta. Chỉ những khi ta có thể giữ vững bình tĩnh, an lạc, dầu cho bất cứ hoàn cảnh gì xảy ra cho ta, lúc đó ta mới có thể nói là ta đã phần nào kiểm soát được tâm. Nếu không, có nghĩa là tâm nằm ngoài vòng kiểm soát của ta, và lúc đó ta chỉ là kẻ nô lệ cho tư tưởng của minh.
Cái hại của kẻ thù gây cho kẻ thù
Hay oan gia đi với oan gia
Không bằng cái hại của tâm niệm hành ác
Gây ra cho ta.
Chẳng phải cha mẹ
Hay thân bằng quyến thuộc
Nhưng chính tâm niệm chánh thiện
Khiến ta thêm tốt hơn.
Dhammapada 42.43 (Kinh Pháp Cú 42 – 43 -TTS)
Theo lời dạy của Đức Phật, không có gì quan trọng hơn là làm chủ được tâm. Tuy nhiên ta không phải chỉ có điều phục tâm trong lúc tọa thiền – đó chỉ là một trong những cách thực tập đặc biệt. Giống như khi bạn học đánh tennis. Bạn thực hành với huấn luyện viên ngày này, qua ngày nọ, cho đến khi bạn có thể tìm thấy sự thăng bằng, đủ bản lĩnh để tự đấu một mình. Chiến trường để ta luyện tâm chính là cuộc sống hằng ngày – bao gồm tất cả mọi hoàn cảnh ta phải đương đầu.
Chánh niệm là phương tiện hỗ trợ đắc lực nhất của ta, nghĩa là ta cần phải có mặt trong từng giây phút sống. Nếu tâm lúc nào cũng bị theo dõi, nó không thể tạo ra những chuyện phiền não về thế giới hay bạn bè quanh ta, hay khiến ta mong cầu thứ này, thứ kia. Tất cả những sự suy tưởng trong đầu ta có thể xảy ra triền miên, nhưng một khi ta chánh niệm thì tất cả đều ngưng bặt. Có chánh niệm nghĩa là có mặt từng giây phút, không chừa một kẻ hở cho bất cứ tư tưởng nào có thể len lỏi vào. Lúc nào ta cũng có mặt ở giây phút hiện tại, bất cứ đó là gì – lúc đi, đứng hay nằm ngồi, cảm thấy hạnh phúc hay khổ đau – và ta duy trì thái độ biết mà không có sự phán đoán, phân biệt, ‘chỉ biết’.
Có chủ đích rõ ràng hàm ý một sự đánh giá: thí dụ nói chúng ta hiểu được mục đích của tư tưởng, hành động hay lời nói của mình, nghiã là chúng ta biết là mình có hành xử khéo léo không, có đạt được những điều mình mong muốn không. Ta cần tạo cho mình một khoảng cách để ta có thể đánh giá mình một cách khách quan, vì nếu ta tự gắn mình với một sự kiện nào đó, thì ta khó thể giữ được sự khách quan. Chánh niệm đi đôi với chủ đích rõ ràng tạo được cho ta khoảng cách cần thiết đó.
Bất cứ sự đau khổ nào xảy đến cho ta, dầu lớn hay nhỏ, triền miên hay thoáng chốc đều do tâm tạo tác. Tất cả những gì xảy ra cho ta đều do chính ta tạo cho mình, không có ai khác. Tất cả chúng ta đều vào vai trong vở kịch ‘cuộc đời’. Đôi khi người khác tình cờ có mặt cạnh ta, thế là ta nghĩ là họ có trách nhiệm về sự bất hạnh của mình. Thực tế là tất cả những gì ta làm đều do tâm hành của ta điều khiển.
Càng quán sát tâm trong lúc tọa thiền, ta càng dễ đi vào định. Khi ta quan sát từng trạng thái của tâm lúc vọng tưởng dấy khởi, hay khi ta ngưng không đuổi theo chúng, ta sẽ dễ có thái độ bàng quan hơn. Vọng tưởng không ngừng đến rồi đi, giống như hơi thở vào ra của ta. Nếu ta bám víu vào chúng, phiền não sẽ lập tức phát sinh. Khi ta tin các vọng tưởng này là ta, nhất là những suy tưởng tiêu cực, ta sẽ tìm cách để phản ứng, chống cự lại. Hành động này tạo ra phiền não, khổ đau.
Phương châm của Đức Phật về tứ vô lượng tâm đáng cho ta ghi nhớ: “Không để ác tâm phát khởi, nếu nó chưa phát khởi. Không duy trì ý xấu nếu nó đã phát khởi. Phát khởi thiện tâm nếu nó chưa phát khởi. Duy trì thiện tâm nếu nó đã phát khởi”.
Ta càng nhanh chóng thực hành được những điều trên, ta càng thêm có lợi lộc. Nhưng đó là một phần của những gì ta có thể thực hành được khi ngồi thiền. Khi ta có thể thực tập buông bỏ được các vọng tưởng dấy khởi khi ta đang toạ thiền, thì ta cũng có thể hành động như thế đối với các tư tưởng bất thiện trong đời sống hàng ngày. Khi ta có thể ngưng các tư tưởng lo ra để chỉ chú tâm vào hơi thở, thì ta cũng có thể sử dụng phương pháp đó để bảo vệ tâm ta trong bất cứ lúc nào. Chúng ta càng có khả năng khép cánh cửa tâm lại đối với những suy tưởng khiến tâm đau khổ, thì cuộc sống của ta càng thêm dễ chịu. Khả năng nhận biết và buông bỏ không đồng nghĩa với sự đè nén. Tâm an lạc là tâm tràn đầy lòng từ bi.
Đau khổ là do tự chính mình gây ra cho mình. Nếu chúng ta thực sự muốn tránh khỏi những khổ đau, ta cần phải luôn quán sát tâm. Ta cần phải quay trở vào để thực sự hiểu tâm ta muốn gì? Động lực nào khiến ta phản ứng? Ta phản ứng như thế nào? Có trăm ngàn động lực, nhưng chỉ có hai phản ứng. Một là thái độ hỷ xả, hai là chấp chặt, tham đắm.
Bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể là một bài học tốt cho ta. Hôm nay ta phải đứng chờ hơi lâu ở ngân hàng, thì đó là bài thực tập tính kiên nhẫn của ta. Dầu sự thực tập có thành công hay không, không quan trọng. Cái chánh đó là kinh nghiệm học tập của ta. Tất cả mọi việc ta làm đều là một sự thực tập, và thử thách đối với ta. Đó là mục đích sống của tất cả nhân loại, đó là lý do hiện hữu của ta. Ta dùng thời gian sống ít ỏi trên mặt đất này là để học hỏi, và trưởng thành. Ta cần nhìn cuộc đời của mình giống như một lớp học bổ túc. Tất cả những mục đích khác đều là sai lầm.
Chúng ta chỉ là những người khách ở đây, với những hạn chế của một người khách. Nếu ta biết sử dụng thời gian của mình để tìm hiểu nội tâm của chính mình – về những gì ta yêu, ta ghét, những sự lo lắng, sợ hãi của chúng ta – thì ta đã sống một cuộc đời rất xứng đáng. Một cuộc sống như thế đòi hỏi ta phải có nhiều nghệ thuật sống. Đức Phật gọi đó là ‘sự nôn nóng’ (samvega), khiến ta cảm thấy phải thực hành điều đó ngay bây giờ, mà không thể chờ đợi tương lai, hay một ngày nào đó khi ta có thêm thì giờ. Tất cả đều là những kinh nghiệm học hỏi, và thời gian bắt đầu là ngay bây giờ.
Khi ta gặp khổ đau, người bạn thân thuộc của mọi người – ta hãy hỏi: “Bạn từ đâu đến? “Khi được trả lời, ta phải gặn hỏi lại nữa, và tiếp tục đào sâu thêm nữa. Chỉ có một câu trả lời đúng sự thật, nhưng không phải ta dễ tìm thấy nó ngay. Đôi khi ta phải đi qua bao câu trả lời trước khi ta đến được đích cuối cùng, nhận ra được đó là do cái Ngã của ta. Khi đã đi đến câu trả lời đó, ta biết là ta không cần phải hỏi thêm nữa, vì đó là sự bắt đầu của trí tuệ. Sau đó ta có thể quán sát tại sao tự Ngã của ta lại tạo ra đau khổ cho ta. Chúng ta đã làm gì? Đã phản ứng như thế nào? Khi đã tìm ra nguyên nhân, ta có thể buông bỏ những cái nhìn sai lầm. Lúc đó ta sẽ tự thấy nhân quả tức thời của hành động mình, và ta sẽ không bao giờ quên điều đó. Từng giọt nước có thể làm đầy thùng, từng sửa đổi nho nhỏ giúp ta thanh lọc được tâm. Từng giây phút đều xứng đáng công lao của chúng ta.
Ta càng nghiệm thấy từng giây phút đều đáng cho ta chú tâm, tâm càng thêm sự tinh tấn. Không có giây phút nào trôi qua vô ích, mỗi giây phút đều quan trọng, nếu ta biết sử dụng chúng một cách khéo léo. Tâm ta trở nên mạnh mẽ hơn. Và chỉ cần những giây phút nhỏ nhoi đó đủ góp lại thành một cuộc đời thực sự đáng sống làm sao.