NHỮNG KHUYÊN NHỦ VỀ TU TÂM

CHEKAWA YESHE DORJE

Trích: Con Đường Căn Bản Đến Giác Ngộ; Việt dịch: Trùng Hưng; NXB.Thiện Tri Thức

Những khuyên nhủ về tu tâm bàn về cách làm sao tiến bộ hơn nữa trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Chủ đề này có vẻ được nối kết với một nhận thức tổng quát như thế nào chúng ta có thể cư xử thích đáng trong những mối quan hệ của chúng ta và trong kinh nghiệm tổng quát sau thiền định.

  1. Mọi hoạt động cần được làm với chỉ một ý định

Một ý định là có cảm thức dịu dàng yêu mến với những người khác và sẵn lòng giúp đỡ những người khác – luôn luôn như vậy. Đấy có vẻ là tinh túy của bồ tát nguyện. Trong bất cứ điều gì bạn làm – ngồi, đi, đứng, ăn, uống, ngay cả ngủ – bạn cần luôn luôn mặc lấy thái độ làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh.

  1. Hãy sửa chữa mọi lỗi lầm với một ý định

Khi bạn đang ở giữa những hoàn cảnh xấu như bệnh tật dữ dội, tai tiếng, tòa án, khủng hoảng kinh tế hay gia đình, những phiền não tăng trưởng hay chống lại sự thực hành, bạn cần khai triển lòng bi cho tất cả chúng sanh cũng đang chịu đựng như vậy và bạn cầu mong ước nhận lấy sự khổ đau của họ qua việc thực hành lojong (tu tâm).

Chúng ta cần sửa chữa hay vượt thắng mọi lỗi lầm hay trường hợp tệ hại chúng ta đang trải nghiệm. Thay vì có một thái độ tiêu cực với sự thực hành và không muốn thực hành nữa – bất kỳ khi nào những lầm lạc và những vấn đề như vậy xảy ra, chúng cần được đánh bại. Nói cách khác, nếu sự thực hành của bạn trở nên tốt đẹp khi sự việc tốt đẹp cho bạn nhưng trở nên lủng củng, biến mất khi hoàn cảnh là tồi tệ, đó không phải là cách thức đúng đắn. Bất cứ hoàn cảnh nào, tốt hay xấu, bạn vẫn tiếp tục sự thực hành của bạn.

Sửa chữa mọi lỗi lầm nghĩa là đóng dấu lên những phiền não. Bất kỳ khi nào bạn không muốn thực hành – hãy đóng dấu lên nó, và rồi hãy thực hành. Bất cứ khi nào một hoàn cảnh xấu xảy đến có thể làm bạn cắt ngang – hãy đóng dấu lên đó. Trong châm ngôn này bạn trục xuất những phiền não một cách cố ý, trực tiếp và rất tức thời.

  1. Hai hoạt động: một cái lúc bắt đầu, một cái lúc chấm dứt

Điểm cốt yếu của châm ngôn này là bắt đầu và chấm dứt một ngày với Bồ đề tâm hai phương diện. Buổi sáng bạn cần nhớ lại Bồ đề tâm và mang lấy thái độ không tách lìa mảy may khỏi nó và vào lúc ngày chấm dứt, bạn cần xem xét bạn đã làm gì. Nếu bạn không tách lìa với Bồ đề tâm hai phương diện, bạn nên vui thích và nguyện mang lấy cùng thái độ đó trở lại vào hôm sau. Và nếu bạn tách lìa khỏi Bồ đề tâm, bạn cần nguyện kết hợp trở lại với nó vào ngày hôm sau.

Châm ngôn này là một châm ngôn rất giản dị. Nó có nghĩa là cuộc đời bạn được kẹp vào giữa lời nguyện của bạn đặt những người khác lên trước bạn và cảm thức của bạn cam kết với Bồ đề tâm hai phương diện. Khi bạn thức dậy vào buổi sáng, ngay khi vừa thức, để bắt đầu ngày của bạn, bạn tự hứa rằng bạn sẽ làm việc trên Bồ đề tâm hai phần và phát triển một cảm thức dịu dàng từ ái với chính bạn và với những người khác. Bạn hứa không trách móc thế giới và những chúng sanh khác, và nhận sự đau khổ của họ vào chính bạn. Khi đi ngủ, bạn cũng làm như vậy. Theo cách này, giấc ngủ và ngày tiếp theo đều được ảnh hưởng bởi sự cam kết ấy. Nó hoàn toàn thẳng tắt.

  1. Dù xấu hay tốt xảy ra, hãy nhẫn nhục

Dù một tình huống vui sướng hay khổ đau xảy ra, thứ gì có xảy đến cho bạn, nó vẫn không làm lay động được sự thực hành của bạn, bạn vẫn duy trì sự nhẫn nhục liên tục và thực hành liên tục. Dù bạn có ở giữa hạnh phúc cùng cực hay khổ đau cùng cực như kết quả của nghiệp cũ. Bởi thế, không cần phải cảm thấy tiếc nuối ân hận. Thay vì thế bạn chỉ nên cố gắng tịnh hóa bất cứ hành vi xấu nào và bất cứ che chướng nào. Hạnh phúc cùng cực cũng là kết quả của nghiệp trước kia, thế nên không có lý do gì để say mê trong đó. Bạn nên dâng cúng tài sản cho những nguyên nhân đức hạnh và cảm giác của bạn về quyền thế và quyền lực nên được phân giải thành đức hạnh.

Rất thường khi sự việc quấy nhiễu hay làm rắc rối cho người học, họ mất đi cảm thức bao quát và cố gắng tìm một loại “thủ phạm” trong pháp. Chẳng hạn, để biện minh cho sự bất lực riêng của họ trong việc thực hành, họ kết luận với mọi loại ý tưởng: môi trường không đúng hợp, những huynh đệ trong hoàn cảnh thực hành không tốt, sự tổ chức môi trường tu học không tốt. Mọi loại than phiền bắt đầu xảy đến. Trong những trường hợp cùng cực, người ta bắt đầu quy y những người phi pháp và trở lại những hoàn cảnh trong đó sự hiện hữu của họ được công nhận. Ý tưởng trong châm ngôn này là phát triển và duy trì kỷ luật để cho dù tình huống tốt hay xấu, bạn vẫn duy trì nhẫn nhục trong thực hành của bạn. Điểm chính là nhẫn nhục, nó nghĩa là dành nhiều thời gian hơn và chịu đựng hơn.

  1. Hãy tuân thủ hai cái này, thậm chí với cái giá cuộc đời của bạn

Bạn cần duy trì những kỷ luật bạn đã tự cam kết: đặc biệt, (1) lời nguyện quy y và (2) lời nguyện Bồ tát. Bạn cần duy trì một cách sống tổng quát là một Phật tử đúng đắn và trên nữa, kỷ luật đặc biệt thực hành lojong, hay tu tâm. Sự thực hành này cần trở thành một phần rất quan trọng của đời bạn.

Đối với hành giả mật thừa, châm ngôn này nghĩa là trong cuộc đời này và trong những đời tới, bạn cần giữ kỷ luật của ba thừa. Điều này áp dụng cho những nguyên lý của giáo pháp và cho sự thực hành lojong nói riêng. Bạn cần luôn luôn giữ gìn sự ràng buộc này, hay samaya, thậm chí với cái giá cuộc đời bạn.

  1. Hãy tu hành ba sự khó khăn

Ba sự khó khăn phải đối phó liên quan đến cách chúng ta đối xử với những phiền não hay những loạn thần của riêng chúng ta như thế nào. Sự khó khăn thứ nhất là nhận thức được cái điểm mà từ đó bạn bị những phiền não của bạn lừa bịp. Bạn phải nhìn xem và hiểu sự lừa bịp đó, điều này rất khó khăn. Sự khó khăn thứ hai là tống khứ hay trừ tà cho “chủ nghĩa” phiền não của chúng ta. Và khó khăn thứ ba là cắt đứt sự tương tục của “chủ nghĩa” phiền não này. Nói cách khác, lúc bắt đầu rất khó nhọc để nhận ra những loạn thần của chúng ta; rồi rất khó để chiến thắng chúng; và thứ ba, rất khó để cắt tiệt chúng. Đó là ba sự khó khăn.

Khi loạn thần sanh khởi, trước tiên bạn phải nhận ra nó là sự loạn thần. Rồi bạn phải áp dụng một kỹ thuật hay đối trị để chiến thắng nó. Bởi vì loạn thần đến một cách căn bản từ tính chấp ngã, từ việc cho chính bạn là quá quan trọng, cái đối trị là bạn phải cắt đứt cái ngã của bạn. Cuối cùng, bạn phải có quyết tâm không theo sự loạn thần hay tiếp tục bị nó lôi kéo, hấp dẫn. Có một cảm thức chiến thắng tức thời sự loạn thần.

Chúng ta có tất cả sáu phạm trù. Những khó khăn là: thứ nhất, khó nhận ra những phiền não của chúng ta; thứ hai, khó chiến thắng chúng; thứ ba, khó cắt tiệt chúng. Điều bạn cần làm là: thứ nhất, nhận biết chúng; thứ hai, cố gắng chiến thắng chúng; thứ ba, nguyện không bao giờ tạo ra trở lại những sự việc như vậy nữa.

Rất khó khăn để liên kết với nguyên lý bồ tát, hay với quan niệm hoành tráng vĩ đại nào trong chiều hướng đó. Bởi thế châm ngôn nói, “Hãy tu hành ba sự khó khăn”. Nhưng nếu bạn sẵn sàng thực hành lojong, tâm thức bạn sẽ được huấn luyện và cải tạo vào cách tư duy của bồ tát. Thật vậy, lojong nghĩa đen là truyền thụ, cải tạo: lo là “thông minh”, và jong là “làm sạch sẽ” hay “huấn luyện tu hành”. Ý tưởng là tự cải tạo để cho bạn không thể lìa xa nguyên lý vĩ đại, bất biến này được gọi là Phật tánh, Bồ đề tâm, Như Lai tạng.

  1. Hãy dựa vào ba nguyên nhân chánh yếu

“Nguyên nhân” ám chỉ cái gì khiến cho bạn thành một người theo pháp một cách tốt đẹp hay một bồ tát. Nguyên nhân thứ nhất là có một vị thầy tốt. Nguyên nhân thứ hai là đem tâm thức và thái độ, ứng xử của bạn vào pháp. Nguyên nhân thứ ba là có thực phẩm và chỗ ở để có thể thực hành pháp. Bạn cần giữ gìn ba hoàn cảnh này và vui sướng bạn đã có những cơ hội như vậy.

Dựa vào nguyên nhân chánh thứ nhất là nhận thức sự cần thiết của vị thầy, ngài thực sự cho phép bạn đi vào con đường.

Dựa vào nguyên nhân chánh thứ hai là nhận thức rằng tâm thức của mình cần phải được thuần hóa. Chẳng hạn, tâm thức bạn có thể đi vào công việc làm ăn, hay công việc dạy học, hay công việc viết sách, hay tạo ra một loại kinh nghiệm hoành tráng kỳ lạ nào cho chính bạn. Bạn có thể có mọi loại tham vọng về cuộc đời của bạn. Thái độ này không nổi bật trong thời khi Jamgošn Kongtrušl viết bình giải của ngài về những châm ngôn, nhưng ngày nay chúng ta có nhiều chọn lựa hơn. Bạn có thể nghĩ bạn có thể trở thành một đại bồ tát hay một tác giả lớn, một người buôn bán lớn hay một kẻ phạm tội lớn. Nhưng trạng thái tâm thức này, loại tham vọng này hoàn toàn không tốt. Thay vào đó, bạn phải đến điểm mức mà trạng thái tâm thức bạn nói rằng, “Tôi muốn hiến mình cho pháp hoàn toàn và trọn vẹn”.

Dựa vào nguyên nhân chính thứ ba là nhận thức rằng bạn có thể thực hành pháp bởi vì đã có những hoàn cảnh đúng đắn, bởi vì bạn đã có một thái độ cởi mở đối với cuộc đời bạn và đã giải quyết được sự sinh nhai. Thức ăn và áo quần chỗ ở của bạn đã được chăm sóc, và bạn đủ kinh tế để có thể thực hành.

Thế nên bạn cần dựa vào và thực hành ba nguyên nhân này: (1) làm việc với một vị thầy, (2) tu hành tâm thức, (3) thiết lập một căn cứ về mặt kinh tế cho sự thực hành.

  1. Hãy chú ý cho ba cái không bao giờ hư khuyết

Điều thứ nhất bạn không nên để cho hư khuyết là sự sùng mộ người bạn tâm linh (kalyanamitra: thiện tri thức) của bạn. Thái độ hâm mộ, hiến dâng và biết ơn của bạn đối với thiện tri thức không nên giảm sút. Điều thứ hai bạn không nên để cho hư khuyết là thái độ vui thích đối với lojong, hay tu tâm. Sự cảm kích của bạn đã nhận được những giáo lý như lojong hay sự tu tâm không nên giảm sút. Và điều thứ ba bạn không nên để cho hư khuyết là hạnh kiểm của bạn – những lời nguyện tiểu thừa và đại thừa bạn đã hứa. Sự thực hành những kỷ luật tiểu thừa và đại thừa của bạn không nên giảm sút.

Châm ngôn này là thẳng tắt và giữ cho chừng mực. Ở điểm này, trong thực hành đại thừa, rất cần thiết cho chúng ta phải nắm lấy một số sức mạnh căn bản. Chúng ta không chỉ là những người vô tư, không lưu tâm, mà thái độ của chúng ta là một thái độ có sức mạnh căn bản, năng lực căn bản.

  1. Hãy giữ cho ba cái không tách lìa

Sự thực hành lojong của bạn cần toàn tâm và trọn vẹn. Trong thân, ngữ, tâm, bạn không nên tách lìa khỏi lojong (tu tâm).

  1. Hãy tu hành không có thiên chấp trong mọi lãnh vực. Cốt yếu là luôn luôn làm việc ấy một cách sâu rộng và toàn tâm

Sự thực hành lojong bao trùm mọi người và mọi sự. Quan trọng là khắp suốt và không thiên chấp trong thực hành của bạn, không loại trừ một cái gì xảy đến trong kinh nghiệm của bạn.

  1. Hãy luôn luôn thiền định về bất cứ cái gì gây ra khó chịu

Hãy luôn luôn thiền định về cái gì khó khăn nhất. Nếu bạn không bắt đầu ngay lập tức, thì trong khoảnh khắc một khó khăn khởi lên, rất khó nhọc để chiến thắng nó.

  1. Chớ dao động vì những ngoại cảnh

Dù những hoàn cảnh bên ngoài của bạn có thể thay đổi, sự thực hành của bạn không nên tùy thuộc vào chúng. Dù bạn đau yếu hay khỏe mạnh, giàu hay nghèo, có tiếng tốt hay tiếng xấu, bạn cũng thực hành lojong. Nó rất đơn giản: nếu hoàn cảnh của bạn tốt đẹp, hãy thở nó ra; nếu hoàn cảnh của bạn là không ổn, hãy thở nó vào.

  1. Thời gian này, hãy thực hành những điểm chính

“Thời gian này” ám chỉ đời này. Bạn đã tiêu phí nhiều đời trong quá khứ, và trong tương lai bạn có thể không có cơ may để thực hành. Nhưng bây giờ, là một người đã nghe pháp, bạn đang thực hành. Thế nên không tiêu phí thời gian nữa, bạn cần thực hành những điểm chính.

Giáo lý này có ba điểm: (1) sự lợi lạc của những người khác thì quan trọng hơn chính bạn; (2) thực hành những lời dạy của guru thì quan trọng hơn nghiên cứu theo lối phân tích; (3) thực hành Bồ đề tâm thì quan trọng hơn bất cứ thực hành nào khác.

  1. Chớ hiểu sai

Có sáu điều bạn có thể méo mó hay hiểu sai trong sự thực hành của bạn: nhẫn nhục, khao khát, kích động, lòng bi, những ưu tiên, và vui vẻ. Nhẫn nhục bị hiểu sai khi nhẫn nhục mọi thứ trong cuộc đời bạn mà trừ ra sự thực hành pháp. Khao khát bị hiểu sai là thúc đẩy khao khát về lạc thú và giàu có mà không khuyến khích sự khao khát thực hành pháp một cách triệt để và thích đáng. Kích động bị hiểu sai là bị kích động bởi giàu có và giải trí, nhưng không bị kích động bởi sự học hỏi pháp. Lòng bi bị méo mó là bi mẫn với những người chịu đựng những khó nhọc để thực hành pháp, mà không lưu tâm và không bi mẫn đối với những người làm điều ác. Những ưu tiên bị méo mó nghĩa là làm việc một cách cần cù do mình quan tâm đến những lợi lạc cho chính mình trong đời này, mà không phải là sự thực hành pháp. Vui vẻ bị méo mó là sung sướng khi buồn đau tấn công những kẻ thù của bạn, nhưng không thích thú trong đức hạnh và trong niềm vui của sự siêu thoát sanh tử. Bạn phải tuyệt đối và trọn vẹn ngưng dứt tất cả sáu ngộ nhận này.

  1. Chớ chao đảo

Bạn không nên chao đảo trong nhiệt tình thực hành. Nếu đôi khi bạn thực hành và những lúc khác thì không, điều ấy sẽ không làm nảy sinh sự tin chắc vào pháp. Bởi thế chớ nên suy nghĩ quá nhiều. Chỉ tập trung nhất tâm vào việc tu tâm.

  1. Hãy tu hành toàn tâm

Hãy tin vào chính bạn và vào sự thực hành của bạn một cách toàn tâm. Hãy tu hành thuần túy lojong – nhất tâm, không có phóng dật.

  1. Hãy tự giải thoát chính mình bằng cách khảo sát và phân tích

Chỉ đơn giản nhìn vào tâm thức bạn và phân tích nó. Bằng cách làm hai việc này, bạn sẽ được giải thoát khỏi những phiền não và chấp ngã. Bấy giờ bạn có thể thực hành lojong.

  1. Chớ đầm mình trong sự tự thương hại

Chớ lấy làm buồn cho chính bạn. Nếu có ai đó đã thành công hay thừa hưởng một triệu đô la, chớ phí thời gian cảm thấy tiếc vì nó không là của bạn.

  1. Chớ có ghen tỵ

Nếu có người nào nhận được lời khen ngợi còn bạn thì không, chớ có ghen tỵ.

  1. Chớ có phù phiếm, ngớ ngẩn

Chớ biểu lộ sự ghen tỵ phù phiếm trước sự thành công của những bạn bè của bạn. Nếu một người quen biết mang một cái cà vạt mới hay một cái áo khoác mới mà bạn cũng thích, chớ có bốc đồng chỉ ra những khuyết điểm của nó cho y. “Vâng, rất đẹp, nhưng nó có một điểm ố.” Điều ấy sẽ chỉ làm cho y tức giận và không giúp gì cho sự thực hành của y cũng như của bạn.

  1. Chớ chờ đợi sự tán thưởng

Chớ chờ đợi những người khác khen ngợi bạn hay nâng ly chúc mừng bạn. Chớ tính đến việc nhận được sự tán thành, khen ngợi cho những hành vi tốt đẹp hay sự thực hành tốt của bạn.

BÀI KỆ KẾT THÚC

Khi thời ngũ trược ác thế xảy ra,
Đây là cách để chuyển hóa chúng vào trong con đường giác ngộ.
Đây là tinh túy cam lồ của những giáo huấn truyền miệng.
Nó được truyền xuống từ truyền thống của bậc hiền triết Suvarnadvipa.

Đã đánh thức nghiệp của sự tu hành đời trước
Và đã được cổ vũ bởi sự dâng hiến mãnh liệt, 
Tôi chẳng màng đến bất hạnh và bôi xấu
Và đã nhận giáo huấn truyền miệng về thuần hóa chấp ngã.
Giờ đây thậm chí cho đến lúc chết, tôi không ân hận gì.

(Hai câu kệ này là những bình giảng kết luận của Geshe Chekawa Yeshe Dorje, tác giả của Bản Văn Bảy Điểm Tu Tâm).

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. BỒ ĐỀ TÂM TỊNH HÓA NGHIỆP XẤU – HẠNH PHÚC TỐI HẬU
  3. ĐỐI TRỊ SÂN HẬN BẰNG TỪ BI VÀ NHẪN NHỤC

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP