ĐỐI TRỊ SÂN HẬN BẰNG TỪ BI VÀ NHẪN NHỤC

LAMA GENDUN RINPOCHE

Trích: Hai khuôn mặt tâm thức; Anila Rinchen Palmo dịch sang tiếng Anh, Lục Thạch dịch sang tiếng Việt

Muốn đối trị sân hận phải hiểu rằng tất cả chúng sinh trong vũ trụ, dù đang ở trong trạng thái hiện hữu nào, đều là cha mẹ của chúng ta trong quá khứ; không chỉ một lần mà vô số lần. Khi chúng ta là con, họ đã chăm lo và yêu thương chúng ta rất nhiều. Nhưng hiện tại những người đó không biết rằng họ đã là cha mẹ của chúng ta trong quá khứ. Vì không biết như vậy, họ cố gắng giữ hết sức để làm hại chúng ta, cứ như là họ đã bị quỷ vô minh làm cho điên cuồng. Ngược lại, vì biết họ là cha mẹ cũ nên chúng ta tránh đáp trả lại sự sân hận và kình địch mà hãy làm những gì chúng ta có thể làm được để giúp họ.

Chúng ta nên suy ngẫm cẩn thận về điều này cho đến khi thực sự cảm thấy biết ơn lòng tử tế mà họ đã dành cho chúng ta trong quá khứ. Cách suy nghĩ như vậy sẽ được đáp lại bằng từ bi thay thế thù địch. Một khi chúng ta khởi lòng yêu thương và biết ơn với họ chúng ta sẽ không tức giận một cách vô lý. Chúng ta nên nghĩ về họ: “Người này đã tử tế với mình trong quá khứ”, vậy giờ đây mình phải hết sức giúp đỡ và giúp họ thỏa mãn ý nguyện. Họ cũng giống như chúng ta, cũng muốn có hạnh phúc và tránh đau khổ, vì vậy chúng ta hết sức giúp họ đạt hạnh phúc. Chúng ta biết rằng nguyên nhân của hạnh phúc là hành động đức hạnh, do đó chúng ta nên khéo léo tìm cách tạo hoàn cảnh thuận lợi cho những người thù địch để họ có thể dùng thân, khẩu, ý của họ làm những việc tốt, tạo cơ hội để họ gieo nhân tốt và nhận được nghiệp quả tốt sau này.

Chúng ta phải hiểu rằng muốn đạt giác ngộ viên mãn thì phải thực hành sáu hạnh hoàn hảo hay sáu ba la mật, một trong những hạnh đó là nhẫn nhục. Nếu không có những người kình địch và sân hận với mình thì chúng ta không có cơ hội để thực hành hạnh nhẫn nhục, chúng ta không có dịp để trau dồi đức tính cần thiết này. Như vậy người có hành động thù địch với chúng ta chính là người làm ơn cho chúng ta. Tình trạng kình địch mà người đó đang tạo ra là một cơ hội tuyệt hảo để chúng ta luyện tính nhẫn nhục. Xét như vậy, người đó không còn là kẻ thù của chúng ta nữa, mà là một người bạn tinh thần đang giúp chúng ta phát triển những đức tính cần thiết cho sự giác ngộ. Thực hành hạnh nhẫn nhục như vậy, mỗi khi chúng ta bị khinh khi, chỉ trích, hoặc bị người khác phơi bày những sự lỗi lầm của mình, thì chúng ta mới có thể thanh lọc vô minh chất chứa trong tâm ta.

Giáo lý dạy rằng không có gì tai hại hơn sân hận, vì một cơn giận có thể làm tiêu tan tất cả công đức được tích lũy trong hàng ngàn kiếp. Và không có gì quý bằng đức tính nhẫn nhục, vì nhẫn nhục có năng lực thanh lọc tất cả những nghiệp xấu tích lũy trong hàng ngàn kiếp. Nếu muốn giác ngộ viên mãn, thì chúng ta nhất định phải có đức tính nhẫn nhục. Nhẫn nhục là một trong những đức tính chính yếu tạo nên tâm giác ngộ. Để phát triển đức tính này chúng ta đối mặt với người thù lẫn nghịch cảnh theo nghĩa trừu tượng. Vì vậy, tất cả những ai khinh bỉ hay thù địch với ta đều là bạn, vì họ tạo cơ hội lý tưởng để chúng ta luyện tính nhẫn nhục, thanh lọc nghiệp xấu đã được tạo tác trong quá khứ và giải trừ những vô minh hiện tại.

Nếu ta không trông thấy những người đói khát, nghèo khổ thì không thể phát triển lòng từ bi và hạnh bố thí. Không có từ bi và hảo tâm hay những phẩm tính tương tự thì chúng ta không bao giờ có thể giác ngộ. Những cảnh nghèo đói thật là cần thiết cho chúng ta, vì thấy người khác trong hoàn cảnh khốn khó nên lấy đó làm phương tiện tốt nhất để tu tập các hạnh lành.

Có thể nói rằng, những người khác giúp chúng ta đạt giác ngộ nhiều hơn là chư Phật giúp chúng ta. Trong sáu hạnh hoàn hảo: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ thì chỉ có ba đức tính bố thí, trì giới và nhẫn nhục là có thể được trau dồi trong sự hợp quần với người khác. Chúng sinh là những người có công tạo điều kiện cho chúng ta luyện tập những đức tính này. Để thực hành hạnh bố thí cần phải có những người làm đối tượng cho hảo tâm của chúng ta. Hạnh lành chỉ có thể được xét theo mối liên hệ giữa chúng ta với người khác, vì trì giới hay hạnh tốt được định nghĩa là không làm điều gì có hại cho người khác về thân, khẩu, ý. Chúng ta đã biết rằng nhẫn nhục nghĩa là không có thái độ xấu nào đối với người khác. Vậy, chúng ta dễ thấy rằng ba đức tính này không thể phát triển trong sự thiếu vắng người khác.

Do đó, sân hận người khác khi họ giúp ta cơ hội luyện đức tính nhẫn nhục là vô lý. Người ta nói rằng ngay cả việc Đức Phật Thích Ca giác ngộ sớm hơn Đức Di Lặc cũng là nhờ vào hành vi thù địch của người anh họ Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) của Ngài. Chúng ta phải hiểu rằng nhờ vào các lực đối nghịch đó mà chúng ta có thể phát triển những phẩm tính như từ bi, vốn không thể thiếu trên con đường tiến tới giác ngộ.

Đạo sư Tilopa (Ấn Độ, thế kỷ mười một) nói rằng, ai muốn giác ngộ nhanh thì không nên tìm bạn tốt, trái lại dành nhiều thời gian để giao tiếp với người xấu. Vì nếu chỉ có bạn tốt mà không có ai kình địch, không ai thử thách thì các cảm xúc của chúng ta sẽ gia tăng, còn các đức tính thì không có dịp phát triển. Nếu chúng ta dành thời gian tiếp xúc với người xấu, chúng ta luyện được tính nhẫn nhục, và kết quả là chúng ta mau giác ngộ hơn.

Nếu những phương pháp nói trên không thể hóa giải sân hận, thì hãy tưởng tượng kẻ thù địch trước mặt chính là mẹ mình. Chúng ta quán tưởng như vậy nhiều lần cho đến khi có cảm giác người đó thực sự là mẹ mình, và hãy nghĩ tiếp rằng kẻ thù hiện tại này đã nhiều lần là mẹ mình trong các kiếp trước, do đó không có lý gì để mình thù ghét người này.

Một cách khác mà chúng ta có thể dùng là quán tưởng chính mình là kẻ thù địch, và kẻ thù địch chính là mình trao đổi hai nhân vật, mà cũng là trao đổi hai cảm giác của đôi bên. Chúng ta luyện cách nhìn sự việc từ quan điểm của bên đối nghịch. Chúng ta nên quán tưởng như vậy nhiều lần, cho đến khi thực sự thay thế ý muốn và quan điểm của mình bằng thái độ và tư tưởng của người thù địch đó. Chúng ta thường chỉ chú trọng tới ý kiến của chính mình mà quên cách suy nghĩ về mình theo như người khác nhận xét, và nghĩ về người khác như họ nhận xét chính họ. Chúng ta thay đổi cách nhìn sự vật bằng cách đặt mình vào vị trí của người khác. Sự chuyển đổi thái độ này rất có lợi cho việc khắc phục tất cả cảm xúc, đặc biệt là cảm xúc của sân hận.

Bằng việc luyện tập các hạnh Bồ tát, dần dần chúng ta sẽ quen với việc ban cho người khác mọi thành công và tự nhận mọi thất bại và khó khăn về mình. Pháp đối trị sân hận tốt nhất là thiền quán về đức tính từ bi. Đó là phương pháp thiền quán chính yếu của truyền thống Kinh điển (Kinh Điển Thừa) với 21.000 quyển kinh, trong đó có nhiều quyển chứa giáo lý đặc biệt về từ bi. Nhiều nguời thấy việc trưởng dưỡng lòng từ bi và tánh nhẫn nhục rất khó. Thậm chí chúng ta còn cảm thấy đó là việc bất khả, nhưng chúng ta không nên tuyệt vọng, vì đó chỉ là vấn đề tập luyện. Nếu chúng ta không ra sức trau dồi thường xuyên những phẩm tính này thì tất nhiên chúng ta không thể đạt được chúng.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LÒNG TỐT CỦA CHA MẸ VÀ NHỮNG NGƯỜI KHÁC
  2. TÂM TỪ
  3. NHẪN NHỤC ĐỘ VÔ CỰC

Bài viết khác của tác giả

  1. TỰ DO VÀ THONG DONG: MỘT BÀI CA KIM CƯƠNG TỰ PHÁT

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ