MỖI NGƯỜI DÂN NHẬT BẢN ĐỀU TỪNG LÀ NGƯỜI SỐNG TỐI GIẢN

SASAKI FUMIO

Trích: Lối Sống Tối Giản Của Người Nhật; Việt dịch: Như Nữ; NXB Lao động; Công ty CP Sách Thái Hà; 2017

“Chúng ta thường cạnh tranh để được công nhận là hạnh phúc hơn là trở thành người hạnh phúc.”
– La Rochefoucauld

“Công việc của tôi không phải là con người tôi
Số dư ngân hàng của tôi không phải là con người tôi
Chiếc xe tôi đi cũng không phải con người tôi
Chiếc ví của tôi cũng không phải con người tôi
Những giá trị đấy
Chẳng có quan hệ gì với tôi cả.”
– Tyler Durden – Sàn đấu sinh tử

“Hạnh phúc không phải là có trong tay những thứ mình từng ao ước, mà là cảm giác luôn mong ước những vật mình đang có.”
– Rabbi Hyman Schachtel

Một ngày theo lối sống tối giản của tôi

Sau khi thực hiện lối sống tối giản, cuộc sống của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Sau khi đi làm về, tôi ngâm mình trong bồn tắm, sau đó thay một bộ quần áo dễ chịu ở nhà. Và vì đã dọn tivi đi rồi nên tôi sẽ đọc vài cuốn sách. Bia rượu thì tôi không uống một chai nào nữa. Vứt bớt đồ đạc làm phòng tôi có nhiều khoảng trống và tôi có thể ngủ thoải mái hơn. Mỗi sáng tôi đều thức dậy cùng ánh bình minh và không phải mất đến 10 phút để mở mắt như trước. Bức tường trắng trong nhà giờ không treo vật gì cả, và khi ánh nắng chiếu vào, cả căn phòng sáng rực lên. Vì dậy sớm nên tôi có thời gian ăn sáng và nhâm nhi một tách cà phê. Ăn xong là tôi dọn dẹp ngay bát đũa, xoong nồi. Tập ngồi thiền và tĩnh tâm giúp tôi xóa bỏ hết phiền não trong cuộc sống, và giờ tôi không còn phải bận tâm về những vật dụng dư thừa trong nhà nữa. Mỗi ngày tôi đều dọn dẹp căn phòng một lần. Và nếu thời tiết tốt, tôi sẽ giặt chăn đệm. Cuối cùng là thay một bộ quần áo phẳng phiu và đi làm. Trên đường đi làm, tôi cũng có thể tận hưởng khung cảnh hai bên đường thay đổi theo từng mùa, cuộc sống thật là tuyệt diệu.

Thú thực tôi không thể nghĩ có một ngày mình lại sống một cuộc sống đúng nghĩa đến như vậy. Vứt bớt đồ đạc quả thực là một điều tuyệt vời.

Lý do tôi trở thành người sống tối giản

Mỗi người đều có những lý do khác nhau khi trở thành người sống tối giản. Có người thấy cuộc sống đảo lộn vì đồ đạc, có người lại thấy không hạnh phúc dù giàu có và sở hữu nhiều thứ trong tay. Có người giảm bớt đồ đạc sau nhiều lần chuyển nhà, cũng có khi họ muốn thoát khỏi sự u ám của cuộc sống. Hay cũng có những người vốn dĩ không thích nhiều đồ đạc, thậm chí cũng có người đã thay đổi lối sống sau khi trải qua động đất.

Tôi từng là một người theo kiểu “phòng ốc bừa bãi”. Trước đây tôi chẳng bao giờ vứt đi cái gì cả. Và vì tôi cũng rất thích các món đồ nên cái nào tôi cũng thấy thích, không tài nào mà vứt đi được.

Tôi có thể cho bạn một ví dụ để dễ hình dung. Thỉnh thoảng ở công ty, tôi hay nhận được mẩu giấy của ai đó nhắn cho tôi là có điện thoại. Có thể với bạn, mẩu giấy đấy chẳng là gì cả, nhưng với tôi, mẩu giấy đấy là sự quan tâm của các đồng nghiệp đã dành thời gian để nhắc nhở tôi, thế nên tôi không muốn vứt nó một tẹo nào. Tôi chính là kiểu người như vậy đấy.

17 năm trước, tôi rời nhà ở tỉnh Kagawa lên Tokyo bắt đầu lập nghiệp. Lúc đó, trong phòng tôi chẳng có thứ gì ngoài một vài đồ dùng cực kỳ thiết yếu. Thế nhưng, sau vài năm, trong phòng tôi dần chất đầy đồ đạc.

Tôi là người thích chụp ảnh, bởi tôi muốn lưu lại mọi khoảnh khắc của tất cả các vật dụng trong nhà, để làm kỉ niệm sau này.

Những cuốn sách đã đọc đều là một phần trong tôi, nên tôi chưa bao giờ muốn vứt bỏ chúng. Tôi cũng muốn cho bạn bè xem những bộ phim, những đĩa nhạc yêu thích của mình. Nếu có thời gian, tôi có rất nhiều sở thích muốn theo đuổi.

Thật lãng phí nếu vứt chúng đi. Cái này vẫn còn dùng được mà, có lẽ lúc nào đó tôi sẽ dùng nó. Tôi đã từng có những suy nghĩ như vậy. Tôi cũng không muốn thừa nhận rằng mình đã không sử dụng rất nhiều thứ. Mang theo suy nghĩ đấy, tôi không những không vứt bớt đồ đạc mà ngược lại, còn tích trữ ngày một nhiều hơn.

Đó hoàn toàn là những suy nghĩ trái ngược với suy nghĩ hiện tại của tôi. Lúc đó, tôi là người theo lối sống tối đa. Tức là tích trữ mọi thứ, mua đồ cũng phải chọn cái nhiều chức năng nhất, to nhất, nặng nhất… Và hệ quả là tôi bị chính những đồ dùng ấy lấy hết năng lượng, sức lực của bản thân. Tôi không thể sử dụng hết những món đồ đấy, mà chỉ có hành hạ bản thân mình thêm mà thôi. Dù có sắm được bao nhiêu đồ dùng thì sau khi có được rồi, tôi lại để mắt đến những món khác mà mình chưa có và cảm thấy ghen tị với người khác. Đến mức như vậy rồi mà tôi cũng không muốn vứt một thứ gì đi, ngược lại, tôi chỉ kiếm lý do cho mình và chẳng thay đổi gì cả. Cứ lặp lại như vậy, dần dần tôi rơi vào một vòng tròn không lối thoát.

Trong những ngày như thế, tôi đã quyết tâm phải vứt bớt đồ đạc. Khi đồ đạc tích trữ quá nhiều một chỗ, chắc chắn sẽ có thứ bị hư hại. Nếu trước đây, tôi luôn cảm thấy không hạnh phúc vì chẳng bao giờ thỏa mãn được bản thân, thì bây giờ tôi thử vứt bớt đồ đạc đi xem có thay đổi được gì không.

Không phải do di truyền, không phải do môi trường, cũng không phải do tính cách, càng không phải là những vết thương trong quá khứ, mà chính vì có quá nhiều đồ đạc đã khiến bạn bị tổn thương.

Mỗi người dân Nhật Bản đều từng là người sống tối giản

Giống như con người khi sinh ra không có một thứ gì trong tay, bản thân người Nhật trước đây cũng là những người sống theo lối tối giản. Đã từng có một người nước ngoài đến Nhật trước khi bắt đầu công việc làm ăn của mình, và anh ta đã rất ngạc nhiên trước người Nhật lúc bấy giờ. Mỗi người chỉ có hai, ba bộ quần áo nhưng rất gọn gàng, sạch sẽ. Người Nhật trước đây cũng chẳng giữ đến 10 bộ quần áo làm gì. Khi di chuyển thì luôn đi bộ, nhà ở thì đơn giản, thỏai mái, và cũng không phải là nơi ở cố định. Người Nhật luôn xây mới, làm lại nhà cửa. Phong cách đó, dáng vẻ đó chẳng phải là lối sống tối giản hay sao. Chính lối sống này cũng đã ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống của Nhật, nét văn hóa tối giản.

Ví dụ như trong phòng trà. Bên trong phòng không có một đồ vật dư thừa nào cả, cửa ra vào cũng chỉ có một ô cửa nhỏ hẹp. Nếu bạn thích kiểu ngồi dựa ghế như mấy người nổi tiếng thì đừng hòng bước được vào phòng trà. Ngoài ra, dù là võ sĩ có muốn vào phòng trà thì cũng phải để kiếm ở ngoài. Đã vào trong phòng trà thì không phân biệt người giàu hay kẻ nghèo, dân thường hay người nổi tiếng, mà chỉ là cuộc gặp gỡ giữa người với người, cùng nhau thưởng thức một chén trà mà thôi.

Lối sống tối giản được du nhập ngược

Mặc dù tôi đang nói đến văn hóa sống tối giản của Nhật, nhưng bạn cũng có thể liên tưởng một chút đến công ty Apple của Mỹ. Có lẽ không cần tôi giới thiệu bạn cũng biết một trong những nhà sáng lập Apple là Steve Jobs. Và trong số những người sống tối giản hiện nay hẳn cũng có rất nhiều người thích các sản phẩm của ông.

Các sản phẩm của Steve Jobs luôn thấm đẫm tinh thần của lối sống tối giản. Bạn có thể thấy, trên chiếc iPhone chỉ có duy nhất một nút bấm. Hay trên chiếc Mac cũng không có đầu nối hoặc dây cáp thừa nào cả. Khi mua các sản phẩm của Apple cũng chẳng có mấy tờ hướng dẫn sử dụng. Đó là bởi Steve Jobs là một người sống tối giản thực sự và là một tín đồ của thiền, một phần quan trọng trong phong trào tối giản.

Nghe nói ông rất ngưỡng mộ nhà sư Kobun Otogawa, một người theo trường phái thiền Soto. Đã có thời gian Steve Jobs tu hành thiền đạo ở chùa Eihei, Nhật Bản. Bản thân Steve Jobs khi theo lối sống tối giản này đã chịu ảnh hưởng khá lớn từ văn hóa thiền của Nhật, và ông đã đưa sự ảnh hưởng đấy vào tất cả các sản phẩm của mình. Do đó các sản phẩm của Jobs không hề có chút dư thừa nào.

Chúng ta đều biết rằng Jobs không bao giờ nói về những thứ ông không quan tâm. Nhưng bạn có biết, những thứ mà ông không để tâm đều là những thứ bên ngoài sự tối giản hay không. Đặc biệt, ông rất ghét những gì cấu tạo phức tạp và thừa thãi. Nét văn hóa của tập đoàn hàng đầu thế giới này chính là nét văn hóa vốn có trước đây của Nhật Bản. Tỉ lệ số người sử dụng iPhone của Nhật Bản cũng cao hàng đầu thế giới. Có thể thấy, nhờ Steve Jobs, văn hóa tối giản này lại được du nhập ngược lại Nhật Bản.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. KINH TẾ HỌC PHẬT GIÁO – KINH DOANH VÀ ĐỨC PHẬT THỊNH ĐẠT BẰNG THIỆN NGHIỆP
  2. LỐI SỐNG TỐI GIẢN CỦA NGƯỜI NHẬT
  3. VƯỢT KHỎI TRÍ THỨC LÀ TRẠNG THÁI CỦA ĐƠN GIẢN

Bài viết khác của tác giả

  1. LÝ DO TÔI TRỞ THÀNH NGƯỜI SỐNG TỐI GIẢN
  2. KHÔNG PHẢI TRỞ NÊN HẠNH PHÚC MÀ LÀ CẢM NHẬN HẠNH PHÚC
  3. LỐI SỐNG TỐI GIẢN CỦA NGƯỜI NHẬT

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ