PHỤC HỒI TÌNH TRẠNG HẠNH PHÚC BẨM SINH

HH. DALAI LAMA XIV

HOWARD C. CUTLER

Trích: Sống Hạnh Phúc, Cẩm Nang Cho Cuộc sống; Nguyên tác: The Art of Happiness; Việt dịch: Nguyễn Trung Kỳ; NXB. Lao động; Công ty VH&TT Nhã Nam, 2010

BẢN CHẤT CĂN BẢN CỦA CHÚNG TA

“Chúng ta được tạo dựng để tìm kiếm hạnh phúc. Và điều rõ ràng là các cảm giác yêu thương, thân thiết, gần gũi, và trắc ẩn đều mang lại hạnh phúc. Tôi tin rằng mỗi người trong chúng ta đều có cơ sở để hạnh phúc, để tiếp cận các tâm trạng nồng hậu và trắc ẩn, vốn là những trạng thái mang đến hạnh phúc,” Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận định. “Trên thực tế, một trong những niềm tin căn bản của tôi là chúng ta không chỉ sở hữu khả năng yêu thương trắc ẩn, mà tôi còn tin rằng bản chất căn bản hoặc nền tảng của loài người là tử tế.”

“Cơ sở của niềm tin ấy là gì?”

“Giáo lý nhà Phật về ‘Phật Tánh’ cung cấp nền tảng cho niềm tin rằng bản chất cơ bản của mọi loài có nhận thức là nhân hậu và không gây hấn(1). Nhưng người ta có thể chấp nhận quan điểm này mà không cần phải dùng đến giáo lý ‘Phật tánh’ của Phật Giáo. Cũng có những cơ sở khác cho niềm tin của tôi. Tôi nghĩ rằng vấn đề lòng yêu thương hay trắc ẩn của loài người không chỉ là vấn đề tôn giáo, nó là một nhân tố cần thiết trong đời sống thuờng ngày của con người.

“Vì thế, trước tiên, nếu nhìn vào chính những khuôn mẫu đời sống của ta từ thuở ấu thơ cho đến khi chết, ta có thể thấy cách chúng ta được nuôi dưỡng cơ bản là nhờ vào tình cảm của người khác. Nó bắt đầu ngay lúc mới sinh. Hành động đầu tiên của ta sau khi lọt lòng mẹ là mút bầu sữa của mẹ hoặc sữa của một người khác. Đó là một hành động của tình cảm, của tình yêu thương. Không có hành động đó, chúng ta không thể tồn tại. Điều ấy thật rõ ràng. Và hành động ấy không thể thực hiện được nếu không có cảm giác yêu mến lẫn nhau. Từ phía đứa trẻ, nếu không có tình cảm, không có ràng buộc gì với người cho sữa, đứa trẻ có thể không bú sữa. Và nếu không có tình cảm nơi người mẹ hoặc một người khác, sữa có thể không tiết ra. Cho nên, đó là cuộc sống. Đó là thực tại.

“Vậy, cấu trúc vật lý của chúng ta dường như phù hợp hơn với các cảm xúc yêu thương và trắc ẩn. Chúng ta có thể thấy một trạng thái tâm thức bình lặng, yêu thương, lành mạnh có những ảnh hưởng tốt như thế nào đến sức khỏe chúng ta. Ngược lại, những cảm xúc thất vọng, sợ hãi, bồn chồn và nóng giận có thể hủy hoại sức khỏe của chúng ta.

“Trong triết học Phật Giáo, ‘Phật Tánh’ nói đến bản chất tiềm ẩn, căn bản, và tinh tế nhất của tâm. Trạng thái tâm này, hiện hữu ở mọi con người, hoàn toàn không bị hư hoại bởi cảm xúc hay tư tưởng tiêu cực.”

“Chúng ta cũng có thể thấy rằng sức khỏe tình cảm của chúng ta được tăng cường bởi những cảm xúc yêu thương. Để hiểu được điều này, chỉ cần nghĩ lại xem chúng ta cảm thấy ra sao khi những người khác tỏ ra yêu mến và nhiệt tình với mình. Hoặc, hãy quan sát những cảm xúc hoặc thái độ yêu thương của chúng ta trực tiếp và tự động ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào từ bên trong, chúng làm ta cảm thấy thế nào. Những tình cảm êm dịu và các hành vi tích cực đi cùng với chúng sẽ đưa đến một đời sống gia đình và cộng đồng hạnh phúc hơn.

“Thế nên, tôi nghĩ chúng ta có thể kết luận bản chất cơ bản của con người là hiền từ và yêu thương. Và nếu đúng như vậy, thì việc muốn sống một đời sống hòa hợp hơn với bản chất cơ bản là hiền từ của mình lại càng thêm ý nghĩa.”

“Nếu bản chất chúng ta là hiền từ và yêu thương”, tôi hỏi, “tôi chỉ thắc mắc làm thế nào Ngài giải thích được mọi xung đột và hành vi gây hấn đang xảy ra quanh chúng ta?”

Đức Đạt Lai Lạt Ma gật đầu tư lự một lúc rồi trả lời: “Dĩ nhiên, chúng ta không thể bỏ qua sự kiện là các xung đột và căng thẳng đang tồn tại, không chỉ bên trong tâm trí mỗi cá nhân mà cả trong gia đình, khi chúng ta tương giao với người khác, tiếp đến ở bình diện xã hội, quốc gia, và toàn cầu. Thế nên, khi nhìn vào điều này, một vài người kết luận rằng bản tính của loài người về căn bản là gây hấn. Họ có thể chỉ vào lịch sử loài người mà cho rằng so với các loài có vú khác, hành vi của loài người tỏ ra gây hấn hơn nhiều. Hoặc họ có thể tuyên bố: “Vâng, lòng yêu thương là một phần của tâm trí ta. Nhưng giận dữ cũng là một phần của tâm trí ta. Chúng cũng là một phần của bản tính chúng ta, cả hai đều ít nhiều cùng một cấp độ’. Tuy nhiên,”, Ngài nói một cách kiên quyết, rướn người ra trước trong ghế, căng lên vẻ cảnh giác, “niềm xác tín vững vàng của tôi vẫn là: bản chất con người là yêu thương, hiền từ. Đó là đặc tính nổi trội của bản chất con người. Giận dữ, bạo lực và gây hấn nhất định có thể nảy sinh, nhưng tôi nghĩ nó nằm ở bình diện thứ yếu hoặc nông cạn hơn. Theo nghĩa nào đó, chúng phát sinh khi chúng ta thất vọng trong những nỗ lực nhằm đạt được tình yêu thương. Chúng không phải là một phần của bản tính chúng ta.”

“Vì thế, mặc dù sự gây hấn có thể xảy ra, tôi tin rằng những xung đột ấy không nhất thiết là do bản tính con người, mà đúng hơn là kết quả của trí tuệ con người – trí tuệ mất quân bình, sự lạm dụng trí tuệ, chức năng tưởng tượng của chúng ta. Bây giờ, khi nhìn vào sự tiến hóa của loài người, tôi nghĩ rằng nếu so sánh với một số loài động vật khác, thể chất của chúng ta có lẽ rất yếu ớt. Nhưng vì sự phát triển của trí thông minh loài người, chúng ta có thể sử dụng nhiều công cụ và khám phá nhiều phương thức để chinh phục các điều kiện môi trường thù nghịch. Xã hội loài người và các điều kiện của môi trường càng trở nên phức tạp, thì trí tuệ và khả năng nhận thức của chúng ta phải đóng một vai trò ngày càng lớn để đáp ứng được những đòi hỏi không ngừng gia tăng của môi trường phức tạp này. Vì thế, tôi tin rằng bản chất của con người chúng ta là hiền từ, còn trí thông minh là một sự phát triển về sau. Và tôi nghĩ rằng nếu cái khả năng ấy, cái trí tuệ ấy của con người phát triển lệch lạc, không được cân bằng một cách hợp lý với việc phát triển lòng yêu thương, thì nó có thể đưa đến phá hoại. Nó có thể dẫn đến thảm họa.”

“Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là nhận ra rằng, nếu những xung đột của con người được tạo ra bởi sự lạm dụng sai lầm trí tuệ của mình, thì chúng ta cũng có thể sử dụng trí thông minh để tìm ra những cách thức và phương tiện hầu vượt qua những xung đột ấy. Khi trí thông minh và lòng tốt hay tình cảm con người được phối hợp cùng với nhau, mọi hành vi của con người đều trở nên có tính xây dựng. Khi chúng ta kết hợp một trái tim nồng hậu với trí thông minh và giáo dục, chúng ta có thể học cách biết tôn trọng quan điểm và quyền lợi của người khác. Điều này trở thành cơ sở cho một tinh thần hòa giải, có thể sử dụng hầu vượt thắng sự gây hân và giải quyết những mâu thuẫn của chúng ta.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma dừng lại liếc nhìn đồng hồ. “Vậy”, Ngài kết luận, “cho dù chúng ta phải trải qua bao nhiêu điều tồi tệ và bạo lực đến đâu đi nữa, tôi tin rằng giải pháp tối hậu cho những xung đột của chúng ta, cả bên trong lẫn bên ngoài, nằm ở việc quay về với bản tính nền tảng của con người. Đó là sự hiền từ và lòng yêu thương.”

Lại nhìn đồng hồ, Ngài bắt đầu cười phá lên thân thiện. “Thôi… ngưng ở đây nhé… hôm nay dài thật!”. Ngài xỏ lại đôi giầy mà Ngài đã cởi ra trong lúc đàm thoại, rồi trở về phòng mình.

“Chúng ta không sinh ra với mục đích gây rắc rối, làm hại người khác. Để đời sống chúng ta có giá trị, tôi nghĩ chúng ta phải phát triển những phẩm tính tốt đẹp cơ bản của con người – nồng hậu, tử tế và yêu thương. Khi ấy, đời sống của chúng ta sẽ trở nên có ý nghĩa và an lạc hơn – hạnh phúc hơn.” _Đức Đạt Lai Lạt Ma

SUY NIỆM VỀ MỤC ĐÍCH CỦA ĐỜI SỐNG

Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma ngồi trong sa mạc Arizona tuần lễ ấy, phân tích bản chất con người và quan sát tâm trí con người với sự tỉ mỉ của một khoa học gia, một chân lý giản đơn dường như chiếu ra và rọi sáng mọi cuộc thảo luận: mục đích của đời sống chúng ta là hạnh phúc. Lời khẳng định đơn giản ấy có thể dùng như một công cụ mạnh mẽ giúp chúng ta tìm đường băng qua những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Từ quan điểm ấy, công việc của chúng ta trở thành loại bỏ những gì dẫn đến khổ đau và tích lũy những điều đưa đến hạnh phúc. Phương pháp, tức việc thực hành hàng ngày, từ từ gia tăng sự ý thức và hiểu biết của chúng ta về cái gì thực sự đưa đến hạnh phúc, cái gì không.

Khi đời sống trở nên quá đỗi phức tạp và chúng ta cảm thấy bị choáng ngợp, việc dừng lại và tự nhắc nhở về mục đích tổng thể của mình thường rất hữu ích. Khi đối diện với cảm giác chán nản và bối rối, có thể hữu ích nếu chúng ta dành ra độ một giờ, một buổi chiều, thậm chí cả nhiều ngày chỉ để phản tỉnh về việc đâu là cái sẽ thực sự mang đến hạnh phúc cho chúng ta, và rồi sắp đặt lại các ưu tiên của chúng ta trên cơ sở ấy. Việc này có thể đặt lại đời sống chúng ta vào khung cảnh phù hợp, cho phép có một nhãn quan mới và giúp chúng ta nhìn thấy hướng nào cần phải chọn.

Thỉnh thoảng, chúng ta bị đặt trước những quyết định quan trọng có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời mình. Chẳng hạn, chúng ta có thể quyết định lập gia đình, có con, hoặc theo một khóa học để trở thành luật sư, nghệ sĩ, hay kỹ sư điện. Giải pháp quyết định để trở nên hạnh phúc – tìm hiểu các nhân tố đưa đến hạnh phúc và đi những bước tích cực để xây dựng một đời sống hạnh phúc hơn – có thể chỉ là một quyết định như thế. Việc chuyển hướng về hạnh phúc như một mục đích có giá trị và quyết định có ý thức hầu tìm kiếm hạnh phúc một cách có hệ thống có thể thay đổi sâu sắc phần còn lại của cuộc đời chúng ta.

Cách hiểu về những nhân tố tựu trung đưa đến hạnh phúc của Đức Đạt Lai Lạt Ma là dựa trên cơ sở cả một đời quan sát tâm trí của chính mình một cách có phương pháp, khảo sát bản chất của hoàn cảnh con người, tìm hiểu những điều ấy trong khuôn khổ đã được Đức Phật thiết lập trước đó hai mươi lăm thế kỷ. Và từ quá trình này, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đi đến kết luận rõ ràng về những hoạt động và tư tưởng nào là có giá trị nhất. Ngài đã tóm tắt những niềm tin của Ngài vào những lời nói sau đây, mà ta có thể sử dụng như một đề mục thiền định.

“Đôi khi, gặp lại những người bạn cũ, nó nhắc nhở cho tôi thời gian qua nhanh đến nhường nào. Và điều này cũng làm cho tôi băn khoăn tự hỏi liệu chúng ta đã sử dụng thời gian của mình hợp lý hay chưa. Việc sử dụng thời gian hợp lý rất quan trọng. Tuy chúng ta có được thân xác này, và đặc biệt là bộ óc kỳ diệu này của con người, tôi nghĩ mỗi phút giây đều là cái gì vô cùng quý giá. Cuộc hiện tồn từng ngày của chúng ta luôn tràn đầy hy vọng, mặc dù chẳng có gì bảo đảm được cho tương lai cả. Không có gì bảo đảm rằng ngày mai vào giờ này chúng ta sẽ ở đây. Nhưng chúng ta vẫn làm việc cho điều đó, chỉ thuần túy trên niềm hy vọng. Vì thế, chúng ta cần phải sử dụng tốt nhất thời gian của mình. Tôi tin rằng việc sử dụng hợp lý thời gian của mình là như thế này: nếu có thể, ta hãy phục vụ người khác, phục vụ những loài có ý thức khác. Nếu không, ít nhất hãy kiềm chế đừng làm hại họ. Tôi nghĩ đó là toàn bộ cơ sở triết lý của tôi.”

“Vì thế, hãy suy ngẫm về điều gì thực sự có giá trị trong đời sống, điều gì mang lại ý nghĩa cho đời sống chúng ta, và đặt ra những ưu tiên trên cơ sở đó. Mục đích đời ta cần phải có tính tích cực. Chúng ta không sinh ra với mục đích gây rắc rối, làm hại người khác. Để đời sống chúng ta có giá trị, tôi nghĩ chúng ta phải phát triển những phẩm tính tốt đẹp cơ bản của con người – nồng hậu, tử tế và yêu thương. Khi ấy, đời sống của chúng ta sẽ trở nên có ý nghĩa và an lạc hơn – hạnh phúc hơn.”

Bình luận

[…] Để kết thúc bài viết, tôi xin được phép trích dẫn lời nói của Đức Dalai Lama 14 mà chúng ta có thể dùng làm đề mục để thiền định. Đoạn trích dưới đây được đề cập trong tác phẩm “Sống Hạnh Phúc, Cẩm Nang Cho Cuộc Sống” (nguyên tác: The Art of Happiness), được trích đăng trên trang Cùng Sống An Vui với tựa bài Phục Hồi Tình Trạng Hạnh Phúc Bẩm Sinh: […]


Bài viết liên quan

  1. NGUỒN MẠCH HẠNH PHÚC
  2. GIỚI NGUYỆN CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG
  3. MỞ RỘNG TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ LÒNG BI MẪN

Bài viết khác của tác giả HH. DALAI LAMA XIV

  1. NHỮNG CÂU NÓI CỦA DALAI LAMA 14TH
  2. TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH

Bài viết khác của tác giả HOWARD C. CUTLER

  1. NHỮNG ĐAU KHỔ DO CHÍNH MÌNH TẠO RA
  2. THAY ĐỔI GÓC NHÌN
  3. MỘT ĐẦU ÓC UYỂN CHUYỂN

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH