GIỚI, ĐỊNH, TUỆ

ĐẠI SƯ AJAHN CHAH

Tác giả: Thiền Sư Ajahn Chah;

Tác phẩm: SỰ BÌNH AN KHÔNG LAY CHUYỂN;

 

Lúc xưa tôi tu tập Giáo Pháp mà không biết gì nhiều. Tôi chỉ biết rằng con đường giải thoát bắt đầu bằng Giới Hạnh (sīla).2 Giới hạnh là sự bắt đầu đẹp đẽ của con đường Đạo. Sự bình an sâu lắng của trạng thái định (samādhi) là khúc giữa đẹp đẽ. Và trí tuệ (paññā) khúc cuối đẹp đẽ. Cho dù chúng có thể được phân chia thành những mảng tu tập khác nhau, nhưng khi chúng ta nhìn sâu hơn vào bên trong chúng, chúng ta thấy ba phẩm chất này hội tụ với nhau thành một. Để duy trì giới hạnh, bạn phải có trí biết, trí tuệ. Chúng ta thường khuyên dạy nhau phải tu dưỡng những chuẩn mực đạo đức trước, bằng cách tuân giữ năm giới hạnh căn bản để đức hạnh của chúng ta được chắc vững. Tuy nhiên, việc hoàn thiện đức hạnh cần phải có nhiều trí tuệ hiểu biết. Chúng ta phải biết xem xét những lời nói và hành động của chúng ta, và biết phân tích những hậu quả của chúng. Tất cả đó là công việc của trí tuệ hiểu biết. Thực vậy, chúng phải dựa vào sự hiểu biết trí tuệ của chúng ta để tu dưỡng phần giới hạnh.

Theo lý thuyết, giới hạnh có trước, rồi mới có định tâm, rồi có trí tuệ; thứ tự là giới, định, tuệ. Nhưng khi suy xét kỹ về chỗ này, tôi thấy phần trí tuệ hiểu biết mới là viên đá nền móng cho tất cả mọi phần tu tập khác. Để hoàn toàn hiểu biết về những hậu quả của những điều ta nói và làm—đặc biệt là những hậu quả xấu— thì chúng ta cần phải dùng trí tuệ hiểu biết để dẫn dắt và giám sát, để suy xét kỹ sự vận hành của luật nhân quả. Cách làm đó sẽ thanh lọc những hành động và lời nói của chúng ta. Khi chúng ta đã quen biết rõ về những hành vi nào là đạo đức và hành vi nào là vô đạo đức, thì chúng ta nhìn ra chỗ để tu tập tu sửa. Từ đó chúng ta dẹp bỏ những điều xấu và tu dưỡng những điều tốt. Chúng ta dẹp bỏ những điều sai và tu dưỡng những điều đúng đắn. Đó là giới-hạnh. Khi chúng ta tu dưỡng như vậy, tâm sẽ dần dần trở nên vững chắc và ổn định. Một cái tâm vững chắc và không lay động là không còn bất an, lo sợ, mặc cảm, hối hận và ngu mờ về những hành động và lời nói của mình. Ngay chỗ này là sự ổn định của tâm, đây là sự định-tâm (samādhi).

Sự hợp nhất ổn định của tâm tạo nên một nguồn năng lượng thứ hai và mạnh mẽ hơn trong việc tu của chúng ta, giúp ta có thể quán xét sâu sắc hơn về những thứ bên ngoài như cảnh sắc, âm thanh… mà ta trải nghiệm. Khi tâm đã được thiết lập với một sự chú tâm chánh niệm và sự bình an vững chắc và không lay chuyển, thì chúng ta có thể tham dự vào việc điều tra liên tục để tìm hiểu thực tại của sắc thân, cảm giác, nhận thức, ý nghĩ, tâm thức; các hình sắc, âm thanh, mùi hương, mùi vị, những cảm nhận thân và những đối tượng của tâm. Khi chúng liên tục khởi sinh, chúng ta liên tục điều tra với một sự kiên định nhất quán không để mất đi sự chánh niệm của mình. Rồi sau đó chúng ta sẽ biết được những thứ đó đích thực là gì. Chúng chỉ xuất hiện theo đường lối tự nhiên của chúng. Đó là lẽ tự nhiên đến đi, sinh diệt của chúng. Khi sự hiểu biết này của chúng ta tăng lên, trí tuệ được sinh ra. Một khi đã có sự hiểu biết rõ ràng (sự rõ biết) về đường lối diễn ra của mọi thứ, đúng như chúng đích thực là, thì những nhận thức (tưởng) của chúng ta từ trước giờ sẽ được bứng bỏ và sự hiểu biết trí thức theo khái niệm trước giờ sẽ biến chuyển thành trí tuệ đúng đắn. Đó là nói chung về cách giới, định, tuệ hợp nhất lại và hoạt động như một.

Khi trí tuệ gia tăng và mạnh mẽ hơn thì sự định tâm cũng trở nên mạnh chắc hơn theo. Khi định càng vững chắc và khó lay chuyển thì giới hạnh cũng bao trùm hơn và khó lay chuyển. Khi giới hạnh được hoàn thiện, nó dung dưỡng sự định tâm, và khi định gia tăng nó làm tăng độ chín chắn của trí tuệ. Ba mảng tu tập này đan quyện vào nhau. Khi hợp nhất vào nhau, ba phần này tạo thành Bát Thánh Đạo, con đường của Đức Phật. Khi giới, định, tuệ đạt đến đỉnh cao, con đường Đạo này có sức mạnh tẩy sạch mọi thứ đã làm ô uế và ô nhiễm sự tinh khiết nguyên sơ của cái tâm. Khi tham   muốn nhục dục khởi lên, khi sân giận và si mê có mặt, con đường Đạo này có năng lực cắt bỏ chúng đến tận gốc rễ.

Khuôn khổ của sự tu là Bốn Chân Lý [Tứ Diệu Đế] mà Đức Phật đã tìm ra, đó là: (i) Có sự khổ ở khắp nơi (dukkha), (ii) có nguyên nhân của khổ (samudaya), (iii) có sự chấm dứt khổ (nirodha), và (iv) có con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ (magga). Con đường Đạo này gồm ba phần là giới, định, tuệ; đó là khuôn khổ để tu tập cái tâm. Ý nghĩa đích thực của những danh từ đó không thể tìm thấy ở chỗ ngôn từ, mà nó được tìm thấy ở sâu trong tâm này, nhờ vào sự tu tập thực sự. Đó là giới, định, tuệ. Ba phần đó quay tròn liên tục. Bát Thánh Đạo bao trùm mọi hình sắc, âm thanh, mùi hương, mùi vị, cảm nhận của thân hoặc đối tượng của tâm. Khuôn khổ để tu hành theo Giáo Pháp chính là Tứ Diệu Đế: xoay quanh sự khổ. Tuy nhiên, nếu các phần của Bát Thánh Đạo vẫn còn yếu và song sênh, thì những ô nhiễm vẫn chiếm lĩnh trong tâm chúng ta. Nếu Bát Thánh Đạo được mạnh mẽ và dũng mãnh, nó sẽ chinh phục và tiêu diệt những ô nhiễm. Nếu những ô nhiễm quá mạnh và quá cương trong khi Đạo còn yếu sức và non nớt, thì lúc đó những ô nhiễm sẽ còn khuất phục Đạo. Lúc đó những ô nhiễm vẫn còn chinh phục cái tâm. Nếu sự biết còn chưa được nhanh và nhạy bén vào lúc các hình sắc, cảm giác, nhận thức, và ý nghĩ được trải nghiệm, thì những thứ [sắc, thọ, tưởng, hành] đó sẽ chiếm lĩnh tâm và phá hoại chúng ta. Con đường Đạo và những ô nhiễm diễn tiến theo kiểu như vậy. Khi sự tu tập trong tâm tiến triển, hai thế lực đó phải chiến đấu nhau để dành nhau từng bước tiến. Giống như có hai kẻ chiến đấu tranh cãi nhau bên trong tâm, phần ô nhiễm và phần Đạo đang chiến đấu với nhau để dành lấy thế chiếm lĩnh ở trong tâm. Đạo hướng dẫn và củng cố năng lực quán xét. Khi nào chúng ta có năng lực quán xét một cách chính xác, thì khi đó những ô nhiễm sẽ không còn đất sống. Nhưng nếu chúng ta còn non nớt, thì khi nào những ô nhiễm tụ tập lại và lấy lại sức mạnh của chúng, con đường Đạo phải thối lui nhường lĩnh địa cho chúng. Cả hai phe sẽ liên tục và liên tục chiến đấu… cho đến khi nào có kẻ chiến thắng hoàn toàn và cuộc chiến đấu đã được giải quyết xong.

Nếu chúng ta nỗ lực tu tập phát triển theo Giáo Pháp thì những ô nhiễm sẽ dần dần và chắc chắn bị bứng nhổ tận gốc. Khi Tứ Diệu Đế đã được tu tập hoàn toàn, nó sẽ cư ngụ luôn trong tâm chúng ta. Khi nào có khổ khởi sinh thì chắc chắc là có nguyên nhân của nó. Khổ có nguyên nhân của nó chứ không phải từ không đâu mà có. Đó là Diệu Đế thứ hai của Phật. Nhưng nguyên nhân là gì? Đó là do giới hạnh còn yếu. Định lực còn yếu. Trí tuệ còn yếu. Khi Đạo còn yếu không trụ được, thì những ô nhiễm chiếm lĩnh trong tâm này. Khi chúng chiếm lĩnh, Diệu Đế thứ hai tham dự cuộc chơi trong đó, và nó gây khởi sinh ra đủ loại khổ đau. Khi chúng ta đang bị khổ, thì những phẩm chất giúp giảm khổ cũng biến đâu mất. Những điều kiện (duyên) giúp khởi sinh con đường Đạo là giới, định, tuệ. Khi những phần này đạt được sức mạnh đầy đủ, thì con đường Đạo mới tiến tới và tiến mạnh và không thể ngăn được, sẽ không ngừng tấn tới để vượt qua sự dính chấp và ràng buộc đã gây ra cho chúng ta quá nhiều khổ thân và khổ tâm. Khổ sẽ không thể khởi sinh nữa, bởi Đạo đang tiêu diệt những ô nhiễm. Tại điểm này sự chấm dứt khổ diễn ra, ngay tại đây Diệu Đế thứ ba hiển hiện. Tại sao con đường Đạo có thể dẫn đến sự chấm dứt khổ?. Là bởi do giới, định, và tuệ đang đạt đến đỉnh hoàn thiện của chúng, và Đạo đã gom tụ chúng thành một cái đà mạnh mẽ và không thể nào ngăn chận được. Tất cả đều hội tụ về ngay đây. Tôi có thể nói rằng, nếu ai tu tập theo cách này thì những ý tưởng lý thuyết về cái tâm sẽ không thể hiện đúng như trong bức tranh hiện thực này. Nếu tâm được giải thoát khỏi những thứ (ô nhiễm) đó, thì nó chắc chắn là chỗ chắc chắn và đáng nương tựa. Từ giờ trở đi, dù tâm có tự chọn con đường nào của nó, chúng ta không còn cần phải uốn nắn hay dẫn đường thì nó mới đi thẳng được. Từ giờ tự nó đi sao cũng thẳng; nó đang thẳng tiến về mục tiêu cuối cùng.

Giờ tôi nói theo ví dụ thực. Hãy nhìn những lá trên cây xoài. Chúng trông ra sao? Chỉ cần chúng ta xem xét một lá xoài thì chúng ta có thể biết những lá xoài khác là ra sao. Chỉ cần biết một lá thì ta cũng biết hàng ngàn lá xoài khác cũng như nhau. Chúng như nhau. Thân cây xoài cũng vậy, chúng ta chỉ cần xem xét một thân xây xoài thì có thể suy ra những thân cây xoài khác, vì chúng đều là xoài mà. Đâu khác nhau. Một ngàn cây xoài khác cũng có tính chất tương tự như nhau. Đó là cách quy nạp suy ra mà Phật đã dạy.

Giới, định, tuệ tạo nên con đường Đạo của Phật. Nhưng con đường không phải là cốt lõi của Giáo Pháp. Bản thân con đường không phải là kết cục, không phải là mục tiêu cuối cùng rốt ráo của Phật. Nhưng đó là con đường dẫn dắt đi vào trong tâm, con đường hướng nội. Cũng giống như cách các thầy đã đi từ Bangkok đến chùa Wat Nong Pah Pong này. Đó không phải là con đường mà các thầy nhắm tới. Cái mục tiêu các thầy nhắm tới là cái chùa này, nhưng các thầy cần con đường đó để đi tới đích đây. Bản thân con đường các thầy đã đi không phải là cái chùa này. Đó chỉ là con đường dẫn đến cái chùa này. Nhưng nếu ai muốn đi đến cái chùa này, người đó cần phải đi theo con đường đó. Cũng giống như giới, định, và tuệ. Chúng ta có thể nói đó không phải là bản thể cốt lõi của Giáo Pháp, nhưng đó là con đường để đi đến Giáo Pháp. Khi giới, định, tuệ đã được nắm vững, kết quả sẽ là một sự bình an sâu lắng của tâm. Đó là mới là đích đến. Một khi chúng ta đã đạt đến sự bình an này, thì ngay cả khi chúng ta nghe thấy tiếng ồn hay bất cứ thứ gì, tâm vẫn bình tâm, không hề nao núng hay động vọng. Một khi chúng ta đạt đến sự bình an này, thì không còn gì phải làm nữa. Phật đã dạy buông bỏ tất tất cả mọi thứ. Bất cứ điều gì xảy ra, chúng ta không còn lo âu hay quan trọng nó nữa. Rồi thì, chúng ta tự mình thấy biết một cách thực thụ và không còn chút nghi ngờ. Chúng ta không còn tin một chiều theo những gì người khác nói.

Nguyên lý cốt lõi của Phật giáo là sự trống không [tánh không] của mọi hiện tượng. Phật giáo không dựa trên những sự biểu trưng thần kỳ của những năng lực thần thông, những năng lực siêu thường, hay bất kỳ thứ gì bí ẩn lạ thường nào. Phật không nhấn mạnh sự quan trọng của những thứ đó. Tuy vậy, những loại năng lực đó là có thực và có thể luyện tập được, nhưng khía cạnh này chỉ làm ngu mờ tính khoa học và ý nghĩa tuyệt luân của Giáo Pháp; do vậy Đức Phật đã không khuyến khích hay ủng hộ việc phát triển những loại năng lực thần thông đó. Phật chỉ khen ngợi những người biết tu tập để có năng lực giải thoát bản thân mình khỏi sự khổ. Để làm được việc đó đòi hỏi phải tu tập; và công cụ và trang bị để làm được công việc đó chính là lòng rộng lượng (hạnh bố thí), giới, định, và tuệ. Chúng ta phải nhận lấy các phần đó và tu tập chúng. Khi cùng được tu với nhau, chúng tạo thành con đường Đạo thiên hướng vào bên trong nội tâm, và trong các phần tu đó thì trí tuệ là đi đầu. Con đường Đạo này không thể chín muồi được nếu tâm vẫn còn bị bao bọc cứng chắc bởi những lớp ô nhiễm; nhưng nếu chúng ta nhiệt tâm và mạnh mẽ, con đường Đạo sẽ xóa sổ những lớp ô nhiễm ô uế đó. Tuy nhiên, nếu những ô nhiễm đó đậm đặc và mạnh bạo thì nó sẽ tiêu diệt con đường Đạo. Lý hai chiều đối kháng là vậy. Việc tu tập Giáo Pháp đơn giản liên quan đến việc hai thế lực này chiến đấu với nhau cho đến khi Đạo chiến thắng, và người tu đi đến kết cục của con đường. Hai thế lực đó tham gia vào cuộc liên tục và không ngừng cho đến tận lúc kết cục.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. GIỚI – ĐỊNH – HUỆ
  2. THIỀN ĐỊNH – HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ CHÍNH MÌNH
  3. TRÌ GIỚI BA LA MẬT

Bài viết khác của tác giả

  1. MỘT TÂM HỒN MẠNH MẼ
  2. TRÍ TUỆ PHÁT SANH
  3. SỰ KHÍCH LỆ CỦA PHẬT

Bài viết mới

  1. NGUỒN GỐC CỦA MA TRẬN THẦN THÁNH
  2. TRUNG ĐẠO
  3. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG