PIERO FERRUCCI
Trích: Giá Trị Của Sự Tử Tế; Phạm Quốc Anh dịch; NXB Hồng Đức.
Albert Schweitzer được hoàng gia Na Uy mời tới dự một bữa tiệc chiêu đãi, vinh danh ông sau khi được trao tặng giải Nobel Hòa Bình. Một dĩa cá trích được đặt trước mặt ông – là món mà ông không ăn được. Vì không muốn tỏ ra bất lịch sự, nên khi nữ hoàng vừa quay đi, ông nhanh chóng trút dĩa cá vào túi áo khoác của mình. “Ông ăn món cá trích này nhanh quá nhỉ”, nữ hoàng mỉm cười nhận xét: “Tôi mời ông ăn thêm chút nữa nhé?”.
Schweitzer ước gì ông đã không giấu bữa tối vào túi áo của mình. Khi ấy, ông cũng không thể từ chối, ít nhất là trong một dịp như thế. Dù đã phải dùng tới mánh khóe không mong muốn, có lẽ ông cũng không tiêu hóa nổi bữa ăn ngày hôm đó. Nó khiến ông không kìm được mà phải kể lại câu chuyện này. Và nó làm tôi băn khoăn, không biết liệu có bao nhiêu người trong chúng ta vẫn phải “giấu cá trích trong túi áo của mình”.
Ngay thẳng thường đi đôi với sự khó xử. Sự thật có thể sẽ gai góc và không dễ chịu. Nếu người nói ra sự thật không khéo léo, người nghe có thể sẽ phật lòng khi phát hiện ra rằng: “Tôi không thích kiểu đầu của bạn”, “Bữa tối em nấu dở quá”, “Em không muốn đi với anh tối nay đâu”, “Bạn cần lăn khử mùi kìa”, “Mẹ ơi, con là người đồng tính”. Những điều ấy thể hiện lòng tốt ra sao, trong khi lòng tốt được định nghĩa bằng tình thân, sự thoải mái và êm ái như nhung? Liệu trung thực và lòng tốt có đi đôi với nhau? Hay ta buộc phải chọn một trong hai?
Gia đình tôi từng đón một chuyến tàu lửa mà chưa mua vé. Chúng tôi định sẽ mua vé từ người soát vé trên tàu. Khi anh ta tới gần, tôi nói: “Nhà tôi tới ga ngay sát giờ khởi hành, nên giờ tôi muốn trả tiền vé”.
“Không, đâu phải như vậy”, Vivien vợ tôi đột ngột cao giọng: “Mình tới sớm mà”. Người soát vé nhìn có vẻ bối rối. Không phải Vivien muốn tôi gặp rắc rối, cô ấy chỉ đơn giản là không biết nói dối. Thực ra, lúc ấy tôi cũng nói thật. Chúng tôi có mặt ở ga mười phút trước giờ khởi hành, khó mà có đủ thời gian để mua vé từ máy bán vé mà tôi chưa sử dụng bao giờ. Người soát vé chấp nhận lời giải thích của tôi và khẽ nhìn tôi đầy cảm thông. Tôi đoán có lẽ anh ta cũng có vợ rồi.
Việc cảm thấy miễn cưỡng khi nói dối, dù có đáng xấu hổ như thế nào, là bản chất tự nhiên của con người – như một phản xạ vô điều kiện. Trước sự kiện tàu lửa, vợ tôi từng đi mua sắm cùng con trai 6 tuổi của chúng tôi, Jonathan. Khi cô ấy đang đổi trả một cái áo phông lấy một cái khác cỡ, Jonathan la lớn: “Nhưng mẹ ơi, mình đâu có mua cái áo đó ở đây! Mẹ mua nó ở chỗ khác mà”. Sau một thoáng ngưỡng ngùng, hóa ra vợ tôi đã mua cái áo từ cửa hàng khác nằm trong cùng một chuỗi thương hiệu với cửa hàng này. Và việc đổi trả, mặc dù là trường hợp hiếm thấy, vẫn được chấp nhận. Sự vô tư của con trẻ là điều rất đáng hoan nghênh, chỉ trừ những lúc chúng làm ảnh hưởng tới công việc thường ngày của chúng ta.
Thoạt nhìn, việc nói dối tưởng chừng là dễ dàng và thoải mái hơn như khi nói những sự thật khó khăn. Chính niềm tin này dẫn tới việc ta nói dối để che đậy khuyết điểm, tránh phải giải thích hay gặp rắc rối – chỉ vì lười biếng hoặc sợ hãi. Thế nhưng, đây lại là một sai lầm, càng để lâu càng khó sửa và khiến cuộc sống của chúng ta rối tung lên.
Máy phát hiện nói dối hoạt động dựa trên nguyên lý này. Khi ta nói dối, cơ thể bị đưa vào trạng thái căng thẳng. Trạng thái căng thẳng này có thể bị phát hiện qua việc đổ mồ hôi, tăng nhịp tim, căng cơ và tăng huyết áp. Những dấu hiệu này không dễ nhận biết, nhưng lại dễ dàng kiểm chứng bằng các thiết bị khoa học. Khi nói dối, ta đang cố biện hộ cho hành động của mình. Nếu ta vờ như mình đang nói thật, ta cần phải gắng sức rất nhiều, bởi ta vừa phải bịa ra một lời nói và vừa cảm thấy lo lắng nếu như bị phát hiện. Ta cố gắng để không bị lộ tẩy, vì thế ta nảy sinh sự lo âu.
Thật tốn sức! Kết quả mã hóa của hoạt động não bộ thấy khi ta nói dối, bộ não phải thực hiện một chuỗi những mệnh lệnh phức tạp mà lúc nói thật không cần đến. Nhà khoa học phát minh ra phương pháp mã hóa này cho rằng “về cơ bản” não bộ luôn vận hành để ta nói thật – nghĩa là con người được lập trình để trở nên chân thành.
Chân thành là cách để cảm thấy thanh thản. Vùng nước đục luôn ẩn chứa nhiều bất ngờ khó chịu. Vùng nước trong cho chúng ta nhìn thấu tới đáy biển – có thể có rác rưởi và mảnh vụn, nhưng còn có những chú cá màu sắc sặc sỡ, đám sò và sao biển nữa. Sự trung thực cho phép ta nhìn thẳng vào mắt người khác và nhìn thấu trái tim họ, bởi không hề có màn che hay sự giả dối nào ở giữa. Nó cho phép người khác nhìn thấy con người bên trong của ta và cho phép ta nhìn lại thay vì lảng tránh.
Trung thực thể hiện ở cả hai chiều – trong cách ta suy nghĩ về bản thân và cách ta hành xử với những người khác. Như nhà tâm lý học Sydney Jourard đã viết trong cuốn sách The Transparent Self (Tạm dịch: Nhìn thấu nội tâm), tự hiểu mình là điều tối cần thiết để có một tâm trí lành mạnh. Nhưng rất khó để làm được điều đó một mình. Ta cần giúp người khác hiểu mình trước, không giấu giếm điều gì.
Jourard coi tất cả những dấu hiệu tâm lý như lo sợ khi ra khỏi nhà hay trầm cảm là những tấm phông màn ta dựng nên nhằm trốn chạy khỏi mọi người. Khi ta hạ những màn chắn ấy xuống, ta sẽ cảm thấy thanh thản hơn. Tuy nhiên, cùng lúc ấy ta có thể học cách thành thực với bản thân, mở to mắt nhìn thẳng vào con người bên trong của chính mình thay vì ngoảnh mặt đi. Polonius có nói thế này trong vở kịch Hamlet: “Trên tất cả, hãy tự mình trở thành sự thật”.