MỐI QUAN HỆ GIỮA CHA MẸ VÀ NHÀ GIÁO

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Giáo Dục Và Ý Nghĩa Cuộc Sống; Bản dịch Đào Hữu Nghĩa; NXB Thời Đại.

Nếu người thầy thực sự quan tâm trẻ như mỗi cá nhân, cha mẹ sẽ tin cậy ông. Trong tiến trình này, người thầy giáo dục cha mẹ học sinh cũng như đang giáo dục chính mình, hai bên đang học lẫn nhau. Giáo dục chân chính là một nhiệm vụ có tính hỗ tương, qua lại lẫn nhau đòi hỏi nhẫn nại, coi trọng nhau và yêu thương. Những người thầy sáng suốt trong một cộng đồng sáng suốt có thể phân tích chi tiết kế hoạch làm cách nào nuôi dạy con trẻ và những thử nghiệm theo hướng đó phải được thực hiện ở qui mô nhỏ bởi các nhà giáo và phụ huynh quan tâm.

Có bao giờ cha mẹ tự hỏi tại sao họ có con không? Phải chăng họ có con để duy trì dòng họ, để kế tục giữ gìn tài sản của họ? Phải chăng họ muốn có con chỉ vì họ thích thế để thỏa mãn nhu cầu cảm xúc của họ? Nếu vậy thì con cái chỉ là sản phẩm của những dục vọng và sợ hãi của cha mẹ chúng.

Liệu cha mẹ có thể tự cho là mình yêu thương con cái chăng khi, bằng giáo dục sai lầm, họ nuôi dưỡng tính ghen tị, sự thù hằn và lòng tham? Phải là tình yêu đứng ra kích động sự đối địch về quốc gia và chủng tộc để dẫn đến chiến tranh tàn phá và khổ đau cùng cực, phải là tình yêu kích động khiến người chống lại người nhân danh tôn giáo và chủ nghĩa này khác không?

Nhiều bậc cha mẹ động viên con cái có lối sống xung đột và đau khổ, không chỉ bằng cách để cho trẻ bị giáo dục một cách sai lầm mà còn bằng chính cung cách sống của họ nữa; và khi trẻ trưởng thành và sống đau khổ, họ cầu nguyện cho trẻ tai qua nạn khỏi hoặc tìm cách đổ lỗi cho lối sống của trẻ. Sự đau khổ của cha mẹ đối với cái là một hình thái tự-xót-thương mình mang tính sở hữu chỉ tồn tại khi không có tình yêu.

Nếu cha mẹ thương yêu con cái của họ, họ sẽ không mang đầu óc quốc gia dân tộc; họ sẽ không tự đồng nhất vào với bất kỳ xứ sở nào, bởi vì sự sùng bái nhà nước tiếp tục mang đến chiến tranh, giết chết hoặc làm tàn tật những đứa con trai của họ. Nếu cha mẹ thương yêu con cái của mình, họ sẽ khám phá mối quan hệ đúng đắn với của cải tài sản là gì, bởi vì bản năng chiếm hữu đã gắn cho của cải một ý nghĩa sai lầm to lớn đang hủy diệt thế giới. Nếu cha mẹ yêu thương con cái, họ sẽ không thuộc vào bất kỳ tôn giáo có tổ chức nào, bởi vì giáo điều và tín điều chia rẽ con người thành nhiều chòm nhóm xung đột nhau, tạo ra sự đối địch giữa người và người. Nếu cha mẹ yêu thương con cái của mình, họ sẽ tránh xa tính ghen tị và sự tranh chấp, và khởi động cuộc thay đổi tận nền móng cấu trúc của xã hội ngày nay.

Bao lâu ta còn muốn con cái ta có quyền lực, có địa vị to lớn hơn và ngon lành hơn, ngày càng trở nên thành đạt hơn, thì dứt khoát trong tim ta không có tình yêu, bởi vì tôn thờ sự thành đạt là khuyến khích xung đột và đau khố. Thương yêu con cái ta là sống hoàn toàn hiệp thông với chúng, tức là thấy rằng chúng phải có một nền giáo dục chân chính giúp chúng sống nhạy cảm, trí tuệ và hợp nhất.

Điều trước tiên nhà giáo phải tự hỏi, khi ông quyết định muốn dạy học, là chính xác ông hiểu dạy là gì? Phải chăng ông sẽ dạy các môn học thông thường theo tập quán. Phải nhà giáo muốn qui định trẻ trở thành một cái răng bánh xe trong guồng máy xã hội, hay giúp đỡ trẻ thành một con người hợp nhất, sáng tạo, một mối đe dọa đối với các giá trị sai lầm? Nếu nhà giáo dục muốn giúp những sinh viên học sinh xem xét và thấu hiểu các giá trị và ảnh hưởng bao quanh em, và em là một thành phần, em không nên tự mình tri giác chúng sao? Nếu ta đui mù, ta có thể giúp người khác qua bờ bên kia chăng?

Chắc chắn trước hết, nhà giáo phải bắt đầu tự mình thấy. Ông phải luôn luôn cảnh giác, tri giác một cách quyết liệt chính những tư tưởng và cảm xúc của mình, tri giác mọi lối đi về của mình đều bị qui định, tri giác mọi hoạt động và phản ứng của mình, bởi vì từ sự quan sát đầy tỉnh thức này, trí thông minh hay trí tuệ xuất hiện và cùng với sự quan sát đó là một sự biến đổi tận gốc rễ trong mối quan hệ của người thầy với người và với vật.

Trí thông minh hay trí tuệ không có liên quan gì với việc thi cử cả. Trí tuệ là tri giác mang tính tự phát làm cho một người dũng mãnh và tự do. Để đánh thức trí tuệ nơi một đứa trẻ, ta phải bắt đầu tự ta thấu hiểu trí tuệ hay trí thông minh là gì, bởi vì làm sao có thể yêu cầu trẻ thông minh, nếu chính ta, trong nhiều lĩnh vực, không thông minh chi cả. Vấn đề không chỉ là những khó khăn của người sinh viên học sinh mà cũng của chính ta nữa: những nỗi sợ hãi, bất hạnh và thất vọng tích lũy làm cho ta mất tự do. Nhằm giúp trẻ thông minh, trí tuệ, ta phải phá vỡ ngay trong chính ta những chướng ngại làm cho ta ngu muội tối tăm và thiếu chú tâm.

Làm sao dạy con trẻ không cầu an cho riêng mình nếu chính ta lại đang cầu an chứ? Hy vọng nào cho con trẻ nếu ta, những người làm cha mẹ và nhà giáo, không hoàn toàn mẫn cảm với cuộc sống, nếu ta dựng lên những tường vách tự vệ quanh ta? Để khám phá ý nghĩa đích thực của cuộc đấu tranh mong cầu an toàn này khiến gây ra hỗn loạn đảo điên trong thế giới, ta phải bắt đầu đánh thức trí thông minh của chính ta bằng động-thái-tri-giác cái tiến trình tâm lý của ta, ta phải bắt đầu tra hỏi tất cả mọi giá trị hiện đang giam nhốt ta.

Ta không nên cứ tiếp tục vô tâm đút đầu vào cái mô hình trong đó ta đã từng được nuôi dạy, lớn lên. Bao giờ có thể có sự hài hòa trong cá nhân và do đó, trong xã hội nếu ta không thấu hiểu chính ta. Trừ phi nhà giáo dục thấu hiểu chính mình, trừ phi ông ta thấy những phản ứng bị qui định của chính mình và bắt đầu tự mình thoát khỏi các giá trị hiện hữu, còn không, làm cách nào ông ta có thể đánh thức trí thông minh trong đứa trẻ được chứ? Và nếu ta không thể đánh thức trí thông minh trong trẻ, thì chức năng, nhiệm vụ của giáo dục là gì chứ?

Chỉ bằng cách thấu hiểu mọi đường đi nước bước của chính tư tưởng và cảm xúc của ta, ta mới có thể thực sự giúp trẻ thành một con người tự do; và nếu nhà giáo dục quan tâm việc này bằng tất cả sức sống của mình, ông ta sẽ tri giác một cách mãnh liệt, sắc bén không chỉ đứa bé mà cả chính ông ta nữa.

Rất ít người trong chúng ta chịu quan sát chính tư tưởng và cảm xúc của mình. Nếu chúng rõ ràng là xấu xa, ta không hiểu hết ý nghĩa của chúng mà chỉ cố ngăn chặn chúng, hoặc gạt chúng qua một bên. Ta không tri giác sâu chính ta; tư tưởng và cảm xúc của ta vốn rập khuôn, tự động. Ta học được một ít môn học hay chủ đề nào đó, thu gom một số kiến thức và rồi cố gắng truyền đạt những hiểu biết đó cho bọn trẻ.

Nhưng nếu ta quan tâm bằng tất cả sức sống của mình, ta sẽ khám phá không chỉ những thử nghiệm nào được áp dụng trong giáo dục khắp nơi trên thế giới, mà ta còn muốn hiểu thật rõ về thái độ tiếp cận của ta với toàn cả vấn đề này, ta sẽ tự hỏi tại sao và nhằm mục đích gì, giáo dục bọn trẻ và chính tay ta sẽ tra xét sâu vào ý nghĩ của cuộc sinh tồn, vào mối quan hệ của cá nhân với xã hội và v.v.. Các nhà giáo dục dứt khoát phải tri giác các vấn đề này và cố gắng giúp trẻ phát hiện sự thật liên quan đến các vấn đề ấy. Không áp đặt lên trẻ những đặc tính và tập quán tư tưởng của họ.

Chỉ đi theo một hệ thống, dù là chính trị hay giáo dục, sẽ không bao giờ giải quyết được nhiều vấn đề xã hội của ta; và điều quan trọng hơn cả là thấu hiểu cái cung cách ta tiếp cận vấn đề chứ không phải thấu hiểu chính vấn đề.

Nếu muốn cho đứa bé thoát khỏi sợ hãi – dù là sợ cha mẹ, môi trường hay sợ Thượng Đế – tự thân nhà giáo dục phải không sợ hãi. Nhưng đó là chỗ khó: tìm thấy những người thầy mà bản thân họ không phải là nạn nhân của một nỗi sợ hãi nào đó. Sợ hãi làm cho tư tưởng hẹp hòi nhỏ nhen và hạn chế sáng kiến, và người thầy còn sợ hãi rõ ràng không thể truyền đạt cái ý nghĩa sâu sắc của hành động sống không sợ hãi. Giống như tính thiện, sợ hãi vốn lây lan. Nếu tự thân nhà giáo dục còn sợ hãi một cách bí mật, ông ấy sẽ chuyển sợ hãi đó sang học, sinh của mình, tuy sự ô nhiễm có thể chưa thấy tức thì.

Giả sử rằng, nhà giáo sợ dư luận chẳng hạn; ông ấy thấy sự vô lý của cái sợ này nhưng không thể vượt qua được. Ông ta phải làm gì? Tối thiểu ông ấy có thể tự nhận ra cái sợ đó nơi mình, và có thể giúp học sinh hiểu sự sợ hãi này bằng cách trình bày rõ cái phản ứng tâm lý của chính ông và công khai thảo luận về tài này với học sinh thái độ thành khẩn và trung thực này sẽ là nguồn động viên lớn lao đối với học sinh và khiến chúng cũng cởi mở và thẳng thắn với nhau và với người thầy.

Để cho trẻ sự tự do, nhà giáo dục tự mình phải tri giác những ẩn ý và tất cả nghĩa lý của sự tự do. Gương mẫu và cưỡng bách bất kỳ dạng nào đều không giúp tạo ra sự tự do, và chỉ trong tự do mới có thể có tuệ giác và tự mình khám phá chính mình.

Đứa bé bị ảnh hưởng bởi người và vật quanh nó, và nhà giáo dục chân chính phải giúp trẻ khám phá các ảnh hưởng và giá trị đích thực của chúng. Các giá trị chân chính không được phát hiện thông qua quyền lực của xã hội và truyền thống, chỉ có sự chú tâm của cá nhân mới có thể phát giác chúng.

Nếu ta hiểu sâu điều này, ta sẽ khuyến khích học sinh sinh viên ngay từ đầu đánh thức tuệ giác để thâm nhập vào các giá trị hiện nay của cá nhân và xã hội. Ta sẽ động viên trẻ khám phá, không phải bất kỳ một số giá trị đặc biệt nào, mà là giá trị của tất cả sự vật. Ta sẽ giúp trẻ không sợ hãi, tức là thoát ly mọi sự thống trị, dù là bởi thầy giáo, gia đình hay xã hội, sao cho, trong tư cách một cá nhân, trẻ có thể nảy nở trong tình yêu và sự tốt lành. Trong động thái giúp đỡ người học sinh hướng về tự do như thế, nhà giáo dục cũng đang thay đổi các giá trị của chính mình; nhà giáo dục cũng đang bắt đầu loại bỏ cái tôi và cái “của tôi” của chính mình, nhà giáo cũng đang nảy nở trong tình yêu và sự tốt lành. Cái tiến trình hỗ tương giáo dục này tạo ra một mối quan hệ hoàn toàn khác giữa thầy và trò.

Thống trị và cưỡng bách bất kỳ loại nào đều là trở ngại trực tiếp đối với sự tự do và trí tuệ. Nhà giáo dục chân chính không có uy lực, quyền lực trong xã hội; ông ta vượt thoát mọi sắc lệnh và qui định của xã hội. Nếu ta muốn giúp người học trò tự thoát ly những chướng ngại của mình, do chính mình và môi trường tạo ra, thì mọi hình thái cưỡng bách và thống trị phải được thấu hiểu và loại bỏ, và điều này không thể thực hiện nếu nhà giáo dục không tự mình thoát ly mọi quyền lực có khả năng làm cho hư hỏng, què quặt đi.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHA MẸ VÀ NHÀ GIÁO
  2. LOẠI HÌNH GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN

Bài viết khác của tác giả

  1. GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN – KRISHNAMURTI BÀN VỀ GIÁO DỤC
  2. TÂM THỨC HOÀN TOÀN TỰ DO, KHÔNG PHÂN MẢNH LÀ MỘT TRẠNG THÁI CÓ TRẬT TỰ
  3. CỐNG HIẾN ĐỜI MÌNH CHO CÔNG CUỘC GIÁO DỤC CHÂN CHÍNH

Bài viết mới

  1. SỰ KHIÊM TỐN THUYẾT PHỤC
  2. TU TẬP THIỀN BẰNG CÁCH QUÁN TÂM TRONG TĨNH LẶNG
  3. TRAO MỘT LỜI KHEN