CHA MẸ VÀ NHÀ GIÁO

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Giáo Dục Và Ý Nghĩa Cuộc Sống; Bản dịch Đào Hữu Nghĩa; NXB Thời Đại.

 

Giáo dục chân chính bắt đầu với nhà giáo dục, ông ấy phải thấu hiểu chính mình và thoát khỏi các mô hình tư tưởng thiết lập sẵn, bởi vì nhà giáo dục là sao thì ông ta truyền đạt là vậy. Nếu ông đã không được giáo dục đúng đắn, ông có thể dạy gì ngoài các mớ kiến thức máy móc cũ mèm trên đó chính ông đã được nuôi dạy và lớn lên chứ? Cho nên, vấn đề không phải là đứa trẻ mà là cha mẹ và nhà giáo; vấn đề là giáo dục nhà giáo dục.

Nếu ta là những nhà giáo dục, ta không thấu hiểu chính ta, nếu ta không thấu hiểu mối quan hệ của ta với đứa trẻ mà chỉ nhồi nhét kiến thức và giúp trẻ vượt qua các kỳ thi, thì làm thế nào ta có thể tạo ra một nền giáo dục mới được chứ? Người học trò có đó để được hướng dẫn và giúp đỡ; nhưng nếu người đứng ra hướng dẫn và giúp đỡ tự bản thân rối loạn và hạn chế, có tinh thần quốc  gia dân tộc hẹp hòi và nặng lý thuyết, tự nhiên thầy sao thì trò vậy, và giáo dục trở thành nguồn gốc gia tăng hỗn loạn và đấu tranh.

Nếu ta thấy sự thật của điều này, ta sẽ hiểu ra việc ta bắt đầu tự giáo dục chính ta một cách đúng  có tầm quan trọng ra sao. Quan tâm việc tự giáo dục lại chính ta vô cùng cần thiết hơn là lo lắng tương lai, hạnh phúc và sự an toàn của đứa trẻ.

Giáo dục nhà giáo dục – tức là, nhà giáo dục phải hiểu chính mình – là một công việc khó khăn hơn cả bởi vì phần đông chúng ta đã bị đóng băng trong một hệ tư tưởng hay một mô hình hành động; ta đã tự phó thác cho một hệ tư tưởng nào đó, cho một tôn giáo hay cho một chuẩn mực đạo đức đặc biệt nào đó. Thế nên, ta mới dạy cho con trẻ nghĩ gì chứ không phải nghĩ cách nào.

Ngoài ra cha mẹ và nhà giáo dục còn bị bận rộn túi bụi bởi chính những xung đột và phiền não của riêng họ. Giàu hay nghèo, phần đông cha mẹ đều bị lôi cuốn bởi những âu lo và thử thách cá nhân. Họ không quan tâm mấy xã hội hiện tại và sự sa đọa của đạo đức mà chỉ muốn rằng con cái họ sẽ được trang bị tốt để sống yên ổn trong thế giới này. Họ lo lắng tương lai của con cái họ, họ muốn con cái họ được học hành đỗ đạt để nắm những địa vị an toàn hay lấy vợ lấy chồng êm ấm hạnh phúc.

Trái ngược với những gì thông thường người ta tin tưởng, phần đông cha mẹ không thương yêu con cái của họ dù rằng họ nói “thương yêu” chúng. Nếu cha mẹ thực sự yêu thương con cái mình thì không thể có việc nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình và quốc gia đối kháng với toàn thể, khiến dấy sinh chia rẽ về mặt xã hộ chủng tộc giữa con người với nhau và tạo ra chiến tranh và chết đói. Điều này thực sự lạ lùng là người ta luyện một cách nghiêm ngặt để thành luật sư hay bác sĩ, còn khi họ có thể trở thành cha mẹ thì không phải chịu bất kỳ một sự rèn luyện nào cả để thích hợp với công việc tối quan trọng này.

Gia đình với các khuynh hướng phân biệt thường khuyến khích cái tiến trình cô lập phổ biến, bởi đó gia đình trở thành một nhân tố có khả năng đưa đến sa đọa, hư hỏng trong xã hội. Chỉ khi nào có tình yêu và trí tuệ, các bức tường cô lập mới sụp đổ, và bấy giờ, gia đình không còn là một vòng tròn khép kín, không còn là một nhà tù cũng như nơi lánh nạn; bấy giờ những người làm cha mẹ mới sống thân thiết, cảm thông không chỉ với con cái của họ mà cả với hàng xóm láng giềng.

Bị cuốn hút vào các vấn đề riêng tư của mình, nhiều cha mẹ chuyển trách nhiệm mưu cầu hạnh phúc cho con cái của họ sang nhà giáo, thế nên, điều quan trọng là nhà giáo dục cũng phải giúp đỡ bằng giáo dục cha mẹ học sinh.

Nhà giáo dục phải nói với họ, giải thích rằng tình trạng hỗn loạn đảo điên của thế giới phản ánh chính sự hỗn loạn đảo điên của cá nhân họ. Họ phải vạch rõ rằng tiến bộ khoa học tự thân nó không thể tạo ra một cuộc thay đổi triệt để trong các giá trị hiện hữu; rằng sự đào tạo, rèn luyện kỹ thuật công nghệ, hiện nay được gọi là giáo dục, đã không cho con người sự tự do hay làm cho con người hạnh phúc hơn; và rằng qui định sinh viên học sinh chấp nhận môi trường sống hiện tại không dẫn đến trí tuệ hay trí thông minh được. Nhà giáo dục phải trình bày với họ những điều ông dự định làm cho bọn trẻ và cách ông làm ra sao. Ông phải đánh thức sự tin cậy của cha mẹ học sinh, không phải bằng cách cho rằng mình có uy quyền của một nhà chuyên môn đối xử với những người dân thường dốt nát, mà là trao đổi với họ tất cả những gì có liên quan đến trẻ như tính khí, những khó khăn, những khả năng của trẻ và v.v…

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. GIÁO DỤC VÀ Ý NGHĨA CUỘC SỐNG
  2. GIÁO DỤC LÀ TỰ THẤU HIỂU CHÍNH MÌNH

Bài viết khác của tác giả

  1. TÔI KHÔNG BIẾT
  2. BÀI CA VỀ CÁI THÂN YÊU
  3. TÌNH YÊU LÀ THỰC TẠI

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ