GIÁO DỤC VÀ Ý NGHĨA CUỘC SỐNG

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Giáo Dục Và Ý Nghĩa Cuộc Sống; Bản dịch: Đào Hữu Nghĩa; Công ty Sách Thời Đại và NXB Thời Đại.

 

Khi ta du lịch quanh thế giới, ta để ý thấy bản chất của con người giống nhau đến độ kỳ lạ, dù ở Ấn Độ hay ở Mỹ, ở Âu châu hay ở Úc. Điều này cũng đặc biệt đúng trong các trường cao đẳng và đại học. Ta đang đào tạo như từ một khuôn mẫu, một típ người chỉ để cầu an, để trở thành người quan trọng, hoặc để có nhiều thời gian sống thoải mái nhưng càng ít suy nghĩ nếu có thể.

Cái lối giáo dục theo qui ước xã hội làm cho tư duy mang tính độc lập còn khó hơn lấy sao trên trời. Giáo dục hay đào tạo để thích nghi với tập quán, tức rập khuôn bắt chước, dẫn đến chất lượng cuộc sống tầm thường xoàng xĩnh. Sống khác với cộng đồng, với đoàn thể hoặc kháng cự lại môi trường là điều không dễ và thường nhiều rủi ro bao lâu ta còn tôn sùng sự thành đạt. Ham muốn thành đạt một cách mãnh liệt, tức là truy tìm ban thưởng trong lãnh vực vật chất hoặc trong cái gọi tinh thần cầu an ở nội tâm hay ngoại cảnh, muốn bớt khổ, đỡ khổ – toàn cả tiến trình ấy bóp chết tình tự bất mãn, chấm dứt tính tự phát và khiến sinh sợ hãi, và sợ hãi ngăn chặn ta hiểu cuộc sống bằng trí tuệ. Với tuổi đời chồng chất, tâm và trí trở nên cùn lụt, tối tăm.

Trong cuộc cầu an để thấy bớt đau, đỡ khổ, ta thường tìm vào một góc yên tĩnh trong cuộc sống, ở đó có thật ít xung đột, và rồi ta ngại bước ra khỏi vùng cô lập đó. Cái nỗi sợ phải sống, sợ đấu tranh, và sợ phải trải qua những kinh nghiệm mới, giết chết trong ta tinh thần mạo hiểm khám phá. Toàn cả sự nuôi dưỡng và giáo dục của ta đã khiến ta sợ mình khác với người hàng xóm, sợ nghĩ khác, nghĩ ngược lại với mô hình có sẵn của xã hội, tôn kính một cách sai lầm quyền lực và truyền thống.

May mắn cũng còn có một số ít người vốn nghiêm túc và tha thiết muốn xem xét các vấn đề của nhân loại ta mà không có thành kiến của phe tả hay phe hữu chi cả, nhưng trong phần đông chúng ta, không còn có cái tinh thần thực sự bất mãn, phản kháng. Khi ta chấp nhận môi trường hay hoàn cảnh mà không hiểu, mọi tinh thần phản kháng mà ta có thể đã có đều chết đi và trách nhiệm của ta sớm chấm dứt.

Phản kháng có hai loại: phản kháng bằng bạo lực vốn chỉ là phản ứng, không có sự chống lại trật tự hiện hữu; và có một sự phản kháng tâm lý sâu sắc của trí thông minh hay trí tuệ. Có nhiều người phản kháng lại những thế lực chính thống đã được thiết lập chỉ để rơi vào các thế lực chính thống mới khác, các ảo tưởng mới khác cùng những đam mê thầm kín của tự ngã. Điều thường thấy xảy ra là khi ta rời bỏ một đoàn thể hay các lý tưởng này và gia nhập vào đoàn thể khác, chấp nhận các lý tưởng khác, động thái đó tạo ra một mô hình tư tưởng mới để rồi ta sẽ chống lại nữa. Phản ứng chỉ khiến sinh đối nghịch, và cải tạo thì cần cải tạo lại nữa.

Nhưng có một cuộc phản kháng thông minh, trí tuệ, vốn không phải là phản ứng, và cùng đến với sự tự tri, tức là bằng cách tri giác chính tư tưởng và cảm xúc của mình. Chỉ khi nào ta giáp mặt với kinh nghiệm y như nó đang đến, không lẫn trốn mọi hình thức rối loạn, ta mới giữ trí thông minh hay trí tuệ tỉnh thức tối thượng là trực giác, là kim chỉ nam độc nhất đích thực trong cuộc sống.

Bây giờ, ý nghĩa của cuộc sống là gì? Ta sống và đấu tranh cho cái gì? Nếu ta được giáo dục nhằm để khác người, để nổi tiếng, lỗi lạc, xuất chúng, để đạt được một việc làm ngon lành hơn, có năng lực hơn, có tầm ảnh hưởng rộng hơn lên nhiều người khác, bấy giờ cuộc sống ta sẽ nông cạn và rỗng tuếch. Nếu ta được giáo dục để làm nhà khoa học, học giả gắn bó với kinh sách, hoặc những chuyên gia say mê kiến thức, bấy giờ ta sẽ đóng góp vào công cuộc hủy diệt và tạo khổ cho thế giới.

Mặc dù cuộc sống có một ý nghĩa cao và rộng hơn, nhưng nếu ta không bao giờ khám phá được nó thì sự giáo dục của ta có giá trị gì chứ? Ta có thể có học thức cao, nhưng nếu ta không hợp nhất một cách sâu xa tư tưởng và cảm xúc, cuộc sống của ta sẽ hoàn toàn mâu thuẫn và bị xâu xé bởi nhiều nỗi sợ hãi, và bao lâu giáo dục không sản sinh ra được một cái nhìn hợp nhất nguyên vẹn về cuộc sống thì nó có rất ít ý nghĩa.

Trong nền văn minh hiện giờ của ta, ta đã chia cuộc sống thành quá nhiều phần tách biệt nhau nên giáo dục có rất ít ý nghĩa, ngoại trừ việc học một kỹ thuật hay một nghề nghiệp. Thay vì đánh thức trí thông minh hay trí tuệ mang tính hợp nhất nguyên vẹn của cá nhân, giáo dục lại khuyến khích cá nhân sống thích nghi hay rập khuôn theo một mô hình, và do đó, cản trở cá nhân tự thấu hiểu chính mình như một tiến trình toàn vẹn. Cố gắng giải quyết nhiều vấn đề của cuộc sống ở từng bình diện riêng rẽ, phân biệt vấn đề thành nhiều chủng loại khác nhau, chỉ ra một sự thiếu hiểu biết cực kỳ.

Cá nhân được hình thành từ nhiều thực thể khác biệt, nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của các sự khác biệt đó và khuyến khích phát huy một chủng loại nhất định nào đó chỉ dẫn đến nhiều điều phức tạp và mâu thuẫn. Giáo dục phải tạo ra một sự hợp nhất toàn vẹn các thực thể tách biệt ấy – bởi vì không hợp nhất, thống nhất, cuộc sống trở thành một chuỗi gồm những xung đột và đau khổ. Được đào tạo thành những luật sư có giá trị gì chứ nếu ta cứ duy trì mãi sự tranh chấp, tranh tụng? Tri kiến thức có giá trị gì chứ nếu ta vẫn tiếp tục sống trong hỗn loạn đảo điên? Cái năng lực về kỹ thuật và công nghiệp này có ý nghĩa gì chứ nếu ta sử dụng nó để tiêu diệt lẫn nhau? Ý nghĩa của cuộc tồn sinh này là gì nếu nó chỉ dẫn đến bạo lực và khổ đau cùng cực? Dù ta có thể có nhiều tiền và có khả năng kiếm tiền, dù ta có đủ mọi khoái lạc và các tôn giáo có tổ chức, ta vẫn sống triền miên trong xung đột.

Ta phải phân biệt giữa cá thể, the personal, và cá nhân, the individual. Cá thể vốn bất thường; tôi hiểu bất thường là hoàn cảnh sinh ra đời, môi trường trong đó ta đã được nuôi dưỡng với tinh thần quốc gia dân tộc, với những mê tín, phân biệt giai cấp và định kiến. Cá thể hay cái bất thường chỉ mang tính nhất thời, nhưng cái nhất thời đó có thể kéo dài cả một đời người; và bởi vì hệ thống giáo dục hiện tại dựa trên cá thể, cái bất thường, cái nhất thời nên nó dẫn đến sự hư hỏng, lệch lạc của tư tưởng và vô số những nỗi sợ hãi mang tính tự vệ.

Tất cả chúng ta đã được rèn luyện bởi giáo dục và môi trường để tìm kiếm lợi lộc và sự an toàn, và đấu tranh vì chính mình, ta che đậy điều đó bằng những cụm từ hay, đẹp, ta đã được đào tạo nhằm vào các nghề nghiệp khác biệt trong một cơ chế dựa trên sự bóc lột và vừa kiếm ăn vừa sợ hãi. Một lối giáo dục và đào tạo như thế chắc chắn phải đem lại hỗn loạn và đau khổ cho chúng ta và thế giới, bởi vì nó tạo ra trong mỗi cá nhân những rào cản tâm lý phân cách và cầm giữ cá nhân tách biệt với những người khác.

Giáo dục không chỉ là việc rèn luyện trí não. Rèn luyện tạo ra hiệu quả, nhưng không đem lại sự đầy đủ trọn vẹn. Một trí não chỉ được rèn luyện, nó là sự tiếp nối của quá khứ, và một trí não như thế không bao giờ có thể khám phá cái mới. Thế nên, để  khám phá xem một nền giáo dục đúng đắn là gì, ta phải tra xét sâu vào toàn bộ ý nghĩa của cuộc sống.

Đối với phần đông chúng ta, ý nghĩa của cuộc sống như một toàn thể thống nhất, hợp nhất, không phải là điều quan trọng nhất, do đó, giáo dục của ta nhấn mạnh và phát huy những giá trị thứ yếu, chỉ biết đào tạo ra thành người có năng lực với một số kiến thức chuyên môn. Tuy kiến thức và năng lực là cần thiết, nhưng xem chúng là quan trọng thiết yếu chỉ dẫn đến xung đột và hỗn loạn.

Có một thứ năng lực lấy cảm ứng từ tình yêu, lòng từ vượt xa và vĩ đại hơn nhiều lắm so với năng lực bắt nguồn từ tham vọng và không tình yêu – tình yêu khiến ta thấu hiểu cuộc sống một cách nhất quán – năng lực sinh ra tàn nhẫn khủng khiếp. Phải chăng sự thể này đang thực sự diễn ra trên toàn thế giới? Giáo dục hiện nay của ta ăn khớp như một bánh răng vào guồng máy công nghiệp hóa và chiến tranh, mà mục tiêu chính yếu là phát huy năng lực; và ta đang bị lôi cuốn vào guồng máy cạnh tranh tàn bạo và tiêu diệt lẫn nhau này. Nếu giáo dục dẫn đến chiến tranh, nếu giáo dục dạy ta đi tiêu diệt hoặc để bị tiêu diệt, giáo dục đó đã không hoàn toàn bị phá sản rồi sao?

Để tạo ra một nền giáo dục đúng đắn, hiển nhiên là ta phải thấu hiểu ý nghĩa của cuộc sống như một toàn thể nguyên vẹn, và cũng nhằm mục đích đó, ta phải đủ khả năng suy tư, không phải một cách kiên định, mà là một cách trực tiếp và chân thực. Người tư tưởng có tính kiên định là người thiếu tư tưởng vì người ấy chỉ rập khuôn theo một mô hình, lặp lại những câu nói và suy nghĩ theo thói quen. Ta không thể hiểu cuộc sống một cách trừu tượng hay lý thuyết. Thấu hiểu cuộc sống là thấu hiểu chính ta và đó là khởi đầu và chung cuộc của giáo dục.

Giáo dục không chỉ là thu thập kiến thức, góp nhặt và lập mối tương quan các sự kiện; giáo dục là thấy ý nghĩa của cuộc sống như một toàn thể nguyên vẹn. Nhưng không thể tiếp cận cái toàn thể bằng cái thành phần – đây là việc mà các nhà cầm quyền, các tổ chức tôn giáo và các đảng phải độc đoán nổ lực làm.

Chức năng của giáo dục là đào tạo những con người hợp nhất và do đó, có trí tuệ hay trí thông minh. Ta có thể có học vị, bằng cấp và có năng lực một cách máy móc mà không có trí tuệ. Trí tuệ hay trí thông minh không đơn thuần là kiến thức, nhiều thông tin; trí tuệ không bắt nguồn từ sách vở kinh điển, cũng không phải cốt ở những phản ứng tự vệ lanh lợi và những khẳng định mang tính gây hấn. Người thất học có thể thông minh hơn người có học. Ta đã biến các kỳ thi và bằng cấp thành chuẩn mực của trí thông minh và đã phát triển những trí não xảo quyệt luôn lẫn tránh các vấn đề sinh tử của nhân loại. Trí tuệ hay trí thông minh là khả năng tri giác cái cốt tủy, cái đang là, the what is, và đánh thức cái khả năng này, trong chính ta và trong nhiều người khác, là giáo dục.

Giáo dục phải giúp chúng ta khám phá các giá trị bền vững, sao cho ta không còn chỉ biết bám chấp vào những công thức, hoặc lặp lại mãi những khẩu hiệu; giáo dục phải giúp chúng ta phá bỏ những rào cản quốc gia và xã hội, thay vì nhấn mạnh và quan trọng hóa chúng, bởi vì chúng nảy sinh sự thù địch giữa người và người. Bất hạnh thay, hệ thống giáo dục hiện nay biến ta thành người nô lệ, người máy, và người tận trong sâu thẳm không biết chú tâm là gì; tuy giáo dục có đánh thức ta về mặt lý trí, nhưng ở nội tâm, giáo dục bỏ mặc ta sống thiếu thốn, vô hiệu và phi sáng tạo.

Không có một động thái thẩu hiểu hợp nhất cuộc sống, các vấn đề mang tính cá nhân và cộng đồng của ta sẽ chỉ sâu thêm và mở rộng. Mục đích của giáo dục không phải chỉ sản xuất ra nhiều học giả, kỹ thuật gia, và những tay săn việc làm, mà là những con người, nam cũng như nữ, có trí não hợp nhất thoát khỏi sợ hãi, chỉ giữa những con người như vậy mới có thể có hòa bình bền vững.

Trong động thái thấu hiểu chính ta, tức tự tri, tự giác, sợ hãi mới chấm dứt. Nếu cá nhân buộc phải tiếp cận cuộc sống từng phút từng giây, phải đối mặt với những rối rắm, phức tạp, những nỗi khổ đau khốn cùng và đòi hỏi đột xuất của mình, cá nhân phải có một trí não cực kỳ uyển chuyển và do đó, thoát khỏi mọi học thuyết, lý thuyết, và các mô hình tư tưởng đặc biệt.

Giáo dục không được phép khuyến khích cá nhân sống rập khuôn theo xã hội hoặc sống hài hòa một cách tiêu cực với xã hội mà phải giúp cá nhân khám phá các giá trị đích thực, chân thực vốn chỉ xuất hiện thông qua một cuộc tra xét tuyệt dứt thành kiến, định kiến và tự giác. Khi không có tự tri thì sự tự-thể-hiện trở thành sự tự-khẳng-định kéo theo tất cả những xung đột có tính gây hấn và đầy tham vọng. Giáo dục phải đánh thức năng lực tự tri tự giác chứ không phải chỉ say mê thỏa mãn với sự tự thể hiện.

Học hành có tốt đẹp lợi ích gì chứ nếu trong tiến trình sống ta hủy diệt lẫn nhau? Bởi vì ta đã có hàng loạt những cuộc chiến tranh tàn phá khủng khiếp, dứt cuộc này có ngay cuộc khác, rõ ràng có điều gì đó sai lầm một cách cơ bản, tận nền tảng, trong cung cách ta nuôi dậy con cái chúng ta, nhưng ta không biết cách nào để giải quyết.

Các hệ thống, dù là về giáo dục  hay về chính trị đã không được thay đổi một cách thật bí ẩn, khó hiểu; chúng chỉ được biến đổi khi tự trong ta có một cuộc thay đổi cơ bản. Quan trọng đầu tiên là cá nhân, chứ không phải hệ thống; và bao lâu cá nhân chưa thấu hiểu toàn bộ tiến trình tự ngã của mình thì không hệ thống nào, dù thuộc cánh tả hay cánh hữu, có thể đem lại trật tự và hòa bình cho thế giới.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. GIÁO DỤC PHẬT GIÁO – CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA TOÀN DIỆN
  2. Ý NGHĨA ĐỜI SỐNG
  3. LOẠI HÌNH GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN

Bài viết khác của tác giả

  1. TÔI KHÔNG BIẾT
  2. BÀI CA VỀ CÁI THÂN YÊU
  3. TÌNH YÊU LÀ THỰC TẠI

Bài viết mới

  1. HÌNH ẢNH CỦA CHÍNH MÌNH – ĐỜI THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI
  2. TÂM TA TẠO NÊN TOÀN BỘ THẾ GIỚI
  3. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH