SYLVIA BOORSTEIN
Trích: Đơn Giản Hơn Ta Nghĩ - Con Đường Hạnh Phúc Theo Lời Phật Dạy; Nguyễn Duy Nhiên dịch; NXB Phương Đông.
Terry Rice, cầu thủ bắt banh nổi tiếng của đội banh bầu dục San Franciso, trong một cuộc phỏng vấn nói về những thành tích của anh trong quá khứ. Người phóng viên hỏi: “Anh còn muốn đạt thêm một thành tích mới nào nữa không?”. Jerry mỉm cười đáp: “Tôi muốn đạt được hết tất cả!”. Người phóng viên hỏi tiếp: “Trong số tất cả những kinh nghiệm vui nhất trong sự nghiệp chơi banh của anh, anh có thể kể lại một kinh nghiệm nào đã đem lại cho anh niềm vui to tát nhất không?”.
“Tôi còn nhớ trong trận đá chung kết Super Bowl XXII”, Jerry đáp, “Đó là lần đầu tiên tôi được chơi trong một trận chung kết. Vào hai phút cuối trước khi cuộc chơi chấm dứt, Joe Montana ném banh cho cầu thủ John Taylor, anh ta đang đứng trong vùng đất cấm của đối phương, khi Taylor bắt được quả banh ấy, tôi cảm thấy một nỗi vui thật lớn như chính mình đã bắt được banh vậy”.
Đó là một niềm vui của tâm hỷ, của lòng vị tha, vui với niềm vui của kẻ khác – một niềm vui trong giây phút hiện tại mà đối tượng của nó hoàn toàn không quan trọng. Niềm vui của tất cả mọi người đều được chia sẻ đồng đều.
Có một lần tôi được nghe đức Đạt Lai Lạt Ma dạy về sự khôn ngoan của việc đặt hạnh phúc người khác lên, ít nhất là cũng ngang hàng với của mình. Ngài giải thích, số người chung quanh ta rất nhiều, thành thử cơ hội có hạnh phúc của ta sẽ tăng lên vô cùng tận nếu ta biến kinh nghiệm hạnh phúc của người khác như là của chính ta. Trên hành tinh này, cơ hội để cảm thấy hạnh phúc của tôi sẽ được tăng lên gấp hơn 5,5 tỷ lần nếu tôi biết thực hiện việc ấy. Đó là một lợi thế rất lớn!
Vì bản chất của niềm vui vị tha, của tâm hỷ, là hạnh phúc chứ không phải khổ đau, ta cứ tưởng là nó sẽ dễ thực hiện lắm. Nhưng thật ra nó lại phức tạp và rắc rối vô cùng. Tôi nghĩ, thường thường chúng ta hầu hết ai cũng đã có lần cảm nhận được niềm vui của tâm hỷ. Có việc gì may mắn xảy ra cho một người khác, ta cảm thấy vui thành thật. Nhưng rồi, từ cái tâm chưa được hài lòng hoàn toàn của ta, lại có một ý nghĩ khởi lên: “Ước gì mình cũng được chút may mắn như người ấy!”.
Tôi nhận thấy việc ấy xảy ra mỗi khi tôi xem những chương trình quảng cáo trên ti-vi về những người vừa trúng một giải xổ số. Ta nhìn thấy một người vừa ra mở cửa nhà của anh hoặc chị ta thì được trao cho một tấm chi phiếu 10 triệu đô-la. Tôi cảm thấy vui mừng thật sự khi thấy người vừa được trúng giải bàng hoàng sung sướng, cười rồi khóc. Rồi tôi lại nghĩ tiếp: “Không biết nếu chuyện ấy xảy ra cho mình, mình sẽ làm gì đây!”.
“Dĩ nhiên”, tôi lập tức tự nhắc nhở mình, “tôi sẽ tặng một phần lớn của số tiền cho các hội từ thiện. Ít nhất là 75 phần trăm. Hay có lẽ là 50 phần trăm. Phần còn lại tôi sẽ cho mấy đứa con, để chúng nó trang trải tiền nhà mỗi tháng”. Rồi tôi lại nhớ: “Chúng nó cũng đâu có khó khăn gì về tài chánh đâu. Hay là tôi sẽ bỏ vào một tài khoản ủy thác để dành cho mấy đứa cháu lên đại học”. Rồi tôi lại nghĩ tiếp: “Nhưng còn ít nhất là mười năm nữa chúng nó mới lên đại học, ai biết được chừng đó chúng sẽ ra sao, hay là việc học đại học sẽ như thế nào. Hay là hai vợ chồng mình có thể làm một chuyến du hành ba tháng trên biển vòng quanh thế giới. Nhưng mà cũng không được, anh ấy hay bị say sóng!”.
Chỉ trong chừng vài giây đồng hồ, một tâm đang tràn ngập niềm vui với cái vui của kẻ khác đã trở thành một tâm đầy những dự định, toan tính ích kỷ cho lợi lạc của riêng mình, mà chẳng biết phát xuất từ đâu! Trước khi người trúng giải xổ số xuất hiện trên ti-vi với tấm ngân phiếu, tôi cảm thấy rất hài lòng với những gì mình đang có! Nhưng dường như là tâm ta, nếu không được soi sáng bởi chánh niệm và tĩnh lặng, sẽ dễ bị hấp dẫn bởi cái ý nghĩ muốn được thỏa mãn thêm một chút nữa!
Tôi nghĩ, chúng ta chấp nhận mỗi khi người khác nghe những tin vui, sự may mắn của ta, khi họ chúc mừng ta, là họ ước mong rồi một ngày họ cũng sẽ được như thế. Và có lẽ khi ta cầu chúc lại cho họ, là chúng ta công nhận niềm vui của mình, và giúp cho người kia cất bỏ đi cái mặc cảm tội lỗi về một nỗi ghen tức mà họ có thể có trong tâm.
Tôi học được điều này khi tôi còn nhỏ, lắng nghe, những lời người ta chúc mừng nhau trong các đám cưới. Mẹ của một cô gái chưa chồng, ôm mẹ của cô dâu và nói: “Chúc chị giữ được hạnh phúc của ngày hôm nay mãi mãi”. Mẹ của cô dâu đáp lại: “Chúc con gái chị cũng sẽ có một ngày như thế này”. Người mẹ kia lại nói: “Hy vọng trời sẽ nghe lời cầu chúc của chị!”.
Tôi cũng đã từng cảm thấy hổ thẹn, có khi là tội lỗi, vì mỗi khi nghe có ai được một sự may mắn nào, dính dáng đến việc tôi đang mơ ước, là tôi cảm thấy ghen tức ngay. Tôi thường hay tự trách: Sao vậy Sylvia? Mình đã có quá đầy đủ rồi. Sao mình lại còn có thể suy nghĩ như vậy được?”.
Nhưng vấn đề không phải là ta có đầy đủ hay không đầy đủ. Cuộc sống này tràn ngập những điều kỳ diệu có thể đem lại cho chúng ta hạnh phúc, ta muốn nhận lãnh bao nhiêu mà chẳng được! Vấn đề là ta có đủ sáng suốt để ý thức được việc ấy không! Dưới ánh sáng của chánh niệm, tất cả những người nhận thật ra chỉ là một mà thôi.
Trong trận banh chung kết Super Bowl XXIII, khi Joe Montana ném quả banh định mệnh ấy, John Taylor đã có mặt đúng nơi, đúng lúc, và tâm của Jerry Rice cũng vậy nữa.