HÃY LUÔN GIỮ GÌN CHỈ MỘT TÂM THỨC HOAN HỶ

CHOGYAM TRUNGPA

Trích: Con đường căn bản đến giác ngộ – Bản văn bảy điểm tu tâm của phái Kadam; Thiện Tri Thức,2001

 

Điểm cốt yếu của châm ngôn này là thường trực duy trì một tâm thức hoan hỷ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Bất hạnh là tốt, vì nó là sự khuyến tấn cho bạn thực hành Pháp. Những bất hạnh của người khác cũng tốt: bạn cần chia sẻ dự phần những bất hạnh đó và đem chúng vào trong chính bạn như sự liên tục của sự thực hành hay kỷ luật của họ. Thế nên bạn cũng cần bao gồm điều đó. Quả thật rất hay khi cảm nhận theo cách đó.

 

 

Về phần tôi, có một cảm thức về niềm vui thực sự. Bạn cảm thấy rất tốt đẹp và rất thú vị. Tôi giả sử rằng tôi chuyển đổi theo Phật giáo. Dù tôi không dán trên mặt kính xe những khẩu hiệu tôn giáo, tôi làm việc đó trong tâm. Tôi dán lên mặt kính xe tâm thức bằng cách nói: “Tôi sung sướng bản ngã tôi đã chuyển đổi theo Phật giáo và tôi đã được chấp nhận và trở thành một công dân Phật giáo, một người bi mẫn”. Tôi thường cảm thấy cực kỳ tốt đẹp và ơn ích. Điều đó đến từ đâu không thành vấn đề: tôi cảm thấy rất mạnh mẽ và được tăng sức bởi toàn bộ sự việc. Thật ra, tôi bắt đầu cảm thấy rằng nếu tôi không có loại phấn khởi này trong chính tôi, tôi sẽ có nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu kim cương thừa. Tôi cảm thấy rất biết ơn, rất tốt đẹp. Thế nên châm ngôn này có nghĩa là giữ gìn một cảm thức thỏa mãn và vui vẻ mặc dầu có những vấn đề và trở ngại trong đời mình.

Châm ngôn này nối kết với cái trước. (“Trong hai người chứng, hãy lấy người chính yếu”). Nếu bạn được nuôi dưỡng trong truyền thống kỷ luật Thiên Chúa – Do Thái, ý tưởng xem chừng chính bạn chỉ thuần túy đặt nền trên tội lỗi. Nhưng trong trường hợp này, không phải như thế. Chúng ta không có bất kỳ loại luận lý nào trình bày, tuyên bố một ý niệm như tội lỗi nguyên thủy. Từ quan điểm của chúng ta, bạn không vốn bị kết án một cách nền tảng. Sự hoang đàng của bạn không tất yếu được nhìn như là vấn đề của bạn – dù nó được chứng kiến, một cách rõ ràng. Bạn không bị kết tội một cách nền tảng; sự hoang đàng tạm thời của bạn được nhìn như chỉ đến từ những vấn đề tạm thời. Bởi thế, thuận theo điều đó, châm ngôn này nói: “Hãy luôn luôn giữ gìn chỉ một tâm thức hoan hỷ”. Đó là một tâm thức hoan hỷ bởi vì bạn không phải hoảng hốt vì hoàn cảnh nào của sự xấu xa hay sự phấn khởi bất ngờ. Thay vì thế, bạn có thể giữ gìn một cảm thức vui tươi suốt mọi sự.

Để bắt đầu, bạn giữ gìn một cảm thức vui vẻ vì bạn đang ở trên con đường; bạn đang thực sự làm một cái gì về chính bạn. Trong khi hầu hết chúng sanh không có ý niệm nào cần làm cái gì với chính họ, ít nhất bạn có một sự dẫn dắt, điều khiển cuộc đời mình, đó là điều kỳ diệu. Nếu bạn đi vào Brooklyn hay thành phố Calcutta, bạn sẽ nhận thấy rằng điều chúng ta đang cố gắng làm với chúng ta là không thể tin được. Nói chung, không có ai có ý tưởng sơ khởi nào về cái gì đại loại như thế này. Bạn nên hưng phấn lớn lao và cảm thấy kỳ diệu rằng có một người nào nghĩ đến một ý niệm như vậy.

Có một cảm thức hoan hỷ từ quan điểm đó, một cảm thức phấn khởi mà bạn có thể so sánh với lúc bạn chán nản, lúc bạn cảm thấy chung quanh không làm bạn vui lên, hay lúc bạn cảm thấy rằng bạn không có một loại hồi chuyển cần thiết để thực hành. Ý tưởng là dầu ngày mưa, ngày bão, ngày nắng, ngày nóng ngày lạnh, dù bạn đói, khát, mạnh khỏe, yếu đau – bạn có thể duy trì một cảm thức vui tươi. Tôi không nghĩ tôi cần phải giải thích quá nhiều. Có một cảm thức về sự vui tươi nền tảng nó cho phép bạn tự đánh thức mình dậy.

 

 

Sự hoan hỷ này có vẻ là sự bắt đầu của lòng bi. Chúng ta có thể nói rằng châm ngôn này đặt nền trên việc chúng ta bắt đầu duy trì sự tỉnh giác của chúng ta về sự thực hành đại thừa như thế nào – nói theo nghĩa đen và chính xác. Bạn có thể cảm thấy bực bội về việc làm kinh khủng của người nào đó, rằng sự kinh tởm của anh ta hay chị ta được chuyển tới bạn và làm hư hỏng môi trường chung quanh. Nhưng trong trường hợp này, bạn không trách cứ một người như vậy, bạn trách cứ chính bạn. Và trách móc chính bạn là một việc làm thích thú. Bạn bắt đầu giữ một thái độ rất vui vẻ đối với toàn bộ sự việc. Thế nên bạn vượt khỏi phiền não – thoát khỏi Brooklyn, nói một cách ẩn dụ. Bạn có thể làm điều đó. Có thể làm được điều đó.

Loại hoan hỷ này có một số gốc rễ. Nó đặt nền trong Phật tánh, tathagatagarbha. Nó đặt nền trong lòng bi căn bản của người đã tự mình làm một việc như vậy: những người như Quán Thế Âm, Văn Thù, Jamgon Kongtrul, Milarepa, Marpa, và mọi người còn lại. Thế nên chúng ta cũng có thể làm điều đó. Nó đặt nền trên một hoàn cảnh thực.

Nếu có ai thoi vào miệng bạn và nói, “Mày thật ghê tởm”, bạn nên biết ơn người đó đã thực sự lưu tâm đến bạn mà nói như vậy. Thật vậy, bạn có thể đáp lại với sự nghiêm trang kinh khủng và nói, “Cảm ơn, tôi cảm kích sự quan tâm của bạn”. Theo cách đó cơn loạn thần của người đó được bạn lấy đi, đem vào trong bạn, như được làm trong thực hành tonglen. Ở đây có một sự hy sinh bao la xảy ra. Nếu bạn nghĩ đây là một trò buồn cười, bạn có thể đúng. Trong một ý nghĩa nào, toàn bộ sự việc là trò buồn cười. Nhưng nếu không có ai bắt đầu đem lại một loại hòa hợp, chúng ta sẽ không có thể nào phát triển sự minh mẫn lành mạnh tinh thần trong thế giới này. Ai đó cần phải gieo hạt giống để sự lành mạnh tinh thần có thể có trên trái đất này.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. HÃY BIẾT ƠN MỌI NGƯỜI
  2. CÁI BÂY GIỜ
  3. MỘT THOÁNG GIÁC NGỘ

Bài viết mới

  1. ĐI QUA ĐỪNG CÓ ĐỐT CẦU, ĐỂ NGÀY CẦN ĐẾN CÓ CẦU MÀ ĐI
  2. BỔN PHẬN
  3. ĐỔ LỖI CHO AI ?