BẢY PHƯƠNG PHÁP TU TẬP QUÝ BÁU

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: Để Sống Đời Sống Có Ý Nghĩa; Nguyên tác: How to Practice The Way to A Meaningful Life; Việt dịch: Nguyên Hảo; NXB. Về Nguồn

LÝ DO TÌM CẦU GIÁC NGỘ

Từ bi là chiếc chìa khóa để đạt đến mức độ sâu của đức hạnh, và làm thế nào chúng ta có thể giúp đỡ kẻ khác khi chính chúng ta vẫn còn bị bao vây bởi những thái độ sai lầm? Nếu tự chúng ta không ở trong một vị trí tốt đẹp hơn, khó mà chúng ta có thể giúp đỡ được người khác trong phạm vi rộng lớn mà chúng ta đang thảo luận. Nếu bạn muốn giúp những người mù chữ, bạn cần phải biết chữ. Tương tự, để giúp đỡ nhiều chúng sanh, chúng ta phải chứng ngộ Phật Tánh, bởi vì một Đức Phật có tất cả những đức tính cần thiết để giúp họ – hiểu biết tất cả mọi kỹ thuật cho việc phát triển tâm linh và hiểu biết sâu xa về những cảm thọ, sở thích, tính khí của họ, và những thứ khác. Với sự rèn luyện tâm từ bi, tâm bạn sẽ được chuyển hóa để trở nên quan tâm đến người khác, đó là lúc làm cho những giá trị mới mọc rễ. Chúng ta chuẩn bị nền tảng tâm thức của chúng ta cho những giá trị mới này bằng cách dấn thân thực hành những nghi thức hướng niềm mong cầu về mục đích giác ngộ.

Bạn đã được trang bị với những đức tính căn bản cần thiết cho việc đạt đến giác ngộ hoàn toàn – bản tính sáng láng và tỉnh giác của tâm. Do đó, hãy tập trung vào ý tưởng: “Tôi sẽ đạt đến giác ngộ hoàn toàn cao tột để làm lợi ích cho chúng sanh trong khắp vũ trụ.” Nuôi dưỡng hướng vọng này cho đến khi nó trở thành mạnh mẽ. Nghi lễ để tạo niềm khao khát giác ngộ vì lợi ích cho người khác rất hữu ích trong tiến trình này.

BẢY PHƯƠNG PHÁP TU TẬP QUÝ BÁU

Nghi lễ này, mà bạn nên sắp xếp để trở thành một phần trong việc thiền quán hàng ngày, bắt đầu với bảy giai đoạn, theo sau bằng một nghi thức cúng dường đặc biệt. Những sự tu tập này làm tăng trưởng sức mạnh công đức của bạn, sức mạnh công đức này làm vững thêm cho sự chuyển hóa. Qua những hình thức sùng kính này bạn sẽ làm mạnh tâm nguyện hướng về đức tính từ bi; như sẽ thấy sau đây, tất cả đều kích thích sự sùng kính đến những vị thầy đã dạy bạn về lòng từ bi.

  1. Quy kính. Quán tưởng Đức Thích Ca Mâu Ni được vây quanh với vô số Bồ Tát, đầy khắp bầu trời ở trước mặt, và tỏ lòng quy kính bằng cả thân, miệng và ý. Chấp hai tay, và tạo cảm tưởng mạnh mẽ rằng bạn đang cung kính quy y chư Phật và chư Bồ Tát. Niệm lớn tiếng: “Quy kính Đức Thích Ca Mâu Ni và chư vị Bồ Tát.
  2. Cúng dường. Tung rải những phẩm vật cúng dường, như trái cây hoặc hương thơm. Tưởng tượng ra mọi thứ có thể cúng dường – dù bạn có sở hữu hay không – gồm cả thân thể, tài nguyên, đức hạnh của bạn. Sau đó quán tưởng cúng dường toàn bộ những thứ này đến chư Phật và chư Bồ Tát.
  3. Phát lồ tội lỗi. Tất cả chúng ta đều chịu trách nhiệm đối với những tội lỗi không thể đếm hết về thân, miệng và ý của chúng ta tạo ra do lòng ham muốn gây tổn hại. Với tinh thần phát lồ tất cả, phát triển sự hối lỗi đã tạo ra chúng, coi việc tạo ra những hành động này như đã ăn phải chất độc. Phát lòng mong muốn từ bỏ những hành động này trong tương lai như thể nếu tái phạm sẽ trả giá bằng cả cuộc đời. Hãy suy nghĩ “Từ tận đáy lòng, con phát lồ trước chư Phật, chư Bồ Tát những hành động xấu xa mà con đã tạo.” Phương pháp chính để tẩy sạch những nghiệp xấu là sám hối. Tâm sám hối càng lớn, ý hướng không tái phạm càng mạnh.
  4. Tán thán. Từ sâu thẩm trong tâm, tán thán những việc làm thiện của mình và của người khác. Vui vẻ với những hành động thiện mà bạn đã làm trong đời này. Nhằm vào những việc thiện đặc biệt như đóng góp vào việc làm từ thiện. Trong đời này, bạn được sinh ra làm người và được có cơ hội tu tập lòng vị tha chứng tỏ rằng bạn đã tạo những nghiệp thiện trong những đời trước. Do đó hãy hoan hỉ với những đức hạnh này, nghĩ về mình rằng: “Minh thật sự đã làm việc tốt.” Và cũng hoan hỉ với những đức hạnh của người khác, cho dù bạn có chính mắt chứng kiến hay không. Hoan hỉ với những đức hạnh vô lượng vô biên của chư Phật và chư Bồ Tát trong thời gian vô tận. Với niềm hạnh phúc trong những đức hạnh của chính mình và của người khác, bạn sẽ không ân hận với những việc làm đạo đức của mình (ví dụ như muốn rằng mình đã không làm việc từ thiện vì việc đó làm cho số tiền trong ngân hàng của mình vơi đi) và bạn cũng sẽ không ganh tỊ với những việc làm thiện của người khác, hoặc tranh hơn với họ.
  5. Thỉnh chuyển Pháp luân. Cầu xin chư Phật đã giác ngộ hoàn toàn nhưng chưa giáo hóa hãy giáo hóa để làm lợi ích cho tất cả chúng sanh đang đau khổ.
  6. Thỉnh Phật trụ thế. Cầu xin chư Phật không nhập niết bàn. Đây là sự thỉnh cầu đặc biệt đối với chư Phật đã giáo hóa và sắp đến ngày nhập diệt.
  7. Hồi hướng. Thay vì hướng những sự tu tập trong những giai đoạn trước vào mục tiêu hạnh phúc tạm thời hay sự thoải mái trong đời này hoặc đời sau, hãy hướng đến sự giác ngộ cao tột, nghĩ: “Nguyện những việc làm này giúp con đạt đến sự giác ngộ hoàn hảo và trọn vẹn để làm lợi ích cho tất cả chúng sanh.

Sau đó tưởng tượng toàn thể pháp giới đã được làm cho trong sạch và cúng dường pháp giới đó với tất cả những vật kỳ diệu mà tâm thức có thể nghĩ ra đến chư Phật và chư Bồ tát. Sự cúng dường đặc biệt này nuôi dưỡng tâm từ bi với sự hiến dâng tất cả mọi thứ đáng mong cầu đến những vị đã dạy về tâm từ bi.

CAM KẾT GIÚP ĐỠ

Giờ đây bạn đã sẵn sàng cho việc thực hành thực sự nghi thức hướng về sự giác ngộ với mục đích lợi lạc người khác. Việc này gồm có hai phần, trước tiên là đọc lời nguyện ngắn về quy y: “Từ nay cho đến khi đạt đến giác ngộ, con nguyện quy y Phật, Pháp và Tăng.” Trong hình thức từ bi nhất, quy y là tập hợp của ba thái độ:

  1. Quan tâm đến sự khổ của tất cả chúng sanh, không phải chỉ cho bản thân. Cũng lưu ý rằng họ không chỉ tìm sự giải thoát khỏi khổ đau mà còn mong cầu sự giác ngộ Phật Tánh để làm lợi ích cho người khác.
  2. Tin tưởng vào Phật, Pháp và Tăng, tin chắc rằng nhờ Tam Bảo tất cả chúng sanh sẽ tìm được sự giải thoát khỏi khổ đau.
  3. Từ Bi, có nghĩa là không thể thấy người khác đang bị nô lệ trong đau khổ mà không làm gì.

Biết rằng Đức Phật là vị thầy để nương tựa, rằng Đạo Đế (con đường chân thật) và Diệt Đế (sự chấm dứt chân thật) là nơi nương tựa chân thật, và rằng chư Bồ Tát là những vị chứng ngộ trực tiếp bản tính chân thật của mọi pháp là cộng đồng tâm linh của chúng ta, hướng dẫn tất cả chúng sanh đến nơi nương tựa.

Với ý thức đó, mong cầu giác ngộ tối thượng với lời nguyện: “Nhờ những công đức tích chứa bằng sự bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ, nguyện con ngộ nhập Phật Tánh để làm lợi ích cho tất cả chúng sanh.” Khi đọc lời đó, suy nghĩ: “Bằng sức mạnh của việc làm này, nguyện con giác ngộ Phật Tánh không phải để lợi ích cho riêng bản thân, nhưng để phục vụ tất cả chúng sanh, giúp họ giác ngộ Phật Tánh.” Nghi thức này gọi là phát triển lòng từ bi để giác ngộ bằng nguyện.

Việc này dẫn chúng ta đến phần trọng tâm của nghi thức. Với sự mong muốn mạnh mẽ chứng ngộ Phật Tánh để phục vụ người khác, quán tưởng trước mặt một vị Phật hoặc vị Bổn Sư của mình như một đại diện cho Đức Phật.

1. Đọc lời sau đây như là lặp lại theo Đức Phật:

Cho đến ngày con đạt được giác ngộ, con nguyện quy y Phật, Pháp và Tăng.

Nhờ những công đức tích chứa được qua sự bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ, nguyện con chứng ngộ Phật Tánh để giúp đỡ tất cả chúng sanh.

Đọc lời này, bạn quy hướng những hành động thiện của mình không phải đến mục đích nhỏ nhoi trong đời này, hoặc trong đời sau, nhưng cho mục đích lớn lao nhất – sự giải thoát hoàn toàn của tất cả chúng sanh. Khai triển thái độ này với một tâm quyết định lớn lao.

2. Lặp lại lần thứ hai với quyết tâm mạnh hơn để làm cho mục tiêu vị tha đó trở thành thường xuyên trong đời sống hàng ngày:

Cho đến ngày con đạt được giác ngộ, con nguyện quy y Phật, Pháp và Tăng.

Nhờ những công đức tích tập được bằng sự bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ, nguyện con chứng ngộ Phật Tánh để giúp đỡ tất cả chúng sanh.

3. Lặp lại lần thứ ba với tâm quyết định mạnh hơn nữa xuất phát từ tận đáy lòng. Làm một sự quyết định dài lâu, đầy lý trí – không lay chuyển do hoàn cảnh – về việc đem lợi ích đến cho rất nhiều người khác có số lượng lớn lao hơn nhiều so với bản thân của riêng mình. Suy nghĩ, “Giờ đây khi con có được cơ hội lớn lao như vậy, có việc gì có thể quan trọng hơn là cố gắng làm lợi ích cho người khác! Từ nay trở đi, con sẽ hết sức mình chấm dứt việc quy hướng vào lợi ích riêng cho bản thân và nguyện dấn thân vào việc làm cho tất cả chúng sanh được tiến hóa. Để hoàn mãn việc này, con sẽ đạt đến giác ngộ vô thượng chánh đẳng.” Đọc:

Cho đến ngày con đạt được sự giác ngộ, con nguyện quy y Phật, Pháp và Tăng.

Nhờ những công đức tích tập được qua sự bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ, nguyện con chứng ngộ Phật Tánh để giúp đỡ tất cả chúng sanh.

Đến đây là chấm dứt nghi lễ. Qua nghi lễ này, bạn gieo và nuôi dưỡng những hạt mầm cho một tâm từ bi mạnh mẽ và không lay chuyển.

DUY TRÌ NGUYỆN TRONG HIỆN ĐỜI

Có bốn phương pháp tu tập để giữ tâm vị tha không bị tiêu hủy trong đời này:

  1. Trước tiên, làm lớn mạnh nhiệt tâm muốn được giác ngộ để giúp đỡ người khác bằng cách luôn luôn nhắc nhở những sự lợi ích của việc làm này.
  2. Sau đó, làm lớn mạnh lòng quan tâm đến người khác bằng cách chia ngày và đêm mỗi thứ thành ba thời, và trong mỗi thời đó để ra một ít thì giờ hoặc thức dậy để thực hành năm phép quán ở chương năm khoảng năm phút. Việc thực hành này rất có hiệu quả; nó trở thành thói quen đều đặn giống như mỗi ngày đến giờ ăn thì ăn. Nếu không thể thực hành việc này thường xuyên, hãy thực hành ba lần năm phép quán vào buổi sáng khoảng mười lăm phút, và làm tương tự vào ban đêm. Suy nghĩ ý nghĩa về mục tiêu của mình: “Nguyện con đạt được giác ngộ vô thượng để giúp đỡ kẻ khác!
  3. Thực hành kế tiếp đòi hỏi sự cảnh giác: Để tìm cách đạt đến sự giác ngộ vô thượng vì lợi ích của tất cả chúng sanh, bạn phải không có một chút xao lãng nào trong tâm về việc làm lợi ích cho kẻ khác, dù chỉ làm lợi ích cho một người.
  4. Cố gắng tích tập hai sức mạnh của phước đức và trí tuệ càng nhiều càng tốt. Để làm tăng trưởng phước đức, tình nguyện dấn thân vào những hoạt động thiện ích như công việc từ thiện và đạo đức. Để tích tập trí tuệ, bạn cần nhận rõ cách thế hiện hữu chân thật của các pháp (hiện tượng). Vì đây là một chủ đề phức tạp, chúng ta sẽ khai triển trong chương Tám đến chương Mười. Có thể nói ở đây rằng suy nghiệm về cách các hiện tượng khởi lên và tồn tại tùy thuộc vào nhân và duyên là việc làm rất hữu ích.

DUY TRÌ NGUYỆN TRONG CÁC ĐỜI VỊ LAI

Trong những kiếp sống vị lai, chí hướng từ bi để giác ngộ có thể sẽ bị suy yếu. Bạn có thể làm cho việc này không xảy ra bằng cách từ bỏ bốn việc không lành dưới đây, và tu tập bốn việc lành tiếp sau đó.

Bốn việc không lành

  1. Dối gạt bậc trưởng thượng như sư trưởng, thầy truyền giới, lama, hoặc bạn đồng tu về những việc làm xấu của mình.
  2. Tạo niềm ân hận nơi người làm việc thiện.
  3. Phê phán hoặc đánh giá thấp những người bày tỏ tâm từ bi đối với người khác.
  4. Lừa gạt và bày tỏ không đúng sự thật để được người khác phục vụ.

Bốn việc lành

  1. Không nói dối với bất cứ người nào. Trừ trường hợp khi nói dối đem lại lợi ích lớn cho những người khác, nhưng việc này rất hiếm.
  2. Giúp đỡ người khác tiến đến sự giác ngộ Phật Tánh một cách trực tiếp hay gián tiếp.
  3. Đối với Bồ Tát cũng tỏ lòng cung kính như đối với Phật. Bởi vì chúng ta không biết ai là Bồ Tát, ai không phải là Bồ Tát, chúng ta phải đối xử với tất cả chúng sanh với lòng cung kính. Nguyên tắc chung là đặt người khác trên minh.
  4. Không bao giờ lừa dối người nào và luôn luôn thành thật.

Nếu quyết định thực hành những phương pháp tu tập này để tăng trưởng tâm quyết định chứng đắc Phật Tánh để lợi ích cho người khác, hãy nói lời hứa hẹn sau đây: “Tôi sẽ gìn giữ tâm quyết định của tôi không bao giờ bỏ cuộc.” Những người không thể giữ mức độ tu tập này có thể từ bỏ lời hứa và thay vì vậy có thể suy nghĩ. “Nguyện tôi đạt được giác ngộ tối thượng vì lợi ích của tất cả chúng sanh!” Những người không phải là tín đồ Phật giáo như Thiên Chúa giáo, Do Thái Giáo, Hồi giáo, vân vân có thể làm tăng trưởng lòng quan tâm đến người khác bằng cách suy nghĩ. “Tôi nguyện sẽ giúp đỡ và đem lại hạnh phúc cho tất cả sanh linh.

TU TẬP VỚI HƯỚNG VỌNG GIÁC NGỘ

Khi sự mong muốn giác ngộ được vững chắc, bạn nên đem vào thực hành. Những điều này được gọi là Bồ Tát Hạnh, và gồm có sáu ba la mật (sáu việc toàn hảo):

  1. Bố thí bao gồm (1) ban cho về vật chất như tiền, áo quần, thực phẩm; (2) ban cho tình thương; (3) ban cho sự dạy dỗ về giáo pháp và phương pháp tu tập; và (4) ban sự không sợ hãi cho tất cả chúng sanh – bao gồm cả thú vật; ngay cả việc giúp một con kiến thoát khỏi vũng nước.
  2. Giữ giới, chủ yếu là lối sống vị tha của những vị Bồ Tát.
  3. Nhẫn nhục, được thể hiện trong những hoàn cảnh khó khăn, hoặc học giáo pháp và thực hành trong một thời gian dài.
  4. Tinh tấn, duy trì lòng nhiệt thành đối với việc thiện và giữ gìn tất cả những ba la mật khác.
  5. Thiền định, tu tập thiền quán một cách cẩn mật sẽ được giải thích trong chương kế tiếp.
  6. Trí tuệ, cần thiết cho sự hiểu biết về bán chất của luân hồi và sự vô thường, cũng như sự hiện hữu duyên khởi và tánh không.

Sáu ba la mật có thể gom lại thành ba việc tu tập của Bồ Tát – tu tập ba la mật về giới (bao gồm ba la mật về bố thí và nhẫn nhục), tu tập ba la mật về thiền định, và tu tập ba la mật về trí tuệ. Tinh tấn ba la mật là yêu cầu cần thiết cho cả ba sự tu tập. Do đó sáu ba la mật bao gồm trong ba việc tu tập giới, định và huệ là điểm tập trung của cuốn sách này.

Khi bạn cảm thấy trong tận cùng tâm thức rằng bạn phải dấn thân vào việc thực hành Bồ Tát Hạnh – là sáu ba la mật hoặc, được thấy một cách khác, sự tu tập ba việc – đó đúng là thời điểm thọ nhận Bồ Tát Nguyện về phương diện thực hành để đạt đến giác ngộ.

Trong cốt lõi, tất cả chúng sanh hợp nhất trong niềm mong muốn được hạnh phúc và tránh khổ đau. Tất cả chúng ta đều như nhau trong khả năng giải trừ khổ đau và đạt được hạnh phúc, cái mà tất cả chúng ta có quyền ngang nhau. Như vậy thì bạn và những người khác khác nhau chỗ nào? Bản thân bạn chỉ là thiểu số một người, Bạn dễ dàng thấy rằng số lượng lớn lao những chúng sanh muốn được hạnh phúc và tìm cách chấm đứt khổ đau quan trọng hơn là chỉ một người. Vì vậy, bạn thấy rõ ràng rằng dấn thân làm việc phúc lợi cho vô số người khác, sử dụng thân thể, lời nói, và tâm hồn của mình cho sự tốt đẹp của họ, và từ bỏ thái độ chỉ chăm sóc bản thân, là việc làm hợp lý.

TÓM TẮT NHỮNG TU TẬP HÀNG NGÀY

Đầu tiên thực hành bảy bước sơ khởi:

  1. Quy y Đức Thích Ca Mâu Ni, vây quanh Ngài là vô số Bồ Tát được hình dung như đầy khắp cõi hư không trước mặt.
  2. Cúng dường tất cả những phẩm vật quí giá nhất – của mình hay không phải của mình – gồm cả thân thể, tài nguyên và đức hạnh đến chư Phật, Bồ Tát.
  3. Phát lồ vô lượng ác nghiệp về thân, miệng và ý. Sám hối đã tạo ra chúng, và nguyện không tái phạm trong tương lai.
  4. Tán thán bằng cả tâm hồn những đức hạnh của chính mình và của người khác. Hoan hỉ về những việc thiện mình đã làm trong đời này và những đời trước, “Tôi đã làm việc tốt.” Hoan hỉ với những việc thiện của người khác, bao gồm những việc thiện của chư Phật và Bồ tát.
  5. Nài xin các vị Phật đã giác ngộ nhưng chưa giáo hóa hãy vì chúng sanh đau khổ mà giáo hóa.
  6. Khẩn cầu chư Phật không nhập Niết bàn.
  7. Hồi hướng sáu việc làm này cho mục đích giác ngộ.

Sau đó thực hành phần tu tập chính hướng đến giác ngộ:

  1. Với quyết định mạnh mẽ chứng ngộ Phật Tánh để phụng sự chúng sanh, quán tưởng một đức Phật trước mặt hoặc vị thầy tâm linh của mình như là đại diện cho Đức Phật.
  2. Đọc ba lần giống như đang lặp lại theo Đức Phật hoặc vị Thầy đó:

Cho đến ngày con đạt được giác ngộ, con nguyện quy y Phật, Pháp và Tăng.

Nhờ những công đức tích chứa được qua sự bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ, nguyện con chứng ngộ Phật Tánh để giúp đỡ tất cả chúng sanh.

Để duy trì và tăng trưởng lòng từ bi sâu xa này trong hiện đời, thực hành những việc sau đây:

  1. Luôn luôn nhắc nhở những ích lợi trong việc làm tăng trưởng ý muốn giác ngộ vì lợi ích của người khác.
  2. Chia ngày ra làm ba thời và đêm làm ba thời, trong mỗi thời chịu khó thức dậy thực hành năm phép quán được trình bày trong chương trước. Mỗi thời để ra mười lăm phút để thực hành quán tưởng là đủ.
  3. Không từ chối làm lợi ích dù cho chỉ một chúng sanh.
  4. Cố gắng làm nhiều việc thiện với thái độ vui vẻ, và phát triển trí tuệ hiểu biết bản chất của thực tại, hoặc duy trì lòng mong muốn về sự hiểu biết này.

Để duy trì và tăng trưởng lòng từ bi sâu xa này trong các đời vị lai:

  1. Không nói dối với bất cứ ai, ngoại trừ khi có ích lợi lớn lao cho người khác.
  2. Gián tiếp hay trực tiếp giúp người khác tiến bộ trên con đường giác ngộ.
  3. Đối xử tốt với mọi người.
  4. Không bao giờ dối gạt người và luôn luôn trung thực.

Căn bản, luôn luôn nhớ nghĩ  “Nguyện cho tôi có thể giúp đỡ người khác.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. TRƯỞNG DƯỠNG 2 KHÍA CẠNH LÒNG TỪ BI VÀ TÌNH YÊU THƯƠNG – CON ĐƯỜNG THỰC HÀNH TRONG CÁC PHÁP TU

Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG CÂU NÓI CỦA DALAI LAMA 14TH
  2. TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH