CHÖGYAM TRUNGPA
Trích: Hành Trình Vô Trụ Xứ-Trí huệ Mật thừa của đức Phật; Ban dịch thuật Thiện Tri Thức; NXB. Hồng Đức
Nhiều người đã nghe những sự việc và những nhân vật trong Mật thừa, những câu chuyện kích thích về “con đường đốn ngộ”. Mật thừa có vẻ quyến rũ và hấp dẫn, đặc biệt khi nó có vẻ trùng hợp với những ý niệm hiện đại về tính hiệu quả và tự động hoá. Nếu chúng ta hỏi người ta thích bước lên cầu thang bậc hay đi cầu thang cuốn, nếu họ thường không làm việc nặng, họ sẽ nói nói thích đi thang cuốn hơn. Nhưng thái độ ấy là một vấn nạn khi liên hệ với Mật thừa. Nếu người học tin rằng Mật thừa là con đường nhanh chóng, bấy giờ họ nghĩ rằng họ sẽ có những kết quả nhanh chóng. Họ không muốn phí thời gian của họ. Thay vì đi kiếm tiền, có thể nói như vậy, họ muốn nhanh chóng thành Phật. Họ trở nên sốt ruột, và không chỉ thế, họ trở nên nhát gan. Họ không muốn đối mặt với đau đớn hay rắc rối, và rồi cũng không muốn có những kết quả nhanh chóng. Với thái độ ấy, người học rất ít sẵn lòng để phơi bày mình ra và đối mặt với trạng thái kinh khủng của hành giả Mật thừa.
Người học Mật thừa cần ở trong một trạng thái khiếp hãi thường xuyên. Sự khiếp hãi này là điện và cần được xem là có giá trị. Khiếp hãi có hai mục tiêu: nó chiến thắng cảm thức tự bằng lòng và tự thỏa mãn, và nó làm sắc bén nhiều cho sự trong sáng của chúng ta. Padma Karpo và những vị thầy Mật thừa vĩ đại khác có nói rằng học Mật thừa thì giống như cưỡi trên một lưỡi dao cạo. Chúng ta có nên cố gắng trượt trên lưỡi dao cạo hay chỉ cố gắng ngồi yên trên ấy? Nếu chúng ta biết làm sao trượt trên lưỡi dao cạo, chúng ta làm việc ấy cũng dễ dàng như một đứa trẻ trượt theo thành vịn cầu thang; trong khi nếu chúng ta không biết bản chất của lưỡi dao và chúng ta chỉ cố gắng phô bày chủ nghĩa vô sanh của chúng ta, chúng ta sẽ bị cắt làm hai. Thế nên càng nhiều cảnh báo được đưa ra về Mật thừa thì người học càng được lợi lạc. Nếu vị thầy Mật thừa không cảnh báo đủ, người học không thể phát triển một hiểu biết đích thực về Mật thừa, vì nó không cưỡi lên lưỡi dao cạo.
Khiếp hãi là ngọn nguồn của sự mở ra và nguồn của những câu hỏi. Kinh khủng thình lình tạo ra một cảm thức lớn lao về không khí tươi mát, và phẩm tính mở trống ấy chính xác là cái Mật thừa cần tạo ra. Nếu chúng ta là những học trò tốt của Mật thừa, chúng ta mở rộng lòng mình mỗi khoảnh khắc. Chúng ta kinh khủng cả ngàn lần trong một ngày, 108 lần trong một giờ. Chúng ta mở ra thường trực và chúng ta kinh khủng thường trực. Sự kinh khủng đang diễn tiến này chỉ ra sự nghiêm mật của con đường Mật thừa, nó quá tràn đầy thần lực và đòi hỏi đến độ tốt hơn là chúng ta không cam kết dấn thân vào đó. Nhưng nếu chúng ta phải vào đó, chúng ta cần xem nó là nghiêm trọng – tuyệt đối nghiêm trọng.
Có thể khi theo con đường Mật thừa chúng ta có thể khai triển tính bất hoại của kim cương và mở ra một chứng ngộ thình lình của sự giác ngộ. Nhưng cũng có thể chúng ta phát triển một bản ngã không thể huỷ hoại và thấy mình bùng cháy, như thể chiên quá độ một miếng thịt. Chúng ta có thể thấy mình trở thành một cục than đỏ. Thế nên có hai khả năng khác nhau: chúng ta có thể khám phá bản tánh kim cương bẩm sanh của chúng ta, hay chúng ta có thể thành một cục than cháy đỏ.
Cũng có một cái giá trên đầu của vị thầy. Những vị thầy Mật thừa dạy đệ tử vào một thời gian không đúng, chọn giây phút không đúng hay nói điều không đúng, hay không thể kinh nghiệm chính xác cái đang xảy ra sẽ bị kết án. Họ cũng có thể biến thành những mảnh than đỏ. Những lỗi lầm như thế khi dạy được gọi là lỗi sang drok, nghĩa là tuyên bố bí mật không đúng lúc. Thế nên có một hệ thống an ninh được tạo dựng trong thế giới Kim Cương thừa.
Nếu những vị thầy cảm thấy họ có thể ra ngoài quy luật, có thể nói như vậy hay nếu họ cảm thấy không cần cam kết thực hành nữa, họ có thể bị đuổi đi với học trò của họ. Chính vì hệ thống an ninh này mà dòng những vị thầy Mật thừa vĩ đại đã tiếp tục không gián đoạn cho đến ngày nay. Mọi người trong dòng Mật thừa đã kinh khủng: những vị thầy đã kinh khủng và những học trò đã kinh khủng. Vì tình trạng lành mạnh này của sự kinh khủng, dòng Mật thừa đã phát triển đẹp đẽ, êm ả và sung mãn. Không có ai gây ra lỗi lầm. Nếu có ai gây ra lỗi lầm nó đã biến mất và trở thành một mẩu than. Những người còn sống, cả trò và thầy, là những người đã khai triển được bản tánh kim cương. Nhờ thế họ sống sót.
Chúng ta có thể hỏi tại sao Kim Cương thừa được giữ bí mật đến vậy. Cái gì là sự bí mật nổi tiếng này? Bí mật không là cái gì đặc biệt xa lạ. Nó không có cái gì đặc biệt. Nó chỉ ám chỉ đến cái mà chúng ta khám phá ra khi chúng ta bắt đầu chơi với vũ trụ, năng lượng của vũ trụ. Như trẻ con, chúng ta biết rằng nếu chúng ta chạm vào dây điện trần chúng ta bị giật; chúng ta học điều đó bằng cách chơi với thế giới chúng ta. Nếu chạy quá nhanh trên xe chúng ta sẽ tan nát. Chúng ta biết rõ điều đó. Ở đây chúng ta đang nói về cái tương đương tâm linh của sự hiểu biết ấy, nó thì trăm lần xấu hơn hay trăm lần năng lực hơn, tuỳ theo chúng ta muốn dùng nó thế nào. Chúng ta đang nói về năng lượng hiện hữu trong thế giới. Trước tiên chúng ta có một cái nhìn thoáng về năng lượng ấy, chúng ta thấy nó hoàn toàn hấp dẫn, và chúng ta bắt đầu chơi với nó. Chúng ta bối rối và hỏi người nào nhạy cảm có thể nói cho chúng ta.
Lời cảnh báo này đã được đưa ra hàng trăm lần: “Chớ đi vào Mật thừa như vậy. Hãy bắt đầu với Tiểu thừa, tốt nghiệp với Đại thừa, và rồi bạn trở thành một hành giả Kim Cương thừa. Nếu bạn đã làm cho xong công việc ở nhà và kết thúc sự tu tập căn bản của bạn, bấy giờ bạn có thể trở thành hành giả Mật thừa. Nhưng ngay cả khi ấy, vẫn còn nguy hiểm”. Điều đó đã được nói hàng trăm lần. Mỗi cuốn sách viết về Mật thừa, mỗi bình giảng, mỗi bản văn được chép lại trong lịch sử vũ trụ, đều bắt đầu với lời cảnh báo: “Hãy thận trọng; suy nghĩ gấp đôi; hãy tôn kính; chớ cầm lấy cái này mà không cẩn thận – hãy thận trọng”. Nhưng quả là thú vị, bạn càng xua đuổi học trò thì họ càng thích thú.
Năng lượng và thần lực hiện hữu trong thế giới Mật thừa thì không khác với cái hiện hữu trong thế giới bình thường. Không phải chúng ta thình lình thức dậy với một thế giới huyền thuật. Đúng hơn là sự khai triển một tính nhạy cảm nào đó phơi bày cho chúng ta một trạng thái khác của hiện hữu. Người ta thường dùng những loại thuốc gây ảo giác rồi nói rằng họ có một kinh nghiệm Mật thừa, hay những người kinh nghiệm sự thất vọng hay phấn khích quá độ cũng cho như vậy. Những tuyên bố ấy là cái gì đáng nghi ngờ.
Khi chúng ta nói về thế giới Mật thừa, chúng ta đang nói thế giới thấy được, nghe được, cảm giác được này, nó còn chưa được khám phá hay nhìn một cách thích đáng. Không có ai chịu khó thực sự kinh nghiệm nó. Người ta chỉ cho nó là dĩ nhiên. Chúng ta có thể quan tâm đến thế giới khi còn rất nhỏ, nhưng rồi chúng ta được cha mẹ dạy làm sao xử lí với nó. Các bậc cha mẹ chúng ta đã phát triển một hệ thống để liên hệ với thế giới và đồng thời để che chắn họ với nó. Khi chấp nhận hệ thống này, chúng ta mất tiếp xúc với thế giới. Chúng ta đánh mất sự tươi trẻ và tò mò của tuổi thơ từ lâu rồi. Và bây giờ, dù thế giới đầy mọi thứ, chúng ta thấy mình tê liệt khi giao hoà với thế giới. Có sự tê liệt trong thấy, nghe, trong mọi giác quan của chúng ta. Như thể chúng ta đã xài ma tuý. Thực tại của thế giới – sự rực rỡ của màu đỏ, sự sáng sủa của màu ngọc lam, sự oai vệ của màu vàng, và phẩm chất mộng tưởng của xanh lá cây dược thấy một cách thích đáng. Chúng ta đã bị giáo điều hoá, hay chúng ta đã tự giáo điều hoá chính mình. Một trạng thái trơ lì đã phát triển, và chúng ta không thấy thế giới một cách thích đáng.
Điểm then chốt của Mật thừa là tái hội nhập thế giới vào trong chúng ta. Đã khai triển một sự yên tĩnh của tâm trong thực hành thiền định, chúng ta bắt đầu thấy lại thế giới. Chúng ta tái khám phá thế giới hiện hữu quanh chúng ta, và chúng ta bắt đầu thấy ra rằng thế giới này thì diệu kì và thơ mộng như truyện cổ tích. Mọi loại sự việc hứng thú đang xảy ra. Thậm chí người làm những công việc đều đặn cũng thấy rằng cuộc sống hàng ngày trở nên kì diệu. Mỗi ngày là một ngày khác hơn là một cái gì cũng cũ kĩ như trước.
Lối tiếp cận Mật thừa để liên hệ với thế giới là làm sắc bén lại và mở ra trở lại khiến chúng ta có thể thấy biết vũ trụ một cách thích đáng và triệt để. Chúng ta thiết tha quan tâm và bị mê hoặc bởi thế giới. Nếu chúng ta thấy ánh sáng lục khi lái xe, và nó chuyển sang màu hổ phách rồi màu đỏ, điều ấy là kì lạ. Có một thế giới của những thông điệp và của chủ nghĩa tượng trưng tự hiện hữu. Chẳng hạn, mỗi người mặc những màu riêng và kiểu riêng của mình. Mỗi người có cách chải tóc riêng của mình. Một số đeo kính, một số không. Mọi sự đều có ý nghĩa. Đó là toàn bộ vấn đề: những sự vật đều có ý nghĩa trong tư cách cá nhân của chúng. Chân lí như vậy không cần phải được viết trong những cuốn sách – nó tự hiện hữu.
Điều này có vẻ kì lạ và thích thú, nhưng có một bất lợi ẩn giấu. Cùng với ‘huyền thuật’ ấy, có một loại điện không vỏ bọc. Một khi người ta bị thế giới này hấp dẫn và thấy thế giới không qua màn lọc nào, bấy giờ chúng ta liên hệ với thế giới rất trực tiếp như thể không còn da trên thân thể chúng ta. Kinh nghiệm trở nên thân thiết và đích thân cá nhân đến độ nó thực sự làm bùng cháy hay làm đông cứng chúng ta. Không chỉ thế giới trở nên mở cửa trong suốt với chúng ta, mà chúng ta cũng rơi rụng hết da của mình. Chúng ta trở nên cực kì nhạy cảm và hốt hoảng, và có thể chúng ta kinh khủng hơn; chúng ta phản ứng thậm chí mãnh liệt hơn. Chẳng hạn, nếu chúng ta quá đi vào sự rực rỡ của màu đỏ, nó có thể trở thành độc hại. Thậm chí có thế chúng ta tự sát – cắt cổ mình.
Thế giới thì quá thần kì và pháp thuật đến nỗi nó cho chúng ta một cú sốc trực tiếp. Không giống như ngồi trong ghế nhà hát và thích thú với thế giới thần tiên đang xảy ra trên màn ảnh. Nó không tác động theo cách đó. Thay vì thế, nó là một tiến trình hỗ tương của sự mở ra giữa hành giả và thế giới. Thế nên Mật thừa thì rất nguy hiểm. Nó là điện và đồng thời cực kì trần trụi. Không có chỗ cho bộ áo giáp của chúng ta. Không có thời gian để tự cách li mình. Mọi thứ đều quá trực tiếp, thẳng thừng. Áo giáp của chúng ta một lúc thủng từ ngoài vào trong. Sự trần truồng và sự rộng mở rỗng rang như vậy làm phát lộ vũ trụ trong một cách hoàn toàn khác. Nó có thể là kì diệu nhưng cũng đồng thời rất nguy hiểm.
Thêm vào chính chúng ta và thế giới, cũng có một yếu tố thứ ba: vị thầy nói với chúng ta và giới thiệu chúng ta vào một thế giới chân thật. Trong kỉ luật Tiểu thừa chúng ta có vị thầy là một người thông tuệ cho chúng ta những lời dạy thường xuyên và hướng dẫn chúng ta thật chính xác. Mối tương quan giữa thầy và trò thật giản dị và rõ ràng. Trong kỉ luật Đại thừa, chúng ta có vị thầy là một kalyanamitra hay một thiện tri thức, một người bạn tâm linh. Ngài hướng dẫn chúng ta qua những phần nguy hiểm và xa hoa của con đường; ngài nói với chúng ta khi nào cần thư giãn và khi nào cần nỗ lực, và ngài dạy những phương pháp giúp đỡ những người khác. Trong kỉ luật của Kim Cương thừa, tương quan giữa thầy và trò thì mãnh liệt và ý nghĩa cao siêu hơn nhiều. Nó cá nhân hơn và “pháp thuật” hơn là việc hỏi một bậc thông tuệ hay hỏi một thiện tri thức.
Vị thầy trong Kim Cương thừa là vị thầy Kim cương (Kim cương sư). Vị thầy Kim cương là có điện và trần trụi. Ngài cầm một quyền trượng trong tay, gọi là vajra, chày kim cương, tượng trưng một tia sấm sét. Vị thầy nắm giữ thần lực để truyền dẫn sấm chớp với bàn tay mình. Nhờ vào chày kim cương ngài có thể truyền điện ấy cho chúng ta. Nếu vũ trụ và học trò không được nối kết thích đáng vị thầy Kim cương thừa có thể làm bật lên lại sự nối kết. Theo nghĩa này, vị thầy có một thần lực lớn đối với chúng ta, nhưng không phải ngài có thể trở nên một người điên cuồng vì bản ngã. Đúng ra, vị thầy là người phát ngôn dẫn nhập lại thế giới vào chúng ta: ngài tái dẫn nhập chúng ta vào thế giới của chúng ta.
Vị thầy kim cương thì giống như một nhà pháp thuật theo nghĩa ngài đi vào thế giới vũ trụ và có thể làm việc với nó, nhưng không theo nghĩa ngài có thể biến đất thành lửa, hay lửa thành nước. Vị thầy kim cương làm việc ví những hoạt động thực của vũ trụ. Chúng ta có thể nói rằng vũ trụ chứa đựng một số pháp thuật, và bởi vì vị thầy kim cương có nối kết với thế giới và những cái xảy ra của thế giới vốn đã có pháp thuật. Thế nên, vị thầy kim cương có thể được xem như một người giám thị của pháp thuật hơn là một nhà pháp thuật.
Liên hệ với vị thầy kim cương thì cực kì đầy năng lực và cách nào đó là nguy hiểm. Vị thầy kim cương có thể trao truyền năng lượng kim cương tâm linh qua chúng ta, nhưng đồng thời, ngài cũng có thể huỷ diệt chúng ta nếu định hướng của chúng ta hoàn toàn sai. Tantra có nghĩa là tương tục, nhưng một trong những nguyên lí của kỉ luật Mật thừa là sự tương tục ấy chỉ có thể hiện hữu nếu có một cái gì đích thực để tiếp tục. Nếu chúng ta không đích thực, bấy giờ sự tương tục của chúng ta có thể bị vị thầy kim cương đình hoãn. Thế nên trong Kim Cương thừa chúng ta không nhìn thầy chúng ta như một vị cứu độ hay một thần linh tự động cho ta điều ta muốn.
Vị thầy kim cương có thể rất áp bức; tuy nhiên ngài chỉ bày trò thủ thuật với chúng ta khi nào ngài tìm thấy một điểm yếu. Ngài sống theo truyền thống và kỉ luật: ngài chạm vào chúng ta, ngài ngửi thấy chúng ta, ngài nhìn chúng ta và ngài nghe nhịp tim của chúng ta. Đó là một tiến trình rõ ràng, có chủ ý được làm theo truyền thống của dòng. Tiến trình ấy – khi vị thầy kim cương nhìn chúng ta, khi ngài nghe chúng ta, khi ngài cảm nhận chúng ta, và khi ngài chạm vào chúng ta (quán đảnh) hay ban thần lực.
Abhisheka đôi khi dược dịch là “nhập môn” nhưng nó không thực sự gởi gắm nghĩa thích đáng. Như đã bàn luận ở trên, abhisheka là một từ Sanskrit nghĩa đen là “xức dầu”. Nó là ý tưởng được tắm trong nước linh thiêng, nghĩa là được ban phước bởi vị thầy và mạn-đà-la quanh vị thầy. Abhisheka không phải là một lễ nhập môn hay “cho qua cửa” trong đó chúng ta được chấp nhận làm một thành viên của bộ lạc nếu chúng ta đã vượt qua một số trắc nghiệm nào đó. Thật ra nó hoàn toàn khác. Vị thầy kim cương ban thần lực cho chúng ta và chúng ta nhận thần lực đó, tuỳ thuộc vào chính khả năng của chúng ta và khả năng của vị thầy. Thế nên từ ngữ “ban thần lực” thích hợp hơn “nhập môn”, bởi vì không có nhóm bộ lạc nào để chúng ta được nhập môn cả. Không có một vòng tròn nhóm hội khép kín, đúng ra, chúng ta được dẫn nhập vào vũ trụ. Chúng ta không thể nói rằng vũ trụ làm một bộ lạc lớn hay một bản ngã lớn; vũ trụ là không gian rộng mở. Thế nên vị thầy quán đảnh hay ban thần lực cho chúng ta để chúng ta gặp gỡ vũ trụ bao la của chúng ta. Ở điểm này vị thầy hành động như một cây gậy sấm sét. Chúng ta có thể bị điện giật hay bị tàn phá bởi điện năng ngài trao truyền cho chúng ta, nhưng cũng có thể chúng ta được cứu thoát do có một dây dẫn điện.
Trong Kim Cương thừa, tuyệt đối cần thiết phải có một vị thầy và tin vào vị thầy. Vị thầy hay kim cương sư là hiện thân duy nhất của sự trao truyền năng lượng. Không có một vị thầy như vậy chúng ta không thể kinh nghiệm thế giới một cách đúng đắn và triệt để. Chúng ta không thể chỉ đọc vài cuốn sách về tantra và cố gắng hình dung ra nó cho chúng ta. Điều đó chẳng ăn nhằm gì. Tantra hay Mật thừa phải được trao truyền qua trò như một kinh nghiệm sống động. Hệ thống Mật thừa của sự làm việc với thế giới và năng lượng Mật thừa phải được trao truyền hay trao tay từ thầy qua trò. Trong cách đó những giáo lí trở nên thật, hiển nhiên và chính xác.
Một tương giao trực tiếp giữa thầy và trò là thiết vếu trong Kim Cưong thừa Phật giáo. Thậm chí người ta không thể thực hành Mật thừa nếu không có một mối nối kết nào đó với vị thầy của họ, vị thầy kim cương bất hoại của họ. Một vị thầy như vậy không thể là một khuôn mặt trừu tượng nào đó trong vũ trụ. Vị ấy phải là người đã đích thân đi qua toàn bộ tiến trình – người vừa là một học trò kinh khủng và một vị thầy kinh khủng.
Chúng ta có thể nói rằng vị thầy kim cương hiện hữu bởi vì ngài thoát khỏi nghiệp, nhưng bằng lòng bi của ngài, vị thầy ấy thiết lập một mối dây liên hệ với thế giới của ngài. Tuy nhiên, theo một nghĩa, không ai thực sự thoát khỏi nghiệp, dù thậm chí chư Phật giác ngộ. Chư Phật không rút khỏi Phật quả của các ngài để đến một cõi trời nào đó. Các ngài giúp chúng ta, các ngài làm việc với chúng ta. Đó là nghiệp của các ngài và cũng là nghiệp của chúng ta.
Đó là một trong những khác biệt thú vị giữa lối tiếp cận vô thần và hữu thần. Trong lối tiếp cận hữu thần, khi chúng ta rút khỏi thế giới này, chúng ta đến cõi trời. Một khi vào cõi trời chúng ta không còn gì để làm với thế giới nữa. Chúng ta không có những bổn phận, những bó buộc và chúng ta hạnh phúc vĩnh viễn. Nhưng trong truyền thống vô thần, ngay dù chúng ta đạt đến trạng thái giải thoát hay mở rộng trống trải, chúng ta vẫn có nợ nần, bởi vì những anh chị em còn lại trong thế giới vẫn còn khốn khổ. Chúng ta phải trở lại. Chúng ta không thể chỉ ở mãi trong Niết-bàn.
Thế nên vị thầy kim cương là một con người, người có một nợ nghiệp phải trả như là kết quả của lòng bi mãnh liệt của mình. Pháp không thể được truyền từ mặt trời, mặt trăng hay các vì sao. Pháp chỉ có thể được trao truyền thích đáng từ người qua người. Thế nên cần một vị đạo sư kim cương có thần lực lớn lao – thần lực trên chúng ta, thần lực trên vũ trụ, và thần lực trên chính bản thân ngài – và ngài cũng đã được cảnh báo rằng nếu ngài hướng sai năng lượng của mình ngài sẽ bị đốn hạ và thành một mảnh than hồng nhỏ.
Cực kì quan trọng là có một vị thầy kim cương đang sống, người đích thân kinh nghiệm nỗi khổ và niềm vui của chúng ta. Chúng ta phải có một cảm thức sợ hãi và tôn kính khi đang nối kết và giao thông trực tiếp với Mật thừa. Tạo ra sự nối kết này là một hoàn cảnh Mật thừa chân thật và gặp gỡ một vị thầy Mật thừa chân thật. Trở thành một người học Mật thừa chân thật cũng rất khó. Rất khó để tìm thấy cái đích thực.