YÊU THƯƠNG VÀ KẾT NỐI

HH. DALAI LAMA XIV

HOWARD C. CUTLER

Trích: Sống Hạnh Phúc - Cẩm Nang Cho Cuộc Sống; Nguyễn Trung Kỳ dịch; NXB; Thế Giới & Cty Sách Nhã Nam

Tôi đi vào tọa phòng nơi Đạt Lai Lạt Ma đang ở. Ngài ra hiệu cho tôi ngồi xuống. Trà đã rót, ngài cởi đôi giày vàng hiệu Rockports và ngồi thoải mái vào một chiếc ghế lớn.

“Thế nào?” Ngài hỏi bằng giọng bình thường, nhưng giọng điệu cho thấy ngài đã sẵn sàng cho bất cứ chuyện gì. Ngài mỉm cười, nhưng vẫn im lặng. Chờ đợi.

Vài phút trước đó, khi ngồi ở đại sảnh khách sạn chờ đến lúc bắt đầu cuộc trò chuyện, tôi vô tình nhặt lấy một tờ báo địa phương đã giở đến phần “Đời tư”. Tôi lướt qua các quảng cáo dày đặc, cả xấp trang tìm người, với hy vọng mong manh tìm được kết nối với một người khác. Vẫn nghĩ về các quảng cáo ấy lúc ngồi xuống nói chuyện với Đạt Lai Lạt Ma, tôi chợt quyết định gác qua một bên danh sách những câu hỏi chuẩn bị sẵn, mà hỏi:

“Có bao giờ ngài cảm thấy cô đơn không?”
“Không” ngài trả lời ngắn gọn.

Tôi không được chuẩn bị cho câu trả lời này. Tôi cho rằng câu trả lời phải dài dòng theo kiểu: “Dĩ nhiên… lâu lâu ai lại chẳng cảm thấy cô đơn chứ…”. Khi ấy tôi định sẽ hỏi ngài làm gì với sự cô đơn. Tôi chẳng bao giờ ngờ đến chuyện gặp phải một ai đó không bao giờ cảm thấy cô đơn.

“Không à?” tôi hỏi lại với vẻ ngờ vực.
“Không.”
“Ngài gán điều đó cho cái gì?”

Ngài suy nghĩ một chút. “Tôi nghĩ, một yếu tố là tôi nhìn bất cứ người nào cũng từ một góc độ tích cực hơn. Tôi cố gắng nhìn vào những khía cạnh tích cực của họ. Thái độ này lập tức tạo ra một cảm giác gần gũi, một cảm giác được nối kết.

“Và một phần nữa có lẽ vì về phía mình tôi ít e ngại, ít sợ sệt hơn người khác rằng nếu tôi hành động theo một cách nào đấy, có lẽ người ta sẽ thôi tôn trọng tôi hoặc nghĩ rằng tôi lập dị. Do vậy, vì thứ sợ sệt e dè ấy thường vắng mặt, nên tôi thường cởi mở. Tôi nghĩ đó là yếu tố chính.”

Cố gắng tìm hiểu tầm mức và sự khó khăn của việc chấp nhận một thái độ như thế, tôi hỏi: “Nhưng theo ngài làm thế nào người ta có thể đạt tới khả năng cảm thấy thoải mái như thế với mọi người, không e sợ mình bị người khác ghét bỏ hay xét đoán? Có những phương pháp đặc biệt nào mà một người trung bình có thể sử dụng hầu phát triển thái độ ấy không?”

“Niềm tin căn bản của tôi là: trước hết, anh cần 1 thức được sự hữu dụng của lòng yêu thương.” ngài nói bằng giọng cả quyết. “Đó là nhân tố then chốt. Một khi anh chấp nhận sự thật rằng lòng yêu thương không phải là cái gì trẻ con hay cảm tính, một khi anh nhận ra rằng lòng yêu thương là cái gì đó thực sự đáng giá, nhận thức được giá trị sâu xa của nó, anh lập tức phát triển được một sự hấp dẫn hướng về nó, một sự khao khát vun đắp cho nó.

“Và một khi anh cổ vũ cho tư tưởng yêu thương trong đầu anh, một khi những tư tưởng ấy đã hoạt động, khi ấy thái độ của anh đối với người khác sẽ tự động thay đổi. Nếu anh tiếp cận người khác với tư tưởng yêu thương, điều đó lập tức sẽ làm giảm sự sợ hãi và cho phép anh mở lòng với người khác. Nó tạo ra bầu không khí tích cực, thân thiện. Với thái độ đó, anh có thể đi đến một mối quan hệ mà trong đó anh, chính anh, chủ động tạo ra khả năng đón nhận tình cảm hoặc phản ứng tích cực từ người khác. Và với thái độ đó, cho dù người kia tỏ ra không thân thiện hoặc không đáp ứng anh một cách tích cực, thì ít ra anh đã tiếp cận người ấy với một cảm giác cởi mở, nó cho phép một sự uyển chuyển và tự do nhất định trong anh, để thay đổi cách tiếp cận khi cần. Sự cởi mở ấy ít nhất cho phép khả năng có một cuộc đàm đạo có ý nghĩa với họ. Nhưng nếu không có thái độ yêu thương, nếu anh cảm thấy mình đang đóng kín, khó chịu hoặc thờ ơ thì ngay cả khi người bạn thân nhất tiếp cận anh, anh cũng chỉ cảm thấy khó chịu mà thôi.

“Tôi nghĩ rằng trong nhiều trường hợp, người ta thường mong đợi người khác đáp lại họ với thái độ tích cực trước, thay vì tự họ đi trước để tạo ra khả năng đó. Tôi cho rằng thế là sai. Nó đưa đến nhiều sự không hay và có thể tạo ra rào cản chỉ khiến tăng thêm cảm giác cô lập với người khác. Vì thế, nếu anh muốn vượt qua cảm giác cách biệt và cô đơn, tôi cho rằng thái độ nền tảng của anh tạo ra khác biệt rất lớn. Và việc tiếp cận người khác với thái độ yêu thương trong tâm anh là cách tốt nhất để làm được điều này.”

Sự ngạc nhiên của tôi về tuyên bố của Đạt Lai Lạt Ma rằng ngài không bao giờ cô đơn tỷ lệ thuận với niềm tin của tôi về sự cô đơn lan tràn trong xã hội chúng ta. Niềm tin này không chỉ sinh ra từ một cảm giác theo kiểu ấn tượng chủ nghĩa về sự cô đơn của chính tôi, hay do chuỗi cô đơn dường như tạo thành chủ đề xuyên suốt trong cơ cấu thực hành tâm lý trị liệu của tôi. Trong hai mươi năm qua, các nhà tâm lý đã bắt đầu nghiên cứu sự cô đơn với một phương pháp khoa học, bằng việc xử lý một số bản nghiên cứu và điều tra về chủ đề này. Một trong những khám phá đáng chú ý nhất nơi các khảo cứu đó là hầu như mọi người đều báo cáo rằng họ nghiệm thấy sự cô đơn, hoặc hiện nay hoặc trong quá khứ. Trong một cuộc điều tra rộng rãi, một phần tư người trưởng thành ở Mỹ cho hay họ đã cảm thấy cực kỳ cô đơn ít nhất một lần trong hai tuần trước đó. Mặc dù chúng ta thường nghĩ đến sự cô đơn mãn tính như một nỗi đau đặc biệt phổ biến ở những người cao tuổi bị cô lập trong những căn hộ vắng vẻ hoặc sân sau các nhà dưỡng lão, song nghiên cứu lại cho thấy trẻ vị thành niên và thanh thiếu niên cũng nói rằng họ cô độc như người già.

Vì tính chất dễ lây lan của sự cô độc, các nhà điều tra bắt đầu xem xét các biến số phức tạp có thể ảnh hưởng đến sự cô độc. Chẳng hạn, họ đã tìm ra rằng những cá nhân cô độc thường gặp vấn đề khi bày tỏ bản thân, gặp khó khăn khi giao tiếp với người khác, khả năng lắng nghe kém, và thiếu một số kỹ năng xã hội như nắm bắt các ám hiệu trong đàm thoại (biết khi nào gật đầu, đáp ứng thích hợp, hoặc giữ im lặng). Nghiên cứu này cho biết rằng một chiến thuật để vượt thắng sự cô đơn là nỗ lực cải thiện các kỹ năng xã hội đó. Tuy nhiên, chiến thuật của Đạt Lai Lạt Ma dường như bỏ qua chuyện nỗ lực cải thiện các kỹ năng xã hội hay hành vi bên ngoài, mà đi theo cách trực chỉ nhân tâm – bằng cách nhận thức giá trị của lòng yêu thương và trau dồi nó.

Bất chấp sự ngạc nhiên ban đầu, khi lắng nghe ngài nói với sự cả quyết như thế, tôi đi đến chỗ xác tín mạnh mẽ rằng ngài chẳng bao giờ cô đơn cả. Và điều này có bằng chứng rõ ràng. Rất thường, tôi đã chứng kiến ngài tiếp xúc lần đầu với người lạ. Thái độ của ngài luôn tỏ ra tích cực. Dần dần có thể thấy rõ rằng những giao tiếp tích cực ấy không phải là tình cờ hoặc chỉ là kết quả của một nhân cách thân thiện tự nhiên. Tôi có cảm giác ngài đã dành nhiều thời gian suy nghĩ về tầm quan trọng của lòng yêu thương, cẩn thận vun đắp cho nó, sử dụng nó để làm phong phú và nhuần nhuyễn cho nền tảng kinh nghiệm hằng ngày của ngài, làm cho nó thành mảnh đất màu mỡ có khả năng đón nhận những giao tiếp tích cực với người khác. Đây là một phương pháp mà thực sự bất cứ ai đang đau khổ vì cô đơn đều có thể dùng.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THIỀN VỀ TÌNH YÊU THƯƠNG THA NHÂN
  2. TẦN SỐ CỦA TÌNH YÊU 528 hz

Bài viết khác của tác giả HH. DALAI LAMA XIV

  1. NHỮNG CÂU NÓI CỦA DALAI LAMA 14TH
  2. TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH

Bài viết khác của tác giả HOWARD C. CUTLER

  1. NHỮNG ĐAU KHỔ DO CHÍNH MÌNH TẠO RA
  2. THAY ĐỔI GÓC NHÌN
  3. MỘT ĐẦU ÓC UYỂN CHUYỂN

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH