NHIỀU TÁC GIẢ
Trích: Tuyển tập Hạt Giống Tâm Hồn - Vượt Qua Thử Thách; Stephen R. Covey tuyển chọn và giới thiệu; Nhà cung cấp First News; NXB. Tổng Hợp TPHCM
Không có gì trong cuộc đời này thú vị và đáng giá hơn một tia sáng bất ngờ soi rọi tâm trí khiến bạn thay đổi thành một con người mới – con người với những nghĩ suy tích cực. Những khoảnh khắc như vậy rất hiếm hoi nhưng chắc chắn một lúc nào đó nó sẽ xảy đến với mỗi chúng ta. Đôi khi, nó được khơi nguồn từ một cuốn sách, một bài thuyết giáo hay một vài câu thơ. Hoặc cũng có khi nó xuất phát từ một người bạn…
Một buổi chiều mùa đông lạnh lẽo tại Manhattan, trong lúc ngồi chờ đợi ở một nhà hàng nhỏ của Pháp, một nỗi thất vọng chán chường xâm lấn tâm hồn tôi. Chỉ vì một vài tính toán sai lầm đã khiến một dự án quan trọng trong cuộc đời tôi tan thành mây khói.
Thậm chí, kế hoạch gặp lại người bạn thân yêu (ôi người bạn già, tôi vừa nghĩ về ông ấy và còn cảm thấy rất vui xong) bỗng không còn khiến tôi hân hoan như trước. Tôi ngồi đó cau mày khó chịu nhìn chiếc khăn trải bàn sọc ca rô và gặm nhấm những khoảnh khắc đau buồn đã qua.
Cuối cùng tôi cũng thấy ông bạn già của mình băng qua đường, trên người khoác chiếc áo bành tô cũ kỹ, đầu đội chiếc mũ sùm sụp kỳ quái che đi cái đầu hói, trông ông ấy giống một tay tài phiệt ghê gớm hơn là một chuyên gia tâm thần học lỗi lạc. Ông làm việc ở gần đây và tôi biết ông vừa khám xong cho bệnh nhân cuối trong ngày. Ông đã gần 80 tuổi nhưng vẫn đủ khỏe để khám bệnh hằng ngày cho nhiều bệnh nhân và giữ tác phong như giám đốc của một tổ chức lớn, vẫn yêu thích việc “trốn” khỏi công việc hàng ngày để tới tham dự trận golf bất cứ khi nào có thể.
Khi ông đến ngồi bên cạnh tôi, người phục vụ đã mang tái chai bia như thường lệ. Đã mấy tháng không gặp nhưng trông ông vẫn thế – khỏe mạnh và minh mẫn.
– Xin chào anh bạn trẻ, có chuyện gì với cậu à? – Ông thảng thắn hỏi không cần rào đón.
Từ lâu tôi đã không còn ngạc nhiên trước sự nhạy bén của ông, vì thế tôi bắt đầu nói về những điều đang khiến mình phiền lòng. Với một niềm kiêu hãnh xen chút buồn rầu, tôi cố gắng thành thật, không đổ lỗi cho ai vì sự thất vọng của mình mà chỉ biết trách bản thân. Tôi phân tích tất cả mọi điều, tất cả những lời chỉ trích, những hành động sai lầm. Tôi vẫn tiếp tục nói khoảng 15 phút nữa trong khi người bạn già của tôi nhấp cốc bia trong im lặng.
Khi tôi nói xong, ông đặt cái ly xuống và bảo:
– Nào anh bạn, đến văn phòng cùng tôi nào.
– Văn phòng của ông ư? Ông để quên gì sao?
– Không. Tôi chỉ muốn cậu thấy một vài điều. Chỉ vậy thôi. – Ông nhẹ nhàng nói.
Ngoài trời bắt đầu lất phất mưa nhưng văn phòng của ông vẫn ấm áp, tiện nghi và thân thuộc: những góc tường xếp đầy sách, băng ghế dài bằng da, bức ảnh có chữ ký của Sigmund Freud và một cuộn băng ghi âm đặt trên cửa sổ. Thư ký của ông đã về nhà. Chỉ còn lại hai chúng tôi.
Người bạn già của tôi lấy ra một cuộn băng từ chiếc hộp đựng danh thiếp và đặt nó vào máy. Ông mỉm cười, nói:
– Trong cuộn băng này có ba đoạn ghi âm ngắn về ba người khác nhau đến xin tôi giúp đỡ. Tôi muốn cậu lắng nghe những đoạn ghi âm này và xem cậu có thể lựa chọn ra hai từ chung cho cả ba trường hợp này hay không. Đừng có ngẩn mặt ra như thế. Tôi có lý do của mình mà.
Với tôi, điểm tương đồng của ba người trong ba mẩu ghi âm này có lẽ là sự bất hạnh. Người đầu tiên rõ ràng đã phải trải qua một thời kỳ khủng hoảng do việc kinh doanh thua lỗ. Anh ta nhiếc móc mình rằng đã không làm việc chăm chỉ và không vững tin vào con đường phía trước. Người phụ nữ cất tiếng sau đó chưa kết hôn vì cô cảm thấy mình phải có trách nhiệm với người mẹ già yếu. cô ấy nhớ lại trong tiếc nuối và đau khổ về những cơ hội xây dựng một cuộc sống gia đình hạnh phúc mà cô đã từ bỏ. Giọng nói thứ ba là của một người mẹ có thằng con trai vừa gặp rắc rối với cảnh sát; bà ấy trách mình đã không biết dạy dỗ nó.
Người bạn già của tôi tắt máy rồi trở lại ghế ngồi. -Trong những đoạn ghi âm này có một cụm từ được lặp lại đến những sáu lần, nó ẩn chứa ý nghĩa không mấy tích cực. Cậu có nhận ra không? Không ư? A, có lẽ cũng là do chính cậu đã dùng cụm từ này tới ba lần lúc ở nhà hàng khi nãy. – Ông lấy cái hộp và bỏ cuộn băng vào rồi trao nó cho tôi. – Chúng ở đây, ngay trên cái nhãn này. Hai từ đáng buồn nhất trong mọi ngôn ngữ.
Tôi nhìn xuống. Được in một cách ngay ngắn bằng mực đỏ trên chiếc nhãn là hai chữ: Giá mà.
– Có lẽ cậu sẽ ngạc nhiên nếu biết rằng tôi đã ngồi trên chiếc ghế này và lắng nghe hàng ngàn lần những câu nói buồn đau khắc khoải bắt đầu bằng hai chữ trên. Họ đã nói với tôi rằng: Giá mà tôi hành động khác đi; Giá mà mọi chuyện không xảy ra như thế; Giá mà tôi không mất bình tĩnh để rồi thốt ra những lời lẽ chua chát đó, có những hành động thiếu thành thật đó, nói những lời dối trá đó; Giá mà tôi khôn ngoan hơn, hoặc bớt ích kỷ đi hoặc biết tự kiềm chế hơn… Họ cứ nói và nói cho đến khi tôi buộc phải ngắt lời hoặc yêu cầu họ dừng lại. Đôi khi, tôi cũng buộc họ phải nghe những đoạn ghi âm mà cậu vừa nghe. Và rồi tôi nói với họ: Giá mà anh (chị) ngừng nói giá mà thì chúng ta đã làm được một điều gì đó ý nghĩa hơn.
Ông duỗi đôi chân ra và tiếp:
– Vấn đề nằm ở chỗ có tiếc nuối thế nào thì ta cũng không thể thay đổi được hiện thực. Nó chỉ khiến người ta hướng tới sự lựa chọn sai lầm – chùn bước thay vì tiến bước. Và nó khiến chúng ta lãng phí thời gian. Cuối cùng, nếu cậu để nó trở thành một thói quen thì chính nó sẽ là rào cản cho những cố gắng của cậu.
Bây giờ, nói đến trường hợp của cậu nhé. Kế hoạch của cậu đã thất bại. Tại sao? Bởi vì cậu đã phạm phải một số sai lầm nào đó. Mà con người thì ai chẳng có sai lầm. Sai lầm dạy cho ta nhiều bài học quý. Nhưng khi cậu kể cho tôi nghe về những sai lầm ấy trong sự than vãn, tiếc nuối thì tôi chắc rằng cậu chưa học được điều gì cả.
– Làm sao ông biết? – Tôi hỏi, giọng hơi bất đồng.
– Bởi vì cậu chưa bước ra khỏi quá khứ. Cũng chưa lần nào cậu đề cập tới tương lai. Và thành thật mà nói, bây giờ, cậu vẫn đang say sưa trong quá khứ. Ngoan cố là một đức tính không tốt mà tất cả chúng ta đều có, nó khiến chúng ta mãi day dứt vì những lỗi lầm cũ. Sau cùng, khi cậu nhắc đến nguyên nhân của những sai lầm thì chính cậu mới đang là vấn đề lớn nhất.
Tôi gật đầu buồn bã.
– Vậy tôi phải làm gì để thay đổi đây?
– Hãy thay đổi mối quan tâm của mình. Hãy dùng những từ và cụm từ khác thể hiện sự vươn lên chứ không phải sự chùn bước.
– Ông có thể gợi ý cho tôi không?
– Dĩ nhiên là có rồi. Hãy loại bỏ khỏi đầu hai từ “Giá mà” và thay vào đó cụm từ “Lần tới”.
– Lần tới sao?
– Đúng vậy. Tôi từng chứng kiến hiệu quả kỳ diệu của cụm từ ấy ở chính căn phòng này. Nếu một bệnh nhân chỉ luôn miệng nói “Giá mà… ” với tôi thì đúng là anh ấy đang gặp rắc rối. Nhưng nếu anh ấy dám nhìn thẳng vào mắt tôi mà nói “Lần tới… ” thì tôi hiểu rằng anh ấy đã tìm ra cách giải quyết vấn đề. Điều đó đồng nghĩa với việc anh ấy đã quyết định áp dụng bài học mà anh ấy tích lũy được từ những trải nghiệm trong quá khứ, bất kể nó đau đớn xót xa và khó khăn nhường nào. Và nó cũng đồng nghĩa với việc anh ta đã sẵn sàng bỏ qua những rào cản của tiếc nuối để tiến về phía trước, hành động và đấu tranh cho hạnh phúc. Hãy cố lên. Rồi chính cậu sẽ hiểu.
Ồng dừng lời. Ngoài trời, những giọt mưa tí tách rơi. Tồi cố gắng loại bỏ cụm từ tiêu cực ra khỏi đầu mình và thay vào đó một cụm từ tích cực hơn. Điều đó dĩ nhiên rất khó khăn nhưng tôi có thể cảm nhận được cụm từ mới này đang dần khớp vào đúng vị trí trong lòng mình.
– Thêm một điều nữa, anh bạn. Hãy áp dụng bí quyết nho nhỏ này vào những khó khăn vẫn còn có thể giải quyết. – Ông căn dặn.
Rồi ông lấy ra từ trong tủ sách phía sau lưng một cuốn nhật ký:
– Đây là cuốn nhật ký của một người phụ nữ từng là giáo viên ở quê tôi, nó được lưu giữ suốt nhiều năm qua. Chồng bà ấy là một người chẳng chút tài cán nhưng lại rất tốt bụng, hào hoa và rộng lượng. Người phụ nữ này phải cáng đáng rất nhiều trọng trách, từ việc nuôi nấng con cái, chi trả các hóa đơn và gắn kết cả gia đình. Nhật ký của bà ấy chất chứa rất nhiều phẫn uất trước những khiếm khuyết của chồng mình, Jonathan.
Một thời gian sau Jonathan mất. Tất cả các trang nhật ký đều bị xé đi, trừ một trang duy nhất. Trang đó ghi như thế này: “Hôm nay tôi được bổ nhiệm làm thanh tra cho các trường học. Tôi ngỡ rằng mình sẽ rất hãnh diện. Nhưng nếu tôi biết trước có ngày Jonathan rời xa tôi như thế và nếu biết rằng tôi sẽ rất đau khổ khi đối diện với thực tế này thì tôi đã tới ngay bên ông ấy”.
Nhẹ nhàng khép cuốn nhật ký ấy lại, người bạn già của tôi nói:
– Cậu có thấy không? Bà ấy đang nói gì nhỉ, “giá như”. Giá như tôi biết chấp nhận ông ấy, chấp nhận những khuyết điểm, chấp nhận tất cả. Giá như tôi biết yêu thương ông ấy hết lòng… – Ông đặt cuốn nhật ký trở lại giá rồi tiếp lời. – Những cụm từ này đã trở thành niềm tiếc nuối lớn nhất trong lòng người phụ nữ ấy vì khi đó tất cả đã quá trễ để bà ấy làm lại.
Ồng đứng dậy một cách dứt khoát.
– Thôi giải tán thôi. Tôi rất vui vì gặp cậu, anh bạn trẻ ạ. Lúc nào tôi cũng rất vui. Và bây giờ, nếu cậu có thể gọi giúp tôi một chiếc xe taxi thì tôi có thể về nhà rồi.
Chúng tôi bước ra khỏi tòa nhà, hòa mình vào bóng tối với những hạt mưa lặng lẽ rơi. Vừa thấy bóng dáng một chiếc xe đang đi tới, tôi vội vã chạy ra để gọi, nhưng một hành khách khác đã nhanh chân hơn.
– Của tôi, của tôi! Ôi, giá mà chúng ta bước xuống sớm mười giây thì chúng ta đã ngoắc được chiếc xe đúng không? – Ông ấy hóm hỉnh trêu tôi.
Tôi cười, hiểu ra hàm ý của ông.
– Lần tới tôi sẽ chạy ra nhanh hơn.
– Đúng đấy. Chính là như vậy. – Người bạn già cười rồi kéo chiếc mũ xuống che lấy đôi tai.
Một chiếc xe taxi khác đang lướt chậm tới chỗ chúng tôi. Tôi mở cửa xe cho ông. Ông mỉm cười rồi vẫy tay chào. Chiếc xe bắt đầu lăn bánh. Đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp ông. Một tháng sau, ông qua đời do bệnh tim tái phát đột ngột.
Đã rất lâu kể từ buổi chiều mưa ở Manhattan, mỗi lần nhận ra mình đang chuẩn bị nói “Giá như…”, tôi liền chuyển sang dùng cụm từ “Lần tới…”. Rồi tôi chờ đợi điều kỳ diệu sắp nảy sinh trong tâm trí mình. Mỗi lần như thế, tôi lại nhớ tới người bạn già năm xưa.
Ông ấy vẫn sống mãi trong lòng tôi, chắc chắn là như vậy.
-Arthur Gordon.