NGHIỆP QUẢ

HH. DALAI LAMA XIV

Trích "Rộng mở tâm hồn - Thực tập từ bi trong cuộc sống hằng ngày"; Nguyễn Minh Tiến - Ngọc Cẩm Việt dịch và chú giải; NXB Liên Phật Hội.

Là những người tu tập Phật pháp, mục đích cuối cùng của chúng ta là đạt đến trạng thái giác ngộ viên mãn và nhất thiết trí của một vị Phật. Phương tiện cần có [để làm được điều đó] là một thân người với tâm thức sáng suốt bình thường.

Phần lớn trong chúng ta xem việc được sống làm người khỏe mạnh như là một lẽ đương nhiên phải vậy. Thật ra, kiếp người thường được đề cập đến trong kinh điển Phật giáo như là điều rất đặc biệt và quí giá. Đó là kết quả của sự tích lũy hết sức lớn lao các thiện hạnh, đã được ta thực hành trong vô số kiếp sống. Mỗi người đều phải có sự nỗ lực rất lớn mới có thể đạt được trạng thái thể chất này. Tại sao thân người này lại quý giá đến thế? Vì nó cho ta cơ hội tuyệt vời nhất để phát triển tâm linh: sự mưu cầu hạnh phúc cho chính mình và người khác.

Thú vật hoàn toàn không có khả năng theo đuổi đức hạnh một cách có ý thức như con người. Chúng là nạn nhân của sự ngu si. Vì thế, ta cần phải biết trân trọng cái phương tiện là thân người quý giá này và cũng phải làm tất cả những gì trong khả năng mình để đảm bảo rằng ta sẽ được tái sinh làm người trong đời sống kế tiếp. Mặc dù ta vẫn duy trì sự khao khát đạt đến giác ngộ viên mãn, nhưng ta cũng phải thừa nhận rằng con đường tiến đến quả Phật là rất dài và ta phải có những sự chuẩn bị [cho từng giai đoạn] ngắn hạn.

Như vừa trình bày trên, để chắc chắn được tái sinh làm người với đầy đủ khả năng nhằm theo đuổi con đường tâm linh, trước hết ta nhất thiết phải đi theo một con đường đức hạnh. Theo giáo lý nhà Phật thì điều này đòi hỏi phải tránh mười hành vi bất thiện (*). Mỗi một hành vi bất thiện này đều gây đau khổ theo nhiều mức độ. Để tự thuyết phục mình từ bỏ các hành vi này, ta nhất thiết phải hiểu rõ được cơ chế tự vận hành của luật nhân quả, được biết đến như là nghiệp (karma).

Từ ngữ karma, được dịch là nghiệp (業), trong Phạn ngữ có nghĩa là “hành vi”, được dùng để chỉ đến một hành vi mà ta đã thực hiện cùng với những hậu quả của nó. Khi nói đến nghiệp giết hại, [trước hết] ta chỉ đến chính bản thân hành vi cướp đi sinh mạng của một chúng sinh khác. [Nhưng] hàm nghĩa rộng hơn của hành vi này, cũng là một phần của nghiệp giết hại, là nỗi đau khổ mà nó gây ra cho nạn nhân cũng như cho rất nhiều những người thương yêu và có sự phụ thuộc vào nạn nhân ấy. Nghiệp của hành vi này cũng bao gồm cả những ảnh hưởng nhất định đối với chính người đã thực sự làm việc giết hại. Những ảnh hưởng đó không chỉ giới hạn trong kiếp sống này. Sự thật là, ảnh hưởng của một hành vi bất thiện lớn dần lên theo thời gian, vì thế một tên sát nhân tàn nhẫn giết người không thương tiếc đã khởi đầu trong một kiếp sống quá khứ đơn giản chỉ là [một người] xem thường mạng sống của những chúng sinh có vẻ như tầm thường vụn vặt, như là súc vật hay côn trùng…

Một kẻ giết người rất hiếm có khả năng tái sinh làm người ngay đời tiếp theo. Bối cảnh xảy ra việc giết người sẽ quyết định mức độ nghiêm trọng của hậu quả. Kẻ giết người tàn nhẫn, thực hiện hành vi giết hại với sự thích thú, rất có thể sẽ bị sinh vào một cảnh giới cực kỳ đau khổ mà chúng ta gọi là địa ngục.

Một trường hợp ít nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như giết người vì tự vệ, có thể sẽ tái sinh trong một địa ngục ít đau khổ hơn. Những nghiệp bất thiện nhẹ hơn nữa thì có thể khiến ta phải tái sinh làm súc vật, không có khả năng hoàn thiện về mặt tinh thần hay tâm linh.

Cuối cùng, khi một chúng sinh [tạo nghiệp ác đã chịu đựng hết những nỗi khổ đau tương ứng của nghiệp ác đó và] được tái sinh làm người, hậu quả của những hành vi bất thiện khác nhau sẽ quyết định hoàn cảnh cuộc đời của người ấy theo nhiều cách khác nhau. Việc giết hại ở đời trước khiến cho đời này có tuổi thọ ngắn ngủi và nhiều bệnh tật.

Nghiệp xấu đó cũng tạo ra khuynh hướng thích giết hại, chắc chắn dẫn đến nhiều đau khổ hơn trong những kiếp sống tương lai. Tương tự, việc trộm cắp [trong đời trước] khiến người ta phải sống thiếu thốn và bị người khác trộm cắp; nghiệp xấu này cũng tạo ra khuynh hướng trộm cắp trong tương lai. Hành vi tà dâm, chẳng hạn như ngoại tình, sẽ khiến ta gặp phải người bạn đời thiếu trung thực trong những đời sống tương lai và sẽ chịu đựng sự không chung thủy, phản bội. Đó là một số trong những hậu quả của ba nghiệp bất thiện mà ta đã phạm vào bằng hành động của thân.

Trong bốn điều bất thiện của lời nói (khẩu), việc nói dối dẫn đến một đời sống mà [trong đó] người khác sẽ nói xấu về bạn. Nói dối cũng tạo ra khuynh hướng tiếp tục nói dối trong những đời sống tương lai, cũng như có nguy cơ bị người khác dối gạt và không được tin tưởng [ngay cả] khi bạn nói thật. Nghiệp quả trong tương lai của những lời nói gây chia rẽ bao gồm cả sự cô độc và khuynh hướng làm hại cuộc sống người khác. Việc nói lời nói thô ác sẽ khiến ta bị người khác lăng mạ [trong đời tương lai] và tạo ra khuynh hướng nhiều sân hận. Việc nói thêu dệt sẽ khiến ta không được người khác lắng nghe [trong đời tương lai] và tạo ra khuynh hướng nói nhiều.

Cuối cùng, nghiệp quả của ba hành vi bất thiện thuộc về ý là những gì? Trong những khuynh hướng bất thiện của chúng ta thì đây là những điều thường gặp nhất. Sự tham lam đưa ta đến [những kiếp sống] mãi mãi không được thỏa mãn. Tâm độc ác đưa ta đến [những đời sống] nhiều sợ hãi và có khuynh hướng làm hại người khác. Tà kiến chấp giữ những niềm tin trái ngược với chân lý, và điều đó đưa ta đến [những kiếp sống] với nhiều khó khăn trong việc thấu hiểu và chấp nhận chân lý cũng như ngoan cố bám chấp những quan điểm sai lầm.

Đó chỉ là một số rất ít những ví dụ về sự phân chia các hành vi bất thiện. Đời sống của ta hiện nay là kết quả của nghiệp, những hành vi trong quá khứ của ta. Hoàn cảnh tương lai của ta, những điều kiện mà ta sẽ tái sinh vào đó, những cơ hội để cải thiện đời sống mà ta sẽ có hoặc không có, đều phụ thuộc vào nghiệp của ta trong đời sống này, tức là những hành vi hiện nay của ta. Mặc dù hoàn cảnh hiện tại của ta đã được quyết định bởi cách hành xử trong quá khứ, nhưng ta vẫn phải chịu trách nhiệm về những hành vi hiện nay của mình. Ta có khả năng và có trách nhiệm phải hướng những hành vi của mình theo con đường hiền thiện.

Khi ta cân nhắc một hành vi cụ thể để xác định liệu nó có thuộc phạm trù đạo đức hoặc tâm linh hay không, những tiêu chí nên xét đến phải là tính chất của động cơ [đã thúc đẩy hành vi đó]. Khi một người quyết định một cách có ý thức rằng sẽ không trộm cắp, nếu người ấy chỉ đơn giản bị thúc đẩy bởi nỗi lo sợ bị bắt và bị luật pháp trừng trị, thì rất đáng ngờ là liệu quyết định ấy có phải một hành vi đạo đức hay không, bởi những cân nhắc về mặt đạo đức đã không tham gia trong sự chọn lựa đó.

Xét một trường hợp khác, quyết tâm không trộm cắp có thể được thúc đẩy bởi nỗi lo sợ về dư luận công chúng như: “Bạn bè và hàng xóm của tôi sẽ nghĩ gì?

Hẳn là mọi người sẽ khinh bỉ tôi. Tôi sẽ trở thành một người bị xã hội cô lập.” Mặc dù quyết tâm như thế có thể là tích cực, nhưng liệu đó có phải là một hành vi đạo đức hay không thì vẫn chưa thể nói chắc được.

Bây giờ, nếu cũng quyết định giống như trên, nhưng được một người hình thành với suy nghĩ: “Nếu tôi trộm cắp nghĩa là tôi đang hành động trái với luật thiêng liêng của Thượng đế.” Hoặc một người khác có thể suy nghĩ: “Trộm cắp là bất thiện và gây đau khổ cho người khác.” Khi được thúc đẩy bởi những sự cân nhắc như vậy, thì quyết định đưa ra như trên sẽ có ý nghĩa luân lý hoặc đạo đức, và nó cũng thuộc phạm trù tâm linh. Trong sự tu tập theo giáo lý đạo Phật, nếu sự cân nhắc cơ bản để bạn tránh không thực hiện một hành vi bất thiện vì điều đó sẽ ngăn trở bạn đạt đến trạng thái vượt thoát khổ đau, thì sự kiềm chế như vậy là một hành vi đạo đức.

Chúng ta được biết rằng, chỉ có bậc Nhất thiết trí mới thấu hiểu hết những khía cạnh chi tiết trong sự vận hành của nghiệp. Việc nắm hiểu được trọn vẹn những cơ chế hoạt động vi tế của nghiệp là vượt ngoài nhận thức thông thường của chúng ta. Để có thể sống phù hợp với những lời thuyết giảng về nghiệp của đức Phật Thích-ca Mâu-ni, chúng ta cần thiết phải có một mức độ tin tưởng vào những lời dạy của ngài. Khi đức Phật nói rằng việc giết hại dẫn đến tuổi thọ ngắn ngủi, việc trộm cắp dẫn đến sự nghèo túng, thì thật ra không có cách nào để chứng minh rằng ngài nói đúng. Tuy nhiên, những vấn đề như thế cũng không nên chấp nhận với một niềm tin mù quáng. Trước hết, chúng ta nhất thiết phải xác lập được giá trị của đối tượng mà ta đặt niềm tin: đức Phật và giáo lý của ngài, tức là Pháp. Chúng ta phải thẩm sát những lời dạy của ngài bằng sự phân tích lý luận hết sức chặt chẽ. Thông qua việc nghiên cứu những phần giáo pháp có thể được xác lập trên cơ sở suy luận hợp lý và thấy được là đúng đắn – chẳng hạn như Giáo pháp của đức Phật về sự vô thường và tánh Không, mà ta sẽ tìm hiểu trong chương 13: Trí tuệ – niềm tin của ta vào những phần giáo pháp khó chứng minh hơn, như sự vận hành của nghiệp, sẽ tự nhiên gia tăng.

Khi cần một lời khuyên, ta sẽ tìm đến một người mà ta thấy là đủ tư cách để đưa ra những chỉ dẫn ta đang cần. Sự đánh giá cao về vị thiện tri thức ấy càng rõ rệt thì ta sẽ tiếp nhận lời khuyên của người ấy càng nghiêm túc hơn. Sự phát triển của những gì mà tôi muốn gọi là “niềm tin khôn ngoan” đối với những lời khuyên dạy của đức Phật cũng nên theo cách tương tự như thế.

Tôi tin rằng, chúng ta rất cần thiết phải có một phần kinh nghiệm và cảm nhận trực tiếp trong sự tu tập mới có thể phát khởi niềm tin chân thật và sâu sắc. Dường như có hai loại kinh nghiệm khác nhau.

Có những kinh nghiệm của bậc thánh đã chứng ngộ cao siêu, là các vị có những phẩm tính tưởng chừng như không thể đạt đến. Rồi lại có những kinh nghiệm phàm tục hơn mà chúng ta có thể đạt được thông qua sự tu tập hằng ngày. Nhờ tu tập, ta có thể phát triển phần nào nhận thức về tính vô thường, về bản chất mong manh ngắn ngủi của cuộc sống. Ta có thể đạt đến sự nhận biết tính chất hủy hoại của những cảm xúc phiền não. Ta có thể có lòng bi mẫn nhiều hơn đối với người khác, hoặc kiên nhẫn hơn khi phải xếp hàng chờ đợi.

Những kinh nghiệm rõ ràng cụ thể như vậy tạo ra cho ta cảm giác hài lòng, hoan hỉ, và niềm tin của ta vào tiến trình tu tập đã mang đến những kinh nghiệm này sẽ gia tăng. Niềm tin của ta vào vị thầy đã dẫn dắt ta đạt đến những kinh nghiệm này cũng sẽ được củng cố, và sức thuyết phục của giáo lý mà vị ấy đang học theo cũng sẽ tăng thêm. Và từ những trải nghiệm cụ thể như vậy, ta có thể trực nhận được rằng việc tiếp tục con đường tu tập sẽ có thể dẫn đến những thành tựu thậm chí còn phi thường hơn nữa, chẳng hạn như những chứng ngộ đã trở thành bất diệt của các vị thánh trong quá khứ.

Một niềm tin hợp lý xuất phát từ những cảm nhận trực tiếp trong sự tu tập tâm linh như thế cũng giúp làm tăng thêm sự tin cậy của ta vào những giải thích của đức Phật về sự vận hành của nghiệp. Và rồi sự tin cậy này lại giúp ta có được quyết tâm từ bỏ những hành vi bất thiện vốn luôn dẫn đến sự khổ đau ngày càng nhiều hơn. Vì thế, sẽ rất hữu ích trong buổi tập thiền của ta nếu sau khi có được một sự tỏ ngộ về đề tài mà ta quán xét, dù là nhỏ nhặt nhất, ta có thể dành ra một ít thời gian để nhận biết rằng ta đã đạt được sự tỏ ngộ đó và thừa nhận thành tựu đó đã có được là do đâu. Sự suy xét phản chiếu như vậy nên được xem như một phần của buổi tập thiền. Nó sẽ giúp củng cố nền tảng niềm tin của ta vào sự Quy y Tam bảo – Phật, Pháp và Tăng-già – và giúp ta tiến triển trong sự tu tập. Nó giúp ta có đủ nghị lực để tiếp tục dấn bước.


(*) Mười điều ác (Thập bất thiện): Cũng gọi là Thập ác, Mười nghiệp ác, Mười pháp bất thiện, bao gồm: 1. Sát sanh, 2. Trộm cắp, 3. Tà dâm, 4. Vọng ngữ, 5. Ỷ ngữ, 6. Lưỡng thiệt, 7. Ác khẩu, 8. Tham dục, 9. Sân khuể, 10. Tà kiến.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TỪ BI LÀ NHÂN MÀ TRÍ TUỆ LÀ QUẢ
  2. TỊNH QUANG MẸ VÀ CON
  3. TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÁC TÂM TRẠNG

Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG CÂU NÓI CỦA DALAI LAMA 14TH
  2. TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH

Bài viết mới

  1. SỰ KHIÊM TỐN THUYẾT PHỤC
  2. TU TẬP THIỀN BẰNG CÁCH QUÁN TÂM TRONG TĨNH LẶNG
  3. TRAO MỘT LỜI KHEN