THỨC TỈNH MỤC ĐÍCH SỐNG

ECKHART TOLLE

Trích: Thức Tỉnh Mục Đích Sống"; Nguyên tác: A New Earth: Awakening to Your Life’s Purpose; Việt dịch: Đỗ Tâm Tuy - Diện Mục Nguyễn Văn Hạnh; NXB. Trẻ; Công ty CP Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News; 2007

Eckhart Tolle (sinh năm 1948 ở Đức), nổi tiếng nhất với vai trò tác giả của hai tác phẩm Sức mạnh của hiện tiền phi thời gian (nguyên tác tiếng Anh The Power of Now) và Thức tỉnh mục đích sống (nguyên tác tiếng Anh A New Earth: Awakening to Your Life’s Purpose). Năm 2008, tờ New York Times đã gọi Tolle là “tác giả về tâm linh nổi tiếng nhất nước Mỹ”. Năm 2011, ông được nhà xuất bản Watkins Books (Luân Đôn, Anh) đưa vào đầu danh sách 100 nhân vật hiện còn sống và có ảnh hưởng nhất thế giới về tâm linh.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Luân Đôn, ông trở thành một nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge. Năm hai mươi chín tuổi, một sự chuyển hóa tâm linh sâu sắc đã làm thay đổi hoàn toàn những gì ông từng nghĩ về chính mình và hướng đi của đời ông. Từ đó ông đã dành hết tâm sức để tìm hiểu, vận dụng và đào sâu thêm vào sự chuyển hóa này, đánh dấu một bước khởi đầu cho hành trình kiên trì đi vào nội tâm.

Điều đặc biệt là Eckhart Tolle đã không nhấn mạnh đến một truyền thống hay tôn giáo nào. Trong những bài thuyết giảng trên khắp thế giới, ông chỉ muốn truyền đạt một thông điệp rất giản dị, nhưng sâu sắc, và bất tử của các bậc giác ngộ từ xa xưa rằng: Có một con đường thoát khổ và một phương pháp thực tập để tìm lại được niềm an lạc có sẵn trong mỗi người.

Ông cư ngụ tại Vancouver, Canada từ năm 1996 đến nay. Đọc giả quan tâm có thể tìm hiểu thêm về Eckhart Tolle qua website: www.eckharttolle.com

Bài viết dưới đây được trích từ tác phẩm Thức tỉnh mục đích sống (nguyên tác tiếng Anh A New Earth: Awakening to Your Life’s Purpose), đề cập đến mục đích mà ông viết nên quyển sách này.

Nhân loại đã thật sự sẵn sàng cho một quá trình chuyển biến nhận thức, một quá trình nở hoa sâu sắc và triệt để của tâm thức đến độ, so với quá trình này thì việc cây cỏ nở hoa 114 triệu năm trước đây, dầu cho đẹp đến mấy thì đấy cũng chỉ là một sự phản ánh nhạt nhòa? Liệu con người có thể từ bỏ tầng tầng lớp lớp những cách nghĩ bị bó buộc cũ và trở nên giống như những tinh thể pha lê trong suốt để ánh sáng nhận thức xuyên qua dễ dàng?

Liệu con người có thể thoát ra khỏi trường hấp dẫn của chủ nghĩa vật chất, thoát ra khỏi tình trạng tự đồng nhất mình với hình tướng(1)?

Khả năng chuyển hóa này cũng là thông điệp chính của những giáo lý sâu sắc để khai thị cho con người. Những người phát đi thông điệp này – như Đức Phật, Chúa Jesus và nhiều người khác – là những bông hoa đầu tiên của nhân loại. Họ là những vị thầy tiên phong, rất hiếm hoi và quý giá vô ngần. Tuy vậy, một sự chuyển hóa rộng khắp chưa thể xảy ra vào thời đó được, nên thông điệp của họ thường bị hiểu sai và bị bóp méo đi rất nhiều.

Ngoại trừ ở một số ít người, tâm thức của con người thời ấy nói chung chưa được chuyển hóa nhiều.

Bây giờ thì nhân loại đã sẵn sàng để chuyển hóa chưa? Tại sao lúc này mới thực là thời cơ? Bạn có thể làm gì để thúc đẩy quá trình chuyển hóa nội tại này? Đặc điểm của nhận thức cũ đầy tính bản ngã là gì và đâu là dấu hiệu của một tâm thức mới đang trỗi dậy? Những câu hỏi này và một số câu hỏi khác sẽ được đề cập đến trong cuốn sách này. Quan trọng hơn, cuốn sách cũng chính là một công cụ có tính chuyển hóa xuất phát từ một nhận thức mới đang trỗi dậy.

Những ý tưởng và khái niệm ở đây tuy quan trọng, nhưng đó cũng chỉ là thứ yếu. Chúng như những tấm bảng chỉ đường giúp bạn đi đến trạng thái tỉnh thức. Trong lúc đọc cuốn sách này, một sự chuyển hóa sẽ xảy ra trong bạn.

Mục đích chính của cuốn sách không phải là để cung cấp thêm thông tin hay những niềm tin mù quáng cho trí năng của bạn, hay cố thuyết phục bạn về một điều gì, mà nó mang đến cho bạn một sự chuyển hóa trong nhận thức, tức là thức tỉnh bạn ra khỏi những dòng suy nghĩ miên man ở trong đầu. Nếu được như vậy thì bạn sẽ không chỉ thấy cuốn sách là “thú vị”. Vì thú vị có nghĩa là bạn còn đứng ở bên ngoài, tìm vui với những ý nghĩ, và khái niệm ở trong đầu bạn để tư duy rằng mình đồng ý hay không nên đồng ý với cuốn sách. Vì cuốn sách này được viết cho bạn, do đó cuốn sách hoặc rất vô nghĩa đối với bạn, hoặc nó làm cho nhận thức của bạn có sự thay đổi lớn. Tuy nhiên, cuốn sách này chỉ có thể thức tỉnh những người đã sẵn sàng để tỉnh thức. Mà không phải ai cũng sẵn sàng để tỉnh thức. Tuy nhiên, khi có một người vừa tỉnh thức thì biến cố này sẽ tạo nên một quán tính trong tâm thức của tập thể, giúp cho sự tỉnh thức xảy ra dễ dàng hơn ở những người khác. Nếu trong lúc này bạn chưa rõ tỉnh thức có nghĩa là gì, thì bạn cũng không cần bận tâm nhiều về nghĩa của từ ấy, hãy cứ tiếp tục đọc và khi nào trong bạn có sự tỉnh thức, thì bạn sẽ hiểu “tỉnh thức” có nghĩa là gì. Quá trình tỉnh thức một khi đã bắt đầu ở trong bạn rồi thì không thể đảo ngược lại; và để cho quá trình này được bắt đầu, bạn chỉ cần trải qua trạng thái tỉnh thức – dù chỉ trong một thoáng chốc. Đối với một số người thì một thoáng chốc của trạng thái tỉnh thức đó sẽ xảy đến khi họ đọc cuốn sách này. Còn đối với những người khác thì cuốn sách sẽ giúp cho họ nhận ra rằng quá trình tỉnh thức đã xảy ra ở trong họ rồi, nhưng bây giờ họ mới nhận ra. Ở một số người thì quá trình tỉnh thức chỉ xảy ra khi họ gặp phải những mất mát hay khổ đau lớn. Trong khi ở những người khác, là khi họ tiếp xúc với những bậc thầy hay những giáo lý về tâm linh, hay do đọc cuốn “Sức Mạnh của Hiện Tại” hay những cuốn sách có giá trị tâm linh sống động khác. Hoặc có thể là sự tổng hợp của tất cả những điều ấy. Tuy nhiên, một khi sự tỉnh thức đã bắt đầu ở trong bạn thì cuốn sách này sẽ giúp cho bạn đẩy nhanh và gia tăng cường độ tỉnh thức.

Điều căn bản nhất của quá trình tỉnh thức là:

  • Nhận ra sự mê mờ đang tồn tại ở trong bạn,
  • Nhận diện bản ngã(2) của bạn khi nó đang nóiđang nghĩđang làm một việc nào đó,
  • Nhận ra thói quen suy tư đầy tính băng hoại trong tâm thức của tập thể đang thẩm thấu vào mọi khía cạnh của đời sống, kéo dài thêm tình trạng chưa thức tỉnh.

Đó là lý do tôi viết cuốn sách này: để nêu lên những khía cạnh chính của bản ngã và cách bản ngã hoạt động trong bạn cũng như trong tâm thức tập thể. Điều này có ý nghĩa quan trọng, vì hai lý do chính. Trước hết, nếu bạn không nhận ra được những cơ cấu hoạt động của bản ngã, bạn sẽ không nhận diện được nó, và sẽ nhầm lẫn mà liên tục tự đồng nhất mình với bản ngã, tức là vô tình bạn để cho bản ngã chế ngự lấy bạn, mạo danh là bạn. Thứ hai, tự thân việc nhận diện bản ngã ở trong bạn chính là một trong những phương cách giúp cho sự tỉnh thức ở trong bạn được diễn ra. Khi bạn nhận ra sự mê lầm của mình, thì cái làm cho sự nhận biết ấy có thể diễn ra chính là thứ nhận thức mới đang trỗi dậy, đó cũng chính là tỉnh thức. Tuy nhiên, ta không nên có thái độ đấu tranh, hay kình chống với bản ngã cũng như ta không thể đấu tranh chống lại bóng tối, hay chống lại sự mê mờ. Điều mà ta cần làm là mang ánh sáng của nhận thức vào những nơi tối tăm này. Và bạn chính là ánh sáng đó.

Chú thích:

(1) Thoát ra khỏi tình trạng tự đồng nhất mình với hình tướng: Hình tướng có thể là những thứ bên ngoài như tài sản, địa vị trong xã hội, tiếng tăm, thân thể của mình,… Vì không tự biết bản chất vô hình tướng, không sinh, không diệt ở trong mình, chúng ta thường có thói quen vô thức tự đồng hóa mình với những hình tướng không bền vững đó.

(2) Bản ngã: Tức là ấn tượng sai lầm của bạn về tính xác thực của một cá thể, một con người biệt lập ở trong bạn; “con người” không hề có thực này luôn cảm thấy sợ hãi, xa lạ, tách biệt với mọi người và với thế giới chung quanh. Bản ngã chỉ biết lo toan cho riêng mình. Bản ngã chỉ xuất hiện khi đầu óc bạn bận rộn chạy theo những suy tư, lo lắng xảy ra liên miên ở trong lòng mình. Nhưng khi bạn im lắng lại và tâm không vướng chút suy tư nào thì bản ngã ấy cũng không còn hiện hữu ở trong bạn nữa.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TỈNH THỨC MANG LẠI LỢI ÍCH GÌ?
  2. CUỘC ĐỜI LÀ MỘT TRƯỜNG HỌC

Bài viết khác của tác giả

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. NIỀM VUI TỰ TẠI
  3. QUÁ KHỨ KHÔNG THỂ “SỐNG DẬY” KHI BẠN THỰC SỰ CẢM NHẬN ĐƯỢC HIỆN TẠI

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH