LƯU CHẤN HỒNG
Trích: Hài Hước Một Chút Thế Giới Sẽ Khác Đi; NXB Thanh Niên
Khi nói về lí do thành công, người ta thường nhấn mạnh tinh thần tích cực tiến thủ. Nhưng có những lúc, chỉ biết lao về phía trước chưa chắc đã là phương pháp tốt nhất; thực ra, lùi một bước để tiến hai bước cũng là một sách lược trong cuộc sống.
Đương nhiên chúng ta nên cổ vũ tinh thần quyết không từ bỏ mục tiêu đã đề ra, bởi trên thực tế, thực sự nó đã khiến rất nhiều người đạt được thành công.
Nhưng trong thế giới phức tạp và không ngừng thay đổi này, đương nhiên chúng ta không thể sử dụng cùng một sách lược để đối phó với mọi tình huống, đôi khi chúng ta cũng phải biết nhún mình, nhường nhịn người khác. Trong cuộc sống, trường hợp như vậy không phải là hiếm.
Ví dụ, giữa một khu chợ đông đúc, anh A vô tình giẫm phải chân anh B, anh B bèn nhắc nhở: “Này, anh đang tự làm đau chân mình đấy à?” Anh A nói: “Xin lỗi, chân tôi không có mắt. Ha ha, hay là anh giẫm lại tôi một cái đi!” Như thế, chỉ đôi câu nói đã giúp hai người tránh được một cuộc cãi vã không đáng có.
Thực ra, trong cuộc sống hàng ngày, thêm một chút hài hước, bớt vài phần nguyên tắc là chúng ta đã có thêm rất nhiều niềm vui và lòng yêu đời. Trong công việc, thêm một phần hài hước, bớt vài phần cứng nhắc là chúng ta có thể giảm bớt áp lực, nâng cao nhiệt tình với công việc. Trong giao tiếp, thêm một chút hài hước, bớt vài phần khắc nghiệt là chúng ta đã có thể biến mâu thuẫn thành mối quan hệ hòa hảo, tăng cường sự thấu hiểu, thông cảm giữa người với người.
Hai người A và B vì một nguyên nhân rất nhỏ trong công việc mà cãi nhau. A chất vấn B: “Vì sao anh vô lí thế hả?” B nói: “Tôi vốn không có lí thì nói lí gì với anh?” A nghe thế bật cười, thế là mọi giận hờn đều tan biến.
Có những lúc, nếu cứ giữ thái độ căng thẳng kéo dài chưa chắc đã mang lại kết quả tốt. Cho dù là trong việc gì cũng đều nên biết nhường nhịn, bởi nhường nhịn đôi khi sẽ mang lại cho chúng ta những thu hoạch không ngờ.
Có một ông lão bị một chàng trai trẻ đụng phải trên xe bus, ông lão không những không trách cứ mà còn hài hước nói: “Tại tôi đứng không đúng chỗ phải không?” Chỉ một câu nói hài hước đã khiến không khí căng thẳng trong phút chốc bị nhấn chìm bởi tiếng cười của mọi người.
Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, cùng một câu nói nhưng nếu nói bằng giọng điệu hài hước có thể khiến cả đôi bên vui vẻ; cùng một câu chuyện nhưng nếu xử lí khéo léo, mềm mỏng một chút có thể khiến tâm trạng thoải mái hơn. Hài hước cần sự độ lượng, mà độ lượng thì cần một tấm lòng rộng mở, rộng mở thì khí huyết lưu thông, khí huyết lưu thông thì tâm trạng vui vẻ, đó là một phản ứng dây chuyền rất tốt. Như Triệu Phác Sơ từng nói: “Mặt trời mọc ở biển Đông, lặn ở núi Tây, buồn cũng là một ngày, vui cũng là một ngày; gặp chuyện gì cũng không tính toán nhỏ nhen thì con người sống mới thoải mái, trong lòng mới vui vẻ được…”. Đã như thế thì tại sao chúng ta không làm một người hài hước có tâm trạng vui vẻ nhỉ?
Trong xã hội có rất nhiều người thường chờ đợi sự khoan dung của người khác. Thực ra, khoan dung không chỉ mang lại lợi ích cho người được khoan dung, mà bản thân người khoan dung cũng tự giải phóng cho bản thân. Một trái tim khoan dung độ lượng có thể rút gần khoảng cách giữa người với người. Đó cũng là điều kiện cần có để trở thành một người hài hước.
Sự hài hước thể hiện sự chân thành, rộng lượng và tâm địa hiền lành lương thiện của con người, đồng thời đó cũng là một hành động văn minh được con người sáng tạo ra để ứng phó với những tình huống khó khăn trong cuộc sống. Nó giống như một cây cầu kéo gần khoảng cách giữa người với người cũng như lấp đầy khoảng trống giữa những tâm hồn. Ngoài ra, nó còn có vai trò tích cực trong việc thúc đẩy mối quan hệ giao tiếp, là động lực không thể thiếu giúp con người vươn lên đến đỉnh cao của sự nghiệp.
Muốn hình thành một không khí văn hóa xã hội hài hước, cho dù là đối với cá nhân hay xã hội cũng đều phải có sự tự do tương đối. Nếu thiếu nền móng này thì sự hài hước sẽ như cái cây không có rễ. Bởi vậy, hài hước cũng phải thấu tình đạt lí.
Có một lần, rất nhiều người được mời tới nhà một người nổi tiếng trong giới thượng lưu dùng bữa. Nhà người đó rất giàu có, trong phòng khách bày đầy các món đồ mĩ nghệ tinh xảo, món nào cũng rất đáng giá.
Ăn trưa xong, mấy vị khách vừa nói chuyện vừa đi ra ngoài cửa. Lúc này, chủ nhân đột nhiên đi tới trước một vị khách đang chuẩn bị ra về: “Tôi rất vui vì ngài thích các món đồ của tôi”, sau đó thò tay vào túi áo người khách kia, lấy ra một món đồ rất đáng tiền và nói tiếp, “Tôi nhận ra ngài thích món đồ này, hơn nữa còn muốn ngắm nó dưới ánh nắng.”
Tên trộm ăn mặc đường hoàng kia giật mình, chột dạ nhìn xung quanh xem có ai phát hiện ra hành vi của mình không. Còn những người ngồi trong phòng khách tuy rằng tận mắt chứng kiến cảnh tượng này, nhưng mọi người cũng phối hợp với chủ nhân, giả bộ như không nhận thấy hành vi ăn trộm.
Để vở kịch giống thật hơn, chủ nhân cùng gã trộm bị bắt quả tang còn đứng dưới ánh nắng để ngắm nghía món đồ. Sau đó chủ nhân cầm món đồ trong tay, đi vào phòng và đặt lại vị trí cũ. Còn tên trộm kia đành lặng lẽ lên xe ra về, từ đó không bao giờ còn cơ hội tham dự những bữa tiệc trong giới thượng lưu nữa.
Vị chủ nhân này đã tha cho tên trộm đi và giữ lại thể diện cho hắn, bởi vậy tất cả mọi người có mặt ở đó đều khâm phục ông vô cùng. Ông chính là một cao thủ trong nghệ thuật giao tiếp.
Lùi, thể hiện sự khoan dung. Nếu nói rằng mặt biển vì rộng nên bao la, mặt đất vì rộng nên tràn đầy sức sống, bầu trời vì rộng nên bát ngát, vậy thì con người cũng nên vì rộng lượng mà trở nên cao thượng, bởi những người có phẩm chất cao thượng đều được hoan nghênh và được mọi người tôn kính.
“Lùi vài bước” có thể thúc đẩy tình cảm giữa người với người, đồng thời khiến các mối hợp tác trở nên thuận lợi hơn. Chỉ cần bạn chịu “lùi” thì bạn sẽ dễ dàng bước lên chiếc thang của xã hội, trèo ngày càng cao hơn.
Hài hước là ngôn ngữ của bậc trí giả, hoặc là bạn lựa chọn thái độ mỉm cười và suy nghĩ vấn đề trên góc độ khác, hoặc là lựa chọn lùi lại một bước để khoảng không gian tiếp theo được rộng mở hơn.