TÂM TRÍ BỊ MẮC KẸT BỞI NHỮNG PHẢN ỨNG

DEEPAK CHOPRA

Trích: Cuốn Sách Của Những Bí Mật; Việt dịch: Thế Anh; NXB. Hồng Đức; Công ty CP VH Văn Lang, 2017

Bạn có yêu tâm trí của mình không? Tôi chưa từng gặp người nào có tình yêu đó. Những người sở hữu hình thể hay khuôn mặt đẹp thường yêu quý món quà trời cho này (cho dù điều ngược lại cũng có thể đúng những người có ngoại hình đẹp vẫn có thể sống khép kín do cảm giác bất an hay sợ bị người khác xem là rỗng tuếch). Tâm trí là phần khó nhất để yêu của bản thể chúng ta, bởi lẽ chúng ta có cảm giác bị mắc kẹt bên trong tâm trí không phải lúc nào cũng thế mà là chỉ là những khoảnh khắc gặp khó khăn. Nỗi sợ hãi luôn có cách để len lỏi vào tâm trí. Sự suy nhược làm tâm trí tối tăm; nỗi bực bội khiến tâm trí bùng nổ những cơn giận dữ thiếu kiểm soát. 

Nhiều nền văn hóa cổ xưa thường đồng tình với quan niệm cho rằng tâm trí không bao giờ nghỉ ngơi và không đáng tin cậy. Ở Ấn Độ, ẩn dụ phổ biến nhất là so sánh tâm trí với một con voi hoang đã và để tâm trí bình tĩnh trở lại chẳng khác nào việc buộc con voi ấy vào cọc. Trong Phật giáo, tâm trí được liên hệ đến hình ảnh một con khỉ quan sát thế giới xung quanh bằng 5 giác quan. Loài khỉ vốn nổi tiếng với tính cách bốc đồng và hay thay đổi, có thể làm bất kỳ điều gì mà không báo trước. Triết lý Phật giáo không có ý thuần hóa loài khỉ mà chỉ tìm hiểu lối sống của chúng, chấp nhận chúng và chuyển sang một ý thức cao hơn, ra khỏi tính chất hay thay đổi của tâm trí. 

Các ẩn dụ không giúp bạn yêu mến tâm trí; bạn cần phải tự mình tìm ra trải nghiệm thực tế của sự bình yên và điềm tĩnh. Bí mật để làm điều đó là giải phóng tâm trí. Một khi được tự do thì tâm trí sẽ trở nên bình yên. Đây chính là giải pháp có tác dụng ngược, bởi lẽ không ai nói rằng một con voi hoang dã lại có thể được thuần hóa bằng cách thả nó tự do. Họ nói rằng động vật hoang dã chỉ có thể ngày một hoang dã hơn, tuy nhiên, bí mật này lại dựa trên một trải nghiệm thực tế: Tâm trí trở nên “hoang dã” vì chúng ta tìm cách giam hãm và kiểm soát nó. Ở một cấp độ sâu xa hơn, chúng ta sẽ nhìn thấy được sự trật tự. Ở đây, suy nghĩ và sự bốc đồng đã diễn ra hài hòa với những gì được cho là đúng và tốt đẹp nhất dành cho mỗi người. 

Vậy thì bạn phải làm gì để giải phóng tâm trí? Trước hết bạn phải hiểu làm thế nào mà tâm trí bị mắc bẫy. Sự tự do không phải là một hoàn cảnh mà bạn có thể đạt đến bằng cách mở cửa hay tháo xiềng xích. Tâm trí cũng là xiềng xích của chính nó, như cách nhà thơ William Blake đã nói khi ông nhìn con người trên đường phố London: 

Trong tiếng khóc của mỗi người 

Trong tiếng khóc sợ hãi của mỗi đứa trẻ 

Trong mọi giọng nói, trong mọi cấm đoán 

Tôi nghe thấy âm thanh của xiềng xích do tâm trí tạo ra.

Khi tìm hiểu tại sao tâm trí lại bị mắc bẫy, các nhà hiền triết Ấn Độ cổ đại đã nghĩ ra khái niệm samskara (bắt nguồn từ hai từ tiếng Phạn có nghĩa là “cùng tuôn chảy”). Samskara là một đường rãnh trong tâm trí khiến mọi suy nghĩ đều chảy cùng một hướng xuyên qua nó. Triết lý Phật giáo đã sử dụng khái niệm này một cách tinh tế bằng cách xem samskara như một dấu vết của tâm trí với cuộc sống riêng của nó. Samskara cá nhân của bạn, được xây dựng nên từ những ký ức trong quá khứ, buộc bạn phản ứng theo cùng một cách hết lần này đến lần khác, từ đó khiến bạn không còn quyền lựa chọn (tức là lựa chọn như thể đó là lần đầu tiên). 

Đa số mọi người đều tạo nên nhân dạng dựa trên nền tảng samskara mà không biết rằng họ chính là người lựa chọn để làm thế. Tuy nhiên, những manh mối là điều không thể chối bỏ. Hãy nghĩ đến trường hợp những người thường nổi cơn thịnh nộ. Đối với những người được gọi là “kẻ nghiện giận dữ” này thì cơn giận sẽ giống như “thứ gì đó”, thứ kiểm soát họ bằng một sức mạnh bí mật. Những cơn giận mất kiểm soát sẽ diễn ra theo từng giai đoạn: Trước hết, đó thường là những triệu chứng thể chất – tức ngực, đau đầu, tim đập nhanh, hơi thở gấp gáp. Từ đó, cảm giác thôi thúc để nổi giận bắt đầu phát sinh. Con người có thể cảm nhận cơn giận đang gia tăng như thể một làn nước phía sau bờ đê. Áp lực diễn ra cả về thể chất lẫn cảm xúc; cơ thể muốn loại bỏ cảm giác khó chịu, trong khi tâm trí muốn giải phóng những cảm xúc bị dồn nén. Ở giai đoạn này, con người bắt đầu tìm kiếm lý do để bộc lộ cơn thịnh nộ của mình. Lý do ấy có thể là những hành vi vi phạm nhỏ. 

Cuối cùng, cơn giận sẽ bộc phát và chỉ sau khi nó lắng xuống thì con người mới nhận ra những hệ quả mà họ mang lại tiêu cực như thế nào chu kỳ này kết thúc với thái độ ăn năn và lời hứa không bao giờ giận dữ như vậy nữa. Cảm giác xấu hổ và tội lỗi xuất hiện, con người thề thốt sẽ chấm dứt thịnh nộ trong tương lai và tâm trí luôn nghĩ đến sự vô nghĩa cũng như những rủi ro của việc giận dữ thiếu kiểm soát. 

Đối với những “người nghiện giận dữ, yếu tố lựa chọn dường như là điều xa xỉ. Khi cảm giác thôi thúc xuất hiện thì áp lực ấy cần phải được giải tỏa. Tuy nhiên, có sự “thông đồng” ở đây – một thỏa thuận ngầm để cơn giận tự bộc phát theo cách của nó. Trong quá khứ, những người hay giận dữ từng sử dụng cơn giận như một phương pháp để đối phó với mọi người. Họ nhìn thấy sự giận dữ mang lại hiệu quả trong nhiều tình huống. Họ liên kết sức mạnh với hành vi đe dọa, có lẽ vì họ không còn cách nào khác để thể hiện sức mạnh của mình. Họ thường không thể bày tỏ bản thân bằng lời nói, và cơn giận dữ khi đó sẽ trở thành sự thay thế hoàn hảo cho ngôn từ và suy nghĩ. Sau khi giận dữ trở thành thói quen, họ thôi tìm kiếm những giải pháp khác để giải phóng tâm trí. Thái độ giận dữ mà họ đang tìm cách chấm dứt đã gắn liền với họ do nhu cầu và ước muốn cá nhân họ không biết phải làm sao để có được điều mình muốn mà không phải tỏ ra giận dữ. 

Đây là sự phân tích samskara trong mọi biến thể của nó. Bạn có thể thay thế giận dữ bằng những trải nghiệm khác, chẳng hạn như lo lắng, trầm cảm, nghiện ngập, rối loạn ám ảnh; tất cả sẽ giúp xác nhận việc samskara tước bỏ quyền tự do lựa chọn của con người ra sao. Do không thể trốn thoát những ký ức tiêu cực nên con người thích ứng với chúng, từ đó tạo ra hết tầng ấn tượng này đến tầng ấn tượng khác. Những tầng dưới cùng, vốn được tạo ra từ thời thơ ấu, liên tục phát ra thông điệp của chúng, đó là lý do khiến người lớn nhìn vào gương và cảm thấy họ giống như những đứa trẻ sợ hãi, bốc đồng. Quá khứ không được phân tích một cách thấu đáo; samskara đã kiểm soát tâm lý con người bằng những trải nghiệm xưa cũ. 

Những ký ức được lưu giữ cũng giống như những con chip nhỏ được lập trình để duy trì việc gửi cùng một thông điệp hết lần này đến lần khác. Khi nhận thấy bạn đang phản ứng lại theo một cách cố định thì thông điệp xem như đã được gửi đi: Sẽ chẳng hay ho gì khi tìm cách thay đổi thông điệp. Tuy nhiên, đây lại chính là cách mà đại đa số áp dụng để thuần hóa tâm trí. Họ nhận một thông điệp mà mình không thích, sau đó phản ứng của họ sẽ rơi vào một trong ba dạng sau đây: 

Vận động 

Kiểm soát 

Phủ nhận 

Nếu phân tích kỹ, bạn sẽ thấy rõ cả ba dạng phản ứng này đều đến sau sự thật chúng xem sự rối loạn của tâm trí là nguyên nhân gây căng thẳng thay vì một triệu chứng. Những giải pháp được đưa ra sẽ mang đến những hệ quả vô cùng tiêu cực. 

Vận động là có được những gì bạn muốn bằng cách phớt lờ hoặc gây hại cho ước muốn của người khác. Những người có phản ứng dạng vận động sẽ sử dụng sức hút, khả năng thuyết phục, lời dỗ dành, mánh khóe và sự chỉ dẫn sai lạc. Ý tưởng căn bản là: “Tôi phải đánh lừa người khác để họ trao cho tôi những thứ tôi muốn.” Khi các nạn nhân mắc bẫy của họ thì những người có phản ứng dạng vận động còn tưởng tượng rằng họ đang ban ân huệ cho những nạn nhân xét cho cùng thì ai mà không cảm thấy tốt đẹp khi giúp đỡ một người đang trong tâm trạng thoải mái cơ chứ? Bạn có thể rơi vào dạng phản ứng này khi không lắng nghe người khác, khi phớt lờ những gì họ muốn và khi bạn giả vờ rằng những ước muốn của mình không đòi hỏi bất kỳ ai phải trả giá. Ngoài ra còn có những dấu hiệu bên ngoài. Sự hiện diện của một người có phản ứng dạng vận động sẽ mang lại cảm giác căng thẳng, sự mệt mỏi, những lời than phiền và sự mâu thuẫn. Một số người còn sử dụng phương pháp vận động thụ động họ xuất hiện với bộ dạng “tội nghiệp” để tìm kiếm sự đồng cảm và thương hại từ người khác. Hoặc họ thể hiện tâm trạng hối tiếc đau khổ với mục đích khiến người khác nghĩ rằng những gì họ muốn là hoàn toàn sai lầm. Phản ứng vận động sẽ chấm dứt khi bạn không còn giả định rằng những ước muốn của mình là quan trọng nhất nữa. Khi đó, bạn có thể tái kết nối với mọi người và bắt đầu tin rằng ước muốn của người khác cũng có thể sẽ phù hợp với ước muốn của bạn. Khi không còn phản ứng vận động thì mọi người sẽ cảm thấy rằng những gì họ muốn là rất quan trọng. Họ tin rằng bạn đang đứng về phía họ. Không ai cảm thấy rằng mình đang bị lừa. 

Kiểm soát là buộc mọi người và sự kiện xung quanh phải diễn ra theo ý bạn. Kiểm soát là một chiếc mặt nạ lớn của cảm giác bất an. Những người áp dụng hành vi này rất sợ thấy người khác sống đúng với con người họ, thế nên những người thích kiểm soát liên tục khiến người khác cảm thấy thất vọng. Ý tưởng căn bản ở đây là: “Nếu họ tiếp tục chú ý đến tôi thì họ sẽ không bỏ đi.” Khi nhận thấy mình đang biện hộ cho bản thân và trách móc người khác, hoặc cảm thấy rằng không ai thể hiện sự biết ơn hay trân trọng đối với mình, thì sai lầm không phải ở họ – bạn mới chính là người đang thể hiện nhu cầu kiểm soát tình huống. Những dấu hiệu bên ngoài của hành vi này bắt nguồn từ những người bạn đang cố kiểm soát: Họ tỏ vẻ căng thẳng và thể hiện sự phản kháng; họ than phiền trước việc không được lắng nghe; họ gọi bạn là người theo chủ nghĩa cầu toàn hay một kẻ luôn đòi hỏi. Hành vi kiểm soát sẽ chấm dứt khi bạn thừa nhận rằng cách sống của mình không phải là một cách sống đúng. Bạn có thể điều chỉnh nhu cầu được kiểm soát bằng cách ý thức rõ mỗi khi than phiền, trách móc hoặc khăng khăng cho rằng chỉ mỗi bạn đúng, sau đó đưa ra hết lý do này đến lý do khác để chứng minh rằng bạn đúng mà không hề trách cứ bản thân. Sau khi bạn chấm dứt hành vi kiểm soát thì mọi người xung quanh bạn bắt đầu cảm thấy dễ thở hơn. Họ sẽ thư giãn và cười đùa nhiều hơn. Họ cảm thấy được tự do sống với con người thật mà không cần phải tìm kiếm sự chấp thuận ở bạn. 

Phủ nhận là bỏ qua vấn đề thay vì đối diện với nó. Các nhà tâm lý học xem thái độ phủ nhận là dạng phản ứng trẻ con nhất trong số ba phản ứng nêu trên, bởi lẽ nó có sự liên hệ mật thiết với tính dễ tổn thương. Người thích phủ nhận cảm thấy bất lực trước vấn đề, tương tự như cách mà trẻ con vẫn hay cảm nhận. Nỗi sợ hãi luôn gắn liền với thái độ phủ nhận, tương tự trẻ con luôn muốn được yêu thương khi đối mặt với cảm giác bất an. Ý tưởng căn bản ở đây là: “Tôi không cần phải để ý đến những gì tôi không thể thay đổi ngay từ đầu.” Bạn có thể phát hiện ra mình đang phủ nhận khi trải nghiệm sự thiếu tập trung, tính hay quên, thái độ trì hoãn, từ chối đối mặt với những người gây tổn thương cho bạn, hay mơ tưởng, suy nghĩ hão huyền và cảm giác lẫn lộn. Dấu hiệu chủ yếu bên ngoài là người khác không nhờ đến bạn hoặc phụ thuộc vào bạn khi cần đưa ra giải pháp. Bằng cách hướng sự chú ý ra khỏi vấn đề trước mắt, thái độ phủ nhận sẽ đi kèm với sự mù quáng. Làm sao bạn có thể bị kết tội là thất bại ở một việc gì đó mà bạn thậm chí còn chưa hề biết đến? Bạn sẽ vượt qua thái độ phủ nhận bằng cách đối diện trực tiếp với những thực tế phũ phàng. Việc bày tỏ cảm giác thực sự của bạn sẽ là bước đi đầu tiên. Nếu đã quá quen với sự phủ nhận thì bất kỳ cảm giác nào khiến bạn cảm thấy bất an đều là cảm giác mà bạn cần phải đối diện trực tiếp. Thái độ phủ nhận sẽ chấm dứt khi bạn cảm thấy tập trung, cảnh giác và sẵn sàng tham gia vào tình huống trước mắt bất chấp nỗi sợ hãi của mình. 

Mỗi hành vi trên đều cố gắng chứng minh một điều bất khả thi. Phản ứng vận động tìm cách chứng minh rằng tất cả mọi người đều có thể bị lôi kéo để làm theo những gì bạn muốn. Phản ứng kiểm soát tìm cách chứng minh rằng không ai từ chối bạn trừ khi bạn nói thế. Phản ứng phủ nhận tìm cách chứng minh rằng những điều tồi tệ sẽ biến mất nếu bạn không nhìn vào chúng. Thực tế thì người khác có thể từ chối làm theo những gì bạn muốn, có thể từ bỏ bạn mà không cần bất kỳ lý do gì cả, cũng như có thể gây ra rắc rối cho dù bạn có muốn đối mặt hay không. Chúng ta không biết được rằng mọi người còn ngoan cố tìm cách chứng minh điều đối nghịch trong bao lâu, nhưng chỉ khi thừa nhận sự thật thì những hành vi này mới hoàn toàn chấm dứt.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. ĐIỀU PHỤC TÂM
  2. KHAI THÔNG NHỮNG BẾ TẮC NĂNG LƯỢNG
  3. TÂM LÀ TÔN GIÁO CỦA BẠN

Bài viết khác của tác giả

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NHÂN QUẢ
  2. THAY ĐỔI THỰC TẾ CỦA BẠN ĐỂ THÍCH ỨNG VỚI BÍ MẬT THỨ CHÍN
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH