MẸ ƠI, CON ĐI ĐÂY

AJAHN BRAHM

Trích: Buông Bỏ Buồn Buông; Nguyên tác: Don't Worry Be Grumpy; Việt dịch: Hồ Thị Việt Hà; NXB Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2019

Chúng ta thường hay sợ rằng khi mình để ai đó đi, họ sẽ không quay về nữa. Nhưng thực tế thường không phải vậy. 

Nếu bạn giam một con chim trong lồng thì một ngày kia, khi bạn vô tình quên khóa cửa lồng, nó sẽ bay đi mất và không bao giờ quay lại nữa. Thay vì vậy, nếu bạn luôn mở cửa lồng và để đầy thức ăn trong đó, con chim sẽ bay đi nhưng luôn quay về.

 

Một phật tử nọ kể cho tôi nghe rằng, một chiều nọ, cậu con trai sáu tuổi của bà buồn bã thông báo bằng giọng điệu nghiêm trọng: 

– Mẹ, con không yêu mẹ nữa, con sẽ bỏ nhà ra đi. Thế là bà trả lời: – Không sao con yêu ạ, mẹ sẽ giúp con thu xếp đồ đạc. 

Rồi bà theo cậu bé vào phòng của cậu và giúp con lấy những vật dụng cần thiết như gấu bông, quân, đồ hóa trang người nhện, bỏ tất cả vào chiếc va-Ìi nhỏ của cậu. Sau đó, bà vào nhà bếp và làm món bánh mì kẹp mà cậu thích, đặt trong túi giấy và đưa cho cậu con trai sáu tuổi của mình để cậu không bị đói trong chuyến đi.

Lúc tiễn con ra trước cửa, bà vẫy tay chào con và nói: 

– Tạm biệt con yêu! Đừng quên liên lạc với mẹ nhé! 

Thế là cậu con trai bé bỏng của bà, một tay kéo va-Ìi, một tay cầm túi bánh mì, bước đi về phía cuối con đường nhỏ băng qua vườn, mở cổng, quẹo trái và ra đi. 

Đi chưa đầy năm chục thước, cậu bé đã cảm thấy nhớ nhà. Cậu bèn quay lại, đi về phía cái cổng, chạy ùa vào nhà, lao vào vòng tay chờ đón của mẹ, người nãy giờ vẫn đứng nguyên chỗ đó.

Người mẹ đó quả thật rất sáng suốt. Bà hiểu rõ cậu con trai sáu tuổi sẽ không đi xa căn nhà đầy yêu thương của mình. Khi tôi kể câu chuyện đó cho một chuyên viên tâm lý người Singapore nghe, cô ấy đã cười không ngớt. Sau đó, cô cho tôi biết hồi nhỏ cô cũng từng làm như thế. Hồi sáu tuổi, cô cãi nhau với mẹ và đòi bỏ nhà đi. Mẹ cô lập tức đồng ý và giúp cô thu xếp hành lý. Tuy nhiên bà không làm món bánh mì cho cô như bà mẹ kia mà thay vào đó, bà cho cô mười đồng để mua thức ăn. Mẹ cô đưa cô ra thang máy và khi thang đến, cô bé sáu tuổi đã bước vào thang, người mẹ thì đứng ngoài, vẫy tay tiễn biệt trong khi cánh cửa thang máy đóng lại. 

Thang máy chưa đến xuống tầng trệt thì cô bé đã nhớ nhà. Khi thang vừa xuống đất, cô nhớ mẹ và nhớ nhà kinh khủng, cô nhấn nút số tầng nơi mình ở, chiếc thang máy lại đóng cửa và đi ngược lên trên; khi cửa thang vừa mở, mẹ cô đã đứng đó chờ với vòng tay dang rộng: 

– Mừng con đã về nhà, con yêu! 

Một khi những kết nối yêu thương đã đủ mạnh, bạn có thể bình an để cho một người rời xa bạn, trong lòng thấu suốt rằng: có ra đi, có quay về.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. VỀ TÂM CHA MẸ
  2. ĐÔI MẮT CỦA MẸ
  3. TẤT CẢ CHÚNG SANH ĐÃ TỪNG LÀ CHA MẸ CHÚNG TA TỪ VÔ THỦY

Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM TRÍ CỦA LOÀI KHỈ
  2. NHÀ SƯ VÀ QUAN ÂM BỒ TÁT
  3. CHO ĐI ĐỂ VUI SỐNG

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ