TARTHANG TULKU RINPOCHE
Trích: Làm Việc Một Nguồn Vui; Tác Giả: Tarthang Tulku Ripoche; Dịch Giả: Thích Nữ Trí Hải; NXB: Thành Phố Hồ Chí Minh, Năm 2001
Rất nhiều người trong chúng ta đã mất liên lạc với tri kiến nội tâm nó vốn là cốt tủy của sự cảm thông. Thay vì cởi mở đối với chính mình và có thể san sẻ những tư tưởng, cảm giác của mình với người khác thì ta lại chỉ bận tâm bảo vệ cái hình ảnh tự tạo của mình. Mặc dù ta bảo ta muốn tương giao với người khác, song dáng điệu cử chỉ ta, vẻ mặt ta, giọng nói ta, và sự hùng hổ trong lời nói cũng để lộ ra rằng ta không thực tình muốn san sẻ. Nếu không tự biết rõ mình, hiểu rõ vừa động cơ, vừa thông điệp của mình muốn nói, thường ta chỉ có truyền thông cái sự hoang mang.
Khi ta không thực sự quan tâm đến san sẻ thì không thể nào có sự trao đổi tư duy đầy ý nghĩa xảy ra. Chúng ta có thể chỉ nói lên một phần quan điểm mình và mong người kia hiểu rõ đều ta đã nói. Hoặc ta có thể bọc những ý niệm của mình trong một thứ ngôn ngữ ít ai thể hội được. Mặc dù người khác không hiểu, họ có thể chấp nhận lập trường và ý tưởng ta không cần chất vấn, chỉ vì muốn che giấu sự không hiểu của họ. Bằng cách ấy ta chỉ dùng sự truyền thông để mà lèo lái người khác hơn là làm phương tiện để mở lòng ra với họ. Thế là ta mất hết cơ hội để cho ý nghĩ được tuôn ra, được san sẻ, cơ hội đào sâu hiểu biết con người.
Nếu ta không cần cảm thông với người khác thì tất cả gì ta có thể truyền đạt thực sự đó là sự bất cần của ta. Khi xem xét cẩn thận những kiểu truyền thông của mình, để ý cái cách người khác phản ứng như thế nào trước những gì ta nói, ta sẽ thấy sự thiếu tình thương nơi ta đã cản trở nỗ lực của ta như thế nào trong việc truyền đạt một cách sáng sủa. Ta sẽ thấy ta có thực sự đang lắng nghe những gì người khác nói không, hay ta chỉ quan tâm đến việc làm cho người khác biết quan điểm của ta. Sự để ý xem ta có ngắt lời người khác hay có sẵn sàng nhìn thẳng vào người khác không, có thể cho ta biết rất nhiều về động cơ đích thực của mình.
Sự Truyền Đạt Cởi Mở, Chân Thành
Nhờ quan sát những cách tương tác với người khác mà ta có thể hiểu những rắc rối mà ta tự tạo cho mình trong sự truyền thông. Nếu muốn thể hiện niềm vui san sẻ với người, thì ta phải phát triển cái thiện chí muốn tương giao với những người xung quanh một cách cởi mở. Muốn làm vậy ta phải làm một quyết định thay đổi bằng tất cả năng lực tâm trí mình. Khi đã thay đổi, ta có thể cả quyết rằng tình thương trong ta luôn luôn là phần minh bạch nhất trong thông điệp của ta.
Khi càng mở lòng ra với người khác thì ta càng thấy rằng lắng nghe có nghĩa là mở hết các giác quan của ta ra để nghe những gì người khác muốn nói, không những trong lời họ thốt ra mà còn trong tim họ. Bằng cách ấy ta sẽ thực sự hiểu được cảm nghĩ người khác và những gì họ cần nói. Tính dễ cảm ứng này cho phép ta càng cởi mở hơn, và sự truyền thông trở thành một nhịp cầu để cảm thông giữa con người. Khi ta khởi sự có tương giao chân thật, thì những ý tưởng và nhãn quan mình sẽ phát triển, thay đổi, tăng tiến, và chúng ta khám phá một niềm thỏa mãn sâu xa trong những tiếp xúc với người.
Sự tôn trọng và thừa nhận lẫn nhau phát sinh từ truyền thông chân thực thường bền bỉ tốt đẹp hơn vô vàn cái cách thán phục khen ngợi giả dối. Khi ta biết thư giãn, biết mở lòng ra với người khác, khi nào ta không còn cố bảo vệ tự ngã của mình và những ý kiến của mình, thì lúc đó ta khởi sự làm những thay đổi tích cực trong đời mình. Nếu ta tương giao với thế giới xung quanh một cách trầm tư bình thản, ta sẽ thấy mình có thể truyền đạt một cách minh bạch những ý tưởng của mình, và những mục tiêu của ta tự nhiên xuất đầu lộ diện. Chúng ta và thế giới hòa nhịp lẫn nhau.
Sống trong tương quan hòa hợp với thế giới sẽ tăng thêm sự phát triển tri kiến và sáng tạo trong đời ta và những người quanh ta. Nhu cầu giữ lấy một hình ảnh tự tạo về mình bỗng biến mất, vì những người xung quanh yêu thương ta trong con người thật của ta và ta cũng yêu thương họ như vậy. Tập cảm thông sẽ đem lại hòa bình sâu xa và niềm vui cho đời ta. Những quan hệ của ta với đồng sự, gia đình, bè bạn trở nên đầm ấm và lâu dài vì đặt trên căn bản thành thực và thương yêu.