VAI TRÒ CỦA CẢM XÚC

MATTHIEU RICARD

Trích: Bàn Về Cách Sống – Đối Thoại Giữa Triết Gia, Bác Sỹ Và Nhà Sư; Thiên Nga dịch; NXB Hà Nội, Thaihabooks.

MATTHIEU: Các chuyên gia về tiến hóa cho rằng cảm xúc hữu ích đối với việc sống còn và quản lý các sự kiện lớn trong đời – sinh sản, bảo vệ người thân, mối quan hệ giữa các cá thể, phản ứng khi đối mặt dã thú. Đố kỵ tất nhiên là một nguồn gây ra sự giày vò, nhưng cũng có thể xem nó là biểu hiện của một bản năng góp phần duy trì sự cố kết của một cặp cũng như sự sống còn của con cái. Giận dữ có thể gây tai hại, nhưng theo quan điểm tiến hóa, nó cho phép xua đuổi nhanh chóng tất cả những gì có thể làm hại chúng ta và cản trở ta thực hiện các dự định.

Rất nhiều nhà tâm lý học có cùng ý kiến với Aristotle, đối với ông thì một cảm xúc là thích hợp khi nó thích nghi với hoàn cảnh và bộc lộ với sự mãnh liệt tương xứng với hoàn cảnh. Đứng trước bất công, một sự tức giận có thể thích hợp, nhưng sự phẫn nộ đến mức muốn hủy diệt thì không. Sau khi mất một người thân, nỗi buồn là thích hợp, nhưng nỗi thất vọng và trầm cảm lại không tương xứng và sẽ đi ngược lại an lạc lâu dài. Gần đây, tôi thấy đau buồn vô hạn khi có động đất ở Nepal, nơi tôi sống phần lớn thời gian. Nhưng khi khoảnh khắc này qua đi, tôi nghĩ rằng, thay vì rơi vào chán nản bởi nghĩ rằng phải xây dựng lại những gì đã xây nên, tốt hơn tôi nên dùng sức lực để giúp đỡ các nạn nhân.

Thế nhưng cái có lợi cho sống còn của ta theo quan điểm tiến hóa không nhất thiết góp phần vào sự an lạc cá nhân. Ta không thể nói rằng đố kỵ, giận dữ hay ghen ghét giúp ích cho sự thanh thản nội tâm. Nhục dục phóng túng có thể tốt cho việc truyền giống, nhưng nó là nguồn gây ra giày vò bởi nó cứ liên miên nổi lên và không bao giờ tìm thấy sự thỏa mãn lâu bền. Ngược lại, không chắc rằng lòng bi hay sự giác ngộ có ích cho việc sinh sản. Ẩn sĩ đã chứng đắc sống cô tịch trên núi thì không giúp gì cho việc truyền giống cả.

CHRISTOPHE: Dù tách biệt, các ẩn sĩ mà anh nói này góp phần theo cách của họ vào lợi lạc cho tất cả mọi người, khi không thêm bạo lực và chủ nghĩa duy vật vào thế giới, khi làm gương cho chúng ta.

Thật ra, những cảm xúc được khắc sâu trong vốn gien của loài người và trong não ta, sau đó được giáo dục và môi trường văn hóa của ta củng cố. Mọi cảm xúc đều có ích cho ta: giận dữ, buồn bã, sợ hãi, lo âu, xấu hổ, đều có các chức năng rất cụ thể. Chúng phục vụ cho ta, với điều kiện chúng không lên đến cường độ quá mạnh, không kéo dài quá mức và ta không còn nhìn thấy dụng đích của chúng.

Theo quan điểm tiến hóa, các cảm xúc có màu sắc tiêu cực hay khó chịu gắn liền với các hoàn cảnh thường là nguy hiểm, có thể đe dọa sự sinh tồn của ta. Giận dữ cho phép ta hăm dọa người khác (và cũng tránh một giao tranh phải trả giá đắt), nỗi sợ làm ta tránh xa những mối nguy hiểm tiềm tàng (và xui ta thận trọng hoặc chạy trốn), nỗi buồn buộc ta chậm lại mà suy ngẫm. Trong khi đó thì cảm xúc tích cực có liên hệ với các tình huống cần tìm nguồn lực (dinh dưỡng, nghỉ ngơi, những trao đổi dễ chịu, các trò chơi hay quan hệ tình dục). Nhưng không phải bao giờ cái dễ chịu cũng được ưu tiên hơn cái nguy hiểm: giữa thiên nhiên, ta phải lo liệu cái nguy hiểm trước cái dễ chịu. Vì điều này mà các cảm xúc tiêu cực có một kiểu ưu thế tiềm tàng so với cảm xúc tích cực, về tính sáng rõ, sức mãnh liệt, sức mạnh phun trào và khả năng khiến ta chú ý. Nhưng không có các cảm xúc tích cực, ta không cầm cự được lâu dài. Chính chúng sau đó sẽ mở lại cái nhìn và khả năng gắn bó với người khác, giúp ta tìm thấy các nguồn lực, nghĩ ra những giải pháp; chúng là nhiên liệu để ta đi tiếp. Do vậy chúng ta cần cả hai. Các cảm xúc tiêu cực thì hơi giống những cái “mồm to” trong gia đình. Chúng phản ứng nhanh hơn, la to hơn, và làm loạn bên bàn ăn cả nhà. Nhưng không có các cảm xúc tích cực, sẽ không ai ăn uống gì được nữa vì chuyện này sẽ sớm thành địa ngạc! Như Descartes nói khi kết luận cuốn Bàn về niềm đam mê của tâm hồn: “Giờ ta đã biết hết chúng rồi, ta đừng sợ chúng nữa vì thực chất chúng đều tốt.” Quan trọng là chỉ cần tránh dùng chúng một cách sai lệch hay thái quá.

ALEXANDRE: Để thoát khỏi những cảm xúc rối bời, trước tiên ta đừng xem chúng như kẻ thù, địch thủ phải đánh bại nữa, mà đúng hơn nên xem chúng như những sứ giả, thậm chí là những tín hiệu báo động. Và thử tận dụng chúng. Ngày nay, cái làm tôi buồn là kiểu khẳng định bản thân mà biến thành kiêu ngạo: “Tôi là vậy đó, tôi dễ cáu, nó là vậy, là bản tính tôi rồi.” Nếu coi thường bản thân là một tai họa thì việc đóng bít mình trong sự kiêu căng thái quá cũng gây nên tai họa. Cái cám dỗ biến thuốc độc thành thuốc giải mới thật ghê gớm. Hiền triết cũng như trẻ con không có nhu cầu tự khẳng định, họ đã hoàn toàn là họ rồi, vậy là đủ.

Không còn ngại các cảm xúc tiêu cực nữa cũng là một tiến bộ to lớn. Những nỗi sợ hôm nay giày vò chúng ta có lẽ đã cứu mạng ngày ta còn nhỏ. Đến tận bây giờ tôi vẫn còn phải vật lộn với hai cái tật rất khó bỏ: lo âu thái quá và thiếu kiên nhẫn. Nhưng, nghĩ lại, tôi hiểu rằng cả hai có một chức năng: cứu mạng tôi đồng thời làm tôi tránh xa sự cam chịu, chán nản và vô vàn chướng ngại tôi phải vượt qua. Nhưng giờ đây, tốt rồi, tôi có thể tiếp tục con đường mà không có những chỗ dựa cồng kềnh này. Có những công cụ sống giúp ích một thời gian rồi thì ta cần bỏ đi để tiến lên. Về điều này, các triết gia Hy Lạp, vốn là những người theo chủ nghĩa hoài nghi, có một hình ảnh hay: họ gọi chúng là thuốc xổ, nghĩa là các phương thuốc tự trục ra cùng với bệnh mà chúng chữa. Xin thứ lỗi vì tôi sống sượng, nhưng ví dụ hay nhất chính là thuốc nhuận tràng, khi giải quyết vấn đề xong thì nó cũng cuốn gói theo.

CHRISTOPHE: Quả thực, ta nhận thấy rõ là các cảm xúc tiêu cực gây hại cho ta và khiến ta phải trả giá đắt, nhưng đôi khi điều này cũng đúng với các cảm xúc tích cực – niềm vui chẳng hạn, làm tim ta đập nhanh, rút năng lượng của ta, có thể biến thành cáu kỉnh thần kinh ở trẻ em… Nhưng nó trả lại cho ta nhiều đến mức khi bước ra thì ta là người thắng cuộc, được chích endorphine và mãn nguyện hiện sinh! Vả lại, như trẻ con, chúng rút năng lượng chúng ta khủng khiếp, nhưng cho chúng ta rất nhiều hạnh phúc về lâu dài. Tôi đặc biệt nghĩ về những khoảnh khắc quá đà, khi mọi thứ vượt ngoài tầm kiểm soát: đến một lúc, ta làm quá, ta đi quá trớn. Ta không lắng nghe những dấu hiệu mệt mỏi của thể xác, vì ta đang ngây ngất. Đó là niềm vui bệnh lý của chứng bệnh lưỡng cực: chúng đẩy đến chỗ thái quá, thiếu thận trọng, và cuối cùng là những tổn thất về người và tài chính (những xung đột và chi tiêu bệnh lý).

MATTHIEU: Do vậy, quan trọng là nghĩ kỹ đến tác hại của trạng thái tinh thần đối với phẩm chất kinh nghiệm ta trải qua, cả ngắn hạn và dài hạn. Nhìn dưới một góc độ nào đó thì việc luôn tìm kiếm cái đem lại lạc thú khiến ta có vẻ như bình thường, chỉ có điều chuyện này hiếm khi dẫn đến hạnh phúc. Trái lại, ta có thể vun trồng một sự mãn nguyện bên trong không nhất thiết gắn liền với các cảm giác dễ chịu và do vậy ta thấy có vẻ ít hấp dẫn hơn, nhưng cuối cùng nó đem lại một sự viên mãn sâu xa và lâu bền.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CẢM XÚC LÀ NĂNG LƯỢNG
  2. SỐNG HÀI HÒA VỚI CẢM XÚC

Bài viết khác của tác giả

  1. LÒNG VỊ THA VÀ TRẠNG THÁI HẠNH PHÚC
  2. PHÁ BỎ VÒNG THÙ HẬN
  3. ĐI TÌM BẢN NGÃ

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG