THA THỨ – CỞI BỎ XIỀNG XÍCH CỦA OÁN HẬN

PIERO FERRUCCI

Trích: Giá Trị Của Sự Tử Tế; Nguyên tác: The Power Of Kindness; Việt dịch: Phạm Quốc Anh; NXB. Hồng Đức; Công ty Saigon Books, 2019

Nhiều năm về trước, bạn tôi từng hỏi người khác thế này, “Điều gì trong cuộc sống là quan trọng nhất?”. Những câu trả lời nhận được thường dễ đoán – sức khỏe, tình yêu thương mọi người, tài chính ổn định – và thường chúng đi kèm với lời giải thích, như thể người được hỏi cảm thấy không chắc chắn lắm nên muốn làm rõ thêm câu trả lời cho chính bản thân mình vậy. Một ngày nọ, người bạn hỏi cha của cô ấy với cùng câu hỏi đó khi cả hai đang ở trong bếp, Câu trả lời cô ấy nhận được thực sự đơn giản, nhẹ nhàng và đầy ngẫu hứng. Nó không cần thêm bất cứ lời giải thích nào: “Sự tha thứ”.

Cha cô là người Do Thái, và toàn bộ gia đình ông đều bị giết hại trong vụ Thảm sát Holocaust(*) (Sau này ông tái hôn và di cư tới Úc, nơi bạn tôi sinh ra). Tôi từng được xem những bức hình chụp gia đình ông. Chúng được cất giữ trong một chiếc hộp thiếc cũ – tất cả gia tài còn sót lại của gia đình họ sau thảm kịch ấy. Trong các bức hình là những con người giống như bạn và tôi, hoàn toàn không ngờ được tai họa đang chuẩn bị ập tới.

Trong số đó, bức hình chụp một cô bé làm tôi chú ý nhất. Nhìn bức hình bạn có thể hình dung cô bé ấy tới trường, chơi đùa, hay đang nói chuyện với cha mẹ. Một cô bé vô cùng dễ thương đã không còn trên cõi đời này nữa. Tôi đã cố gắng để hiểu được cảm xúc của ông khi ông biết mình mất đi người con gái – và cùng với đó là vợ, là mẹ, là cha, là anh chị em, là công việc, là mái ấm của mình. Tôi đã thử, nhưng cũng chỉ có thể tưởng tượng ra, một cách mơ hồ, sự kinh hoàng bao phủ thời gian ấy, sự hoài nghi, và tiếp đó là nỗi đau đớn khôn nguôi.

Vậy mà ông có thể tha thứ được sau tất cả những chuyện đó. Không những thế, ông còn cho rằng sự tha thứ chính là giá trị quan trọng nhất trong cuộc sống. Tôi cảm thấy thái độ này của ông là một chiến thắng vĩ đại. Và nhờ chiến thắng này, nhờ vào ông, và những người như ông, mà tất cả chúng ta còn chưa bị ném ngược về thời ăn lông ở lỗ – hơn là nhờ vào phép màu của công nghệ điện tử, kiến thức về gen, hay khoa học vũ trụ – điều tạo nên nền văn minh loài người phát triển được đến giờ.

Ta sẽ hiểu rõ hơn về sự tha thứ nếu ta luôn nhớ một quy tắc cơ bản: Mọi yếu tố liên quan tới con người đều ảnh hưởng tới các yếu tố khác. Cảm xúc ảnh hưởng tới cơ thể, chức năng của một cơ quan ảnh hưởng tới các cơ quan khác, quá khứ ảnh hưởng tới hiện tại và hiện tại ảnh hưởng tới tương lai, mối quan hệ với người này ảnh hưởng tới quan hệ với người khác và tương tự. Những mối tương quan này đặc biệt dễ nhận thấy bằng sự tha thứ. Ví dụ, nếu mười hai năm về trước ông chú Harry khiến tôi đau buồn và tôi không tha thứ cho ông, ký ức đó sẽ tác động tới mối quan hệ của tôi với người em họ Joe, con của chú Harry. Nếu tôi cho bạn tôi, Shirley mượn xe và cô ấy trả xe về với một vết xước lớn, sự cố này có thể khiến tôi thay đổi thái độ về việc cho mượn, hay về chiếc xe, hoặc về con người. Nếu tôi có một mối quan hệ nồng nhiệt và tuyệt vời với một người phụ nữ nhưng rốt cuộc lại bị tổn thương nặng nề khi kết thúc mối quan hệ đó, và nếu tôi không bao giờ tha thứ, mối quan hệ của tôi với tất cả những phụ nữ khác chắc sẽ luôn bất an, thậm chí bị vấy bẩn bởi sự ngờ vực và oán hận.

Không chỉ thế, việc suy nghĩ ảnh hưởng tới từng tế bào trong cơ thể đã được chứng minh. Suy nghĩ tác động tới huyết áp và bởi vậy nó tác động tới việc lưu thông máu đến từng bộ phận trên cơ thể. Chất lượng của những suy nghĩ ấy được cảm nhận xuyên suốt qua các cơ quan trong người. Vậy bạn sẽ khiến chúng trở thành những suy nghĩ của thù hận, hay của tình yêu và hạnh phúc?

Trong một thí nghiệm nổi tiếng, đối tượng thí nghiệm được yêu cầu nhớ lại hai ký ức khi bị phản bội, một ký ức khi bị cha hoặc mẹ phản bội, ký ức còn lại do bị người yêu phản bội. Cùng lúc ấy, họ được kết nối với một vài thiết bị phát hiện stress, chúng sẽ đo huyết áp, nhịp tim, độ căng cơ ở trán, và thay đổi trong điện trở trên da. Kết quả đạt được rất rõ ràng. Các đối tượng ngay lập tức được chia thành hai nhóm hoàn toàn khác biệt: có thiên hướng và không có thiên hướng tha thứ. Mức độ stress đo được cao hơn ở những người không có thiên hướng tha thứ, và những người có thiên hướng tha thứ gặp ít vấn đề về sức khỏe và ít phải tới bác sĩ hơn. Trong một nghiên cứu khác, kết quả cho thấy những người biết tha thứ, ngoài hưởng những lợi ích về sức khỏe, còn ít rơi vào trầm cảm hay lo lắng hơn. Sự tha thứ cải thiện cả sức khỏe thân thể lẫn trí óc.

Tôi nhận ra có hai yếu tố rất hữu dụng trong việc giúp đỡ bệnh nhân tha thứ. Đầu tiên, họ phải thừa nhận những điều sai trái đã xảy đến với họ, những đau khổ đôi khi vô cùng tồi tệ mà có thể họ chưa đối mặt với nó. Bạn không thể vờ như chưa hề có gì xảy ra được. Trước khi quên điều sai trái đó đi, bạn phải thừa nhận và cảm nhận nó một cách đầy đủ nhất. Chẳng có ích gì khi tha thứ một cách vội vã. Chỉ khi bạn đã cảm nhận hết sức nặng của nó, bạn mới có thể tha thứ được. Việc này khá mâu thuẫn – nhưng xét cho cùng toàn bộ ý tưởng về việc tha thứ cũng đã mâu thuẫn rồi.

Không có gì nghi ngờ khi nói rằng đôi lúc sự giận dữ không hề biến mất. Nếu ta là nạn nhân của sự không công bằng – ai đó thất hứa, hay lấy trộm tiền của ta – sự giận dữ sẽ lấp đầy và gặm nhấm ta từng chút một, hoặc sẽ biểu lộ nó ra ngoài theo cách vô cùng tiêu cực. Thế nhưng, ta chỉ cần thừa nhận rằng bản thân đang cảm thấy giận dữ, thì cũng đủ để ta thấy nhẹ nhõm hơn rồi. Giận dữ không phải chuyện tầm thường. Nó xảy ra trực tiếp với cơ thể khi ta ở trong trạng thái căng thẳng tột độ. Máu ta sôi lên, sự thù oán cứ thế chiếm lấy tâm trí, ta không thể nuốt trôi cục giận ấy được, lòng ta nặng trĩu, ai đó khiến ta đau đầu hay cứ quấy rầy ta liên tục – đây đều là những ảnh hưởng về thể chất thường gặp khi ta rơi vào trạng thái giận dữ.

Nếu ta dành thời gian suy nghĩ thấu đáo hơn, ta sẽ cảm thấy khác; và có lẽ ta sẽ chủ động quyết định xem phải giải quyết sự giận dữ này như thế nào. Thay vì nổi giận đùng đùng hay suy sụp, có lẽ ta nên có thái độ xây dựng tích cực hơn, khẳng định các quyền của mình mà không làm tổn thương người khác, hay dùng thứ năng lượng ấy vào việc phát triển những dự án riêng. Nhưng nếu ta không đối mặt với sự giận dữ, nó sẽ vẫn còn đó. Ta không thể chỉ đơn giản che lấp nó lại được. Khi ấy trong ta sẽ không còn chỗ cho lòng tốt nữa.

Yếu tố quan trọng còn lại (chủ yếu dùng tới trong trường hợp ta đã quen biết người có lỗi với ta từ trước) là sự đồng cảm với người làm chuyện có lỗi. Nếu ta tự đặt mình vào địa vị của anh ta, hiểu được ý định cùng những khổ đau mà anh ta phải trải qua như chúng ta đã trải nghiệm, ta sẽ thấy việc tha thứ trở nên dễ dàng hơn. Ta có thể hiểu được tại sao anh ta làm như vậy. Không phải ngẫu nhiên mà các hoạt động tha thứ và cảm thông diễn ra ở cùng một khu vực trong não bộ.

Vậy nên ta sẽ tha thứ được nếu ta đặt mình vào hoàn cảnh người khác; nếu ta bớt phán xét và chịu thấu hiểu hơn; nếu ta đủ khiêm tốn để từ bỏ vai diễn của người đại diện cho công lý, và đủ dễ dãi để bỏ qua những đau đớn và oán ghét của quá khứ. Học cách tha thứ là ta đang thay đổi nhân cách của chính mình từ trong gốc rễ.

Bởi những lý do trên, biết tha thứ và biết nói lời xin lỗi giống như hai mặt của một đồng xu – để làm được hai điều này ta cần sự khiêm nhường và hào phóng. Có câu chuyện cổ phương Đông kể về một vị vua khắt khe và độc đoán luôn muốn thần dân phải gọi mình là “Đức Anh Minh và Khiêm Nhường”. Vị vua thích cái tên này và muốn được gọi như vậy. Một ngày nọ, vị vua phát hiện ra có một ông lão từ chối gọi vị vua bằng cái tên ấy. Vị vua sai người đưa ông lão tới trước mặt mình và hỏi lý do. “Chẳng phải tôi chống đối hay không tôn trọng gì ngài, chỉ đơn giản tôi không thấy cái tên đó đúng với ngài”, – ông lão đáp. “Gọi như vậy nghe không được chân thành”. Ông lão đã phải trả giá đắt cho sự thành thật của mình. Vị vua đem nhốt ông vào ngục một năm, sau đó thả ông ra và hỏi lại. “Ngươi đã đổi ý chưa?” – “Tôi xin lỗi, nhưng tôi vẫn không thấy cái tên đó đúng với ngài”. Một năm nữa trong phòng giam tăm tối nhất của ngục tù, chỉ được ăn bánh mì và uống nước; ông lão trở nên gầy ốm hơn, nhưng vẫn kiên định với suy nghĩ của mình. Vị vua vô cùng tức giận, nhưng cũng rất tò mò. Ngài quyết định thả ông lão tự do và bí mật theo dõi. Ông lão trở về căn lều ngư dân cũ nát, nơi vợ ông vui mừng khôn xiết khi gặp lại ông.

Hai người nói chuyện với nhau, còn vị vua nấp một chỗ dỏng tai lên nghe. Người vợ vô cùng tức giận với nhà vua vì đã tống giam chồng mình hai năm trời và đối xử thật độc ác. Nhưng ông lão lại nghĩ khác. “Ngài không tệ như bà nghĩ đâu.”, ông lão nói, “Suy cho cùng, ngài là một vị vua tốt, ngài chăm lo cho kẻ nghèo, xây đường xá và bệnh viện, ban những điều luật rất công bằng”. Nhà vua vô cùng cảm kích bởi những lời ông lão nói – không những vậy, ngài còn thấy ông lão thật đức hạnh. Nhà vua cảm thấy trong lòng ngập tràn sự ăn năn cay đắng. Vừa thổn thức, nhà vua vừa rời khỏi chỗ nấp và đứng trước mặt ông lão cùng bà vợ. “Ta nợ ông một lời xin lỗi. Mặc cho những gì ta đã làm, ông vẫn không thù ghét gì ta”. Ông lão bị bất ngờ và nói, “Những gì tôi nói hoàn toàn thật lòng, thưa Đức Anh Minh và Khiêm Nhường. Ngài là một vị vua tốt”.

Vị vua ngạc nhiên vô cùng. “Ông gọi ta là Đức Anh Minh và Khiêm Nhường… tại sao?”.

“Bởi ngài biết cầu xin lòng tha thứ.”

Chúng ta có cần giải thích tại sao khả năng biết tha thứ lại là đặc tính vốn có của lòng tốt không? Có lẽ câu trả lời đã khá rõ ràng. Ta không thể nào thể hiện được lòng tốt nếu sự thù hận còn nặng trĩu trong lòng. Hay lúc chúng ta quá cứng nhắc và không dám cầu xin sự tha thứ. Hay khi cảm xúc của chúng ta đã nhuốm màu tội lỗi và bất khoan dung.

Ta chỉ có thể sống tốt nếu quá khứ không còn ngự trị trong ta nữa.

Tuy nhiên, có đôi lúc tha thứ là không thể. Dù có cố gắng thế nào, ta cũng không thể tha thứ được. Lỗi lầm gây ra quá nghiêm trọng, vết thương trong ta quá sâu, và dường như không làm sao tha thứ được. Nhưng vẫn còn một cách. Chỉ trong những tình huống như vậy ta mới thực sự hiểu được tha thứ có ý nghĩa lớn đến thế nào. Đó là lúc ta cần thay đổi cách nhìn nhận sự việc. Rất nhiều vấn đề không thể được giải quyết nếu giữ nguyên góc nhìn. Ta phải học cách nhìn chúng từ một góc độ khác.

Ví dụ, bạn đang đi bộ, và khi tới một góc phố, một người chạy ngang qua không để ý va vào làm bạn ngã, rồi tiếp tục chạy mà không thèm nói lời xin lỗi nào. Ai gặp phải tình huống tương tự đều sẽ thấy phiền lòng. Nhưng giờ hãy tưởng tượng bạn nhìn tình huống ấy từ đỉnh một tòa nhà. Bạn thấy hai người va vào nhau. Nhưng không chỉ có vậy. Bạn thấy rất nhiều người khác quanh khu phố ấy, và nhiều tòa nhà, xe hơi, công viên, thậm chí ở phía xa bạn còn thấy sân vận động hay sân bay, nhà máy, và miền quê nữa. Bạn nhìn mọi vật từ xa, trong lòng cảm thấy một sự xa cách nhất định. Và bạn thấy tình huống lúc nãy có phần khác đi, bớt nghiêm trọng hơn nhiều, bởi bạn nhìn nó trong một bối cảnh rộng lớn hơn vì từ một góc nhìn xa hơn.

Ta cũng có thể làm như vậy với mọi vấn đề, sự đau khổ, nỗi ám ảnh, và lo lắng khác. Ta có thể xem xét chúng từ một khoảng cách nhất định. Ta chuyển góc quan sát tới một nơi khác bên trong ta. Ta chạm tới đáy cõi lòng mình, ở nơi ấy ta không hề hấn gì – mà rất khỏe mạnh, cởi mở, và mạnh mẽ. Tôi tin chắc rằng kể cả những người bị tổn thương sâu sắc cũng vẫn sở hữu trong mình thứ hạt nhân tốt lành ấy. Chỉ là ta đã vô tình lãng quên nó mà thôi.

Phải làm sao để tìm lại trong mình tấm lòng vẹn nguyên ấy, không vấy bẩn bởi những điều xấu xí trong cuộc sống, không bị dàn xếp, thỏa hiệp bẻ cong, không bị gánh lo làm trĩu nặng, và không bị nỗi sợ hãi làm hao mòn? Câu trả lời cho mỗi chúng ta là khác nhau. Có người kết nối lại với nguồn năng lượng dồi dào, hạnh phúc ấy qua thiền. Người khác lại tìm thấy nó qua các hoạt động thể chất. Rồi có người tìm được câu trả lời bằng việc chìa bàn tay giúp đỡ những kẻ khốn khó và trong cơn cần kíp. Có người tìm thấy nó qua cái đẹp, bằng cách cầu nguyện, hay tự vấn bản thân. Tất cả chúng ta đều có cách riêng để gắn kết với hạt nhân tốt lành trong mình, chính là con người thật của chúng ta. Và nếu không biết phải làm thế nào, ta có thể tự tìm lối đi cho riêng mình. Đó có lẽ chính là cuộc phiêu lưu kỳ thú nhất – trong cả cuộc đời chúng ta.

Chỉ cần ta tìm về, dù chỉ tích tắc thôi, với hạt nhân trong mình, ta sẽ thấy sự thù ghét và cãi cọ mới lãng phí thời gian khủng khiếp ra sao. Tôi đã được chứng kiến sự thay đổi này trong rất nhiều khách hàng tìm tới tôi. Khi tôi thẳng thắn hỏi rằng liệu họ có sẵn lòng tha thứ cho tổn thương vẫn đang gặm nhấm tâm can họ hay không, có thể họ sẽ thấy điều đó thật khó khăn. Nhưng nếu tôi có thể giúp họ tìm được một chốn trong lòng, nơi họ cảm thấy đỡ ngột ngạt hơn, nơi mà tình yêu và cái đẹp có thể sinh sôi nảy nở, thì họ không cần phải cố gắng gì thêm nữa. Bởi sự tha thứ tự nó đã tồn tại trong đó rồi.

Cách đây ít lâu, tôi làm việc với một người đàn ông đang chăm sóc cho người cha già bệnh tật và khó tính. Bốn người anh em còn lại bỏ mặc anh với người cha mà không giúp đỡ gì, có chăng chỉ thỉnh thoảng nói vài lời khuyên bảo – thứ mà không có nó, ta vẫn sống khỏe. Trong lòng anh ngùn ngụt lửa giận với những người anh em của mình, và ai có thể trách anh được chứ? Càng trao đổi về vấn đề này theo một hướng duy nhất, tôi nhận thấy không có giải pháp nào khả thi. Vậy nên tôi gợi cho anh ta nói về những thứ mà anh trân quý, những điều khiến anh hạnh phúc và cảm thấy trọn vẹn nhất trong cuộc sống. Anh thích nuôi chó; khi nói về chúng, gương mặt anh rạng rỡ hẳn lên. Anh yêu âm nhạc, Và anh thích chạy bộ. Khi nghĩ về những điều ấy, anh cảm thấy khá hơn. Khi anh chạy hay chơi đùa cùng những chú chó hoặc nghe những bản nhạc thính phòng, anh cảm thấy như được tái sinh. Tôi yêu cầu anh tái hiện lại những tâm trạng ấy trong trí não. Chúng là một phần khác trong con người anh, trong lành và ôn hòa hơn. Rồi tiếp đó tôi hỏi anh, với tâm trạng như vậy, anh cảm thấy thế nào về những người anh em kia. Góc nhìn mới này hoàn toàn khác biệt. Không còn hiềm thù, không còn cay đắng nữa. Ngược lại, anh cảm thấy biết ơn về tất cả những gì anh được làm cho cha mình.

Vậy nên, nếu ta tìm được trong lòng mình một nơi mà ta cảm thấy hạnh phúc và đủ đầy, thì sự tha thứ tự nó đã hiện diện ở đó rồi. Ta không cần phải cố gắng hay luyện tập trí não gì. Sự sợ hãi, ngờ vực, và ước muốn trả thù, tất cả sẽ biến mất. Tha thứ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nó không phải là thứ gì đó ta cần làm, mà chính bản thân ta đã tràn đầy thứ tha. Lòng tốt cũng vậy. Ta không cần phải làm gì để thể hiện lòng tốt, bởi lòng tốt vốn đã là một phần trong ta rồi.

Việc duy nhất ta cần làm chỉ là cho phép bản thân được sống tốt mà thôi.

— ??? —

Chú thích

(*) Thảm sát Holocaust, còn được biết đến với tên gọi Shoah, là một cuộc diệt chủng do Đức Quốc xã cùng bè phái tiến hành và nó đã dẫn tới cái chết của khoảng 6 triệu người Do Thái.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THA THỨ MỘT CÁCH TÍCH CỰC
  2. THỰC TẬP: THA THỨ ĐỂ ĐỐI TRỊ SÂN GIẬN
  3. HỌC CÁCH THA THỨ VÀ KHOAN DUNG

Bài viết khác của tác giả

  1. BỔN PHẬN ĐẠO ĐỨC
  2. NHIỆT KẾ CỦA HẠNH PHÚC
  3. KHÔNG LÀM HẠI

Bài viết mới

  1. CHUYẾN HÀNH HƯƠNG ĐẾN MARATIKA
  2. ĐỂ MỖI BUỔI SÁNG LÀ MÓN QUÀ VÔ GIÁ DÀNH CHO BẠN
  3. TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU BÌNH ĐẲNG