SƯU TẦM
Diệu Hiếu; Chuyên mục: Góc nhìn Phật Tử - nguồn: phatgiao.org.vn
Khi chính thức trở thành một người Phật tử, là đệ tử của Đức Thế Tôn thì chúng ta cần phải thọ nhận và thực hành ngũ giới (năm điều đạo đức của người Phật tử tại gia). Đây là năm điều căn bản, giúp chúng ta có cuộc sống tại gia được hạnh phúc, an vui.
Thế nào là tu tập trong Phật Pháp?
Trước khi tìm hiểu về ngũ giới, để quý Phật tử hiểu được ý nghĩa chữ “tu”, Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Nghĩa của chữ “tu” ở trong Phật Pháp đó là sửa. Sửa những tính xấu của mình trở thành tính tốt. Sửa những sai lầm của mình trở nên đúng đắn. Sửa những điều trước đây mình nghĩ ác, nói ác, làm ác trở thành mình biết nghĩ thiện, nói thiện và làm thiện. Đó là “tu” ở trong Phật Pháp”.
Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy: “Chư ác mạc tác, Chúng thiện phụng hành, Tự tịnh kỳ ý, Thị chư Phật giáo”. Sư Phụ giảng giải: “Chư ác mạc tác” có nghĩa là bỏ hết mọi việc ác. Chúng ta khi chưa biết tu thì sống theo thói quen cũ, nhà Phật gọi là nghiệp. Khi chúng sinh tạo nghiệp ác nhiều, thì chịu những quả đau khổ. Nay ta tu tức là ta sẽ sửa chữa những nghiệp cũ, ác nghiệp, hành vi ác, xấu trước đây, ta chuyển hóa thành những việc làm tốt, những nghiệp thiện. Và ta hướng tới thanh tịnh được nội tâm của mình, đó là đúng con đường tu trong Phật Pháp. Bỏ ác, hành thiện và thanh tịnh tâm mình là đúng lộ trình tu tập trong đạo Phật”.
Ngũ giới của người Phật tử
Đối với đạo Phật, để chính thức trở thành một Phật tử trước hết chúng ta phải thực hiện nghi thức quy y Tam Bảo, tức là quay về nương tựa ba ngôi báu Phật – Pháp – Tăng. Trong buổi lễ truyền giới, chư Tăng sẽ giảng giải về ba ngôi báu và hướng dẫn chúng ta lãnh thọ và thực hành ngũ giới. Về vấn đề này, Sư Phụ đã giảng giải rất rõ ràng, chi tiết để quý Phật tử hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của Ngũ giới.
GIỚI THỨ NHẤT LÀ KHÔNG SÁT SINH
Giới đầu tiên trong ngũ giới mà Đức Phật dạy là không sát sinh. Ngài muốn các các đệ tử luôn quý trọng mạng sống của chúng sinh, muôn loài, nuôi dưỡng lòng từ bi biết yêu thương tất cả. Đại đức Thích Trúc Thái Minh giải thích: “Điều thứ nhất là mình phải biết tôn trọng mạng sống của người và của cả muôn loài. Muôn loài tức là những loài động vật hữu tình, chúng sinh hữu tình. Đối với đạo Phật là tôn trọng kể cả sự sống của cỏ cây, mình cũng không vô ý, vô cớ tự nhiên phá hại cây cối, tức là rất quý trọng môi trường. Điều đạo đức này, đạo Phật gọi là giới không sát sinh, tức là giới quý trọng mạng sống của con người và của các loài, bình đẳng về mạng sống, tôn trọng mạng sống của họ”.
Bên cạnh đó, Đại đức Thích Trúc Thái Minh cũng giảng giải về lợi ích khi chúng ta giữ được giới không sát sinh: “Giữ được điều đạo đức này giúp cho tâm hồn của chúng ta được thanh thản, và có nhiều tình thương yêu đối với mọi người và với muôn loài. Một người có tâm tư như thế sẽ rất tốt, sẽ tỏa ra môi trường một năng lượng rất an lành. Điều đó rất quý báu, giúp cho sức khỏe của chúng ta được tốt đẹp”. Từ lời Đại đức Thích Trúc Thái Minh giảng, chúng ta hiểu rằng, người biết giữ giới không sát sinh, hại vật thì được quả báo tốt về sức khỏe và tâm yêu thương được tăng trưởng.
GIỚI THỨ HAI LÀ KHÔNG TRỘM CẮP
Để quý Phật tử hiểu vì sao nên giữ giới không trộm cắp, Đại đức Thích Trúc Thái Minh giảng giải: “Điều đạo đức thứ hai đó là chúng ta không được ăn trộm, ăn cắp. Đây cũng là sự bình đẳng về tôn trọng quyền sở hữu tài sản của mọi người. Tài sản là mồ hôi nước mắt của mọi người làm ra, cho nên chúng ta phải tôn trọng, phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản giúp mọi người. Cho nên đã là một người quy y Phật, quy y Tam Bảo thì không thể làm việc trộm cắp được, vì trộm cắp là mất đi đạo nghĩa. Khi trộm cắp, chúng ta phạm cả tội luật pháp của thế gian, có khi cũng phải bị xử lý về mặt luật pháp. Trong đạo Phật cũng thế, một người đã gọi là Phật tử thì không thể có tính trộm cắp được, phải từ bỏ việc này”.
Chúng ta đều không muốn ai lấy đồ của mình, vậy nên mình cũng không nên lấy đồ của người, đây là sự công bằng trong xã hội. Mọi của cải làm ra đều dựa vào công sức lao động, chúng ta lấy trộm đồ vật là đang lấy đi công sức, trí tuệ của người đã bỏ ra. Việc này cũng dễ gây kết thù xấu, làm mất lòng tin của mọi người đối với mình.
GIỚI THỨ BA LÀ KHÔNG TÀ DÂM
Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã nhiều lần nói đến việc ngoại tình và nghiệp báo, Đại đức từng giảng người có hành vi ngoại tình giống như đứa trẻ đang thưởng mật trên lưỡi dao vậy, ham mê một chút vị ngọt mà quên mất hậu quả bị đứt lưỡi. Trong khi giảng về ngũ giới, Đại đức Thích Trúc Thái Minh một lần nữa khuyên những người học Phật nên sống đúng Pháp, tránh xa việc tà dâm, ngoại tình: “Người Phật tử phải thực hành điều đạo đức là không được ngoại tình, tức là phải sống chung thủy. Điều này đối với đạo Phật rất phù hợp, vì đạo Phật tôn trọng hạnh phúc gia đình. Gia đình hạnh phúc thì con cái mới tốt đẹp và xã hội mới tốt đẹp được. Cho nên, đạo Phật đặc biệt coi trọng giới đức này. Điều đạo đức này là nghiêm cấm việc những người đã xây dựng gia đình đi ngoại tình”.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, việc ngoại tình trở nên khá phổ biến khi các nền tảng ứng dụng tìm bạn rất nhiều. Nhiều người dù có cuộc sống khá đầy đủ, hạnh phúc nhưng cũng đi ngoại tình gây đau khổ cho chính họ và những người liên quan. Đức Phật thấy được kết quả đau khổ của việc ngoại tình nên Ngài khuyên các Phật tử không nên có những hành vi ngoại tình để tránh những nghiệp báo không đáng có khi phá vỡ hạnh phúc gia đình của mình và của người.
GIỚI THỨ TƯ LÀ KHÔNG NÓI DỐI
Đối với giới thứ tư, Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Điều đạo đức thứ tư mà người Phật tử phải giữ, đó là không được gian dối. Xã hội chúng ta càng phát triển, quan hệ của con người với con người càng phức tạp và việc mất lòng tin với nhau cũng rất nhiều. Cho nên, đạo Phật đặc biệt nhấn mạnh không gian dối, không lừa dối, không nói dối, không lừa gạt người khác mà phải sống chân thật, sống chân thành với nhau. Một xã hội mà người với người sống chân thành với nhau, chân thật với nhau thì rất tốt đẹp”.
Bên cạnh đó, Đại đức Thích Trúc Thái Minh tán thán đức tính trung thực và đức tính này nên cần có ở mỗi người. Để có được đức tính này thì chúng ta cần rèn luyện, tu tập rất nhiều. Đại đức cũng chia sẻ thêm tầm quan trọng của đức tính trung thực, chân thật: “Đối với đạo Phật, tâm tính thế nào thì cảnh giới sẽ như thế. Vì chúng ta sẽ chiêu cảm cảnh giới của mình. Cho nên, đạo Phật rất quan trọng giới đức này. Lời nói ra phải là lời nói chân thật, không được nói những lời dối trá, lừa gạt. Người Phật tử phải giữ giới đức này sẽ đem lại một sự an lạc rất lớn, đem lại niềm tin cho xã hội. Chúng ta biết, khi một xã hội bị đổ vỡ niềm tin với nhau, người với người đổ vỡ niềm tin với nhau thì xã hội ấy không có hạnh phúc. Dù vật chất văn minh phát triển đến đâu cũng không có hạnh phúc khi người với người mất lòng tin với nhau, không ai tin được ai nữa. Đó là cái khổ của xã hội, của nhân loại. Cho nên là người Phật tử, chúng ta phải tôn trọng và thực hiện lời dạy, giới cấm này của Phật nói lời chân thật, không được dối trá, lừa gạt người khác”.
GIỚI THỨ NĂM LÀ KHÔNG SAY SƯA, NGHIỆN NGẬP
Giới đức thứ năm trong ngũ giới mà người Phật tử cần gìn giữ là không nghiện ngập các chất gây nghiện như rượu, ma túy, xì ke… Nói về tác hại của những chất gây nghiện, Đại đức Thích Trúc Thái Minh giảng giải: “Bây giờ, có nhiều thứ gây nghiện. Nhưng những cái làm ảnh hưởng đến thể chất, ảnh hưởng đến nhân cách, trí tuệ của con người thì người Phật tử đều không được dùng. Nó làm ảnh hưởng, làm mất nhân cách, suy giảm trí tuệ, suy giảm sức khỏe thì người Phật tử đều không được dùng. Vì đạo Phật là đạo rất tôn trọng trí tuệ, rất quý trọng trí tuệ. Những thứ ảnh hưởng đến thể chất thì cũng ảnh hưởng luôn đến trí tuệ của chúng ta. Cho nên, đạo Phật nghiêm cấm người Phật tử không được nghiện ngập những thứ gây bệnh hoạn cho mình, ảnh hưởng đến cả trí não, trí tuệ”.
Khi ta sử dụng các chất gây nghiện đến mức nghiện ngập, sẽ không kiểm soát được hành vi của mình dẫn đến các hành vi ác như giết người, cướp của, gây nên nhiều lỗi lầm. Ngày nay, các bạn trẻ ham mê đua đòi mà dính vào ma túy, bóng cười, hay việc uống rượu bia mà gây tai nạn giao thông luôn là những vấn đề nóng mà xã hội quan tâm. Đối với người học Phật, tránh xa việc nghiện ngập những chất làm hại cơ thể sẽ giúp tránh được những lầm đường lạc lối, tránh gây ra những việc sai trái.
Cách tu tập vượt thắng ngũ giới đức của Phật
Từ năm điều đạo đức căn bản của người tại gia (ngũ giới) đã nêu trên, Đại đức Thích Trúc Thái Minh chỉ dạy cho chúng ta cách tu tập vượt thắng lên, tiến bộ hơn như sau:
Ta giữ giới thứ nhất là không sát sinh, không giết người và không sát sinh các con vật. Và ta tu vượt thắng hơn là ta lại cứu người, cứu vật, phóng sinh. Cho nên, bây giờ trên thế giới Hội những người yêu quý và bảo vệ động vật, không chỉ là động vật quý hiếm đâu mà yêu quý động vật. Và họ lên án những hành vi giết các con vật một cách dã man. Họ lên án việc đó, bảo vệ động vật. Điều đó rất phù hợp với tinh thần của đạo Phật.
Không trộm cắp lại biết giúp đỡ mọi người, biết bố thí, cúng dường
Tu tập vượt thắng thứ hai là ta giữ được giới không ăn trộm, ăn cắp của mọi người và ta lại đem bố thí tài sản của mình đi. Trộm cắp là lấy của người về cho mình, thì bây giờ mình lại đem tài sản của mình, tiền của của mình, mình đem biếu, đem tặng, đem cho người khác, giúp đỡ những người khác khó khăn, hoạn nạn. Hoặc là có thể đối với đạo Phật thì gọi là cúng dường của chùa chiền, Tam Bảo, chư Tăng, ta có thêm phước báu từ việc này. Đấy cũng là tu tập vượt thắng”. Trong dân gian ta có câu: “Lá lành đùm lá rách”, hay trong thời kì kháng chiến, Bác Hồ đã phát động phong trào: “Một nắm khi đói bằng một gói khi no”, có ít thì giúp ít, nhiều thì giúp nhiều. Đây cũng là một cách tu tập để vượt thắng trong giới không trộm cắp, chúng ta không những không trộm cắp mà còn biết bố thí, san sẻ của cải, tài sản của mình đến với mọi người.
Không tà dâm lại khuyến khích người khác sống trong sạch, chung thủy
Giới đức thứ ba, ta giữ được là không ngoại tình, nhà Phật gọi là tà dâm. Ta không ngoại tình mà ta lại tu tập vượt thắng là chính ta khuyến khích mọi người, dạy dỗ mọi người, con em, bạn bè chúng ta cùng nhau thực tập sống cuộc sống lành mạnh, trong sạch giữa vợ và chồng, vợ chồng trinh thuận. Rồi phổ biến các lối sống tốt đẹp và những tình yêu tốt đẹp, bảo vệ hạnh phúc gia đình. Ta khuyến khích, tham gia những chương trình bảo vệ hạnh phúc gia đình. Điều đó cũng là tu tập vượt thắng.
Chúng ta biết rằng, giúp bảo vệ hạnh phúc gia đình người khác, khuyến khích mọi người cùng sống lành mạnh, vợ chồng đồng lòng để có tình yêu tốt đẹp đó là một cách để tu tập vượt thắng trong giới không tà dâm.
Không nói dối và biết bảo vệ sự thật, nói lên sự thật
Giới đức thứ tư ta tu tập đó là không nói dối, không lừa gạt người khác. Bây giờ, ta tu tập vượt thắng bằng cách nguyện nói lời chân thật. Rồi ta sẽ làm những tấm gương, chính ta trở thành những con người sống trung thực, chân thành với mọi người. Và ta sống có lý tưởng như vậy. Bảo vệ những sự thật, bênh vực cho sự thật, nói lên sự thật thì đấy là những cái mà ta tu tập vượt thắng.
Giới thứ năm: Không nghiện ngập
Giới đức thứ năm đó là không nghiện ngập. Ta đã không nghiện ngập, không dùng các chất say, chất kích thích gây cho chúng ta mê loạn tâm trí, bạc nhược về thể chất thì ta sống lành mạnh, rèn luyện thể thao, rèn luyện trí não. Ta có những phương pháp như thế, ta sống rất lành mạnh. Rồi khuyến khích mọi người sống lành mạnh, xây dựng một cuộc sống lành mạnh, tốt đẹp thì đó là những cái tu tập vượt thắng.
Các Phật tử phải cố gắng là công dân gương mẫu của đất nước, phải sống đầy đủ bổn phận của người công dân, bổn phận của thành viên trong gia đình là làm con, làm vợ, làm chồng… Tất cả các bổn phận thực hiện tốt thì chúng ta mới xứng đáng là một người Phật tử tốt; một đệ tử tại gia của Đức Phật chân chính, đúng nghĩa, thuần thành. Đại đức Thích Trúc Thái Minh cũng mong rằng, nếu ai cũng trở thành một người Phật tử tại gia như thế thì xã hội, thế giới này sẽ rất tốt đẹp, an lạc, trở thành một cõi Tịnh độ ngay giữa nhân gian này.