CHỈ TÂM SỰ, ĐỪNG TRÚT RÁC

DAVID J. POLLAY

Trích: Bài Học Diệu Kỳ Từ Chiếc Xe Rác; Thanh Thảo dịch; First News, NXB Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh.

“Đừng nghĩ những người thân thiết là chỗ thân tình mà ta tự cho mình cái quyền sỗ sàng với họ. Mối quan hệ càng gần gũi bao nhiêu, ta càng cần phải tế nhị và chừng mực bấy nhiêu.”

– OLIVER WENDELL HOLMES

Với tinh thần xây dựng một cuộc sống không có xe rác, sẽ có lúc bạn phân vân không biết mình đang trút bầu tâm sự hay trút rác lên người khác. Liệu hai việc này có khác nhau không?

Câu trả lời là “có”. Trong khi việc trút bầu tâm sự giúp người khác thấu hiểu vấn đề của bạn, thì việc trút rác khiến họ cảm thấy nặng nề khi nghe những vấn đề đó.

Tâm sự, chia sẻ là điều cần thiết và nên làm để bạn có thể vượt qua giai đoạn khó khăn. Cốt lõi của sự chia sẻ là nhu cầu cần có người chứng kiến và công nhận thử thách bạn đang phải đối mặt. Thông qua việc tâm sự, bạn thể hiện rằng bạn đang cần một người thấu hiểu và quan tâm đến cảm nhận của mình.

Nền tảng của tình bạn và những mối quan hệ yêu thương là khả năng thể hiện bản thân một cách thành thật và cởi mở, còn nền tảng của sẻ chia là sự tin tưởng. Bạn tin tưởng người đó lắng nghe bạn mà không hề phán xét, đồng thời người đó cũng hiểu là bạn đang chia sẻ những điều bận lòng của mình, chứ không phải trút hết lo lắng và bực bội lên họ. Hẳn bạn không muốn bạn bè và người thân của mình phải mất công tự hỏi liệu họ có phải là mục tiêu trút bực của bạn hay không.

Lưu ý khi tâm sự với người khác

Gia đình và bạn bè là chốn an toàn mà bạn có thể tìm đến để chia sẻ nỗi niềm. Tuy nhiên, việc tâm sự có thể biến thành hành vi đổ rác khi người khác không đồng ý lắng nghe bạn tâm sự về những buồn phiền, lo lắng, bực dọc và thất vọng của bạn. Vì vậy, hãy hỏi ý kiến của người khác trước khi bạn bộc bạch nỗi lòng với họ.

Câu hỏi “Tôi có thể tâm sự với bạn một chút được không?” thể hiện bạn tôn trọng họ và hiểu rằng họ cũng có những mối bận tâm riêng. Nếu bạn cứ thao thao bất tuyệt về vấn đề của mình với người khác mà không hỏi trước thì chẳng khác nào bạn xem vấn đề của mình quan trọng hơn vấn đề của họ. Hành xử như thế tức là bạn đang đặt bản thân lên trên sự cảm nhận của người khác, không quan tâm là họ đang trải qua chuyện gì. Nếu bạn nhận ra mình đang vô cớ xả rác vào cuộc sống của người khác, hãy dừng lại kịp thời. Bạn chỉ nên tâm sự khi người khác đã sẵn sàng lắng nghe. Nếu họ chưa sẵn sàng, bạn cũng đừng trách cứ họ. Thay vào đó, bạn nên tôn trọng quyết định của họ và tìm một thời điểm khác thích hợp hơn để chia sẻ nỗi lòng.

Thời lượng tâm sự

Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý đến thời lượng khi tâm sự với người khác. Khi có người đồng ý lắng nghe bạn tâm sự, bạn chỉ nên ý tứ giãi bày nỗi lòng mình trong một khoảng thời gian nhất định, chứ đừng nói hoài nói mãi không thôi. Một khi bạn đã giãi bày hết điều chất chứa trong lòng, việc tâm sự xem như xong. Bạn ghi nhận lời khuyên của họ và quay lại với việc dang dở của mình cùng thái độ tích cực hơn. Và đừng quên nói lời cảm ơn với người đã dành thời gian lắng nghe bạn tâm sự.

Trái với tâm sự, việc trút rác dường như không có điểm dừng. Bạn không hỏi trước xem người khác có đang rảnh và sẵn sàng lắng nghe bạn tâm sự không. Và đến cuối buổi trò chuyện, bạn cũng không tìm được giải pháp nào khả dĩ cho vấn đề của mình. Tất cả những gì bạn làm chỉ là lãng phí thời gian của người khác và trút hết gánh nặng của mình lên vai họ. Hơn nữa, điều đó cũng thể hiện bạn không hề quan tâm đến cảm nhận của người khác. Bạn chỉ nghĩ đến vấn đề của riêng mình, nhiều đến mức quên thể hiện sự cảm kích với những người đã ở bên giúp đỡ bạn. Hẳn người khác sẽ cảm thấy phiền lòng nếu bạn xem sự giúp đỡ của họ là điều hiển nhiên.

Đừng mở đầu theo cách tiêu cực

Nhà tâm lý học kiêm nhà nghiên cứu về các mối quan hệ John Gottman đã chỉ ra một dạng trút rác khác trong quyển The Relationship Cure (tạm dịch: Liệu pháp chữa lành cho các mối quan hệ). Ông gọi nó là “cách khởi đầu gây khó chịu”. Đó là khi bạn muốn tạo mối quan hệ với ai đó, nhưng bạn lại bắt đầu một cách “tiêu cực, chê trách và phê bình”. Kết quả là bạn đẩy họ ra xa mình hơn.

Trong một nghiên cứu dựa trên mối quan hệ của những cặp vợ chồng, Gottman phát hiện rằng: “Trong 96% các trường hợp, bạn có thể dự đoán kết quả của một cuộc nói chuyện mười lăm phút dựa trên ba phút đầu của cuộc trò chuyện đó. Nếu nội dung của ba phút đầu chứa đựng nhiều điều tiêu cực, sự đổ lỗi và những lời phán xét thì kết quả của cuộc nói chuyện sẽ khó mà tốt đẹp được”.

Mọi chuyện còn trở nên tồi tệ hơn khi bạn cho rằng người khác không hiểu được khó khăn của bạn nếu bạn không khiến họ cảm thấy tồi tệ giống như bạn. Người khác lắng nghe bạn thôi chưa đủ, bạn còn muốn họ cảm nhận được nỗi đau và sự khó chịu của bạn nữa. Thế là họ phải hứng hết cảm xúc tiêu cực của bạn để bạn tin họ đã hiểu đúng về nỗi bất hạnh và khó khăn của bạn. Thay vì trải lòng và tìm sự an ủi trong lời khuyên của người khác, bạn không buông tha cho đến khi bạn khiến họ thấy khổ sở và khó chịu giống như mình.

Đừng bắt người khác phải thấu hiểu tâm tư của bạn

Khi kỳ vọng người khác đọc được suy nghĩ của bạn, bạn đang thực hiện một kiểu trút rác khác. Ví dụ, nếu bạn chia sẻ tin buồn với người khác mà họ không phản hồi theo cách bạn mong đợi, bạn có thể thu mình lại, trở nên giận dữ, hoặc thậm chí cho rằng họ không quan tâm đến bạn. Đây là một độ phản ứng thái quá. Có thể ban đầu mọi người không thể hiện sự quan tâm hay hào hứng đối với những gì bạn chia sẻ theo cách bạn mong muốn, nhưng chuyện đâu còn có đó.

Đôi khi họ đang bận suy nghĩ về chuyện khác, và rất có thể bạn chia sẻ câu chuyện của mình khi họ chưa kịp chuyển sự chú ý của họ sang bạn. Có khi tất cả những gì bạn cần làm là nói: “Tôi đang có mấy chuyện vui. Bạn có muốn nghe không?”. Tương tự, nếu bạn đang lo lắng về chuyện gì đó và muốn được quan tâm, bạn có thể nói: “Bạn có thời gian không, tôi đang có chuyện lo lắng?”. Bằng cách đó, bạn có thể làm người khác chú ý đến mình trước khi bạn bắt đầu chia sẻ chuyện của mình với họ.

Việc để mọi người có cơ hội nhận ra bạn đang có chuyện quan trọng muốn tâm sự cùng họ mang đến cho bạn một cuộc nói chuyện ý nghĩa và đầy viên mãn. Khi không còn kỳ vọng người khác đọc được suy nghĩ của mình, bạn sẽ không thấy bực dọc hay thất vọng nữa. Như vậy, bạn có thể tránh được nguy cơ trở thành xe rác.

Không thể phủ nhận tâm sự là việc nên làm, vì giãi bày nỗi lòng sẽ giúp bạn nhận ra những điều không ổn trong cuộc sống của mình. Hơn nữa, khi tâm sự với người khác, bạn còn có cơ hội thấy được vấn đề của mình ở góc nhìn khác và học được những điều mới mẻ. Tuy nhiên, hễ gặp khó khăn hay bế tắc là bạn liền nghĩ tìm người kể lể, rất có thể bạn sẽ bị mắc kẹt giữa cảm giác chán nản, nhụt chí và nỗ lực hành động để cải thiện tình hình.

Giải pháp khắc phục

Có hai việc quan trọng bạn cần làm để tránh chia sẻ quá mức cần thiết. Thứ nhất, hãy xác định xem bạn có kiểm soát được tình huống mình đang gặp phải hay không. Nếu không, hãy thử tuân theo các cam kết trong bài học Diệu kỳ từ Chiếc Xe Rác và cho qua những điều khiến bạn phiền lòng. Cứ thực hành việc cho qua những cảm xúc tiêu cực mỗi ngày, bạn sẽ cảm thấy chuyện đó dễ dàng hơn. Mỗi lần như vậy, bạn đầu tư ít năng lượng cảm xúc hơn và tăng cường thứ mà nhà tâm lý học Roy Baumeister gọi là “năng lực tự điều chỉnh bản thân”.

Quan điểm của ông là tại mỗi thời điểm, chúng ta chỉ có thể kiểm soát bản thân ở một mức độ nhất định. Vì vậy, nếu bạn làm mình mệt mỏi khi phản ứng lại những việc vụn vặt (bạn đụng độ với xe rác, sau đó bạn trút rác lên người khác) thì bạn chỉ còn một chút sức lực để xử lý những việc quan trọng hơn. Mặt khác, bạn càng tuân theo các cam kết thì sức mạnh và khả năng chịu đựng của bạn sẽ ngày càng tăng.

Trong nghiên cứu The Strength Model of Self-Control (tạm dịch: Mô hình sức mạnh của sự tự kiểm soát), Baumeister cùng hai nhà tâm lý học Kathleen Vohs và Dianne Tice đã viết như sau: “Việc thường xuyên rèn luyện khả năng tự kiểm soát, chẳng hạn như thay đổi hành vi lời nói, có thể giúp một người dần dần cải thiện khả năng tự kiểm soát”. Khả năng tự kiểm soát tốt rất quan trọng và mang lại nhiều lợi ích. Trong nghiên cứu Ego Depletion and Self-Control Failure: An Energy Model of the Self’s Executive Function (tạm dịch: Sự suy giảm và thất bại trong khả năng tự kiểm soát: mô hình năng lượng của chức năng điều hành bản thân), Baumeister cho biết: Người có khả năng tự kiểm soát cao thường đạt kết quả tốt hơn nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Điểm số trong học tập của họ cao hơn, họ ít gặp các vấn đề như rối loạn ăn uống hay lạm dụng rượu bia. Nhìn chung họ cũng gặp ít vấn đề về sức khỏe tâm lý và tâm thần hơn. Các mối quan hệ xã hội của họ tốt đẹp và ổn định hơn. Họ ít gặp các rắc rối về mặt cảm xúc và có thể kiểm soát tốt cơn giận của mình.

Thứ hai, nếu bạn có thể đánh giá tình huống thì bạn có khá nhiều lựa chọn. Ví dụ, bạn đang bức xúc với một vấn đề chính trị. Hãy ngừng phàn nàn và làm gì đó để giải quyết nỗi lo của bạn bằng cách đảm bảo bạn hiểu rõ lý do đằng sau một chính sách hoặc một quyết định mà bạn cho là khó hiểu và khiến bạn tức điên. Chúng ta thường bỏ qua bước này khi quan sát và đánh giá tình hình chính trị, dù là ở quy mô quốc gia hay công ty. Đừng phản ứng theo cảm tính và vội vàng chỉ trích người khác khi bạn chưa thật sự hiểu rõ vấn đề. Nếu bạn vẫn tâm huyết với vấn đề đó, hãy nâng cao vị thế của mình bằng cách gọi điện hoặc viết thư cho các vị đại biểu Quốc hội, đóng góp tiền hoặc tình nguyện tham gia vào một nhóm ủng hộ, hay thậm chí là hướng dẫn và vận động người khác tham gia vào sự nghiệp chính nghĩa của bạn.

Một trong những bí quyết để hạnh phúc là tin rằng cuộc sống của bạn có ý nghĩa và bạn có thể tạo nên sự khác biệt. Việc thật sự bắt tay vào hành động để ủng hộ điều bạn quan tâm thay vì cứ liên tục trút bầu tâm sự với người khác sẽ giúp bạn cải thiện được tâm trạng và đạt được nhiều thành tựu hơn.

Cách ứng phó với lời than phiền núp dưới vỏ bọc “tâm sự”.

Nếu không cẩn thận, bạn có thể biến những cuộc chuyện trò tâm sự thành các cuộc ngồi lê đôi mách hoặc nói xấu người khác. Khi sa vào cái bẫy đó, chính bạn sẽ trở thành một chiếc xe rác.

Một việc quan trọng nữa là nhận ra khi nào bạn đang phàn nàn về những người ưa than thở. Một người “tích cực” rất dễ đi than phiền về một người “tiêu cực” (nhưng như vậy thì họ có phải là “người tích cực” đúng nghĩa không?). Thay vì than trách người khác, bạn có thể ứng phó với lời than thở của họ theo năm cách sau:

  1. Nếu lời phàn nàn của người khác là hợp lý, hãy giúp họ tìm cách giải quyết vấn đề.
  2. Nếu việc than phiền của họ chỉ thoáng qua và không mấy quan trọng, hãy hướng cuộc nói chuyện vào điều gì đó mang tính xây dựng. 
  3. Nếu họ cứ tiếp tục than thở, hỏi xem họ có cần tâm sự một chút không. Câu hỏi đó giúp họ tạm ngừng kêu ca và nghĩ cách trả lời câu hỏi của bạn. Việc này cũng phân tán năng lượng tiêu cực của họ. Nếu họ đồng ý tâm sự, hãy toàn tâm toàn ý lắng nghe họ. 
  4. Nếu họ than phiền với bạn về cùng một vấn đề hết lần này đến lần khác, hãy giúp họ xác định căn nguyên của vấn đề. 
  5. Nếu việc than phiền của họ ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của bạn, hãy cho họ biết điều đó và nói rằng những lời phàn nàn của họ làm tổn thương mối quan hệ giữa họ và bạn. Nếu họ vẫn không thay đổi, hãy tránh họ càng xa càng tốt. Bạn chỉ cần mỉm cười, vẫy tay chào và chúc họ may mắn. Bạn cần tiếp tục sống cuộc đời mình và họ cũng vậy.

Nói tóm lại, việc tâm sự có thể hữu ích khi bạn xác định được các giới hạn cần thiết và không trút rác lên người khác. Bạn có quyền chia sẻ với người khác những vấn đề quan trọng trong cuộc sống, nhưng bạn không được quyền chuyển gánh nặng của mình sang vai họ. Để xây dựng một cộng đồng không có xe rác, bạn cần có trách nhiệm với bản thân và với cuộc sống của những người thân yêu.

Hướng dẫn hành động

Khi bạn nhận thấy mình đang bắt đầu “trút rác” lên người khác, hãy dừng lại ngay. Hãy hỏi bản thân: “Mình có thật sự cần chia sẻ điều này không?”. Nếu có, hãy hỏi ý kiến của người khác trước khi bạn tìm đến họ để giãi bày tâm sự, chứ đừng tự mặc định rằng họ luôn sẵn sàng nghe bạn tâm sự. Sau đó, hãy xem mối quan hệ của bạn được cải thiện thế nào khi bạn học được cách chia sẻ tâm tình mà không trút rác”.

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết liên quan

  1. CHIA SẺ HẠNH PHÚC VỚI MỌI NGƯỜI
  2. HẠNH LẮNG NGHE

Bài viết khác của tác giả

  1. BỎ QUA XE RÁC ĐỂ CHÀO ĐÓN CƠ HỘI MỚI
  2. BÀI SÁT HẠCH CAM GO CỦA CUỘC ĐỜI
  3. THA THỨ LÀ ĐIỀU NÊN LÀM

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP