HÃY ĐỂ VÔ THƯỜNG NUÔI DƯỠNG TÌNH THƯƠNG

HT. THÍCH NHẤT HẠNH

Trích: Không Diệt Không Sinh Đừng Sợ Hãi; NXB Hội Nhà Văn

Nhìn các cảm xúc với con mắt vô thường

Khi có người nào nói gì làm cho bạn giận dữ và bạn mong cho họ biến mất đi, xin hãy nhìn kỹ bằng con mắt vô thường. Nếu người kia đi mất thật sự thì bạn cảm thấy ra sao? Bạn sung sướng hay bạn sẽ khóc? Thực tập cái hiểu này rất quan trọng, và đây là bài kệ để thực tập:

“Giận nhau trong bản môn

Nhắm mắt nhìn mai sau

Trong ba trăm năm nữa

Người đâu và ta đâu?”

Khi giận dữ, chúng ta thường làm gì? Chúng ta la hét, và ráng đổ lỗi cho người khác đã gây ra chuyện, nhưng khi nhìn cái giận đó với con mắt vô thường, ta có thể ngừng lại và thở. Giận nhau trong bản môn, ta nhắm mắt lại và nhìn cho sâu. Ta ráng nhìn vào tương lai, khoảng ba trăm năm sau. Bạn sẽ ra sao? Tôi sẽ ra sao? Bạn sẽ ở đâu và tôi sẽ ở đâu? Ta chỉ cần thở vào thở ra, nhìn vào tương lai của ta và tương lai của người kia. Chúng ta không cần nhìn xa tới ba trăm năm, chỉ cần nhìn sau năm mươi hay sáu mươi năm, khi chúng ta đều đã qua đời.

Nhìn vào tương lai, ta sẽ thấy người kia vô cùng quý hóa. Chúng ta có thể mất nhau bất cứ giờ phút nào, chúng ta sẽ không giận dữ nữa. Ta sẽ muốn ôm người đó và nói: “Thật là tuyệt diệu mà bạn (anh hay em…) còn sống đây, tôi thật sung sướng. Làm sao mà tôi giận bạn cho được? Chúng ta cả hai sẽ có ngày chết đi, thật là điên rồ khi chúng ta giận nhau trong khi còn sống bên nhau.”

Lý do khiến cho ta điên rồ đủ để làm khổ chính mình và người bạn ta, chỉ vì ta quên rằng cả hai người đều vô thường hết. Ngày nào chết đi, ta sẽ mất tất cả: của cải, quyền lực, gia đình và tất cả mọi thứ khác. Tự do và an lạc trong lúc này là điều quan trọng nhất mà ta có được. Nhưng khi không có chánh niệm về vô thường, chúng ta không thể có hạnh phúc.

Có khi ta còn không muốn nhìn thấy người kia, khi họ còn sống. Nhưng khi người đó chết rồi, thì ta lại viết điếu văn rất hay và mua hoa phúng điếu. Nhưng người chết rồi thì đâu còn ngửi được hoa thơm. Khi ta hiểu và nhớ được rằng mọi sự vô thường thì ta có thể làm mọi thứ để cho người kia được sung sướng lúc này, và ngay ở đây. Khi ta giận người mình thương tới hai mươi bốn giờ, đó là vì mình quên mất vô thường.

“Giận nhau trong bản môn, nhắm mắt nhìn mai sau… ” tôi nhắm mắt là để tập quán xem người thương của tôi sẽ ra sao trong một trăm năm hay ba trăm năm nữa. Khi tưởng tượng về mình và người thương trong ba trăm năm sau, bạn sẽ thấy sung sướng là bạn và người kia đang còn sống hôm nay. Bạn mở mắt ra và mọi giận dữ đều tiêu tan. Bạn sẽ dang đôi tay ôm lấy người kia và thực tập: “Thở vào, người thương mình còn sống, thở ra tôi thật sung sướng.” Khi bạn nhắm mắt để nghĩ tới hình ảnh bạn và người thương sau ba trăm năm, bạn đã thiền quán về vô thường. Trong bình diện tuyệt đối (bản môn), cái giận không có mặt.

Sự thù ghét cũng vô thường. Dù lúc này ta đang có lòng sân hận, nhưng khi biết nó vô thường thì ta có thể làm cho nó thay đổi được. Người tu tập có thể làm cho lòng căm phẫn hay chống đối trong mình biến mất. Cũng như thực tập với cái giận, chúng ta nhắm mắt lại và quán “Ta sẽ ở đâu 300 năm sau?” Hiểu được sự thù hận trong bình diện tuyệt đối, nó sẽ bốc hơi ngay.

Hãy để vô thường nuôi dưỡng tình thương

Vì chúng ta mê muội và quên mất vô thường nên ta đã không biết nuôi dưỡng tình thương cho đúng cách. Khi mới lấy nhau, tình yêu của ta rất lớn. Ta nghĩ rằng khi không có nhau, ta sẽ không thể sống thêm được một ngày nào nữa. Vì không biết thực tập vô thường nên sau một hai năm tình yêu của ta biến thành ra thất vọng, giận hờn. Nay ta nghĩ rằng làm sao mà chịu đựng thêm một ngày nữa nổi, cái con người mà ta đã thương yêu kia? Ta cho rằng không còn phương cách nào khác ngoài chuyện ly dị. Khi sống mà có hiểu biết về vô thường, ta sẽ biết nuôi dưỡng tình yêu. Chỉ như vậy nó mới bền lâu được. Bạn phải nuôi dưỡng và chăm sóc thì tình yêu mới lớn lên được.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. YÊU THƯƠNG VÀ KẾT NỐI
  2. GIẬN VÀ THƯƠNG

Bài viết khác của tác giả

  1. QUÁN CHIẾU VỀ SỰ SI MÊ
  2. ÁP DỤNG GIÁO LÝ TƯƠNG TỨC TRONG CÔNG VIỆC KINH DOANH
  3. TRỊ LIỆU CÁC MỐI QUAN HỆ TRONG GIA ĐÌNH

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH