TÂM AN LÀ PHÚC

TỐNG MẶC

Trích: Nóng Giận Là Bản Năng Tĩnh Lặng Là Bản Lĩnh; Hà Giang dịch; NXB Thế Giới.

Tôi hy vọng đạo đức phẩm hạnh của mình ngày một cao thượng hơn; hy vọng có thể sửa đổi hướng thiện, làm một người tốt, bởi vì tôi muốn làm một người tốt, và tôi cũng mong mọi người đều là người tốt!

Đại sư Hoằng Nhất – “Ảo ảnh 10 năm Mân Nam”

Đại sư Hoằng Nhất không lúc nào quên việc tự kiểm điểm bản thân, cũng nhắc nhở chúng sinh lúc nào cũng phải tự ràng buộc, tự quản lý mình, đừng để mất thiện tâm và lương tri của mình.

Đệ tử của đại sư nhớ lại và kể rằng: 

“Có một câu chuyện khác giúp chúng ta thấy được nhân phẩm cao quý của đại sư Hoằng Nhất. Một lần, đại sư muốn tôi mua giúp thầy vài cây bút. Tôi đến tiệm sách, nhìn tới nhìn lại mà chẳng thấy cái nào vừa ý, bèn quay về mời thầy đích thân đi một chuyến. Hơn nữa ông chủ tiệm sách biết là đại sư Hoằng Nhất muốn mua bút nên đã nhờ tôi mời thầy đến, thầy vừa ý cái nào thì sẽ tặng luôn cái đó cho thầy. Đại sư nghe vậy luôn miệng nói không được. Thầy bảo chúng tôi nhất định phải dùng tiền để mua. Sau đó, đại sư còn nói với tôi, người xuất gia mua đồ không nên mặc cả với người ta, trong khi trước giờ mỗi lần mua đồ tôi đều mặc cả. Nhưng nghe thầy nói vậy, tôi cũng không dám biện hộ gì thêm. Tôi tôn trọng ý thầy, không mặc cả với người ta nữa, có điều trong lòng vẫn cảm thấy khó chịu. Bởi vì thói quen của người Tuyền Châu là nhất định phải mặc cả khi mua bán.”

Đối với người lương thiện, điều khó đối mặt nhất chính là lương tâm của mình. Chỉ cần làm sai chuyện gì đó là sẽ thấy bất an, đây chính là chuyện tốt. Nhưng không có nghĩa sau này chúng ta sẽ không tiếp tục phạm phải sai lầm. Muốn làm được điều đó, chúng ta cần rất nhiều can đảm để đối mặt với chính mình. Một người khi làm chuyện sai trái, thì người tổn hại lớn nhất không phải ai khác mà là bản thân người đó. Bởi vì họ sẽ phải chịu sự lên án của lương tâm.

Kinh Pháp Hoa có nói: “Sức khỏe là lợi ích lớn nhất, thỏa mãn là tài sản quý nhất, tin cậy là duyên phận đẹp nhất, tâm an lại là hạnh phúc lớn nhất.” Tục ngữ nói: Ban ngày không làm chuyện khuất tất, nửa đêm cũng không sợ quỷ đến gõ cửa. Con người lúc gặp gian nan sẽ thấy đau khổ khi phải trầy trật đấu tranh, nhưng chỉ cần vượt qua thì sẽ không còn buồn khổ nữa. Nhưng phải chịu sự cắn rứt lương tâm, thì cho dù có cố gắng hơn nữa, đấu tranh hơn nữa, cũng không cách nào tránh khỏi đau khổ.

Có một con thuyền gặp tai nạn trên biển, chỉ có một người may mắn sống sót, còn các thành viên khác trên thuyền đều gặp nạn. Theo quy định của pháp luật, chủ thuyền phải bồi thường một khoản tiền không nhỏ cho gia quyến của những người gặp nạn.

Là người duy nhất may mắn sống sót, anh ta đã trải qua khó khăn mới tìm được đường sống trong chỗ chết. Nhưng mọi người đều cho rằng anh ta chết rồi. Trên đường về nhà, sau khi nghe nói gia quyến của mấy người gặp nạn trong sự cố lần này sẽ nhận được phí bồi thường mười mấy vạn tệ, anh ta lập tức bỏ ý định về nhà. Bởi vì một khi anh ta trở về, người nhà sẽ không có được khoản tiền đó. Mà khoản tiền này, nếu như để anh ta đi kiếm, chí ít phải mất đến 20 năm.

Suy đi nghĩ lại, anh ta bắt đầu lưu lạc mưu sinh. Nhưng anh ta cứ mãi bứt rứt không yên. Đêm nào cũng mất ngủ, thương nhớ vợ con, chịu sự giày vò của lương tri. Cuối cùng, anh ta cảm thấy không chịu đựng nữa và quyết định trở về nhà, về với vòng tay của người thân. Vì thế, gia đình anh ta không được nhận khoản bồi thường mười mấy vạn tệ, nhưng anh ta thì cảm thấy lòng mình yên ổn.

Dù đã lựa chọn rời xa, anh ta vẫn không thể trốn khỏi món nợ lương tâm. Tài sản mười mấy vạn tệ cũng không mua được sự bình yên trong tâm hồn. Thật ra, có đôi lúc nghĩ lại, lòng người đúng là rất kỳ cục, càng không có ai biết, thì càng tự nhắc nhở chính mình. Cho nên, khi sự việc xảy ra, chúng ta càng muốn giấu giếm thì càng phải chịu đựng sự giày vò trong tâm hồn. Thay vì thế, chi bằng công khai, dũng cảm chịu trừng phạt, ngược lại có thể an tâm.

Chúng ta thấy bất an khi làm chuyện sai trái là bởi vì vốn dĩ chúng ta là người lương thiện. Chúng ta đều không phải thánh nhân, phạm sai lầm, bị cám dỗ là điều khó tránh khỏi. Nhưng chuyện đó cũng không thể trở thành cái cớ để chúng ta làm chuyện sai trái, làm sai thì phải thừa nhận, phải sửa đổi. Sửa đổi rồi, thì trong lòng chúng ta cũng được yên bình.

Quân tử chân chính là người dù ở chốn đồng không mông quạnh không một bóng người cũng tuyệt đối không làm việc trái với lương tâm. Nhưng khi người đó cho rằng việc gì đáng làm, thì dù phải chịu áp lực lớn đến mấy họ cũng làm, đó gọi là “không thẹn với lòng”.

Có một người thấy người phụ nữ nhà bên nuôi con nhỏ sống qua ngày vất vả quá, nên thường giúp đỡ cô ấy chuyện nhỏ nhặt như gánh nước, bưng bê vật nặng. Lâu dần, người trong làng đều nói họ có tư tình. Vì chuyện này mà vợ của người đàn ông kia đã cãi nhau kịch liệt với anh ta, còn cào rách mặt anh ta. Sáng hôm sau, mọi người nhìn thấy người đàn ông với vết thương trên mặt đi xe ngựa đến chợ, người phụ nữ và đứa trẻ nhà bên đang vác một cái túi to đi trên đường một cách khó nhọc. Người đàn ông nhảy xuống xe, ném chiếc túi lên xe rồi nói: “Lên xe!” Người phụ nữ do dự: “Anh à, như vậy không hay đâu.” Người đàn ông tỏ vẻ không quan tâm và nói: “Sợ cái gì, tôi không thẹn với lòng!”

Có người cho rằng, điều đáng sợ nhất trong cuộc đời không phải khó khăn, mà là làm trái lương tâm, phải chịu đựng sự cắn rứt trong tâm hồn.

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết khác của tác giả

  1. ĐỜI NGƯỜI CHỈ LÀ QUÃNG NGÀY GỬI TẠM CHỐN HỒNG TRẦN, KHÔNG CÓ GÌ LÀ KHÔNG BỎ ĐƯỢC
  2. NGỒI YÊN THÌ SUY NGẪM LỖI CỦA MÌNH, NHÀN RỖI THÌ ĐỪNG BÀN CHUYỆN NGƯỜI KHÁC
  3. LUÔN MANG LÒNG BIẾT ƠN ĐỂ CÓ THÊM NĂNG LƯỢNG TÍCH CỰC

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP