NS. NGUYỄN VĂN CHUNG CHIA SẺ QUAN ĐIỂM ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP

SƯU TẦM

Nguồn: thanhnien.vn, tựa gốc của bài viết "Nguyễn Văn Chung: Tôi không sáng tác cho nghệ sĩ thiếu đạo đức, sống lệch lạc", đăng ngày 20/09/2022.

Tôi tự động tránh xa và tránh hợp tác cùng

PV: Xin chào nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, tôi muốn phỏng vấn quan điểm của anh về vụ việc liên quan đến ca sĩ Hiền Hồ. Xin phép cho tôi hỏi thẳng, anh có ủng hộ việc Hiền Hồ trở lại showbiz sau 6 tháng im lặng vì ồn ào “anh em nương tựa”?

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Tôi nói về nghề, tôi không nói về người. Tôi không tiện nhận xét về người khác.

PV: Vậy, theo quan điểm của anh, lối sống của người nghệ sĩ có ảnh hưởng như thế nào đến khán giả của họ?

– Là một người bình thường đã nên sống theo pháp luật, sống theo quy chuẩn đạo đức và sự giáo dục của cha mẹ, gia đình. Là một người nghệ sĩ càng phải chú ý hơn như vậy, cần phải chỉn chu trong lời ăn tiếng nói, hành vi, cách ứng xử trên không gian mạng và cả ngoài đời.

Không phải tự nhiên mà xã hội luôn dành sự tôn trọng cho những người có văn hóa, những gia đình văn hóa, những khu phố văn hóa. Người nghệ sĩ lại là người có sức ảnh hưởng đến công chúng, nghệ sĩ trẻ lại là thần tượng của lớp trẻ, trong đó có đến hơn 70% đang trong quá trình hình thành nhân cách và trong độ tuổi phát triển nên dễ dàng bị ảnh hưởng bởi lối sống của nghệ sĩ họ đang yêu thích. Vì vậy, sống lành mạnh, đạo đức, có văn hóa là tiêu chuẩn, là trách nhiệm của một nghệ sĩ có ý thức với xã hội và vai trò của mình với xã hội.

PV: Là nhạc sĩ làm nên rất nhiều bản hit cho các ca sĩ trẻ, cũng là người thường xuyên tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ trẻ, những nghệ sĩ nào khiến anh quý về đạo đức và tác phong làm nghề? Anh có ngại tiết lộ quy tắc làm nghề nào riêng với bản thân mình? Ví dụ, nghệ sĩ vướng bê bối đời tư, bị dư luận lên án, anh có sáng tác cho họ hát không?

– May mắn là đa phần những bạn nghệ sĩ tôi từng cộng tác đều là những người tôi quý về đạo đức và tác phong làm nghề. Những người tôi đánh giá là thiếu đạo đức, lệch lạc về quan điểm nghề và quan điểm sống là tôi tự động tránh xa và tránh hợp tác cùng.

Bất kỳ ai cũng đều có thể phạm sai lầm, nhưng…

PV: Có ý kiến cho rằng nhiều nghệ sĩ trẻ ngày nay không biết giữ gìn hình ảnh của mình như các thế hệ cha anh trước. Gần đây, dư luận lên án việc một ca sĩ trẻ trở lại nghề sau ồn ào đời tư “anh em nương tựa”. Anh có cảm thấy tiếc về trường hợp này?

– Nghệ sĩ hay công chúng hay bất kỳ ai cũng đều có thể phạm sai lầm vì chúng ta đều là con người. Thế nhưng có những sai lầm do nhất thời, có sai lầm đáng tiếc, có những sai lầm về phát ngôn thì đều có thể tha thứ, nhưng có những sai lầm thuộc về lối sống tha hóa, trụy lạc, trác táng hoặc trái quy chuẩn xã hội, ảnh hưởng xấu đến xã hội thì không thể tha thứ và ủng hộ.

Hơn hết, người nghệ sĩ phải luôn có chữ “sĩ”, đó là sĩ diện, đó là lòng tự trọng. Họ phải biết xấu hổ với những điều họ đã làm, họ phải tự thấy nhục nhã và không xứng đáng với danh hiệu nghệ sĩ họ đang mang và họ phải có hành động chuộc lỗi hoặc ăn năn và xin lỗi khán giả chân thành nhất.

PV: Vậy theo quan điểm cá nhân anh, có nên ủng hộ họ quay lại hoạt động?

– Việc ủng hộ họ quay lại hoạt động hay không tôi xin phép không trả lời vì đó không phải quyền của tôi mà đó là quyền của đại đa số khán giả. Nếu là một người bạn, tất nhiên tôi sẽ ủng hộ thầm lặng và động viên người bạn của mình vượt qua quãng thời gian khó khăn cho hậu quả của sai lầm đó.

Nhưng với tư cách là một người nghệ sĩ thẳng tính trong nghề, tôi không thể lên tiếng ủng hộ được vì như vậy thể hiện mình không khách quan đánh giá được mức độ nghiêm trọng của hậu quả sai lầm đó mang lại, cũng như thể hiện mình không giữ được tôn nghiêm với nghề nghiệp của mình.

PV: Những nghệ sĩ đó cần để được công chúng tha thứ và đón nhận?

– Tôi nghĩ rằng để được khán giả tha thứ, họ phải thể hiện được sự cầu thị, họ phải nhận lỗi, xin lỗi chân thành những người liên quan, những người bị tổn hại, tổn thương, khắc phục hậu quả, chịu trách nhiệm cho sai lầm đó. Có lời xin lỗi rõ ràng với những khán giả yêu mến họ, fan của họ, và cả khán giả đại chúng.

Tạm thời ngưng hoạt động hoặc hoạt động với nghĩa vụ thiện nguyện, vẫn ca hát phục vụ nhưng chỉ dành cho những chương trình từ thiện hoặc cát-sê quyên góp cho những tổ chức từ thiện để thể hiện rõ sự sám hối, và ước muốn cống hiến vì cộng đồng.

Từ đó, tôi tin rằng khán giả sẽ nhìn thấy, sẽ nhận ra, sẽ dần nguôi ngoai và tha thứ cho họ, vì sau cùng, chúng ta đều là con người, đều có thể sai lầm, nhưng quan trọng hơn là thái độ và việc làm của chúng ta sau đó.

PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung về những chia sẻ!

Tác giả: Khánh My

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết liên quan

  1. ĐẠO ĐỨC LÀ NỀN TẢNG CHO MỘT XÃ HỘI THỊNH VƯỢNG
  2. TỘI LỖI – PHÚC LẠC THÁNH THIỆN

Bài viết khác của tác giả

  1. SỨC MẠNH CỦA NHÂN LÀNH – SỨC MẠNH CỦA THIỆN PHÁP – SỨC MẠNH CỦA BỐ THÍ
  2. CON CHỒN CỦA HÒA THƯỢNG HƯ VÂN
  3. 5 CÁCH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU THIÊN NHIÊN Ở CON TRẺ

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ