THỰC HÀNH GURU YOGA – VIÊN NGỌC NHƯ Ý

DILGO KHYENTSE RINPOCHE

Trích: Viên Ngọc Như Ý; NXB Thiện Tri Thức

Guru yoga, sự hợp nhất với bản tánh của Đạo Sư, tạo thành nền tảng của mọi thực hành, và có nhiều kỹ thuật khác nhau cho sự thực hành của nó. Trong Guru yoga có những phương pháp bên ngoài, bên trong, bí mật, và bí mật nhất. Bản văn sắp sử dụng trình bày phương pháp bên ngoài, nó thật ngắn gọn, dùng để quán tưởng Đạo Sư ở trên đầu bạn và để cầu nguyện với ngài một cách mãnh liệt, với lòng sùng mộ nhiệt thành.

Phương pháp bên trong là để nhận thức qua thực hành rằng thân, ngữ và tâm của riêng ta thì không thể phân cách với thân, ngữ và tâm trí tuệ của Đạo Sư. Trong giảng khóa Longchen Nyingthig, phương pháp bên trong là một sādhana của Guru Rinpoche được gọi là Rigdzin Düpa, hay Pháp Hội của Những Vị Trì giữ Giác Tánh.

Phương pháp bí mật là để thiền định về Guru trong hình thức Báo Thân (Sambhogakāya) của ngài, thân hỉ lạc thiêng liêng, mà trong giảng khóa này là sự thực hành về Guru Rinpoche trong hình tướng của Đức Quán Thế Âm (Chenrezik) và được gọi là Dugn-gel Rangdrol, hay sự Tự-Giải Thoát khỏi Đau khổ.

Phương pháp bí mật nhất đưa chúng ta tới trạng thái tỉnh giác tự nhiên và ở đây bao hàm sự quán tưởng về Kukhyen Longchenpa với Đức Phật nguyên thủy Phổ Hiền trong tim ngài. Sādhana bí mật nhất này được gọi là Thigle Gyachen, hay Tinh Chất Được Niêm Phong.

Trên bình diện tuyệt đối, vị Thầy là một với bản chất rốt ráo của tâm chúng ta, nó chính là cốt tủy của Phật Quả, tathāgatagarbha. Như vậy đâu là phương pháp để nhận ra được vị Thầy tuyệt đối này? Nhờ vị Thầy bên ngoài hay tương đối và các giáo huấn cốt tủy của ngài, chúng ta có thể tiến tới sự chứng ngộ vị Thầy bên trong hay tuyệt đối, đó chính là tự thân Giác tánh. Như thế, nền tảng và căn bản rốt ráo của sự thành tựu nhận thức này là pháp Guru yoga hiện có, nó liên quan tới phương pháp bên ngoài và được phân loại một cách kỹ thuật là một bộ phận của những thực hành chuẩn bị. Bởi cốt lõi thực sự của mọi giai đoạn và thực hành khác chính là pháp Guru yoga này, nên sẽ thật sai lầm khi cho rằng nó chỉ là một thực hành chuẩn bị và vì thế không quan trọng. Đúng hơn, chúng ta cần nhận thức rằng nếu liên tục thực hành pháp Guru yoga này suốt toàn bộ cuộc đời ta, thì mọi sự ban phước của chính Đức Guru Rinpoche sẽ thâm nhập vào chúng ta dễ dàng.

Vì tâm an trú trong thân thể, nên điều quan trọng là thân cần có một tư thế đúng đắn. Khi thân mình và xương sống được duy trì trong một tư thế thẳng đứng, các kinh mạch(25) trở nên thông suốt và tâm thức trở nên trong sáng. Nếu chúng ta uể oải trong một cách thế hoàn toàn cẩu thả, thì sự tập trung, hay thiền định rất khó phát sinh đúng đắn trong ta. Vì vậy, chúng ta nên ngồi trong tư thế bảy điểm(26) được gọi là tư thế Tỳ Lô Giá Na (Vairocana).

Sự thực hành Guru yoga này có nghĩa là phát sinh lòng sùng mộ phi thường, sự sùng mộ mãnh liệt cho phép chúng ta nhìn thấy bậc Đạo Sư không khác biệt với chính Đức Phật. Khi người ta nhìn vị Thầy đơn thuần như một chúng sinh bình thường, thì người ta sẽ chỉ nhận được “những ban phước” của những chúng sinh bình thường, nếu người ta nhìn ngài như một Arhat (A La Hán) hay Pratyekabuddha (Phật Độc Giác) hay Srāvaka (Thanh Văn) thì người ta sẽ nhận được những ban phước tương ứng; nếu người ta nhìn vị Thầy như một Bồ Tát, người ta sẽ nhận những sự ban phước của những Bồ Tát. Tuy nhiên nếu người ta có thể nhìn vị Thầy như một vị Phật, thì người ta sẽ nhận được những sự ban phước của những vị Phật.

Chưa từng có vị Phật nào trở nên giác ngộ mà không nương cậy một vị Thầy tâm linh. Vậy để có thể thực hành Pháp chân thực, trước hết ta phải tìm kiếm một Đạo sư hoàn toàn chứng ngộ và phụng sự ngài với sự tín tâm tuyệt đối. Như trong Kinh điển có nói: “Chỉ nhờ độc nhất lòng tin mà người ta chứng ngộ được bản tánh tuyệt đối”. Không có lòng tin, ngay cả khi người ta hiểu biết thâm sâu mọi phần đoạn của các giáo lý, thì nó cũng không có ích lợi gì. Đây là một sự thực đặc thù đối với một hành giả Kim Cương thừa.

Như vậy chúng ta cần phát khởi lòng sùng mộ mãnh liệt này như thế nào? Hiện nay, bậc Đạo Sư có hình thức của một con người và giống một con người bình thường, nhưng tâm ngài được an trụ vững chắc trong trí tuệ. Nếu chúng ta có thể thấu hiểu tâm thức sâu thẳm của ngài, thì chúng ta sẽ khám phá ra rằng nhờ ngài có khả năng loại bỏ được tất cả khiếm khuyết và chứng ngộ tất cả những gì phải được chứng ngộ nên ngài ngang bằng trong mọi phương diện và phẩm tính với một vị Phật Toàn Giác. Sự khám phá này là căn nguyên của lòng sùng mộ sâu xa và chân thật.

Ngài giống như con tàu to lớn đưa chúng sinh vượt qua đại dương hiểm nghèo của sinh tử, một thuyền trưởng lão luyện dẫn dắt họ tới miền đất khô ráo của giải thoát, như một trận mưa dập tắt ngọn lửa của những dục vọng, một mặt trời và mặt trăng chói sáng xua tan bóng tối vô minh, một mặt đất vững chắc có thể chứa đựng sức nặng của cả điều tốt lẫn cái xấu, một cây như ý ban cho hạnh phúc thế gian và sự an lạc tối hậu, một kho tàng giáo huấn rộng lớn và sâu sắc, một viên ngọc như ý ban tặng mọi phẩm tính của sự chứng ngộ, một người cha và bà mẹ dâng hiến tình thương của mình cho mọi chúng sinh, một con sông lớn của lòng bi mẫn, một ngọn núi vượt lên trên những bận tâm thế tục và không bị lay động bởi những ngọn gió cảm xúc, và như một đám mây lớn chứa đầy mưa làm dịu mát những dày vò của dục vọng. Tóm lại, ngài ngang bằng với tất cả chư Phật. Thiết lập mối quan hệ với ngài, dù là nhìn thấy ngài, nghe giọng nói của ngài, tưởng nhớ tới ngài, hay được tay ngài xúc chạm, sẽ dẫn dắt chúng ta tới sự giải thoát. Hoàn toàn tin tưởng nơi ngài là con đường chắc chắn để tiến tới sự giác ngộ. Sự nồng ấm của trí tuệ và đại bi của ngài sẽ nấu chảy quặng mỏ ở con người chúng ta và lấy ra được chất vàng ròng của Phật tánh trong đó.

Chúng ta có thành tựu được sự chứng ngộ hay không thì hoàn toàn tùy thuộc vào lòng sùng mộ của ta đối với bậc Đạo Sư. Ví dụ như ngài Tilopa không yêu cầu, và Đức Dorje Chang cũng không ban cho dù chỉ một chữ giáo lý, nhưng Tilopa đã được giải thoát. Điều này chỉ đơn giản nhờ sức mạnh lòng sùng mộ của Tilopa. Nếu người đệ tử có cái vòng khoen của đức tin và sùng mộ, thì cái móc trí tuệ và đại bi của Đạo Sư sẽ nhanh chóng kéo anh ta lên miền đất của sự giải thoát. Có nói rằng:

Khi mặt trời của lòng sùng mộ mãnh liệt chiếu sáng

Trên núi tuyết bốn thân (kāya) của Đạo sư,

Thì dòng suối những ân phước sẽ đổ tràn xuống.

Vì thế, hãy nỗ lực phát khởi lòng sùng mộ trong tâm bạn.

Và cũng có nói:

Chỉ nhớ tới bậc Đạo Sư trong chốc lát

Thì công đức vô hạn hơn là thiền định

Trong một triệu kiếp (kalpa) về một trăm ngàn Bổn Tôn.

Mặc dù lòng từ bi bao la của Đức Phật A Di Đà và Vajrasattva không bao giờ bỏ rơi chúng ta, nhưng bởi những che chướng của ta, chúng ta không thể diện kiến các ngài. Tuy nhiên vị Thầy của riêng ta thì tốt lành hơn tất cả chư Phật là bởi hiện nay, ngay trong đời này, chúng ta có thể gặp được ngài bằng xương bằng thịt và nhận lãnh từ ngài những giáo huấn quý báu. Vị Thầy vĩ đại Patrul Rinpoche đã dùng một sự so sánh đơn giản: tất cả những người giàu có trong thế giới không có ai tốt lành như thế. Người tốt lành nhất giúp đỡ những người nghèo không có thực phẩm lẫn phương tiện sinh sống. Ngay cả nếu chúng ta có gặp được tất cả chư Phật trong các Cõi Cực Lạc của các ngài, chúng ta cũng sẽ không nhận được từ các ngài bất kỳ giáo lý hay giáo huấn nào phi thường và sâu sắc hơn các giáo lý mà vị Thầy của ta ban cho ta, và nếu nhờ một vài phép màu, chúng ta cũng sẽ không được kéo lên khỏi những cảnh giới thấp và được đặt vào sự giác ngộ theo cách một chiếc máy bay nâng chúng ta lên bầu trời.

Chúng ta không cần phải nhận một số lượng lớn những giáo huấn khác nhau để thành tựu Giác ngộ. Thật ra, tám mươi tư thành tựu giả (mahāsiddha) của Ấn Độ đã thành tựu sự chứng ngộ và Phật Quả viên mãn nhờ thiền định về bốn câu kệ của giáo lý. Các ngài không đi vào những loại giáo huấn mênh mông, nhưng thực hành nhất tâm chính giáo huấn các ngài đã nhận lãnh.

Tương tự như thế, nếu khi gặp được Đạo Sư chúng ta cảm thấy hoàn toàn xác tín và phát sinh lòng sùng mộ đối với ngài, thì chúng ta đã có những yếu tố chính yếu để tiến triển trên con đường. Nhưng nếu chúng ta thiếu lòng tin và lòng sùng mộ mãnh liệt, nếu ta không thể nhận thức Đạo Sư như vị Phật thì mặc dù có thể thâu thập vô số giáo huấn, nhưng chúng ta sẽ không chỉ không tìm được sự tiến bộ, mà còn có nguy cơ bị rơi vào những sự lạc hướng cùng cực như nhà sư Lekpe Karma, hay “Ngôi Sao Tốt” đã gặp phải.

Lekpe Karma đã trải qua phần lớn cuộc đời gần Đức Phật và trong thời gian đó ông đã được nhận rất nhiều giáo lý. Nhờ trí nhớ không sai lạc ông học thuộc lòng toàn bộ Tam Tạng. Nhưng vì thiếu đức tin và có những ác kiến với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ông ta tin rằng những hành động và giáo lý của Đức Phật thì không hơn những kế hoạch được dành cho những người điên. Do bởi điều này ông tự cắt đứt với mọi sự ban phước.

Không có lòng sùng mộ chân thực thì ngay cả sự đa văn uyên bác cũng sẽ không ngăn ngừa được sự hoài nghi về vị Thầy phát khởi. Không có lòng sùng mộ chân thực chúng ta có thể rơi vào sai lầm khi nhìn những hành động của Đạo sư trong một cách thế đầy định kiến, vì vậy nuôi dưỡng một thái độ sai lạc đối với ngài. Về sau, thậm chí chúng ta có thể bị che chướng còn sâu đậm hơn là lúc đầu tiên chúng ta gặp vị Thầy. Nhưng nếu chúng ta nuôi dưỡng lòng sùng mộ chân thành thì chỉ nhờ sự nhiệt thành mãnh liệt này, chúng ta sẽ được giải thoát.

Chúng ta có thể không cảm thấy lòng sùng mộ như thế từ ngay giây phút chúng ta gặp gỡ vị Thầy; vì thế, như một phương tiện để phát khởi lòng sùng mộ càng lúc càng lớn mạnh, chúng ta thực hành một sādhana Guru yoga, trong đó chúng ta nhận thức vị Thầy thì không phân cách với một thân tướng toàn hảo như Guru Padmasambhava, cũng được gọi là Guru Rinpoche, Đức Guru Quý Báu. Vào lúc bắt đầu, chúng ta có thể phát khởi một loại sùng mộ không tự nhiên, một tạo tác trong tâm thức. Về điều này, chúng ta sẽ thiền định rằng Đạo sư của chúng ta thì không phân cách với Guru Rinpoche.

Chúng ta có thể hỏi “Guru Rinpoche là ai ?” Về Pháp Thân, bình diện tuyệt đối, ngài là Đức Phật Ưpame (Phạn ngữ: Amitābha), Đức Phật A Di Đà. Về Báo Thân, bình diện “hỉ lạc thiêng liêng”, ngài là Đức Quán Thế Âm (Phạn ngữ. Avalokiteśvara). Về Hóa Thân (nirmāņakāya) – bình diện hiển lộ – ngài là Guru Liên Hoa Sanh Pema Jungne (Phạn ngữ. Padmākara) đấng đã xuất hiện trong thời đại suy hoại này khi những chúng sinh, bị che chướng bởi những phiền não do những cảm xúc tiêu cực lớn lao và những quan điểm sai lầm, trở nên chán ghét việc thực hành Pháp cao cả. Trong thời đại tối tăm này, các chúng sinh bị đau khổ vì ba tai họa là bệnh tật, đói kém, và chiến tranh. Chính trong một thời đại như thế mà Guru Padmasam-bhava hiển lộ như hiện thân của tất cả chư Phật. Ngài đến xứ Tây Tạng trong hình tướng của một thành tựu giả (siddha) Ấn Độ và khai mở tất cả những giáo huấn cho hai mươi lăm đệ tử của ngài, cho tám mươi siddha ở Yerpa, và cho nhiều người khác, cuối cùng tất cả những vị đó đã thành tựu sự chứng ngộ toàn hảo.

Chúng ta cũng thế, hiện nay nhờ lòng tốt vô hạn của Guru Rinpoche, chúng ta có thể thực hành những giáo lý của Mantra thừa Bí Mật (Mật thừa). Để phát sinh nhận thức vị Thầy của ta là một với Guru Liên Hoa Sanh, từ đáy lòng, chúng ta nên phát khởi tư tưởng sau đây: “Bậc Đạo sư của tôi đồng nhất với Guru Rinpoche. Ngài có sự chứng ngộ tương tự và có thể biểu lộ tất cả những điều huyền diệu và phẩm tính giác ngộ mà Guru Rinpoche đã hiển lộ trong đời ngài”.

Lúc đầu, tư tưởng này được phát khởi bằng một cách không tự nhiên nhờ nhắc đi nhắc lại nó; tuy nhiên, với xác tín mạnh mẽ, một lòng sùng mộ chân thật và không cần cố gắng sẽ nảy sinh trong chúng ta. Giống như việc mạ vàng một hình tượng Phật làm cho nó rực rỡ thêm, sự thiền định về vị Thầy của chúng ta bất khả phân với Guru Padmasambhava sẽ giúp chúng ta nhận được những sự ban phước và phát sinh lòng sùng mộ sâu sắc dễ dàng hơn nữa.

Suốt trong thực hành Guru yoga, sự trì tụng đơn thuần những câu kệ thì không đủ, vì vấn đề chính là sự phát khởi lòng sùng mộ. Để thành tựu điều này, trong khi thiền định tâm đừng vơ vẩn với những tư tưởng lang thang đây đó không dứt; thân cần duy trì ở tư thế bảy điểm; việc trì tụng thần chú đừng chỉ ở môi miệng, mà đúng hơn phải tụng đọc với đức tin phát sinh từ sâu thẳm của trái tim ta, từ trong chính xương tủy của ta, và với sự xác tín rằng Đạo Sư của chúng ta thực sự chính là Guru Rinpoche.

Nói chung, việc thực hiện bất kỳ hành động nào với sự thống nhất thân, ngữ và tâm sẽ phát sinh một kết quả to lớn hơn. Ví dụ, nếu chúng ta tiến hành sự cúng dường lễ lạy bằng cách đặt thân thể trong một loạt các động tác máy móc trong khi ngữ thì đi vào những cuộc đàm luận và tâm chuẩn bị những chương trình cho tương lai hay dây dưa với hàng ngàn niệm tưởng về quá khứ, thì những sự lễ lạy sẽ rất ít lợi lạc.

Với thân, chúng ta cần lễ lạy thật cẩn trọng; với ngữ chúng ta cần tụng đọc lời nguyện quy y một cách trong sáng chứ đừng ê a bằng những lời lẽ tầm thường; và với tâm chúng ta phải hoàn toàn tập trung vào sự thực hành với lòng sùng mộ chân thành. Chúng ta phải nhớ tưởng rằng khi thực hành một sự lễ lạy, đặt hai bàn tay ở ba trung tâm là trán, cổ họng, và trái tim, chúng ta tỏ lòng kính ngưỡng thân, ngữ và tâm của tất cả chư Phật. Như thế ta nhận được những sự ban phước tương ứng, chúng tịnh hóa ba độc và mọi tiêu cực của thân, ngữ và tâm của chúng ta.

Khi một người nào đó tiến hành một công việc thế tục, để có thể thành công họ sẽ phối hợp thân, ngữ và tâm mình trong một cách thức hài hòa và phù hợp. Họ sẽ bận tâm về kết quả đến nỗi nghĩ tưởng về nó ngày đêm. Tương tự như vậy, nếu chúng ta có thể nhận định các mục đích của ta một cách chính xác và thực hiện những nỗ lực không ngừng hướng về những mục đích này, kết hợp các hoạt động của thân, ngữ, và tâm, thì chúng ta sẽ thành công nhanh chóng, không còn nghi ngờ gì nữa. Trái lại, nếu chúng ta thực hành một cách giả dối, giống như một người làm việc trong sự hiện diện của một vị vua hay người quyền thế, thân giả bộ rất cần mẫn trong khi tâm lại nuôi dưỡng lợi ích bất chính, thì ta sẽ không có tiến bộ gì nhiều. Như thế sẽ chỉ là một sự tập luyện, không đem lại kết quả nào và không đưa tới đâu. Bức vẽ một ngọn đèn bơ trên tường trông giống một đèn bơ, nhưng không xua tan được bóng tối.

Đây là lý do tại sao chúng ta cần phối hợp và thống nhất thân, ngữ và tâm trong khi thực hành. Trong ba thứ này, tâm là quan trọng nhất, vì thân và ngữ sẽ đi theo bất kỳ nơi nào tâm dẫn dắt. Vì thế tâm không được phép đi lang thang vơ vẩn.

Có ba phần chính trong sự thực hành thực sự pháp Guru yoga. Trước tiên là sự quán tưởng đối tượng thiền định và sự mời thỉnh bậc trí tuệ (jnānasattva) ngự xuống. Kế tiếp là sự cầu nguyện bảy nhánh. Cuối cùng là sự khẩn cầu mãnh liệt bậc Đạo sư và sự nhận lãnh bốn quán đảnh.

 

Chú Thích:

25. Kinh mạch: Các mạch vi tế (TT. rtsa), trong đó luân chuyển các năng lực khác nhau (rlung) của thân thể, các năng lực chuyên chở dọc theo những mạch này các tinh chất trắng và đỏ (thig-le). Trong trạng thái mê lầm, ba thứ này được liên kết với ba độc là tham, sân và si; trong trạng thái trí tuệ chúng được liên kết với ba kāya (ba thân) (xem chú thích 29).

26. Tư thế bảy điểm của Vairocana (TT. rNam-snang chos bdun):

(1) Chân xếp chéo trong tư thế kim cương, chân phải ở trên chân trái.

(2) Hai bàn tay nắm lại thành nắm đấm, với ngón tay cái ép vào gốc ngón thứ tư, được đặt trên bắp đùi nơi khớp nối với xương chậu và khuỷu tay khi ấy được khóa chặt lại. (Hai biến thể của tư thế này là đặt lòng bàn tay ngửa lên, tay phải trên tay trái nơi chỗ trũng, với khuỷu tay hướng về phía sườn, hoặc đặt cả hai lòng bàn tay úp xuống, thư giãn, trên đầu gối.)

(3) Hai vai giương ra và hơi ngả về phía trước.

(4) Xương sống cần giữ thẳng, “giống như một cọc tiền vàng.”

(5) Cằm hơi gập xuống hướng về cổ họng.

(6) Đầu lưỡi nên uốn cong lên chạm vào vòm miệng.

(7) Mắt nên giữ bất động tập trung vào một khoảng cách bằng bề rộng mười hai ngón tay ở phía trước đầu mũi, không nháy mắt.

27. Nước có tám phẩm tính (TT. chu yan-lag brgyad ldan): Nước mát, ngọt, thanh, dịu, trong, tinh khiết, và làm dạ dày khó chịu cũng không làm đau cổ họng.

28. Tám thức:

(1) Thức căn bản không có tính quyết định và vô định hình, đã bị vô minh che chướng, nhưng không có tính quyết định đối với thiện hạnh và ác hạnh.

(2-6) Thức liên kết với mỗi một trong năm giác quan.

(7) Ý thức hay nhận thức về các thức.

(8) Mạt na thức là thức bị ô nhiễm chủ yếu là bởi các phiền não (Phạn. klésas).

Sáu thức đầu không tích tập nghiệp, trong khi hai thức sau thì có.

29. Các kāya: Các phương diện khác nhau của Phật Quả. Ta nhận ra hai, ba, bốn, hay năm kāya.

Hai kāya: Dharmakāya (Pháp Thân), thân tuyệt đối; và Rūpakāya (Sắc thân), thân sắc tướng.

Ba kāya: Dharmakāya hay thân tuyệt đối; Sambhogakāya (Báo Thân), hay thân hỉ lạc thiêng liêng; và Nirmānakāya (Hóa Thân), hay thân hiển lộ. Các thân này tương ứng với tâm ngữ, và thân của một vị Phật Giác ngộ và được biểu lộ như năm trí tuệ.

Bốn kāya: Svabhāvikakāya, hay thân cốt tủy, được thêm vào cho ba kāya và tượng trưng cho tính bất khả phân của chúng.

Năm thân: đối với ba kāya, người ta thêm vào Avikāravajrakāya, “Thân Kim cương bất biến,” và Abhisambodhikāya, “Thân Toàn Giác.”

Ảnh: Đức Dilgo Khyentse Rinpoche

Đọc giả cần tham khảo thêm xin vui lòng theo link sau: https://thuvienhoasen.org/a8591/vien-ngoc-nhu-y-su-thuc-hanh-guru-yoga-theo-truyen-thong-longchen-nyingthig 

 

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết khác của tác giả

  1. ĐỪNG ĐỂ THAM LAM CỘT TRÓI BẠN.
  2. LÒNG SÙNG MỘ VỚI MỘT VỊ THẦY
  3. SỰ QUÁN TƯỞNG – NƠI CHỐN NHƯ MỘT CÕI PHẬT

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP